Tìm hiểu về khái niệm Chuyển giá |Phần 1|

2024/09/16

ThuếChuyểngiá ThuếTNDN


Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong bài viết này, công ty Kế toán AGS sẽ chia sẻ về chủ đề: "Tìm hiểu về khái niệm Chuyển giá"

I. Khái niệm của Chuyển giá và Giá chuyển nhượng 

1. Chuyển giá 

Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa hai hay nhiều công ty liên kết không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của nhóm công ty liên kết này.

2. Giá chuyển nhượng

Giá chuyển nhượng là giá nội bộ được dùng để trao đổi đầu vào nhân tố và sản phẩm giữa các chi nhánh hoặc bộ phận của một doanh nghiệp lớn. Nói một cách dễ hiểu là giá chuyển nhượng này chỉ dùng để mua bán, trao đổi, vay mượn giữa các công ty, doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết.

Giá chuyển nhượng phát sinh cho mục đích chuyển giá khi các bộ phận khác nhau của một hệ thống các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về lợi nhuận của chính họ. Khi các doanh nghiệp được yêu cầu giao dịch với nhau, giá chuyển nhượng được sử dụng để xác định chi phí. Giá chuyển nhượng thường không khác nhiều so với giá thị trường. Nếu giá cả khác nhau, thì một trong những thực thể gặp bất lợi và cuối cùng sẽ bắt đầu mua từ thị trường để có được mức giá tốt hơn.

Giá chuyển nhượng nội bộ cho phép DN có thêm quyền tùy nghi trong việc xác định giá sản phẩm, dịch vụ và có nguy cơ bị lợi dụng để thay đổi giá chuyển nhượng nhằm làm hại đối thủ cạnh tranh, ví dụ xác định giá để gây sức ép đối với doanh nghiệp là đối thủ không hợp tác. Các công ty đa quốc gia muốn tăng lợi nhuận của mình thường sử dụng giá chuyển nhượng nội bộ giữa các chi nhánh ở các nước khác nhau để chuyển phần lớn lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp.

Từ đó, phát sinh các quy định về giá chuyển nhượng đảm bảo sự công bằng và chính xác của giá chuyển nhượng giữa các thực thể liên quan hay các bên có quan hệ liên kết.

II. Mục đích của Chuyển giá

Nhìn chung, việc chuyển giá xuất phát từ mối quan hệ liên kết gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể có cùng lợi ích không làm thay đổi lợi ích toàn cục. Bên cạnh đó, việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại.

Nói tóm lại, doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển giá vì nhiều động cơ khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là để mang lại lợi ích cho tập đoàn. Một số động cơ cụ thể dẫn đến hành vi chuyển giá của doanh nghiệp có thể là:

  • Chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, thuế xuất nhập khẩu
  • Sự biến động về tiền tệ và lạm phát 
  • Chênh lệch tỉ giá hối đoái
  • Quy định của chính phủ các nước trong việc hạn chế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, hạn chế nhập khẩu
  • Duy trì vị trí cạnh tranh của doanh nghiệp liên kết…

III. Các hình thức Chuyển giá 

Hình thức chuyển là phương thức, cách thức thực hiện nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp. Có rất nhiều cách thực thực hiện nhưng mục tiêu chuyển giá là làm chuyển giá lãi và chuyển giá lỗ.

1. Tăng giá trị tài sản góp vốn

Khi các doanh nghiệp đầu tư, các nhà đầu tư góp vốn bằng tài sản như máy móc, thiết bị và nhất là công nghệ.

Đa số các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế về nguồn lực tài chính nên tham gia góp vốn chủ yếu, thường xuyên bằng Quyền sử dụng đất. Khi góp vốn bằng giá trị sử dụng đất thường bị đánh giá thấp, trong khi các loại máy móc thiết bị công nghệ do nhà đầu tư nước ngoài góp thường mang tính đặc thù, đã lạc hậu hoặc đã khấu hao hết (ở nước họ) nhưng do doanh nghiệp nội địa bị hạn chế về năng lực và trình độ thẩm định giá, thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu để so sánh, nên trong quá trình định giá, những máy móc thiết bị và công nghệ này thường bị đẩy cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó.

Mặt khác, cơ quan nhà nước xác định thuế trên cơ sở giá trị theo chứng từ hóa đơn (theo nguyên tắt giá gốc của kế toán) trong khi mà đối tác liên kết cung cấp nên giá trị máy móc thiết bị và tài sản cố định khác được nhập khẩu hoặc nhập vào vùng lãnh thổ khác trong cùng lãnh thổ của quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể được thỏa thuận định giá ở mức cao. Từ đó dẫn đến, chi phí khấu hao tài sản cố định loại này cũng cao hơn so với thông thường (nếu xác định theo giá thị trường)

2. Nâng khống giá trị của tài sản vô hình

Một trong những loại tài sản khó, không kiểm soát được giá trị thực của tài sản đó là tài sản vô hình. Ngoài việc nâng cao giá trị tài sản góp vốn còn tồn tài việc các doanh nghiệp góp vốn bằng: Phần mềm, bằng sáng chế, thương hiệu, công thức pha chế, …nhưng tài sản này góp vốn thường khó xác định đúng giá trị, dẫn đến việc giá trị tài sản được khống lên, tỷ lệ góp của nhà đầu tư tăng lên (thường là nhà đầu tư nước ngoài), qua đó tiếng nói, tầm ảnh hưởng của các nhà đầu tư này tăng lên.

3. Thông qua việc mua, bán nguyên vật liệu, thành phẩm

Hình thức thông qua việc mua, bán nguyên vật liệu, thành phần này khá đặc trưng. Nó làm giảm số thế phải nộp, thậm chí chuyển lãi thành lỗ trong rất nhiêu trường hợp. Hiện nay, có rất nhiều các công ty có quan hệ liên kết họ sẽ tìm, xây dựng một DN thứ 3 và thực hiện việc mua, bán này thông qua bên thứ ba này. Khi đó, cơ quan nhà nước, đối tác cũng khó có thể xác định được.

4. Nâng cao chi phí quản lý và hành chính

Việc nâng cao chi phí quản lý và chi phí hành chính này dẫn đến việc gia tăng chi phí của doanh nghiệp. Không thể phủ nhận việc áp dụng kiến thức, trình độ của nước ngoài là nâng cao hiểu quả lao động nhất là đối với Việt Nam hiện đang là đất nước đang phát triển.

Việc nâng cao chi phí quản lý và hành chính này thông qua:

  • Thuê người quản lý với mức lương, rất cao
  • Trả phí quản lý cho công ty mẹ;
  • Doanh nghiệp phái2 nhân viên qua nước ngoài để đào tạo, học tập với chi phí rất cao;
  • ...

5. Thay đổi giá bán giữa công ty liên kết

Chuyển giá bằng việc thay đổi giá bán giữa các công ty có quan hệ liên hết với nhau thông qua việc xác định giá bán có sự sai lệch, khác rất nhiều so với giá cả thị trường của các sản phẩm giống, cùng loại. Điều này thường sảy ra khi các công ty bán sản phẩm thấp hơn cho các công ty nước ngoài và mua vào với giá cao hơn ở các công ty nước này. Dẫn đến việc chi phí tăng lên, doanh thu giảm xuống, làm cho giảm lợi nhuận, thuế TNDN giảm xuống (có thể từ lãi chuyển thành lỗ). Chi phí quản lý và hành chính

6. Chi phí quảng cáo

Chi phí quảng cáo được nâng cao, đây là một hình thức mà khá nhiều các công ty áp dụng. Và đặc biệt là các Doanh nghiệp FDI áp dụng nhiều. Hiện nay, với quy đinh chi phí quảng cáo ở nước ta hiện nay đang còn khá lỏng lẻo, chưa đủ để thắt chắt và kiểm soát các nguồn chi phí này. Điều này dẫn đến phát sinh các giảm chi phí, thua lỗ ảo,….

7. Vay và cho vay

Việc các doanh nghiệp trong mối quan hệ liên kết thường phát sinh các khoản vay, cho vay giữa các doanh nghiệp với nhau. Hình thức này hiện nay khá phổ biển để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp.

IV. Tác động của Chuyển giá

1. Đối với doanh nghiệp

  • Bị phạt về thuế:

Việc chuyển giá có thể bị coi là hành vi trốn thuế hoặc gian lận thuế nếu vi phạm các quy định của pháp luật về chuyển giá. Cơ quan thuế có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp báo cáo chuyển giá, kiểm tra và điều chỉnh giá giao dịch nội bộ dể tính toán lại thuế phải nộp. 

  • Bị thanh tra thuế:

Việc chuyển giá có thể làm tăng nguy cơ bị thanh tra thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động quốc tế và có nhiều gioa dịch nội bộ. Việc thanh tra thuế có thể gây ra nhiều phiền toái, chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của khách hàng. 

  • Mất uy tín, làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh. 

Việc chuyển giá có thể làm mất uy tín của doanh nghiệp trước dư luận, cơ quan chức năng và cá bên liên quan. Điều này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực như bị tẩy chay, bị kiện tụng, bị cắt đứt hợp đồng hoặc bị từ chối hợp tác. Hơn nữa, việc chuyển giá có thể làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh cảu doanh nghiệp, khiến cho các đơn vị không còn khuyến khích cải tiến, tiết kiệm chi phí hoặc tăng doanh số. 

2. Đối với nhà nước, thị trường

  • Thất thu về thuế:

Chuyển giá doanh nghiệp gây thất thu ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng thông qua việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế, chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Cụ thể, doanh nghiệp FDI thường đầu tư vào các quốc gia có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương đương với thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (thường được gọi là thiên đường thuế) để thu lợi nhuận từ chuyển giá. Tuy nhiên, khi các quốc gia khác có liên quan tăng cường biện pháp quản lý giá chuyển nhượng sẽ dẫn tới khủng hoảng kinh tế tại các thiên đường thuế này.

  • Khó khăn trong vấn đề thanh tra, kiểm tra và đánh giá doanh nghiệp: 

Hoạt động chuyển giá gây ra nhiều biến động xấu tới cơ cấu vốn, dòng chảy của các luồng vốn trong quốc gia tiếp nhận đầu tư, cụ thể: việc định giá cao các yếu tố đầu vào nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn của công ty mẹ khiến cho các luồng vốn chảy ngược ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư tới các quốc gia của công ty mẹ, phản ánh sai lệch kết quả hoạt động kinh doanh của nền kinh tế, gây thất thoát cho nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư.

  • Thị trường bị độc quyền:

Chiến lược chuyển giá có thể sử dụng bởi các công ty đa quốc gia đề bảo vệ vị trí độc quyền trong việc cung cấp hàng hóa. Điều này thường xảy ra trong trường hợp công ty con tại nước ngoài cần sự bảo trợ từ công ty mẹ. Vì thế, công ty mẹ có thể sử dụng cơ chế chuyển giá để đảm bảo tính độc quyền của công ty con trong việc cung cấp hàng hóa.

Tóm lại, chuyển giá, bằng một cách gián tiếp, tạo ra một thị trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp: do có lợi thế về nguồn vốn đầu tư dồi dào, các công ty đa quốc gia dễ dàng thôn tính các công ty trong nước thông qua chiêu thức quảng cáo và khuyến mại lớn dẫn tới lũng đoạn thị trường. Các công ty trong nước không đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh nên dần dần suy yếu và có thể phá sản, thay đổi ngành nghề, sản phẩm kinh doanh trong khi các công ty đa quốc gia dần thao túng thị trường trong nước, độc quyền kiểm soát giá cả. Hệ lụy tất yếu của cạnh tranh không lành mạnh thông qua chuyển giá lên nền kinh tế vĩ mô quốc gia tiếp nhận đầu tư là quá trình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, ngành sản xuất nội địa chậm phát triển, đặc biệt gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư dần phụ thuộc và bị chi phối bởi quốc gia khác.

Công ty Kế toán AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Mời bạn đọc theo dõi Phần 2 của bài viết để nắm thêm những quy định pháp lý về Chuyển giá. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội làm việc tại Công ty Kế toán AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ