1. Khái niệm kỹ năng sinh tồn là gì?
Kỹ năng sinh tồn có tên gọi tiếng Anh là “survival skills”, bao gồm một loạt các kỹ thuật giúp cá nhân vượt qua và đối mặt với nhiều môi trường tự nhiên khác nhau hoặc các môi trường được xây dựng từ trước. Những kỹ thuật này bao hàm những điều cơ bản mà một người cần biết để áp dụng vào cuộc sống như tìm thức ăn, nước và nơi ẩn trú. Bên cạnh đó, kỹ năng này còn vượt xa hơn việc tồn tại, tạo cơ hội hiểu rõ sâu sắc về cả thực vật lẫn động vật để duy trì sự sống.
2. Tầm quan trọng, vai trò của kỹ năng sinh tồn
Hiện nay, cuộc sống hiện đại luôn đòi hỏi chúng ta không ngừng nâng cao giá trị bản thân. Do vậy, để phát triển trong mọi tình huống, kỹ năng sinh tồn trở thành “chiếc thìa vàng” mà mỗi người cần nên trang bị.
Chính nhờ kỹ năng này mà chúng ta có thể tương tác một cách linh hoạt và hiệu quả khi đối mặt với những trường hợp bất ngờ, cho dù ở hoàn cảnh khó khăn như rừng rú hay hoang đảo. Dựa vào đó, mỗi người có thể tự tin và bình tĩnh hơn trong việc đối phó với mọi thách thức, tìm kiếm những giải pháp thông minh và ứng xử tinh tế nhất mỗi khi cần.
3. Những kỹ năng sinh tồn cơ bản cần có trong cuộc sống
Trong kỹ năng sinh tồn, có những kinh nghiệm từ đơn giản đến phức tạp, từ cách tìm thức ăn và nước uống đến xác định phương hướng, sơ cứu, tự vệ… Phần bên dưới là bộ kỹ năng sinh tồn trong cuộc sống mà mỗi người nên nắm vững càng sớm càng tốt.
3.1. Kỹ năng giữ bình tĩnh
Kỹ năng cần trang bị đầu tiên là giữ bình tĩnh. Đây là yếu tố quyết định trong mọi tình huống cần đối mặt, quyết định sự thành bại, đặc biệt trong các tình huống hoang dã khi những thách thức bủa vây. Theo đó, bạn hãy nhớ kỹ quy tắc con số 3 về giới hạn của con người để rèn luyện khả năng giữ tâm thế điềm tĩnh:
- 3 phút nếu không có không khí trong cơ thể
- 3 tiếng nếu mất nhiệt cơ thể
- 3 ngày nếu không hấp thụ nước
- 3 tuần nếu không được nạp năng lượng từ thức ăn
Những quy tắc trên sẽ trợ giúp đắc lực cho bạn trong quá trình tồn tại ở bất cứ trường hợp nào. Bắt đầu với việc giữ hơi thở, tìm nơi ẩn náu, nước và thức ăn để bạn giữ bình tĩnh và vượt qua mọi thử thách
3.2. Kỹ năng sơ cứu
Sơ cứu là một kỹ năng sinh tồn đặc biệt cần thiết trong môi trường hoang dã, giúp bạn bảo vệ cơ thể trong những lúc lâm nguy. Ở những khoảnh khắc quan trọng, kỹ thuật sơ cứu sẽ là một “ánh sáng phía cuối con đường” đưa chúng ta vượt qua phút giây nghìn cân treo sợi tóc.
Bên cạnh đó, kiến thức về cây thuốc tự nhiên cũng là một nguồn cứu cánh mà bạn cần biết để xử lý trong các tình huống khẩn cấp. Đó có thể là vết cắn động vật độc hại, gãy xương, đau tim, ngộ độc cho đến nhiễm trùng… Vì vậy, hãy trang bị cho mình những kiến thức này để tự tin đối phó với những tình huống nguy hiểm.
3.3. Kỹ năng bơi sinh tồn
Tiếp theo, một khả năng cần có trong danh sách kỹ năng sinh tồn đó chính là bơi lội. Nếu bạn chưa biết bơi, đây là thời điểm để bạn xem xét một cách nghiêm túc về việc học thêm. Bởi lẽ, có vô số tình huống nguy hiểm mà khả năng bơi sẽ giúp bạn tồn tại hoặc cứu giúp người khác.
3.4. Kỹ năng tạo ra lửa
Trong kỹ năng sinh tồn, tạo ra lửa là một cách giúp giữ ấm cơ thể và là nguồn năng lượng để nấu ăn, đun nước uống. Đặc biệt, khói từ ngọn lửa có thể là dấu hiệu thu hút sự chú ý và cầu cứu trong tình huống khó khăn.
Hãy tìm hiểu cách tạo lửa từ đá và gỗ khô thông qua ma sát, hoặc bằng việc chà pin và giấy bạc. Đây là những kỹ thuật đơn giản có thể áp dụng một cách dễ dàng trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt khi bạn cần lửa tại môi trường hoang dã.
3.5. Kỹ năng tìm kiếm nguồn nước, thức ăn
Về cơ bản, con người sẽ gặp khó khăn không tưởng nếu phải sống ba ngày liên tiếp mà không tìm được giọt nước. Dọc theo hành trình, dấn thân vào suối, sông hay biển, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy nguồn nước ở bất kỳ đâu. Hãy lưu ý, cả sương mù và nước mưa cũng có thể cung cấp nước uống, có thể tận dụng nguồn nước từ thực vật, hoặc theo dõi hành vi của động vật xung quanh xem chúng tìm nguồn nước ở đâu.
Ngoài việc tìm nguồn nước, việc tìm thực phẩm cũng là một kỹ năng sinh tồn đứng hàng ngũ đầu tiên. Việc này có thể bao gồm săn bắn, câu cá… hay tìm các loại thực phẩm từ thiên nhiên như quả, củ, hoa… Hơn nữa, bạn nên trang bị khả năng nhận biết thực phẩm ăn được và tránh những thứ nguy hiểm đến cơ thể.
3.6. Kỹ năng xác định phương hướng, đường đi
Một kỹ năng sinh tồn nhỏ có thể giúp bạn xác định phương hướng khi không có la bàn trong tay đó là chỉ cần sử dụng lá cây và một chút nước. Đầu tiên, hãy đổ ít nước vào một cốc hoặc bất kỳ vật chứa nước nào, để mặt nước trở nên yên tĩnh và đặt cẩn thận chiếc lá lên mặt nước. Tiếp theo, bạn đặt một que kim nhẹ nhàng lên lá và đợi cho chiếc kim xoay theo hướng Nam – Bắc dựa trên từ trường của Trái Đất là hoàn thành.
3.7. Kỹ năng tìm chỗ trú ẩn
Khi đối mặt với những tình huống khó khăn, tìm kiếm nơi ẩn náu là điều rất quan trọng. Đây là kỹ năng sinh tồn để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ tấn công từ động vật hoang dã và yếu tố môi trường khắc nghiệt. Có nhiều cách để tìm chỗ trú ẩn, bạn có thể tự tạo lều bằng bạt, tìm những nơi tự nhiên như hang động để che chở. Bên cạnh đó, bạn tuyệt đối nhớ chọn một vị trí ẩn náu gần nguồn nước và thức ăn, đồng thời cách xa khỏi nguy hiểm tiềm ẩn.
3.8. Kỹ năng giữ nước cho cơ thể
Ở những tình huống sinh tồn, duy trì lượng nước cơ thể là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự sống. Với cơ thể chúng ta chứa tới 89% nước, do vậy việc cân bằng nước là vô cùng cần thiết. Chẳng hạn như mất nước do đổ mồ hôi có thể gây ra những tác động tiêu cực như đau đầu, uể oải, mất tập trung, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
3.9. Kỹ năng tránh ngạt khi gặp hoả hoạn
Trong các tình huống cháy nổ, nguy cơ ngạt khói là mối đe dọa đáng kể có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Khói chứa nhiều khí độc như CO, CO2, axit hữu cơ khiến có thể thiếu oxy rất nguy hiểm tính mạng.
Khi xảy ra sự cố cháy, hãy lấy một tấm mền đã nhúng nước để quấn quanh cơ thể hoặc sử dụng khăn ướt che kín mặt, việc này giúp hạn chế hít thở các khí độc. Không những vậy, bình tĩnh là yếu tố quan trọng, bạn cần tìm lối thoát ra khỏi nguy hiểm bằng cách xác định đường thoát hiểm. Hãy nhớ, bạn đừng nên hoảng loạn và không chạy lên những nơi cao, vì khói thường tập trung ở phía trên, điều này có thể giúp bạn tránh hít phải nhiều khí độc hơn.
3.10. Kỹ năng giữ ấm cơ thể
Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định là vô cùng cần thiết cho kỹ năng sinh tồn. Vì chỉ sau ba giờ mất nhiệt, khả năng sống sót của bạn vô cùng thấp. Do đó, hãy luôn nỗ lực để bảo vệ thân nhiệt cơ thể, đặc biệt trong môi trường hoang dã hoặc hẻo lánh.
Một cách đơn giản để giữ ấm cơ thể là bạn hãy sử dụng lá cây để đắp lên người. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo lửa bằng cách sử dụng ma sát của đá để tạo nguồn nhiệt để sưởi ấm cơ thể.
3.11. Kỹ năng tự vệ
Ngoài ra, kỹ năng sinh tồn tự vệ giúp bạn tăng cường khả năng quan sát và nhận thức về môi trường xung quanh. Qua đó, bạn sẽ cảnh giác hơn với những nguy cơ tiềm ẩn. Thay vì tham gia vào cuộc đấu thể lực, bạn có thể tìm cách tránh xa tình huống nguy hiểm một cách hiệu quả hơn.
4. Kỹ năng sinh tồn phải biết trong các trường hợp phổ biến
Đối mặt với những tình huống xấu khi ở trong môi trường hoang dã, việc nắm vững những kỹ năng sinh tồn sẽ cứu cánh chúng ta trong những lúc nguy khó. Trong những phần kế tiếp là những kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã mà bạn không thể không biết nếu chẳng may lạc trong rừng, đảo hoang và trên biển.
4.1. Kỹ năng sinh tồn trong rừng
Nếu bạn đam mê khám phá thiên nhiên và yêu thích sự hoang dã, thì rừng núi với vẻ đẹp mênh mông sẽ là nguồn cảm hứng vô tận. Tuy nhiên, để đảm bảo mọi hành trình luôn an toàn, bạn cần phải thấu hiểu những kỹ năng sinh tồn để tự bảo vệ bản thân trong rừng, đặc biệt là vào những tình huống khẩn cấp.
- Xác định phương hướng: Biết cách xác định hướng đi bằng la bàn hoặc phương pháp tự nhiên như sử dụng lá cây và kim.
- Điềm tĩnh, không hoảng loạn: Khả năng duy trì tâm lý bình tĩnh khi đối mặt với tình huống khó khăn.
- Đốt lửa trong rừng: Nắm vững cách tạo lửa từ các nguồn tài nguyên tự nhiên như ma sát đá và gỗ khô.
- Ở yên một chỗ: Biết cách tạo nơi trú ẩn tạm thời để chờ cứu hộ.
- Tìm nguồn nước sạch: Biết cách tìm kiếm và xử lý nước từ các nguồn tự nhiên như suối, sông, hoặc các cây thân dẻo.
- Tạo tín hiệu cho cứu hộ biết nếu bị lạc: Sử dụng các tín hiệu như tiếng huýt sáo, tạo khói hoặc tạo dấu vết để thu hút sự chú ý của người tìm kiếm.
- Tìm nguồn thức ăn an toàn: Biết xác định thực phẩm tự nhiên, đặc biệt là các loại quả và thực phẩm có thể ăn được.
- Tìm nơi trú ẩn phù hợp: Xác định các nơi an toàn. bảo vệ bản thân khỏi các yếu tố môi trường và thời tiết khắc nghiệt.
4.2. Kỹ năng sinh tồn trên đảo hoang
Trong tình huống cô lập trên đảo hoang, với môi trường khắc nghiệt cùng với những khó khăn đáng kể là một thách thức thực sự. Để tự đối phó và tồn tại trong bối cảnh này, hãy cùng tìm hiểu về những kỹ năng sinh tồn trên đảo hoang quan trọng sau:
- Giữ tỉnh táo, bình tĩnh: Giúp bạn đối phó tốt hơn với áp lực căng thẳng, từ đó quan sát và phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống.
- Quan sát và thu thập vật dụng cần thiết: Tận dụng tài nguyên từ môi trường xung quanh, thu thập cây cỏ, vỏ hải sản… có thể giúp bạn xây dựng nơi ẩn náu hoặc cung cấp thức ăn.
- Xử lý nước uống, thức ăn: Tìm kiếm thức ăn từ hải sản, thực vật, hoặc các loài động vật. Nên lọc nước uống từ nguồn tự nhiên và đảm bảo an toàn trước khi uống.
- Xây dựng nơi ẩn náu an toàn: Sử dụng các vật liệu tự nhiên như cành cây, lá, cỏ để xây dựng một nơi trú ẩn để bảo vệ khỏi thời tiết khắc nghiệt và loài động vật nguy hiểm.
- Biết cách phát tín hiệu cầu cứu: Sử dụng tín hiệu tạo ra âm thanh hoặc dấu vết để thu hút sự chú ý của người khác hoặc đội cứu hộ.
- Hạn chế để bản thân chấn thương: Tránh các tình huống nguy hiểm, sử dụng đúng cách các công cụ như dao, que và đừng nên tiếp xúc với các loài động vật có thể gây hại.
- Xử lý tình huống khi bị mắc kẹt trong đầm lầy hay cát lún: Trong trường hợp này, hãy nhớ rằng càng vùng vẫy bạn sẽ càng bị lún nhanh hơn, hãy tìm cách bám víu vào các vật thể xung quanh để tránh lún thêm.
4.3. Kỹ năng sinh tồn trên biển
Dù bạn bị mắc kẹt trên biển vì tai nạn máy bay, thuyền chìm hoặc cuốn vào đại dương bởi một con tàu ngầm, trải qua cảnh cô lập giữa biển khơi có thể kinh khủng. Mặc dù không dễ dàng để giữ bình tĩnh trong tình huống khẩn cấp, nhưng hãy hình dung về sự sống của mình và học những kỹ năng sinh tồn dưới nước dưới đây để đối phó:
- Luôn giữ bình tĩnh: Duy trì tâm lý ổn định rất quan trọng để có thể tập trung và đưa ra quyết định chính xác. Sự sợ hãi và hoảng loạn có thể làm bạn mất kiểm soát và dẫn đến hậu quả không mong muốn.
- Nỗ lực nổi lên mặt nước: Hít thở sâu và giữ cơ thể thư giãn để nổi trên mặt nước, từ đó giúp duy trì hơi thở và tăng khả năng sống sót.
- Tìm sự hỗ trợ từ người khác: Nếu có người khác cùng trong tình huống, hãy cố gắng hợp tác để duy trì sức mạnh và tìm kiếm giúp đỡ.
- Dựa vào bản thân: Nếu bạn đang một mình, hãy tập trung vào việc tìm cách tự giúp mình bằng cách sử dụng những gì có sẵn xung quanh.
- Tìm kiếm thức ăn và nước: Bạn có thể bắt cá để làm thực phẩm hoặc hứng mưa để có nước uống. Việc tìm kiếm nguồn cung cấp thức ăn và nước là quan trọng để duy trì sức khỏe.
5. Cách rèn luyện và nâng cao kỹ năng sinh tồn
Sau khi đã hiểu về những kỹ năng cơ bản để sinh tồn trong các tình huống khẩn cấp, bạn có thể tự thử thách bản thân và nâng cao trình độ qua các phương pháp rèn luyện.
5.1. Đọc những cuốn sách hay về kỹ năng sinh tồn
Để trang bị kiến thức kỹ năng sinh tồn một cách toàn diện, việc đọc những cuốn sách chất lượng về chủ đề này là một cách để thúc đẩy sự tự tin và kinh nghiệm cho bạn. Dưới đây là 5 đầu sách hay về kỹ năng này:
- 100 Kỹ Năng Sinh Tồn – Clint Emerson
- Bộ Sách Hướng Đạo Sinh – Baden-Powell
- Chiếc Rìu – Gary Paulsen
- Robinson Crusoe Lạc Trên Hoang Đảo – Daniel Defoe
- Walden – Một Mình Sống Trong Rừng – Henry David Thoreau
5.2. Tham gia chương trình, khóa học kỹ năng sinh tồn
Tham gia vào các chương trình và khóa học về kỹ năng sinh tồn là cách xuất sắc để nâng cao hiểu biết và thực hành trong lĩnh vực này. Những đơn vị tổ chức các khóa học đã tạo ra môi trường tương tác, giúp bạn học cách áp dụng các kỹ năng sinh tồn vào thực tế. Không chỉ giúp bạn tiếp cận kiến thức sâu hơn về cách đối phó với môi trường khắc nghiệt, mà còn mang lại sự tự tin khi đối mặt với những tình huống khẩn cấp.
5.3. Dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ hàng ngày từ trong gia đình
Dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non hàng ngày từ trong gia đình là cách hữu ích để trang bị cho họ những kỹ năng sinh tồn quan trọng trong cuộc sống. Những hoạt động như cắm trại, nấu ăn cơ bản, dự trữ thực phẩm, học cách định hướng và tìm kiếm thông tin là những điều mà phụ huynh nên hướng dẫn từng ngày cho con mình.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên đăng ký lớp học kỹ năng sinh tồn cho trẻ chú trọng việc dạy kỹ năng giải quyết tình huống khẩn cấp, quản lý nguồn tài nguyên, phát triển tính cách độc lập. Những yếu tố đó giúp bé phát triển thành những người tự tin và kiên nhẫn, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức mà cuộc sống đưa ra.
5.4. Thường xuyên thực hành các kỹ năng
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên liên tục nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình thông qua việc đọc sách, tìm hiểu trên internet và tham gia vào các hoạt động liên quan. Hãy nhớ rằng việc phát triển kỹ năng sinh tồn là một hành trình dài và đòi hỏi kiên nhẫn cùng sự nỗ lực từ bạn. Tuy nhiên, qua những bước tiến và sự cố gắng không ngừng, bạn sẽ tự tin hơn và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ tình huống khó khăn nào mà cuộc sống mang đến
Chưa dừng lại ở đó, không có cách nào tốt hơn để rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn, mở mang hiểu biết về thế giới xung quanh hơn là đi du lịch. Trong suốt chuyến đi khám phá, bạn có thể học cách giải quyết vấn đề, tương tác và hợp tác với người mới, tìm hiểu sự độc đáo của từng vùng đất nơi bạn đặt chân đến. Đôi khi, những trải nghiệm không mong đợi có thể giúp bạn rèn luyện kỹ năng phản xạ nhanh và khả năng quản lý tình huống không lường trước
Có thể nói rằng kỹ năng sinh tồn là một hành trang không thể thiếu của mỗi người, giúp tồn tại trong tình huống nguy hiểm và duy trì sự sống trong môi trường khắc nghiệt. Qua bài viết này, bạn đã biết thêm những cách rèn luyện, áp dụng và thể hiện kỹ năng này thông qua các tình huống thực tế, từ rừng núi đến biển cả. Bạn hãy nhớ rằng, nắm vững kỹ năng này không chỉ là việc tự bảo vệ mình, mà còn mở ra cơ hội và hiểu biết sâu sắc về cuộc sống xung quanh.
Nguồn: https://vinwonders.com/vi/bai-viet-du-lich/ky-nang-sinh-ton/