Ngày 16/03/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam. Một trong hai mục tiêu của đề án là xây dựng phương án, lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho một số nhóm đối tượng doanh nghiệp. Việc chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS giúp các doanh nghiệp hội nhập nhanh hơn vào kinh tế thế giới, qua đó có thể tiếp cận được các nguồn vốn nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh, cung cấp chính xác hơn những thông tin về tình hình tài chính kế toán của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình này cũng khá phức tạp và dễ dàng xảy ra sai sót. Vì vậy, qua bài viết này, AGS mong rằng sẽ giúp các độc giả có một cái nhìn tổng quan về các bước chuyển đổi Báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS.
1. Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam theo Quyết định 345/QĐ-BTC
a. Giai đoạn chuẩn bị từ 2020-2021
b. Giai đoạn 1 áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến 2025
- Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế;
- Công ty mẹ là công ty niêm yết;
- Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết;
- Các công ty mẹ khác.
c. Giai đoạn 2 áp dụng bắt buộc từ sau năm 2025
- Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước;
- Công ty mẹ là công ty niêm yết;
- Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết;
- Công ty mẹ quy mô lớn khác
2. Đặc điểm của việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS
a. Lợi ích, cơ hội
Thứ nhất, IFRS giúp cho việc huy động vốn nước ngoài trở lên dễ dàng hơn, đồng thời, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình bằng cách giảm bớt lỗ hổng thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty. Từ đó, làm tăng tính minh bạch của thông tin, giúp các công ty có thể tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế, cũng như nâng cao uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Thứ hai, IFRS hỗ trợ giảm thiểu chi phí về vốn và chi phí báo cáo. Từ việc gia tăng tính tin cậy về thông tin, doanh nghiệp sẽ tăng khả năng huy động dòng vốn đầu tư nước ngoài, giảm thiểu chi phí phát hành chứng khoán để huy động vốn. Mặt khác, khi áp dụng theo IFRS các công ty đa quốc gia sẽ rút gọn chỉ còn một bộ báo cáo tài chính trên cùng một ngôn ngữ duy nhất, từ đó giúp tiết kiệm chi phí khi lập báo cáo IFRS giúp doanh nghiệp thể hiện sự cam kết các tiêu chuẩn cao nhất về thông tin tài chính và bảo vệ nhà đầu tư, đem lại cho các công ty tấm hộ chiếu để thâm nhập vào hầu hết mọi thị trường vốn trên thế giới.
Thứ ba, ứng dụng IFRS sẽ giúp các thước đo hoạt động vận hành trong công ty theo một quy chuẩn chung, được áp dụng nghiêm ngặt bởi sự tuân thủ cao. Báo cáo tài chính theo chuẩn mực toàn cầu vì thế cũng sẽ cung cấp thông tin toàn diện, đúng đắn, kịp thời. Do đó, các doanh nghiệp có thể so sánh được với các đối thủ cạnh tranh để biết được điểm mạnh, điểm yếu so với đối thủ để tìm hướng khắc phụ và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
b. Khó khăn, thách thức
Đầu tiên là thách thức về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được đề cập ở đây không chỉ là các nhân viên của phòng kế toán mà còn bao gồm Ban lãnh đạo của doanh nghiệp.
Việc hiểu và áp dụng IFRS không phải là điều đơn giản vì tính chất phức tạp của nó, điều này xảy ra ngay cả ở các nước đã phát triển, do đó, ngoài yêu cầu cần có trình độ nhất định về tiếng Anh, các kế toán viên cũng cần có hiểu biết sâu sắc về IFRS.
Hơn nữa, IFRS là bộ tiêu chuẩn BCTC dựa trên nguyên tắc, coi trọng bản chất hơn hình thức, việc hạch toán các giao dịch yêu cầu người làm kế toán phải có các xét đoán riêng của bản thân. Điều này khác hẳn với VAS khi việc hạch toán các giao dịch đã có quy định và hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Ví dụ, theo VAS các tài sản hữu hình chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn có giá trị trên 30 triệu đồng và thời gian sử dụng hữu ích trên 1 năm sẽ tự động được phân loại là tài sản cố định (TSCĐ). Các tài sản khác có giá trị thấp hơn mức 30 triệu đồng sẽ được phân loại là công cụ dụng cụ. IFRS không quy định giá trị tối thiểu của TSCĐ mà kế toán viên cần xem xét liệu tài sản đó có đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp và được sử dụng trong hơn một kỳ kinh doanh hay không. Do đó, theo IFRS, một tài sản dù có giá trị cao nhưng không đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai thì cũng không được ghi nhận là TSCĐ và ngược lại.
Thứ hai là thách thức về hệ thống công nghệ thông tin. Để có thể lập các BCTC theo IFRS, doanh nghiệp cần trang bị các hệ thống phần mềm có thể thu thập thông tin và sổ sách kế toán theo IFRS. Điều này đòi hỏi cần lựa chọn được phần mềm phù hợp. Như vậy, doanh nghiệp cũng cần bỏ ra chi phí đầu tư và đi kèm là các chi phí tư vấn tương đối lớn, nhất là nếu mua các phần mềm ERP từ các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện nay, phần mềm kế toán online MISA AMIS đang chuẩn bị kế hoạch cung cấp tính năng chuyển đổi sang IFRS trên phần mềm để đáp ứng nhu cầu trong lộ áp dụng IFRS tại Việt Nam.
Thứ ba, trong năm đầu tiên lập BCTC theo IFRS, có thể có một số ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ tiêu của BCTC do có sự khác biệt lớn giữa VAS và IFRS. Ví dụ:
- Theo chuẩn mực IAS 36 – Tổn thất tài sản, doanh nghiệp phải ghi nhận ngay lập tức các khoản giảm giá trị của tài sản vào báo cáo trong kỳ. Trong khi đó, VAS không yêu cầu ghi nhận các khoản tổn thất này. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo thu nhập toàn diện hay số dư Lợi nhuận chưa phân phối trên Báo cáo tình hình tài chính theo IFRS sẽ có chênh lệch lớn so với các báo cáo theo VAS.
- Theo IFRS 16 – Thuê tài sản, Chuẩn mực này không còn phân biệt thuê hoạt động và thuê tài chính. Trong trường hợp thuê hoạt động, doanh nghiệp cần ghi nhận quyền sử dụng tài sản và nợ thuê tài sản trên Báo cáo tình hình tài chính. Điều này sẽ gây bất lợi đến các chỉ số tài chính của doanh nghiệp như chỉ số về đòn bẩy tài chính hay tỷ lệ thanh toán lãi vay và ảnh hưởng đến điều kiện giao ước cho vay.
*Thông tin khác
Nguồn: https://amis.misa.vn/31234/cac-buoc-chuyen-doi-bao-cao-tai-chinh-tu-vas-sang-ifrs/