Vào thời xa xưa, khi Nhật Bản còn là một điều bí ẩn với thế giới, thì nơi đây đã xây dựng và kiến tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống với đầy sự tinh tế, phức tạp, trong đó hai đại diện nổi bật nhất là Geisha (những người phụ nữ chuyên biểu diễn nghệ thuật trong văn hóa truyền thống Nhật Bản, là những nghệ sĩ mang khuôn mặt trắng như tuyết, đôi môi đỏ và búi tóc cao) và Bushido (Võ sĩ đạo).
1. Geisha là ai?
Trong từ geisha, từ Gei (芸) có nghĩa là "nghệ thuật" và sha (者) có nghĩa là "người". Tuy nhiên, khi đặt trong ngữ cảnh tiếng Nhật, thì từ “Gei” chỉ được dùng để chỉ mỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn như điêu khắc, hội họa, thư pháp, âm nhạc cổ điển… Và cụ thể, Geisha sẽ là những người chuyên mua vui cho khách hàng bằng những màn trình diễn ca hát, nhảy múa.2. Nguồn gốc lịch sử của Geisha
Không giống như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản có một góc nhìn hoàn toàn khác về ngành công nghiệp tình dục. Dưới thời mạc phủ Tokugawa, vào khoảng năm 1618, chính phủ đã thành lập các khu Yoshiwara, các khu mại dâm được cấp phép nhằm tập trung các băng nhóm mại dâm rải rác. Và chính tại những “khu vui chơi” này, những Geisha đầu tiên đã ra đời.Đến năm 1629, chính phủ Tokugawa đã có một loạt luật cấm các hoạt động mại dâm không có giấy phép tồn tại bên ngoài khu vui chơi Yoshiwara. Những người lén lút hoạt động bên ngoài khu vực sẽ bị gắn nhãn là gái mại dâm và bị chính phủ Tokugawa ra lệnh cấm. Mặt khác, những người được đưa vào khu vui chơi Yoshiwara bắt đầu được gọi là Yoshiwara Geisha và được cấp phép hoạt động.
Vào giữa thế kỷ XVIII, Geisha được hợp pháp hóa như một ngành nghề, không được xem là một hình thức mại dâm. Các hình thức nghệ thuật của Geisha cũng dần trở nên phong phú, không chỉ có ca múa mà còn nhiều loại hình nghệ thuật khác như trà đạo, ngâm thơ, kể chuyện… Nghề Geisha ngày một phát triển, nhiều gia đình có truyền thống văn hóa cao sẽ cảm thấy tự hào khi con em mình được gia nhập thế giới Geisha.Là một nghệ nhân được đào tạo qua nhiều năm và sở hữu nhiều tài năng như cầm, kỳ, thi, họa, các Geisha có thể được xem là những người mang trong mình sứ mệnh kết nối nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản đến với mọi người thông qua trò chuyện, hầu rượu, đàn, hát, múa… Mặt khác, nguồn thu nhập của những Geisha tăng khi có những vị khách sẵn sàng chi trả một lượng tiền lớn để được hưởng cảm giác cung phụng và giải tỏa tinh thần cũng được cho là góp phần không nhỏ vào thu nhập thuế hằng năm.
3. Geisha ngày nay
Tuy nhiên, đến giai đoạn trong và sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, khiến nhiều Geisha bị mất việc. Họ phải làm việc trong các nhà máy, làm công việc văn thư rẻ mạt hay thậm chí là làm việc tại các trang trại.Và ngày nay, giữa một Nhật Bản xa hoa với ánh đèn sáng lấp lánh, những tòa nhà chọc trời hay những thanh niên trẻ trong những bộ trang phục hiện đại, thì một nền văn hóa truyền thống và mang tính xưa cũ như Geisha dần trở nên lạc lõng và nhỏ bé. Những nơi từng được xem là quê hương của Geisha vào 20 năm trước đã biến mất. Geisha chỉ còn tồn tại ở những khu vực nhất định, điển hình có thể kể đến là Kyoto (với hai khu nổi tiếng nhất là Gion và Pontocho). Và nếu như vậy, không sớm thì muộn, Geisha sẽ bị chôn vùi theo dòng chảy của lịch sử và biến mất hoàn toàn ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Do đó, nỗ lực thực hiện các chiến lược nhằm cứu lấy nét văn hóa độc đáo này được xem là một việc làm hết sức cần thiết ngay tại thời điểm này.Nguồn: Tổng hợp