TRÁCH NHIỆM ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

2023/09/20

LuậtLaođộng

1. Các trách nhiệm chung của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề

Theo Điều 60 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Điều 60. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề
  • 1. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.
  • 2. Hằng năm, người sử dụng lao động thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Theo quy định trên, về cơ bản người sử dụng lao động có 02 trách nhiệm về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Thứ nhất, người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình
Người lao động bắt buộc phải có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Để đảm bảo cho các hoạt động này được diễn ra thường xuyên, liên tục trong các năm, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch hàng năm và dành kinh phí cho các hoạt động đào tạo này. Kế hoạch hàng năm về đào tạo của người sử dụng lao động có thể được xây dựng chung với các kế hoạch khác của người lao động hoặc được xây dựng riêng. Kinh phí cho đào tạo được người sử dụng lao động trích ra từ số tiền của mình, không thu từ người lao động.

Thứ hai, hằng năm, người sử dụng lao động thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Sau khi đã xây dựng kế hoạch hàng năm và trích kinh phí thì người sử dụng lao động phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề hàng năm. Để đảm bảo các hoạt động này chắc chắn được diễn ra, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thông báo kết quả này không chỉ có giá trị chứng minh người sử dụng lao động thực hiện được đầy đủ các hoạt động đào tạo cần thiết mà còn giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm rõ tình hình của người sử dụng lao động, người lao động, đánh giá đúng về chất lượng lao động, việc làm trên thị trường lao động, trong các doanh nghiệp và người sử dụng lao động khác.

Như vậy, các trách nhiệm chung của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề là cách trách nhiệm nhằm đảm bảo người sử dụng lao động thực hiện các hoạt đồng này đối với người lao động của mình. Do đó, có thể nói rằng Nhà nước chú trọng các hoạt động này và thúc đẩy hoạt động này vì sự phát triển của người lao động nói riêng và xã hội nói chung.

2. Các trách nhiệm của người sử dụng lao động khi tổ chức hoạt động học nghề, tập nghề

Hoạt động tổ chức học nghề, tập nghề là hoạt động mà người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo tại nơi làm việc hoặc để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Các hoạt động này khác với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của người sử dụng lao động dành cho người lao động của mình, có thể coi đây là hoạt động đào tạo trước quan hệ lao động. Người sử dụng lao động trong trường hợp này cũng có các trách nhiệm đối với người học nghề, tập nghề:
Theo Khoản 3 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019:
“Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.”
Theo quy định này, người sử dụng lao động được tuyển người học nghề, tập nghề nhưng phải đào tạo người học nghề, tập nghề từ kinh phí của mình mà không được thu học phí. Đồng thời, để đảm bảo các quyền lợi cho người học nghề, tập nghề, người sử dụng lao động phải tiến hành ký kết hợp đồng đào tạo với người học nghề, tập nghề.

Theo Khoản 5 Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019:
“Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.”
Người sử dụng lao động phải tiến hành trả lương cho người học nghề, tập nghề nếu những người này trực tiếp tham gia sản xuất, lao động và tạo ra sản phẩm thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương cho người tập nghề, học nghề nhưng có thể ở mức thỏa thuận giữa hai bên.
Theo Khoản 6 Bộ luật lao động năm 2019:
“Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.”
Theo quy định trên, người sử dụng lao động tổ chức học nghề, tập nghề phải ký kết hợp đồng lao động sau khi hợp đồng học nghề, tập nghề kết thúc, khác với hợp đồng thử việc (có thể tiếp tục ký kết hợp đồng lao động hoặc không dựa trên kết quả thử việc). Đó cũng là lý do người sử dụng lao động không được thu phí người học nghề, tập nghề.

Có thể nói hoạt động học nghề, tập nghề thực chất vẫn là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng người lao động của người sử dụng lao động nhưng ở giai đoạn tiền hợp đồng lao động. Người lao động không nhất thiết phải có kế hoạch hàng năm, xây dựng kinh phí hàng năm đối với hoạt động tổ chức học nghề, tập nghề như hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với người lao động đang làm việc nhưng vẫn phải tự mình chi trả các chi phí học nghề, tập nghề với mục tiêu đào tạo người lao động lên hàng đầu.
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng người lao động đang làm việc cho mình và người lao động đang học nghề, tập nghề để làm việc cho mình. Các trách nhiệm này được Bộ luật lao động quy định tương đối ngắn gọn, rõ ràng.
#agshcm #luatlaodong

CĂN CỨ PHÁP LÝ: Bộ luật Lao động 2019

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ