Ngày 11/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định về mức
lương tối thiểu vùng mới đối với NLĐ làm việc ở DN, HTX, tổ hợp tác, trang
trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có thuê mướn lao động.
Nghị định 103/2014/NĐ-CP có những điểm thay đổi nổi bật sau:
1. Tăng mức lương tối thiểu vùng
Lương tối thiểu vùng tăng thêm từ 250.000 – 400.000 đồng/tháng, cụ thể như
sau:
- Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng);
- Vùng II: 2.750.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng);
- Vùng III: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng);
- Vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
2. Thay đổi về phạm vi điều chỉnh
Bổ sung thêm cụm
“theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động” vào Phạm
vi điều chỉnh của Nghị định, cụ thể như sau:
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao
động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia
đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng
lao động theo quy định của Bộ luật Lao động
3. Quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng
Kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không đăng ký lại
hoặc chưa chuyển đổi theo quy định tại
Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều 170 của Luật Doanh nghiệp cũng thuộc đối
tượng điều chỉnh tại Nghị định này.
4. Bổ sung nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng
Nghị định 103 dành riêng một điều mới quy định về Nguyên tắc áp dụng mức lương
tối thiểu vùng, cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
- Doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn liền nhau có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
- Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại Khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(Điều 4)
5. Quy định rõ trường hợp Người lao động đã qua học nghề
Người lao động đã qua học nghề, bao gồm:
- Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học nghề theo quy định tại Nghị định 90/CP ngày 24/11/1993.
- Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998, Luật Giáo dục năm 2005 và chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định tại Luật Việc làm;
- Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ nghề của cơ sở đào tạo nước ngoài;
- Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
Những đối tượng nêu trên phải được trả lương
ít nhất cao hơn 7% mức lương tối thiểu vùng.
(Khoản 2 điều 5)
6. Bảo đảm quyền lợi của Người lao động
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh
nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao
động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động
nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề
nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện
theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong
quy chế của doanh nghiệp.
(Khoản 4 điều 5)
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và thay thế Nghị định
182/2013/NĐ-CP.
Xem Nghị định 103/2014/NĐ-CP: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-103-2014-ND-CP-muc-luong-toi-thieu-vung-nguoi-lao-dong-lam-viec-doanh-nghiep-hop-tac-xa-to-hop-tac-257090.aspx