(Chia sẻ từ Cựu Giám đốc TOYOTA/ACCENTURE - Cố vấn chiến lược - Ông TAIHEI YAMAMOTO)
Với sự phổ cập của Internet, một thời gian dài đã trôi qua kể từ khi thời đại của chúng ta được gọi là “xã hội thông tin”. Khi cần đưa ra một đánh giá, phán đoán nào đó trong kinh doanh, nhiều người cho rằng phải càng có nhiều thông tin thì càng tốt.
Tuy nhiên, “số lượng thông tin đó phần lớn có thể là không có ý nghĩa”, Ông Ohira Yamamoto, hoạt động với tư cách nhà cố vấn chiến lược từng làm việc tại Tập đoàn Ô tô Toyota, TBS và Accenture, trả lời, khi tôi đặt câu hỏi cho Ông về việc thu thập và xử lý thông tin.
Nghiên cứu thị trường quy mô lớn không mang lại kết quả?
Cần phải chú ý khi thu thập và xử lý “thông tin” trong kinh doanh. Đặc biệt khi nói chuyện với khách hàng, chúng ta thường phải đối mặt với những tình huống được cho rằng càng có nhiều lượng thông tin thì càng tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chẳng có ý nghĩa gì khi có một lượng thông tin khổng lồ mà chúng hoàn toàn không có giá trị (Ông cười).
Trước đây tôi từng làm việc tại Accenture, một công ty tư vấn. Thời điểm đó, tôi nhận thấy có nhiều nhà cố vấn quản lý hoặc khách hàng chỉ muốn tiến hành nghiên cứu thị trường ở quy mô lớn.
Bạn có thể cảm giác có "thành tựu" khi làm điều đó, nhưng có được bao nhiêu trường hợp nghiên cứu quy mô lớn như vậy thật sự đem lại ảnh hưởng trên thế giới? Ít nhất thì tôi chưa từng thấy trường hợp nào.
Hơn nữa, cũng không hiếm khi nghiên cứu thị trường liên quan đến nghiên cứu người dùng vượt quá 10 triệu yên. Công ty nghiên cứu có lẽ sẽ tức giận vì số tiền đó, nhưng tôi nghĩ "Nó có thể sinh lời".
Bên yêu cầu nghiên cứu thị trường cũng muốn có “một sự chứng nhận nào đó”. Cả người cố vấn và đại diện khách hàng đều có khả năng lập luận logic khi đưa ra báo cáo dựa trên nghiên cứu thị trường quy mô lớn. Nhưng, hãy thử nghĩ sâu hơn. Như tôi đã trả lời trong cuộc phỏng vấn trước về [Cách sử dụng não bộ của “người có thể tạo ra ảnh hưởng vượt trội”?], luôn có những điểm nghi vấn mang tính logic: Mặc dù phần lớn là các thông tin không thể trực quan hóa, nhưng liệu có thể chỉ cần tin vào những thông tin thu thập từ các cuộc điều tra khảo sát là được? Có phần thông tin nào đang bị sót không?.
Chính vì thế, Công ty chúng tôi thường nói với khách hàng của mình rằng hãy sử dụng các thông tin từ những cuộc nghiên cứu thị trường nghe có vẻ ngầu và hấp dẫn đó ở mức tham khảo để xây dựng chiến lược và chiến thuật. Đối với dữ liệu cũng thế, càng có nhiều kinh nghiệm với vị trí là một nhà khoa học dữ liệu, tôi càng có thể phân định rõ ràng ranh giới giữa những gì có thể nói và những gì không thể nói về mặt dữ liệu (Ông cười nói).
Dữ liệu nghiên cứu thị trường hàm chứa thiên kiến nhận thức
Thêm vào đó, trong nghiên cứu thị trường, đối với từng cách đặt câu hỏi có thể tạo ra thiên kiến nhận thức và ảnh hưởng đến câu trả lời. Nếu được cho xem một bức ảnh chụp của chú mèo con và được hỏi: "Con mèo có dễ thương không?" thì chẳng phải đa phần mọi người đều sẽ trả lời: "Chúng thật dễ thương" đó sao.
Cụ thể hơn, sau khi thu thập dữ liệu từ nghiên cứu thị trường, đến giai đoạn phân tích vẫn sẽ có thiên kiến nhận thức. Trong vô thức, chúng ta sẽ có cảm xúc "muốn kết quả diễn ra theo cách này", và nó khiến ta tiến hành phân tích theo hướng hợp lý hóa cho cảm xúc của mình, trong số đó có cả những người phân tích dữ liệu không chỉ vô thức mà còn tùy ý nữa cơ.
Mặt khác, trong bối cảnh kinh doanh, tôi cũng chưa từng thấy người nhận báo cáo phân tích thị trường nào quan tâm đến bước kiểm tra tính logic trong phân tích rồi xác nhận và đặt câu hỏi một cách cặn kẽ. Tóm lại, người nhận được báo cáo phân tích thị trường, người cũng không có mấy thời gian, sẽ mặc nhiên xem đó là kết quả cuối cùng.
Ngay cả khi phương pháp dùng để phân tích dữ liệu không chính xác đi nữa thì nó vẫn sẽ được thông qua. Tôi đã chứng kiến tình trạng như thế không biết bao nhiêu lần. Điều đáng sợ nữa là, những thông tin đó được coi như đúng đắn, và họ thêm vào một chút lý luận rồi thiết lập chính sách quản lý hoặc phương hướng kinh doanh mới. Hành động này cũng giống như xây một tòa nhà trên vũng đầm lầy, một tòa nhà cực kỳ sang trọng và xa hoa đã được hoàn thành, nhưng sau đó dần bị nghiêng rồi sụp đổ, cảnh tượng này chẳng phải là chuyện xảy ra hàng ngày đó sao.
Galileo – những điểm cần lưu ý về thu thập và xử lý thông tin
Vì vậy, nếu có thời gian và tiền bạc để tiến hành nghiên cứu thị trường quy mô lớn, thì tôi nghĩ sẽ có hiệu quả nhiều hơn khi chúng ta đến lắng nghe để học hỏi từ những người ưu tú nhất đang thật sự tạo ra kết quả trong từng lĩnh vực khác nhau của họ.
Hơn nữa, những người tiếp tục tạo ra kết quả lần 2, lần 3 thì lại càng tốt hơn. Nếu mới chỉ đạt được kết quả 1 lần, đó cũng có thể là may mắn. Nhưng có thể đem lại kết quả hết lần này tới lần khác trong lĩnh vực của mình, thì họ chắc chắn biết một điều gì đó như bí quyết chẳng hạn, kể cả khi họ không thể diễn đạt bí quyết đó thành lời. Bằng trực giác, như tôi đã trả lời trong bài phỏng vấn trước.
Ví dụ thẳng thắn cho dễ hiểu thì, trong môn bóng chày, nếu bạn muốn thực hiện được nhiều cú home run, hãy đến và lắng nghe chia sẻ từ Ông Hiromitsu Ochiai. Không chỉ dừng lại ở phương pháp kỹ thuật, họ còn có thể giới thiệu bạn với các chuyên gia đang ở đó, "Vấn đề của anh thì nên gặp người này này.". Trong thế giới kinh doanh cũng tương tự như thế.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn chỉ nên tin vào những gì mình nghe được. Đến cuối cùng, bạn vẫn phải tự mình tư duy. Đây là một câu hỏi chen ngang, nhưng mọi người có suy nghĩ gì về Galileo Galilei? Ông bị Giáo hội Công giáo kết án vì đưa ra thuyết nhật tâm. Có thể mọi người trong thời đại ngày nay cảm thấy tiếc cho Ông. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn sống ở thời đại của Galileo, khi thuyết nhật tâm bị coi là dị giáo và thuyết địa tâm được mọi người tin tưởng?
Theo đó, tôi thấy có những điểm cần lưu ý về thu thập và xử lý thông tin. Chúng ta không thể chỉ nghe theo quan điểm của Giáo hội một cách mù quáng, ngược lại, dù cho Galileo là một người có quyền lực lớn vào thời đại đó, hẳn nhiên chúng ta cũng không thể cả tin vào những quan điểm của Ông.
Tiếp nhận thông tin từ mỗi nguồn, và suy xét dựa trên sự tìm hiểu của bản thân mình. Cho đến khi làm được như thế, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên dễ dàng đưa ra kết luận cho bất kì điều gì. Và cuối cùng, chính bản thân bạn mới là người đưa ra câu trả lời. Nói tóm lại, tôi luôn cho rằng điều quan trọng nhất không phải là những tri thức mang tính thông tin, mà chính là khả năng tư duy bằng chính trí tuệ của bản thân mình.
Nguồn: