Điểm khác biệt giữa Talent Acquisition và Recruitment

2022/01/24

PhỏngVấn-CV

Talent Acquisition và Recruitment là 2 thuật ngữ được sử dụng nhiều trong ngành Nhân sự. Vì có nhiều điểm chung nên cả hai quá trình này thường bị nhầm lẫn với nhau. Vậy Talent Acquisition có gì khác với Recruitment?



1. Talent Acquisition là gì?

Talent Acquisition (TA) được hiểu là quá trình thu hút nhân tài, tìm kiếm, tạo dựng mối quan hệ với những ứng viên tiềm năng, phù hợp với yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp. TA bao gồm cả dự đoán nhu cầu tuyển dụng tương lai, đào tạo người có năng lực trở thành người phù hợp cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. 

2. TA và Recruitment sẽ khác nhau ở đâu?

  • Điều đầu tiên phải kể đến đó là mặt thời gian: TA mang tính chiến lược, phát triển theo thời gian lâu dài, còn Recruiter sẽ cố gắng tìm ứng viên càng sớm càng tốt để đáp ứng vị trí đang trống của doanh nghiệp.
  • Tiếp đến, điểm khác biệt thứ 2 giữa hai quá trình này chính là chiến lược tuyển dụng: 
    • Đối với tuyển dụng truyền thống Recruitment, quá trình tuyển dụng ngắn hạn này bao gồm các bước: HR đăng bài tuyển dụng, nhận hồ sơ từ ứng viên và sàng lọc, sau đó sẽ phỏng vấn ứng viên và nhận ứng viên phù hợp vào làm việc.
    • Còn TA sẽ có thời gian chuẩn bị kế hoạch trước và sau khi tuyển dụng nhằm tìm kiếm và đào tạo nhân tài, chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nó không chỉ là việc tìm được một nhân sự phù hợp cho vị trí hiện tại, mà còn là một quá trình thu hút, tìm kiếm ứng viên tiềm năng từ định vị thương hiệu tuyển dụng của mình, sàng lọc, tuyển lựa nhân sự và tiếp tục theo dõi các ứng viên không được lựa chọn để có thể tuyển dụng họ vào một vị trí trong tương lai. Nói cách khác, TA không chỉ đơn thuần là “lấp chỗ trống” mà còn trợ giúp doanh nghiệp chuẩn bị được nguồn nhân lực tài năng, phù hợp.
  • Điểm khác biệt tiếp theo chính là tiêu chí khi lựa chọn ứng viên: Vì tính chất cần tuyển người nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu công việc của vị trí đang tuyển nên các Recruiter sẽ dựa vào kinh nghiệm làm việc, kỹ năng chuyên môn để đánh giá ứng viên. Còn với TA, các tiêu chí lựa chọn sẽ không hoàn toàn dựa vào thông tin thể hiện trên CV. Với người làm TA, họ sẽ đánh giá tiềm năng, năng lực của ứng viên và xu hướng của ứng viên đó. 
Ví dụ: Một ứng viên vừa ra trường ứng tuyển vào vị trí kế toán, nhưng lại không phù hợp với yêu cầu hiện tại của doanh nghiệp vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng ứng viên đó lại nổi bật về một kỹ năng chuyên môn. Đối với Recruiter, họ sẽ thường từ chối vì không phù hợp và không lưu giữ hồ sơ hay liên lạc. Tuy nhiên, TA sẽ tiếp tục theo dõi và tiếp cận ứng viên này để tuyển dụng trong tương lai, bởi vì họ nhìn thấy tiềm năng ở ứng viên, ứng viên có thể trở thành một người giỏi sau khi đã có một vài năm đi làm thực tế.
  • Và một điểm cơ bản mà Recruitment khác so với TA đó chính là Recruiting là một hoạt động nằm trong chiến lược của Talent Acquisition với các công việc của quá trình tuyển dụng: tiếp nhận hồ sơ, sàng lọc và nhận những ứng viên phù hợp. Chiến lược TA gần giống với chiến lược marketing và PR. Nó tập trung vào phát triển thương hiệu tuyển dụng; giúp doanh nghiệp được nhiều người biết đến và tự động thu hút nhân tài đầu quân.
Tùy vào tình hình thực tế tại các doanh nghiệp. các HR lựa chọn Recruitment hay Talent Acquisition. Song, người làm lĩnh vực Nhân sự cũng cần học cách phân tích và dự đoán xu hướng để có thể tìm kiếm nhân sự giỏi và phù hợp với doanh nghiệp.
Nguồn: https://lighthuman.vn/diem-khac-biet-giua-talent-acquisition-va-recruitment

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ