Để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Nhà đầu tư có thể lựa chọn những hình thức đầu tư khác nhau trong đó thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay còn gọi là thành lập tổ chức kinh tế là một trong những hình thức đầu tư như vậy. Vậy khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần những điều kiện và lưu ý như nào, quy trình ra sao?
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Luật Đầu tư 2020 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 17 Điều 3 như sau: "Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông."
Như vậy, theo quy định này, ta có thể hiểu một cách cơ bản, doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bao gồm:
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
- Doanh nghiệp có cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư (góp vốn thành lập, mua vốn góp).
2. Quy trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Bước 1: Thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và thực hiện xin giấy giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án này (điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020).
Căn cứ theo Điều 36 Nghị định số 31/2021/NĐ – CP, hồ sơ sao gồm:
-
Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
-
Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
-
Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
-
Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
-
Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
-
Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
-
Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Điều kiện thực hiện thủ tục
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ thực hiện thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi dự án đáp ứng được các điều kiện sau:
-
Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
-
Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
-
Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020;
-
Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
-
Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 39 Luật Đầu tư 2020)
1. Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
-
Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
-
Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
-
Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Bước 2: Thực hiện thủ tục thành lập công ty
Tùy thuộc vào việc Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân hay tổ chức mà lựa chọn loại hình công ty phù hợp.
-
Nếu nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thì có thể lựa chọn loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần
-
Nếu nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, góp vốn cùng với cá nhân Việt Nam thì lựa chọn các loại hình sau: công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh.
Tùy thuộc vào mỗi loại hình mà hồ sơ đăng ký thành lập công ty sẽ khác nhau. Điều 21 – Điều 24 Nghị định 01/2020/NĐ – CP hướng dẫn chi tiết từng hồ sơ đối với mỗi loại hình công ty
Cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty làm thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở.
Lưu ý: Nếu Tổ chức kinh tế (bao gồm công ty có vốn đầu tư nước ngoài) thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 thì phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác. Cụ thể, các trường hợp đó bao gồm:
-
Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
-
Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
-
Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Nếu Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp trên thì thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác.
Căn cứ pháp lý:
-
Luật đầu tư 2020;
-
Luật doanh nghiệp 2020;
-
Nghị định 01/2020/NĐ – CP hướng dẫn chi tiết từng hồ sơ đối với mỗi loại hình công ty
-
Nghị định số 31/2021/NĐ – CP hướng dẫn Luật đầu tư
#INC #HAN #Hồng Anh