Làm sao để tư duy phản biện tốt hơn

2021/01/24

Kỹnăng_Cánhân

Tư duy phản biện là kỹ năng được đánh giá cao trong tất cả các ngành nghề. Nó còn ảnh hưởng đến tính cách, năng lực của mỗi người trong cuộc sống. Những cá nhân có khả năng tư duy phản biện tốt thường được đánh giá cao trong tập thể.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Có tư duy phản biện tốt, bạn sẽ tránh được tình trạng lối mòn tư duy, ảnh hưởng lệch lạc từ những thông tin sai lệnh,...

Vậy làm sao để có thể phát triển và cải thiện tư duy phản biện? Hãy cùng tham khảo những phương pháp sau nhé!

1. Góc nhìn khách quan


Tư duy phản biện ảnh hưởng rất nhiều từ góc nhìn của bạn. Để có thể cải thiện tư duy phản biện, bạn cần điều chỉnh góc nhìn cá nhân trong mọi vấn đề trở nên khách quan hơn.

Trong cách nhìn nhận và đánh giá mọi chuyện, nếu bạn đặt nặng quan điểm chủ quan, giải quyết các vấn đề theo cảm tính của bạn sẽ khiến bạn khó phát triển tốt tư duy phản biện. Thay vào đó, quan điểm khách quan sẽ giúp bạn có góc nhìn toàn diện, lối suy nghĩ sẽ mở theo nhiều hướng, đánh giá sẽ có logic và chính xác hơn. Ngoài ra, bạn cần đặt mình vào vị trí của người khác để có góc nhìn toàn diện. Bạn có thể mở rộng góc nhìn thông qua thói quen đọc sách, cách tiếp nhận vấn đề, quan điểm của mọi người.

2. Lật ngược vấn đề


Lắng nghe một câu chuyện hay cần giải quyết một vấn đề, điều bạn cần không chỉ là nhìn ở góc độ khách quan, mà bạn hãy thử lật ngược vấn đề, câu chuyện mà bạn đã tiếp nhận. Nếu bạn cảm thấy bế tắc trong lúc tìm câu trả lời cho mình, hãy thử suy nghĩ nếu sự việc A xảy ra, dẫn đến sự việc B, vậy nếu sự việc B có trước thì có dẫn đến sự việc A không?

Phương pháp này không chỉ có tác dụng giúp bạn có góc nhìn mới về sự việc, mà còn tìm kiếm ra hướng giải quyết mới và chính xác, hạn chế tình trạng lối mòn tư duy, nhờ vào quá trình xem xét các trường hợp khi lật ngược vấn đề và sử dụng phương pháp loại trừ trong quá trình tư duy.

3. Kiến thức


Bạn không thể trở thành người có tư duy phản biện tốt nếu kiến thức của bạn không đủ rộng để làm cơ sở cho quá trình tư duy. Thiếu kiến thức sẽ khiến cho bạn đưa ra các lập luận theo cảm tính, thiếu tính chính xác và logic. Chính vì vậy, để có thể đánh giá và đưa ra các lập luận thuyết phục và đáng tin cậy, bạn cần tích cực trau dồi và làm giàu kiến thức cho mình. Nền tảng kiến thức cần ở mức tổng quát và vừa đủ để quá trình tư duy phản biện có thể chắc chắn hơn.

4. Đặt câu hỏi


Không thể phủ nhận một trong những phương pháp tốt cho việc phát triển tư duy phản biện chính là trau dồi kỹ năng đặt câu hỏi cho các sự việc, vấn đề xảy ra xung quanh bạn.

Đặt các câu hỏi trong vấn đề của bạn sẽ giúp bạn nhạy bén hơn với giai đoạn chọn lọc nguồn thông tin đáng tin cậy và cần thiết quá trình đưa ra lập luận. Ở mọi khía cạnh vấn đề, bạn có thể lần lượt đặt câu hỏi theo 5W1H:
  • Ai là nhân vật liên quan?
  • Cái gì đang xảy ra?
  • Xảy ra ở đâu? Thời gian nào?
  • Vì sao nó xảy ra?
  • Và xảy ra như thế nào?
Cách bạn tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó sẽ giúp trí não của bạn luyện tập phản xạ phản biện, nâng cao khả năng phản biện. Ngoài câu hỏi theo 5W1H, bạn cũng cần đưa ra những câu hỏi giả định trong các vấn đề liên quan của sự việc. Những câu hỏi giả định có thể cho bạn thấy những điều hoàn toàn mới, hướng diễn biến sự việc mới mà bạn chưa từng nghĩ đến. Từ đó, sáng tạo ra cách giải quyết hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đặt ra giả định và kiểm tra chúng cũng giúp bạn có thể "nhìn xa trông rộng", mở rộng phạm vi kiểm soát và phân tích kỹ những khía cạnh cần phân tích của sự việc.

5. Xem xét và tổng hợp


Xem xét và tổng hợp các dữ liệu là một giai đoạn quan trọng và cần thiết trong cải thiện khả năng phản biện. Việc bạn tiếp nhận quá nhiều thông tin, ý kiến nhưng không có sự chọn lọc sẽ khiến cho bạn dễ đưa ra những lập luận sai trong quá trình tư duy.

Đưa ra lập luận thuyết phục không thể thiếu những dẫn chứng thực tế, sự phân tích đa chiều, sâu sắc ở mọi khía cạnh. Vì vậy, với mỗi thông tin bạn tiếp nhận, bạn cần tự mình kiểm tra, tư duy và đánh giá. Đưa ra những ý kiến phản biện sau quá trình tư duy sẽ giúp bạn thoát ra khỏi sự thụ động, trí não cũng trở nên nhanh nhạy hơn. Trước mọi lập luận của bạn, bạn nên hiểu rõ chúng. Vì sao bạn lại đưa ra ý kiến đó, lập luận nào đủ cơ sở nhất cho bạn trong thời điểm đó? Tất cả những câu hỏi đó bạn cần nắm rõ và có câu trả lời cho chúng.

Để có thể cải thiện tốt tư duy phản biện, bạn cần thường xuyên luyện tập những phương pháp trên để tạo thói quen và phản xạ cho trí não. Từ đó, quá trình tư duy sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.

Nguồn: https://lighthuman.vn/lam-sao-de-tu-duy-phan-bien-tot-hon

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ