Cục Thuế TPHCM đổi tên thành Chi cục Thuế khu vực II từ 12/3/2025

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về tin tức thay đổi tên chính thức của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết dành cho các kế toán viên đang phụ trách về phần thuế, người lao động và người sử dụng thông tin đang có nhu cầu cập nhật tin tức về thuế. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì đây là một tin tức quan trọng, liên quan đến vấn đề pháp lý, cần được đặc biệt lưu ý và quan tâm.
Bài viết có các từ viết tắt như sau: thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Quyết định đổi tên Cục Thuế TPHCM

Vào ngày 12/03/2025, Cục Thuế TPHCM vừa có thông báo gửi các doanh nghiệp trên địa bàn về việc thay đổi tên cơ quan. Theo thông báo này, Cục Thuế TPHCM được giao dịch với tên gọi mới là Chi cục Thuế Khu vực II.
Căn cứ Quyết định 904/QĐ-BTC ngày 03/03/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế;
Theo đó, Cục Thuế TPHCM trân trọng thông báo thay đổi tên cơ quan như sau:
  • Tên cũ: Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh
  • Tên mới: Chi cục Thuế khu vực II
  • Địa chỉ trụ sở làm việc: Số 63 Vũ Tông Phan, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh;
  • Thời gian có hiệu lực: kể từ ngày 12/3/2025. Các giao dịch hành chính, tài chính và văn bản gửi đến Cục Thuế TPHCM vui lòng sử dụng tên mới của cơ quan.
Như vậy, thông báo nêu rõ, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh được đổi thành Chi cục Thuế khu vực II, chính thức sử dụng tên mới kể từ ngày 12/3/2025; địa chỉ trụ sở đặt tại: số 63 đường Vũ Tông Phan, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Được biết, theo Quyết định số 381/QĐ-BTC ngày 26/2/2025 của Bộ Tài chính, mô hình cơ cấu tổ chức ngành Thuế Việt Nam được tổ chức theo mô hình 3 cấp với 12 đơn vị tại Trung ương và 20 chi cục thuế khu vực tại các địa phương, cụ thể là chuyển đổi từ tổng cục thành cục thuế, sắp xếp lại 63 cục thuế tỉnh, thành phố thành 20 chi cục thuế khu vực, 413 chi cục thuế thành 350 đội thuế quận, huyện, liên huyện.
Sau sắp xếp, mô hình tổ chức bộ máy mới đã giúp ngành Thuế giảm được 1.033 đầu mối, từ 4.141 đầu mối xuống còn 3.108 đầu mối, tương ứng giảm 24,95%.
Đồng thời, Chi cục Thuế Khu vực II công bố sẽ tạm dừng một số chức năng thuế để hoàn tất công tác bàn giao dữ liệu, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn.
Ho Chi Minh City Tax Department changed its name to Regional Tax Department II
Nhằm triển khai sắp xếp nhân sự, bộ máy của Chi cục Thuế khu vực II (trước khi sắp xếp là Cục Thuế TPHCM), Chi cục Thuế khu vực II sẽ tạm dừng chức năng nộp thuế điện tử trên eTax, tạm dừng việc xử lý và trả kết quả hồ sơ điện tử được tiếp nhận từ 17h00 ngày 12/3/2025 đến 8h00 ngày 17/3/2025.
Việc tạm dừng một số chức năng thuế nhằm phục vụ cho công tác bàn giao dữ liệu và vận hành hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng hoạt động theo mô hình tổ chức bộ máy được sắp xếp, tinh gọn.
Trong thời gian tổ chức bàn giao dữ liệu, người nộp thuế vẫn có thể gửi hồ sơ đề nghị giải quyết các thủ tục hành chính qua hệ thống thuế điện tử, qua đường bưu chính hoặc trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế. Các bộ phận, công chức thuế vẫn tiếp tục hỗ trợ, xử lý và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính của người nộp thuế qua phương thức thủ công.

2. Biên chế công chức của Chi cục Thuế khu vực

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Quyết định 904/QĐ-BTC năm 2025 quy định như sau:
Điều 3. Cơ cấu tổ chức

2.1 Chi cục Thuế khu vực được tổ chức các đơn vị sau:

a) Các phòng tham mưu thuộc Chi cục Thuế khu vực:
  • Văn phòng;
  • Phòng Tổ chức cán bộ;
  • Phòng Nghiệp vụ, dự toán, pháp chế;
  • Phòng Thuế cá nhân, hộ kinh doanh và thu khác;
  • Phòng Quản trị dữ liệu và quản lý rủi ro;
  • Phòng Quản lý các khoản thu từ đất (nếu có);
  • Phòng Quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp;
  • Phòng Thanh tra, kiểm tra.

  • b) Đội Thuế cấp huyện.
    Đội Thuế cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được cấp mã cơ quan quản lý thu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
    Số lượng phòng tham mưu, Đội Thuế cấp huyện của từng Chi cục Thuế khu vực được quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.2. Biên chế công chức của Chi cục Thuế khu vực do Cục trưởng Cục Thuế quyết định trong tổng biên chế được giao.

    2.2 Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm:

    a) Bố trí phòng tham mưu, Đội Thuế cấp huyện thuộc các Chi cục Thuế khu vực bảo đảm theo số lượng quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này;
    b) Quyết định tên gọi, trụ sở, địa bàn quản lý của các Đội Thuế cấp huyện;
    c) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Chi cục Thuế khu vực.

    Như vậy, biên chế công chức của Chi cục Thuế khu vực do Cục trưởng Cục Thuế quyết định trong tổng biên chế được giao.

    3. Nhiệm vụ và quyền hạn Chi cục Thuế khu vực

    Nhiệm vụ và quyền hạn Chi cục Thuế khu vực theo Điều 2 Quyết định 904/QĐ-BTC ngày 03/03/2025 bao gồm:
    • Tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế, các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; quy trình nghiệp vụ quản lý thuế do Bộ Tài chính, Cục Thuế ban hành; tổng kết, đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, chính sách quản lý thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch cải cách quản lý thuế.
    • Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý của Chi cục Thuế khu vực: đăng ký thuế, khai thuế, tính thuế, thông báo thuế, nộp thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế, miễn thuế, giảm thuế; quản lý nghĩa vụ người nộp thuế; đăng ký, sử dụng và tiếp nhận dữ liệu hóa đơn, chứng từ, cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; quản lý nợ thuế; gia hạn nộp thuế; khoanh tiền thuế nợ; xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp; nộp dần tiền thuế nợ; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp và cưỡng chế thu tiền thuế nợ; thanh tra, kiểm tra thuế (sau đây gọi chung là nghiệp vụ quản lý thuế) và các nghiệp vụ khác có liên quan đến quản lý nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
    • Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các Đội Thuế cấp huyện trong thực hiện quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và các nghiệp vụ khác có liên quan đến quản lý nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
    • Tổ chức thực hiện công tác lập dự toán, triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách nước. Phân tích, đánh giá, dự báo thu ngân sách nhà nước, tham mưu cho Cục trưởng Cục Thuế, cấp ủy, chính quyền địa phương về lập dự toán thu ngân sách nhà nước, về công tác quản lý thuế trên địa bàn; triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.
    • Hướng dẫn, giải thích chính sách thuế, chính sách quản lý thuế; tổ chức hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục hành chính về thuế và thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; tổng hợp khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế và kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật.
    • Tổ chức thực hiện các quy trình, nghiệp vụ về công tác phân tích, dự báo, lập, thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước; công tác thống kê, kế toán, lập báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước và báo cáo tài chính nhà nước đối với nguồn thu được phân công quản lý theo quy định; xây dựng, tổng hợp báo cáo tình hình thu và quản lý thu theo chế độ quy định.
    • Được yêu cầu người nộp thuế, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc quản lý thuế; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện trách nhiệm trong việc phối hợp với cơ quan thuế để thu thuế vào ngân sách nhà nước.
    • Được ấn định thuế, thực hiện các biện pháp quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế.
    • Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật; quản lý, bí mật thông tin của người nộp thuế; xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật.
    • Giám định để xác định số thuế phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    • Thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật.
    • Trực tiếp thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuế theo kế hoạch và chuyên đề, đột xuất trong phạm vi quản lý.
    • Giải quyết khiếu nại về thuế của người nộp thuế thuộc địa bàn quản lý, giải quyết tố cáo về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
    • Hướng dẫn, chỉ đạo việc triển khai, thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành thuế, ấn định thuế theo phân công.
    • Chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết tố cáo về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
    • Tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý tuân thủ, quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế.
    • Quản lý, bảo mật thông tin của người nộp thuế; xử lý, cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu về thuế, hóa đơn điện tử và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan; tiếp nhận, cài đặt và hỗ trợ sử dụng các phần mềm ứng dụng, trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế, quản lý nội ngành thuộc phạm vi quản lý.
    • Quản lý, sử dụng công chức, người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và Cục Thuế.
    • Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, ấn chỉ và các dự án đầu tư phát triển được giao theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện cơ chế quản lý tài chính theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
    • Hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện và kiểm tra, giám sát các đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong việc tổ chức triển khai công tác kiểm tra nội bộ; giải quyết khiếu nại; giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ của các tổ chức, đơn vị và cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
    • Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do cấp có thẩm quyền giao.
    Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

    Thông tin khác

    Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

    Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cuc-thue-tphcm-chinh-thuc-doi-ten-thanh-chi-cuc-thue-khu-vuc-ii-d56778.html https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/chinh-sach-moi/80687/thong-bao-thay-doi-ten-cuc-thue-tphcm-thanh-chi-cuc-thue-khu-vuc-ii-tu-ngay-12-3-2025 https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/83A6731-hd-chinh-thuc-cuc-thue-tp-ho-chi-minh-doi-ten-thanh-chi-cuc-thue-khu-vuc-2-tu-1232025.html
    Next Post Previous Post