BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1801/TCT-TNCN | Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2018 |
Kính gửi: Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF)
Theo tinh thần tại Hội nghị đối thoại với Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) về chính sách thuế và hải quan ngày 27/3/2018, về các nội dung liên quan đến kiến nghị về chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại hội nghị (theo phụ lục 2 kiến nghị của VBF kèm theo), Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân hướng dẫn:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
…
đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
…
đ.7) Các khoản lợi ích khác.
Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...”
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp người sử dụng lao động chi cho người lao động tiền thuê các dịch vụ tư vấn hoặc chi phí làm thẻ tạm trú, visa cho người lao động nước ngoài thì khoản thu nhập này là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
2. Về khoản học phí miễn thuế cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài.
Tại Khoản g.7, Điểm 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính nêu trên hướng dẫn:
“g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:
…
g.7) Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.”
Do đó, để khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động, trong quá trình sửa đổi văn bản về thuế TNCN, Bộ Tài chính đã bổ sung khoản g.7, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính: không tính vào thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.
3. Về sự chưa thống nhất giữa quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC và Thông tư số 96/2015/TT-BTC về danh sách các khoản phúc lợi so sánh với 01 tháng lương bình quân.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau: do đặc thù mỗi loại thuế nên có một số quy định khác nhau giữa thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, về phúc lợi được hưởng thuế TNCN đã quy định, như:
- Đối với khoản tiền chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động:
Tại đ.6, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn: “Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động”
- Đối với trường hợp người lao động gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo:
Tại Điều 5 Luật thuế Thu nhập cá nhân, Điều 5 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
- Đối với khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động:
Tại Điểm g.1, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau: “g.1) Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.”
Để phù hợp với thực tế và xu thế phát triển thế giới, trong lộ trình sửa đổi bổ sung các Luật Thuế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi thêm các nội dung khác.
4. Về chi phí vé máy bay, đi lại ăn ở tại Việt Nam của nhân viên nhà thầu nước ngoài.
Về vấn đề này, đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo công văn số 594/TCT-TNCN ngày 12/02/2015 của Tổng cục Thuế và công văn số 4345/TCT-TNCN ngày 20/9/2016 của Tổng cục Thuế.
Tại Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam...”
Tại khoản 1, Điều 18 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (x) với thuế suất 20%....”
Do đó, Luật Thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về cá nhân cư trú và không cư trú. Trường hợp là cá nhân không cư trú thì tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 20% trên thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi nhận và nhận thu nhập.
6. Về khoản đóng góp của người lao động vào quỹ phòng chống thiên tai và khoản đóng công đoàn của người lao động
Tại Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.”
Do đó, về vấn đề này, Tổng cục Thuế ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu.
Tổng cục Thuế thông báo để các doanh nghiệp thuộc Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam được biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Thue-Phi-Le-Phi/Cong-van-1801-TCT-TNCN-2018-chinh-sach-thue-thu-nhap-ca-nhan-382992.aspx |