1. Thực tập sinh kế toán là gì?
Thực tập sinh kế toán thường sẽ dành cho sinh viên năm 3, năm cuối hoặc sinh
viên vừa tốt nghiệp đang chờ bằng. Các doanh nghiệp thường sẽ không yêu cầu
cao đối với vị trí này nên cơ hội trúng tuyển là khá cao. Thực tập sinh kế
toán là người hỗ trợ thực hiện các hạng mục chuyên môn như duy trì hồ sơ
chính xác về kế toán công nợ, kế toán thu chi, doanh thu, chi phí, bảng
lương nhân sự, hàng tồn kho, báo cáo tài chính,.... Đây là một vị trí công
việc không chính thức trong doanh nghiệp, làm việc dưới sự quản lý của kế
toán viên. Thực tập sinh kế toán có thể lựa chọn làm việc tại tổ chức
công cộng, tổ chức phi chính phủ, công ty tư nhân hoặc cơ quan nhà nước,....
2. Công việc của thực tập sinh kế toán
Công việc của vị trí thực tập sinh khá đa dạng, tùy vào vị trí được phân công
như kế toán tổng hợp, kế toán công nợ, kế toán kho, kế toán nội bộ hoặc kế toán
thuế. Tuy nhiên, nhìn chung công việc của thực tập sinh chủ yếu là hỗ trợ thu
thập, ghi chép số liệu và chuẩn bị báo cáo. Chi tiết công việc nói chung gồm:
- Hỗ trợ thu thập dữ liệu thô cho các tài khoản kế toán viên.
- Hỗ trợ kế toán viên chuẩn bị và kiểm toán tài khoản.
- Hỗ trợ lập và hoàn thiện báo cáo tài chính cuối tháng;
- Thực hiện bút toán tổng hợp, nhập dữ liệu, kiểm tra công nợ;
- Quản lý việc theo dõi hàng tồn kho hàng tháng;
- Nộp các khoản thuế, phí bảo hiểm cho các cơ quan thuế/bảo hiểm ở địa phương;
- Kiểm tra tính hợp lệ của hóa đơn, kê khai thuế giá trị gia tăng;
- Kiểm tra và đối chiếu nghĩa vụ thuế và bảo hiểm theo chu kỳ của từng khách hàng;
- Hạch toán và đối chiếu những nghiệp vụ đơn giản như khoản mục tiền mặt, ngân hàng, khoản mục phải thu/phải trả;
- Sắp xếp và quản lý chứng từ;
- Những nhiệm vụ khác liên quan đến kế toán theo yêu cầu.
3. Yêu cầu để trở thành thực tập sinh kế toán
Mặc dù các doanh nghiệp không yêu cầu cao khi tuyển dụng, nhưng thực tập
sinh kế toán cũng sẽ cần có những yêu cầu nhất định về kĩ năng, chuyên môn
hay về thái độ,...
a. Về kĩ năng
Những kỹ năng Thực tập sinh kế toán cần có bao gồm:
- Kỹ năng tin học văn phòng, thành thạo Microsoft Office, đặc biệt Excel.
- Sử dụng được cơ bản các phần mềm kế toán như Fast Accounting, Misa Sme.net,.....
- Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm để phối hợp cùng các phòng ban và mở rộng mối quan hệ, giúp ích công việc trong tương lai.
- Cẩn thận, tỉ mỉ và nhanh nhạy với con số.
- Có thể làm việc dưới áp lực cao.
b. Về chuyên môn
Kế toán được xem là công việc khó nhằn, yêu cầu cao về chuyên môn. Tuy nhiên,
đối với vị trí này, yêu cầu về trình độ chuyên môn sẽ được giảm bớt, không quá
khắt khe như nhân viên chính thức. Theo đó, chỉ cần bạn là sinh viên đang học
ngành kế toán tại các trường cao đẳng đại học,... thì có thể ứng tuyển vị trí
thực tập sinh.
Bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp yêu cầu điểm GPA
của sinh viên thực tập phải từ 7.0 trở lên. Nếu thực tập sinh sở hữu chứng chỉ
danh giá về kế toán, kiểm toán (CPA, ACCA) thì đó là một lợi thế rất
lớn.
c. Về thái độ
Một thực tập sinh kế toán cần có thái độ cầu tiến, ham học hỏi, làm việc
nghiêm túc và chăm chỉ. Ngoài ra, thực tập sinh cũng cần phải vui vẽ, hòa
nhã với đồng nghiệp, có thái độ khiêm nhường, trung thực,... Hãy thể hiện
bản thân là người nỗ lực hết mình, luôn chú tâm hoàn thành công việc đúng
giờ và mong muốn gắn bó làm việc tại công ty.
Kỳ thực tập không chỉ là điều kiện đủ để tốt nghiệp mà còn mang lại cơ hội được đào tạo, học hỏi dành cho thực tập sinh. Đa số các vị trí thực tập đều không yêu cầu kinh nghiệm mà quan trọng hơn hết là thái độ ứng viên. Công việc hằng ngày của thự tập sinh kế toán không quá nặng nề nhưng cũng sẽ học hỏi, tích lũy được những kiến thức, kỹ năng cho con đường sự nghiệp sau này.
Nguồn: TopCVhttps://www.topcv.vn/cong-viec-cua-mot-thuc-tap-sinh-ke-toan-gom-nhung-gi#cong-viec-cua-thuc-tap-sinh-ke-toan