Phân biệt Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp với Giấy phép kinh doanh

2023/06/08

LuậtDoanhnghiệp


Trong thực tế, có không ít lần chúng ta nhầm lẫn giữa Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệpGiấy phép kinh doanh. Thậm chí, có nhiều lầm tưởng cho rằng, hai loại giấy tờ pháp lý đó là một. Vậy thế nào là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thế nào là Giấy phép kinh doanh? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những dấu hiệu phân biệt chúng với nhau được phân tích và đánh giá từ góc độ quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. 

   

                                      (A)                                                       (B)

  1. Căn cứ pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp 2020;

  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

  • Các văn bản pháp luật chuyên ngành khác quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh đối với từng loại ngành nghề. 

  1. Các tiêu chí phân biệt


STT

Các tiêu chí

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Giấy phép kinh doanh

1

Khái niệm

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký thành lập doanh nghiệp (Khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020)

Ví dụ: như hình (A) ở trên


Giấy phép kinh doanh là giấy cho phép các cá nhân, các tổ chức hoạt động kinh doanh. Có thể hiểu giấy phép kinh doanh là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện, loại giấy này thông thường được cấp sau Giấy đăng ký doanh nghiệp.

Ví dụ: như hình (B) ở trên


2

Ý nghĩa pháp lý

Là giấy chứng nhận của cơ quan hành chính công Nhà nước chứng nhận việc thành lập một tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp 

Là sự chứng nhận, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với chủ thể kinh doanh đủ điều kiện trong việc kinh doanh một số ngành nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật. 

3

Nội dung

Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020)  bao gồm:

- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;

- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.


Nội dung Giấy phép kinh doanh thường bao gồm:

-Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và người đại diện theo pháp luật;

- Nhóm hàng hóa, dịch vụ và sản phẩm mà doanh nghiệp dự định kinh doanh;

- Phạm vi các hoạt động kinh doanh;

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;

- Thời hạn của Giấy phép kinh doanh;

- Các nội dung liên quan khác.

Ví dụ: Nội dung giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô (Khoản 2 Điều 17 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô) bao gồm:

Tên và địa chỉ đơn vị kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) bao gồm: Số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp; Người đại diện theo pháp luật; Các hình thức kinh doanh; Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh.


4

Điều kiện cấp

Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây (Khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020)

- Ngành nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của pháp luật

- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

Tùy từng ngành nghề sẽ phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh khác nhau.

5

Hồ sơ thủ tục

Tùy từng loại hình doanh nghiệp sẽ có những loại giấy tờ phân biệt riêng. Quy định hồ sơ đối với từng loại hình được quy định tại Chương IV Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm: 

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

  • Điều lệ công ty;

  • Danh sách các thành viên 

  • Văn bản ủy quyền;

  • Bản sao các loại giấy tờ (căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc các chứng thức cá nhân hợp pháp khác, …)

- Thẩm quyền giải quyết: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

- Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ (Khoản 1 Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).  

- Chi phí: 50.000 VNĐ (Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Tùy từng ngành nghề, lĩnh vực có điều kiện mà hồ sơ chuẩn bị cho việc cấp giấy phép kinh doanh sẽ có sự khác biệt.

Ví dụ: Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (Khoản 1 Điều 18 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô):

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bao gồm:

- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu;

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;

- Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

5

Thời hạn

Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do nhà đầu tư quyết định, thường không ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thời hạn của Giấy phép kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép ghi vào giấy phép, thời hạn thường từ vài tháng đến vài năm.


Nội dung bài viết dưới đây chỉ chia sẻ một vài tiêu chí nổi bật giúp phân biệt giữa Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy phép kinh doanh. Hy vọng những thông tin này hữu ích với các bạn đọc. 


Chúc các bạn một ngày vui vẻ!

#TrangVũ 

#HAN 

#LuậtDoanhnghiệp


Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ