Những điều cần lưu ý sau khi thành lập văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Phần 2)

2019/07/03

LuậtThươngmại


1. Văn phòng đại diện có được nhận thanh toán hợp đồng qua tài khoản của mình không?

Căn cứ Điều 18 Luật thương mại 2005 và Điều 30 Nghị định 07/2016/NĐ-CP về các nội dung hoạt động Văn phòng đại diện có quy định Văn phòng đại diện chỉ được thực hiện các chức năng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh và không được thực hiện hoạt động sinh lời tại Việt Nam. 

Mặc khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Luật thương mại 2005 thì Văn phòng đại diện có quyền mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam nhưng chỉ được phép sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.

Như vậy, Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài không được thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, do đó, không phát sinh các nguồn thu hợp pháp từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để chuyển vào tài khoản thanh toán của Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài. 

Ngoài ra, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-NHNN được bổ sung bởi Điểm a Khoản 4 Điều 17 Thông tư 49/2018/TT-NHNN về việc sử dụng tài khoản ngoại tệ của người không cư trú là tổ chức trong đó bao gồm: “Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản đối với các trường hợp được thu ngoại tệ trong nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam”. Và tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 16/2014/TT-NHNN quy định các nội dung thu bằng đồng Việt Nam trên tài khoản Việt Nam của người không cư trú là tổ chức, trong đó bao gồm: “Thu chuyển khoản từ việc cung ứng hàng hóa, thu thập từ lương, phụ cấp, thu các loại phí và các nguồn thu hợp pháp khác bằng đồng Việt Nam”.

Từ những quy định trên có thể hiểu rằng, đối với việc sử dụng tài khoản ngoại tệ, theo quy định về hạn chế sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, các giao dịch thanh toán giữa người cư trú và người không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối (trừ một số trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước).

Thêm vào đó, Văn phòng đại diện như đã phân tích ở trên không có chức năng hoạt động kinh doanh sinh lời tại Việt Nam nên cũng không có nguồn thu nhập hợp pháp bằng hình thức này và do vậy, Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài cũng không được phép sử dụng tài khoản của mình để nhận tiền của các công ty Việt Nam thanh toán hợp đồng sự dù cho đó là theo sự chỉ định của Thương nhân nước ngoài.

2. Văn phòng đại diện có được cho mượn, cho thuê lại trụ sở không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì Văn phòng đại diện không được cho mượn, cho thuê lại trụ sở. 

Như vậy có thể kết luận, Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài không được cho mượn, cho thuê lại trụ sở căn cứ theo quy định nêu trên.

3. Văn phòng đại diện có được ký kết hợp đồng hay không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật thương mại 2005 thì Văn phòng đại diện không được phép giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc thực hiện các hoạt động trong các trường hợp sau:

  • Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.

  • Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  • Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.

Như vậy, nếu có hợp đồng ủy quyền của thương nhân nước ngoài thì người đứng đầu Văn phòng đại diện có thể thay mặt công ty ký kết hợp đồng với khách hàng hoặc các bên đối tác khác.

4. Văn phòng đại diện có bắt buộc phải có người phụ trách kế toán đối với văn phòng đại diện hay không?

Căn cứ theo quy định tại tiểu mục a, Mục 2 và tiểu mục b, Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch 13/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH thì văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không bắt buộc phải bố trí người làm kế toán trưởng nhưng phải cử người làm phụ trách kế toán tại Việt Nam. Như vậy, khi Văn phòng đại diện có thực hiện công việc kế toán, lập báo cáo tài chính, nếu không có kế toán trưởng thì phải có người làm phụ trách kế toán.

#Thảo Nguyễn

#INC

#HCM


Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ