Nhiệm vụ của kế toán trưởng là quản lý, tổ chức và kiểm soát chặt chẽ mọi
hoạt động kế toán, tài chính trong doanh nghiệp. Kế toán trưởng là chức vụ
quan trọng trong doanh nghiệp. Người làm vị trí này có những quyền hạn độc lập
về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của kế toán trưởng cũng
không hề đơn giản. Cùng AGS tìm hiểu nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kế
toán trưởng.
1. Nhiệm vụ của kế toán trưởng
1.1 Quản lý hoạt động của bộ phận kế toán
Kế toán trưởng là người chịu toàn bộ trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt
động của bộ phận kế toán. Các kế toán viên sẽ được kế toán trưởng phân công
công việc phù hợp với khả năng của mình. Đảm bảo rằng mọi người đều đảm nhiệm
những nhiệm vụ tương ứng với thế mạnh của họ.
Bên cạnh đó, kế toán trưởng
cũng cần có sự quan sát, đánh giá năng lực của từng thành viên trong phòng
mình. Qua đó đưa ra các định hướng đào tạo nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ
cho họ.
1.2 Giám sát việc quyết toán
Thông thường, việc quyết toán được diễn ra vào cuối năm tài chính. Tuy nhiên,
ban giám đốc có thể yêu cầu quyết toán bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Do
đó, nhiệm vụ của kế toán trưởng là giám sát chặt chẽ việc quyết toán định kỳ,
nắm chắc được tình hình tài chính của doanh nghiệp để có thể báo cáo một cách
chính xác nhất.
1.3 Đảm bảo tính hợp pháp trong sổ sách kế toán
Người giữ vị trí kế toán trưởng trong doanh nghiệp cần đảm bảo tính hợp pháp
của sổ sách kế toán. Các tài liệu kế toán cần đáp ứng được tính chính xác, kịp
thời và hợp pháp.
Kế toán trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm với kiểm toán
viên về các số liệu có trong hệ thống chứng từ, sổ sách kế toán của doanh
nghiệp.
1.4 Lập báo cáo tài chính là một nhiệm vụ của kế toán trưởng
Báo cáo tài chính có thể được lập bởi kế toán viên hoặc kế toán trưởng tuỳ
thuộc vào sự phân công công việc của công ty. Kế toán trưởng tham gia vào quá
trình lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Đồng thời, họ cũng chịu
trách nhiệm thuyết minh, giải thích những thông tin trên báo cáo tài chính
trước ban giám đốc.
1.5 Tham gia phân tích và dự báo
Không ai hiểu rõ về tình hình tài chính của doanh nghiệp hơn kế toán trưởng.
Chính vì thế, họ là người có thể phân tích chính xác khả năng tài chính hiện
tại của doanh nghiệp.
Từ đó, đưa ra những đề xuất, dự báo để đảm bảo cho
nguồn tài chính của doanh nghiệp được ổn định và tránh những rủi ro tài chính
hoặc vi phạm pháp luật.
Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan
trọng mà các nhà quản lý doanh nghiệp cần ở kế toán trưởng.
1.6 Nhiệm vụ khác của kế toán trưởng
Ngoài những nhiệm vụ kể trên, kế toán trưởng có thể đảm nhiệm thêm một số công
việc khác. Tuỳ thuộc vào cách thức hoạt động của doanh nghiệp hoặc yêu cầu của
cấp trên mà các nhiệm vụ sẽ khác nhau.
2. Quyền hạn của kế toán trưởng
Kế toán trưởng có quyền hạn độc lập đối với các hoạt động liên quan tới kế
toán tài chính của doanh nghiệp.
Kế toán trưởng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng
ngân sách nhà nước và doanh nghiệp có hơn 50% vốn Nhà nước còn có những quyền
hạn sau:
- Có ý kiến, đề xuất bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán về việc thay đổi nhân sự, khen thưởng, kỷ luật người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ dựa trên năng lực, cống hiến của họ đối với tổ chức.
- Yêu cầu các bộ phận liên quan trong đơn vị cung cấp đầy đủ và kịp thời các tài liệu cần thiết cho công tác kế toán và giám sát tài chính của kế toán trưởng.
- Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với người ra quyết định.
- Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị khi phát hiện thấy hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong tổ chức.
- Nếu như vẫn phải thi hành quyết định, kế toán trưởng có quyền báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trong trường hợp này, kế toán trưởng không
phải chịu trách nhiệm về hậu quả do thực hiện quyết định đó.
3. Trách nhiệm của kế toán trưởng trước pháp luật
Những trách nhiệm mà người làm kế toán trưởng phải gánh trên vai:
- Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về kế toán tài chính trong đơn vị.
- Tổ chức, điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán.
- Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán hiện hành.
- Nếu như kế toán trưởng có các hành vi vi phạm pháp luật về kế toán sẽ phải chịu rủi ro và chịu trách nhiệm pháp lý. Tùy theo từng tính chất vụ việc, mức độ vi phạm để đưa ra hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Ngoài ra, kế toán trưởng gây ra tổn thất cho doanh nghiệp thì cần phải bồi thường về những tổn thất đó theo quy định của pháp luật.
Như
vậy, nhiệm vụ của kế toán trưởng là phải có trách nhiệm thực hiện tốt các
nhiệm vụ nêu trên. Đồng thời, đảm bảo cho hoạt động kế toán, tài chính của
doanh nghiệp được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: https://matbao.in/quyen-han-va-nhiem-vu-cua-ke-toan-truong-trong-doanh-nghiep/