Sáng 17/5, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (111 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), Hiệp hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức khai giảng Khóa đào tạo chứng chỉ kiểm toán nội bộ (KTNB) - cấp độ cơ bản cho gần 50 kế toán viên, kiểm toán viên và đại diện các doanh nghiệp.
Quang cảnh Lễ khai giảng
Tham dự Lễ khai giảng có PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch VAA, bà Hà Thị Tường Vy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn khoa học kế toán, các Phó Giám đốc Trung tâm: Trần Thị Thanh Nga, Lê Văn Huệ; cùng các giảng viên và học viên.
Theo kế hoạch, Khóa học diễn ra trong 04 ngày: 17,18, 31/5 và 01/6, gồm các chủ đề: Khái quát chung về hoạt động KTNB; KTNB với hoạt động quản lý rủi ro, ngăn ngừa gian lận; KTNB với hoạt động kiểm soát nội bộ; Khung pháp lý hiện hành về hoạt động KTNB; Các yêu cầu đối với kiểm toán viên nội bộ; Đảm bảo chất lượng hoạt động KTNB; Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động KTNB ở Việt Nam hiện nay.
PGS. TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch VAA phát biểu khai mạc khóa học
Phát biểu khai mạc, PGS,TS. Đặng Văn Thanh cho biết, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Việt Nam bắt đầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, từ bỏ cơ chế kế hoạch tập trung để chuyển sang cơ chế thị trường. Yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế là các thông tin về tài chính, kế toán phải công khai, minh bạch và có độ tin cậy cao, phục vụ không chỉ cho quản lý nhà nước mà còn cho các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư.
Chính vì lẽ đó, năm 1991, Bộ Tài chính đã quyết định thành lập hệ thống KTĐL Việt Nam với sự ra đời của Công ty kiểm toán Việt Nam - VACO và Công ty Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Việt Nam - AASC. Năm 1994, do yêu cầu phát triển và quản lý nền kinh tế, Kiểm toán nhà nước được thành lập, là cơ quan kiểm tra tài chính công cao cấp của Nhà nước. Đến năm 1997 chúng ta bắt đầu hình thành hệ thống KTNB và cũng từ đó thì hệ thống kiểm toán của Việt Nam đã đầy đủ và trọn vẹn.
Quy chế KTNB được ban hành tại Quyết định số 832 -TC/QĐ-CĐKT ngày 28/10/1997 của Bộ Tài chính là văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến các quy định về mục đích, chức năng, nguyên tắc, phạm vi, nhiệm vụ, nội dung cũng như các vấn đề về tổ chức và nhân sự của KTNB ở các doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, Bộ Tài chính ban hành thêm các văn bản hướng dẫn tổ chức bộ máy KTNB, bổ nhiệm kiểm toán viên nội bộ và hướng dẫn thực hiện KTNB. Tuy nhiên, chế tài và việc triển khai thực hiện KTNB vẫn còn khá chậm so với nhu cầu thực tiễn. Điều này đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp nói chung và những người làm nghề kế toán, kiểm toán nói riêng phải tự nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
KTNB là một trong những chương trình đào tạo thường niên của VAA, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc trong lĩnh vực KTNB. Mỗi một doanh nghiệp, tổ chức giống như một cơ thể hoàn thiện có tất cả các bộ phận, chức năng và KTNB giống một hệ thống kiểm soát bên trong giúp doanh nghiệp tự điều chỉnh, tự thay đổi để hoàn thiện hơn. Đồng thời, KTNB cũng giúp doanh nghiệp nhận biết và phòng tránh rủi ro cả bên trong và bên ngoài, PGS,TS. Đặng Văn Thanh chia sẻ.
Ông Lê Hải Phong - Phó Chủ nhiệm CLB Giám đốc Tài chính Việt Nam chia sẻ các thông tin khái quát về KTNB
Chủ tịch VAA đề nghị và kỳ vọng, sau khi tham gia khóa học, các học viên vừa được trang bị kiến thức, kỹ năng, vừa hoạt động nghề nghiệp với thái độ chuẩn mực của người làm kế toán, kiểm toán, tuân thủ các quy định của pháp luật. Sau khi tham gia khóa đào tạo cơ bản, các học viên tiếp tục tham gia các khóa đào tạo KTNB cấp độ chuyên sâu và nâng cao, từ đó tang cường năng lực chuyên môn cũng như vị thế của ngành nghề kế toán, kiểm toán.
Tại Lễ khai giảng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn khoa học kế toán Hà Thị Tường Vy cũng đã phổ biến quy chế đào tạo, thời gian học và quy định về nộp bài thu hoạch cho các học viên. Kết thúc khóa học, VAA sẽ trao chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cho các học viên đủ điều kiện.
Nguồn: https://www.sav.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=41166&l=TinTucSuKien