Hoạt động đào tạo ở các trường đại học với lộ trình áp dụng IFRS bắt buộc ở Việt Nam

2024/05/17

TintứcIFRS

Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam đã chính thức được thông qua. Tuy nhiên, bên cạnh những vướng mắc về từng bước tiến hành, đối tượng áp dụng và thay đổi cơ chế, vấn đề nguồn nhân lực cũng đang là những rào cản trong quá trình áp dụng chuẩn mực. Bài viết này sẽ phân tích, nhận dạng khó khăn trong vấn đề đào tạo nhân lực tại các trường đại học (ĐH), yêu cầu hoàn thiện đào tạo và đề xuất các giải pháp để giải quyết các vướng mắc về đào tạo.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, bộ các Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) bao gồm hơn 40 chuẩn mực, trong đó có một số chuẩn mực mới được ban hành và áp dụng trong vài năm gần đây, như: IFRS 9 - Công cụ tài chính, IFRS 15 - Doanh thu từ các hợp đồng khách hàng, IFRS 16 - Thuê tài sản. Hiện nay, có tới 87% quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã yêu cầu áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp (DN), trong đó 144 vùng/khu vực yêu cầu cho phần lớn các DN (IFRS, 2018). Cho đến năm 2017, Việt Nam vẫn được coi là quốc gia duy nhất châu Á chưa tuân thủ lộ trình áp dụng hoặc hội tụ với IFRS (Amelia, 2017). Đến ngày 16/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam chính thức ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng CMBCTCQT tại Việt Nam. Theo lộ trình này, quá trình được chia thành 3 giai đoạn, cụ thể:

(1) Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2021.

(2) Giai đoạn áp dụng tự nguyện cho một số DN (Tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty niêm yết,...): từ năm 2022 đến hết năm 2025.

(3) Giai đoạn bắt buộc: từ sau năm 2025 - áp dụng ở cấp độ báo cáo tài chính hợp nhất đối với các DN ở nhóm đối tượng áp dụng tự nguyện như trên.

Do đó, việc áp dụng IFRS vào hoàn cảnh Việt Nam cần đi cùng với quá trình Việt hóa, biên soạn đủ bộ IFRS, cũng như sự thay đổi liên quan đến cơ chế, quản lý tài chính và các đối tượng áp dụng tự nguyện trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, để áp dụng được thành công các quy định mới và hiện đại trong IFRS vào bối cảnh kinh tế Việt Nam, cần có nguồn nhân lựctrình độ, hiểu biếtkinh nghiệm liên quan đến IFRS. Do đó, vấn đề nghiên cứu, tìm ra phương pháp để đưa chương trình đào tạo kế toán (ĐTKT) sát với các nội dung và yêu cầu áp dụng IFRS trong giai đoạn tới trở thành một trong những vấn đề cấp thiết trong quá trình triển khai áp dụng thành công IFRS ở Việt Nam.

2. Bối cảnh áp dụng IFRS ở Việt Nam

Từ năm 2001, bên cạnh một số IAS vẫn được công nhận, Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB) đã chuyển đổi tên gọi các chuẩn mực mới từ Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS) thành Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Sự chuyển đổi này mang ý nghĩa các chuẩn mực do IASB và Hội đồng giải thích lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRIC) biên soạn đi theo định hướng thị trường vốn. Phương thức lập báo cáo tài chính (BCTC) được mô tả là tập trung vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp DN với nhà đầu tư và tập trung vào luồng thông tin đến thị trường vốn. Các BCTC được lập theo IFRS tập trung vào đảm bảo, hỗ trợ mục đích của các các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, với ý nghĩa như ngôn ngữ chung, IFRS được coi là điều kiện để các DN và các tổ chức trên thế giới có một phương thức thống nhất trong công tác lập BCTC.

Với ý nghĩa cung cấp thông tin toàn diện, đúng đắn, kịp thời, nhà đầu tư sử dụng BCTC sẽ nhận được các thông tin về thị trường vốn, giảm được rủi ro trong việc đưa ra quyết định kinh tế, giảm sự khác biệt giữa các nước trong chuẩn mực kế toán các quốc gia, gia tăng minh bạch và từ đó giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Đáng chú ý, cơ sở giá trị hợp lý được đề cập nhiều hơn trong các IFRS, xuyên suốt trong các chuẩn mực IAS 16, 36, 38, 39, 40, IFRS 2, IFRS 3. Điều này giúp thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các chỉ tiêu và khoản mục trên BCTC, tăng khả năng so sánh của các thông tin tài chính và tăng chất lượng thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư, giảm sự bất định trong đầu tư, giảm rủi ro đầu tư, tăng hiệu quả của thị trường và giảm thiểu chi phí vốn.

Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, nền kinh tế Việt Nam có những đặc thù riêng. Quá trình xây dựng chế độ kế toán được gấp rút hoàn thiện, nhằm phục vụ nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường, mở cửa và giai đoạn hiện nay là theo xu thế hội nhập mạnh mẽ. Ngay từ rất sớm, các tổ chức nghề nghiệp đã được thành lập, như: Hội Kế toán Việt Nam là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), là thành viên của Hiệp Hội Kế toán các nước ASEAN (AFA) từ năm 1998,... Cho đến nay, đã có một số nguyên tắc, thông lệ và Chuẩn mực quốc tế về Kế toán đã được chọn lựa và áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, như quy định trình bày BCTC theo IFRS theo Thông tư số 210/2009/TT-BTC. Một số DN Việt Nam như các công ty bảo hiểm, công ty niêm yết đã bắt đầu lập BCTC theo IFRS, dù chưa được hoàn chỉnh. Có nhiều ý kiến của các chuyên gia kế toán và DN lớn cho thấy quyết tâm và nguyện vọng áp dụng IFRS nhằm mang lại lợi ích thông tin cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo tổng điều tra kinh tế năm 2017, DN vừa và nhỏ (SMEs) ở Việt Nam chiếm tới 98,1% trong tổng quy mô, với những hạn chế về tổ chức bộ máy, nhân sự kế toán là trở ngại với quá trình áp dụng IFRs.

Do đó, theo Quyết định số 345/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, con đường được lựa chọn áp dụng chuẩn mực đó là tiến tới tuyên bố áp dụng đầy đủ IFRS nguyên mẫu cho các đơn vị có lợi ích công chúng, đồng thời ban hành VAS/VFRS cho các đối tượng không có lợi ích công chúng (ngoại trừ SME có chế độ kế toán riêng). Quan điểm này phù hợp với tầm nhìn lâu dài, được quốc tế thừa nhận, được thừa hưởng tất cả những lợi ích do IFRS mang lại, không phải liên tục ban hành lại VAS/VFRS khi Chuẩn mực quốc tế thay đổi, tránh được sự lạc hậu do không cập nhật, bổ sung và ban hành kịp thời VAS/VFRS. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được thành công lộ trình này, bước đầu tiên cần tiến hành Việt hóa các chuẩn mực IFRs, đảm bảo truyền tải đúng tinh thần, quy định và hạn chế khác biệt do hàng rào ngôn ngữ đang trở thành vấn đề quan trọng. Bằng chứng cho thấy, kể từ khi ban hành Đề án áp dụng IFRS (tháng 3/2020) đến nay, vấn đề thống nhất bản dịch vẫn đang là trở ngại lớn trong việc xúc tiến ban hành bộ IFRS Việt hóa cho các DN tự nguyện.

3. Thuận lợi và khó khăn từ việc áp dụng IFRS đối với các trường đại học tại Việt Nam

Theo phân tích của Mai Ngọc Anh (2017), vấn đề áp dụng IFRS và ĐTKT theo hướng Chuẩn mực Báo cáo tài chinh quốc tế là cơ hội lớn để các trường đại học tại Việt Nam đổi mới và phát triển. Trên thực tế, đề án và lộ trình áp dụng IFRS ở Việt Nam được nhìn nhận như công cuộc cải cách kế toán lần thứ ba, đánh dấu một bước quyết định trong quá trình hội nhập toàn diện của kế toán của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, với sự hạn chế về kinh nghiệmthực tiễn, quá trình đào tạo nhân lực ngành Kế toán đáp ứng quá trình áp dụng IFRS ở Việt Nam sẽ vấp phải những thách thức và khó khăn.

3.1. Một số thuận lợi

Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 trường đang đào tạo ngành Kế toán và Kiểm toán ở nhiều cấp bậc khác nhau, từ cao đẳng, đại học, cao học, đến chương trình nghiên cứu tiến sĩ,… Theo đánh giá chung, chúng ta đã có một số cải cách về cả nội dung và hình thức giảng dạy, tích cực quốc tế hóa chương trình đào tạo đạt chuẩn với việc tích hợp môn học Kế toán quốc tế (KTQT) được giảng dạy bằng tiếng Anh, hoặc được liên kết với chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới. Do đó, quá trình đào tạo tích hợp nội dung IFRS trong thời gian tới tại các trường ĐH cũng như cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cần dựa trên những thuận lợi sau:

Thứ nhất, các trường ĐH sẽ đón nhận nhu cầu người học gia tăng. Với điều kiện chuyển biến tích cực trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở Việt Nam, quá trình áp dụng IFRS sẽ không thể trì hoãn. Trong khoảng 3 - 5 năm chuẩn bị, các trường ĐH tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhu cầu gia tăng về đào tạo chuyên sâu, có hệ thống về IFRS để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hội nhập trong khuôn khổ AEC, cũng như trong khu vực. Vấn đề tổ chức đào tạo chuyên sâu về KTQT tại các trường đại học được đặt ra như một tất yếu khách quan, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cũng như giúp cho quá trình áp dụng IFRS được tiến hành thành công.

Thứ hai, các trường ĐH đã có thời gian chuẩn bị lâu dài để đổi mới. Kể từ năm 1990 tới nay, mỗi khi có cải cách căn bản về hệ thống kế toán, các cơ sở đào tạo và trường ĐH đều nhanh chóng chuyển đổi chương trình, phương pháp dạy học để đáp ứng sự thay đổi. Do đó, các nghiên cứu về khoảng cách VAS - IFRS cũng như làm rõ các vấn đề lý luận trong áp dụng IFRS đã manh nha được đưa vào giảng dạy. Chưa kể, việc IFRS có lộ trình áp dụng chính thức sẽ là tiền đề mạnh mẽ thúc đẩy sự thay đổi hệ thống đào tạo ở các trường ĐH, là động lực để giảng viên và các khoa phải thay đổi, hoàn thiện chương trình đạo tạo và phương pháp tiếp cận cho sinh viên phù hợp với IFRS. Đặc biệt, có rất nhiều cơ sở đào tạo như Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng và một số trường khác đã tích cực tích hợp chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với chuẩn mực IFRS từ nhiều năm qua, liên kết và tích hợp các chương trình đào tạo của các hiệp hội nghề nghiệp khiến cho quá trình chuyển đổi sang tích hợp IFRS có lợi thế.

Thứ ba, các hoạt động liên kết với các trường ĐH quốc tế, tổ chức nghề KTQT giúp thu hồi khoảng cách trong đào tạo IFRS và thông lệ quốc tế. Trên thực tế, nhiều trường ĐH hiện nay đã và đang có kế hoạch triển khai các chương trình đào tạo kết với các trường ĐH ở nước ngoài về kế toán như Học viện Ngân hàng. Bên cạnh đó, như một xu hướng chung, các tổ chức nghề nghiệp kế toán hoạt động ở Việt Nam cũng tích cực liên kết và hỗ trợ đào tạo sinh viên lẫn giáo viên tại các trường đại học như một nội dung trong chương trình quảng bá hình ảnh. Đồng thời, quá trình này cũng giúp gia tăng sự giao lưu học hỏi, trao đổi chương trình, giúp cho giảng viên các trường ĐH tiếp cận tới các nội dung KTQT.

Sự xuất hiện của các tổ chức Hiệp Hội nghề nghiệp quốc tế về kế toán như ACCA, CPA Ustralia, ICAEW khiến cho môi trường kế toán được cải thiện, gia tăng nhận thức và tạo điều kiện nâng cao chương trình ĐTKT tại các trường đại học. Đặc biệt là gia tăng nhận thức hội nhập về kế toán và ĐTKT tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã có hơn 1 thập kỷ tìm hiểu và nghiên cứu về kế toán các nước phát triển và đặc biệt là hệ thống chuẩn mực KTQT BCTC. Kết quả của quá trình này là nhận thức về yêu cầu vấn đề áp dụng IAS/IFRS để gia tăng chất lượng thông tin, yêu cầu phải thay đổi phương pháp ĐTKT nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các hãng kiểm toán, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhìn chung, chương trình đào tạo của các trường ĐH Việt Nam đều có các môn học có nội dung đào tạo KTQT ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nội dung này thường chỉ chiếm từ 5% đến 10% dung lượng đào tạo các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành (Mai Ngọc Anh, 2017).

3.2. Một số khó khăn

So với các quốc gia trong khu vực đã đi trước nhiều năm, quá trình triển khai và áp dụng IFRS ở Việt Nam khiến các trường ĐH và cơ sở đào tạo vướng phải những khó khăn về điều kiện vật chấtnhân lực đào tạo cụ thể như sau.

Thứ nhất, tồn tại sự khác biệt và tồn tại trong quy trình ĐTKT. Sự khác biệt này nằm trong vấn đề thể chế đã tồn tại từ lâu cũng như mâu thuẫn về bản chất mục tiêu của BCTC theo IFRS và chế độ báo cáo phục vụ mục đích quản lý thuế, hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn đầu. Như trên đã phân tích, khuynh hướng và “kim chỉ nam” trong hoàn thiện IFRS được Ủy ban Chuẩn mực thực hiện, nhằm đảm bảo lợi ích của người đầu tư, thực hiện theo hướng ban hành các chuẩn mực hướng dẫn (Principles - based). Trong khi đó, việc áp dụng kế toán ở Việt Nam là dựa trên chế độ hướng dẫn kế toán và các quy định tài chính chi phối (Rules - based system).

Do đó, chương trình đào tạo tại các trường về kế toán suốt nhiều năm qua thiên về thiết kế phù hợp với chế độ kế toán, thậm chí đề cập tới VAS tương đối hạn chế. Để đảm bảo được nguồn nhân lực đầu ra đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cách triển khai giảng dạy các môn học kế toán tại các trường đại học phần nhiều thiên về mặt kỹ thuật, chủ yếu là kỹ thuật tính toán, ghi chép tỉ mỉ các nghiệp vụ kế toán vào sổ sách kế toán và cuối cùng lập các BCTC, dẫn đến cách tổ chức chương trình đào tạo, liên kết ma trận học phần liên quan đến nội dung các môn học về kế toán mà chủ yếu dựa vào VAS và các chế độ kế toán cụ thể. Thậm chí, cách giảng dạy một số môn học kế toán xoay quanh các văn bản pháp luật về kế toán, như các thông tư, nghị định,... Vì vậy, khi triển khai chuyển hướng đào tạo IFRS một cách có hệ thống, sẽ khiến các trường ĐH và giảng viên gặp những thách thức lớn.

Thứ hai, hạn chế về nguồn nhân lực giảng viên có trình độ. Việc ban hành các CMKT Việt Nam (VAS) trên nền tảng nghiên cứu, kế thừa và vận dụng CMQT đặt ra yêu cầu nghiên cứu, học tập về CMKTQT (IAS, IFRS). Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên, thực tế là cách tiếp cận ĐTKT ở các trường ĐH Việt Nam vẫn thiên về đào tạo “kỹ thuật” tuyệt đối hóa các quy định của chế độ kế toán, đặc biệt là quá coi trọng việc đào tạo các kỹ thuật hạch toán, ghi sổ. Việc đào tạo các CMKT đã được một số trường tiếp cận song chưa mang tính phổ biến. Theo đó, cách thức đánh giá kết quả trong các kỳ thi liên quan thường thiên về kỹ thuật và kỹ năng học thuộc. Vì vậy, ngay cả khi đưa các môn học về KTQT vào giảng dạy, với công nghệ và cách tiếp cận đào tạo như hiện nay cũng sẽ làm hạn chế nội dung, hiểu biết và khả năng nghiên cứu của người học.

Nguồn nhân lực giảng viên có trình độ, chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế tại các trường vẫn vô cùng hạn chế. Số lượng giảng viên có khả năng tự đào tạo/đào tạo chuyên sâu về

KTQT và khả năng nghiên cứu bằng tiếng Anh chỉ chiếm 20% giảng viên của các trường ĐH. Bên cạnh đó, còn những hạn chế về nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất của các trường đại học, hệ thống học liệu định hướng theo KTQT chưa phổ biến. Nhiều khoa, trường phải tự soạn các học liệu dưới dạng slide, tài liệu đào tạo nội bộ, nhưng chỉ theo hướng tiếp cận cơ bản với IFRS.

Thứ ba, rào cản về ngôn ngữ để hiểu được và truyền tải nội dung các chuẩn mực IFRS. Các chuẩn mực IFRS được trình bày bằng tiếng Anh, do đó để có thể nhanh chóng tiếp cận các nội dung, kiến thức và kinh nghiệm về đào tạo IFRS, các giảng viên và người dạy cần phải tiếp cận các học liệu, tài liệu và chương trình đào tạo gốc bằng tiếng Anh. Điều này đòi hỏi trình độ, khả năng sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn của các giảng viên.

Thứ tư, hạn chế về nguồn lực tài chính. Quá trình tích hợp nội dung đào tạo IFRS tại các trường đại học dự kiến sẽ tốn kém chi phí lớn và cần huy động nguồn lực đầu vào có đủ trình độ, kinh nghiệm. Để áp dụng IFRS, còn cần đi đôi với sự đổi mới công nghệ đào tạo, phương pháp giảng dạy và điều kiện cơ sở vật chất. Chương trình đào tạo không còn đặt trọng tâm vào quy định, kỹ thuật hạch toán, ghi sổ như hiện nay mà đặt trọng tâm vào các nguyên tắc, kỹ năng và phân tích nghiệp vụ và cuối cùng là quá trình trình bày, thuyết minh thông tin.

4. Kết luận và một số khuyến nghị cho các trường đại học

Với sự ra đời của Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế ở Việt Nam, việc chuyển đổi chương trình ĐTKT đáp ứng nhu cầu nhân lực có kiến thức và áp dụng được IFRS là rất cấp thiết. Đối mặt với những thuận lợi và khó khăn trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, các trường cần triển khai sớm khung chương trình phù hợp với định hướng áp dụng IFRS. Tuy nhiên, cần chú ý rằng lộ trình áp dụng IFRS có hướng đến sự phân hóa đối tượng áp dụng, bao gồm các DN áp dụng tự nguyện, tiến đến các DN bắt buộc áp dụng và một phần lớn các DN không yêu cầu áp dụng. Điều này yêu cầu các trường đại học cần xác định rõ phân khúc của mình trong thị trường lao động kế toán, cũng như gắn với khảo sát kết quả phân bổ nguồn lực đầu ra để triển khai xây dựng chương trình phù hợp. Trong giai đoạn sớm, có thể kết hợp các môn học IFRS dưới dạng tự chọn, tiến đến bắt buộc khi quá trình áp dụng IFRS được yêu cầu rộng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sau đó cần thực hiện theo lộ trình xây dựng chương trình đào tạo độc lập, theo hướng chuyên ngành (như chuyên ngành “kế toán quốc tế”, bên cạnh chuyên ngành Kế toán, kiểm toán,…), để giúp người học xác định được mục tiêu và nội dung đào tạo. Theo phương hướng này, sản phẩm đầu ra là những đối tượng có chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế được xác định là trọng tâm. Bên cạnh đó, đầu vào cần đảm bảo về thành thạo ngoại ngữ và thỏa mãn yêu cầu cơ bản. Từ đó, đầu ra của chương trình đào tạo độc lập này sẽ là những kế toán viên có khả năng chung, có hiểu biết sâu về IFRS và thích ứng được với môi trường làm việc áp dụng đầy đủ IFRS.

Thứ hai, các trường cần sớm triển khai các chương trình đào tạo cho giảng viên về IFRS. Bên cạnh các khóa đào tạo, các trường xây dựng lộ trình đổi mới giảng dạy, tiếp cận sâu rộng với công nghệ, tăng cường vốn ngoại ngữ,…

Thứ ba, các trường ĐH cần có sự hỗ trợ từ Bộ Tài chính và sự liên kết với các tổ chức nghề nghiệp kế toán. Trước mắt, quá trình hoàn thiện bản dịch chuẩn mực IFRS và thống nhất các thuật ngữ, quy định cần có sự tham gia của các trường đại học. Điều này nhằm gia tăng sự hiểu biết ban đầu về vai trò, vị trí cũng như quá trình chuyển ngữ của IFRS. Thêm vào đó, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế (ACCA, ICAEW, CPA Australia,...) cần được khuyến khích chia sẻ, hỗ trợ các trường đại học cũng như cơ sở đào tạo về triển khai giảng dạy chương trình, môn học về IFRS.

Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/hoat-dong-dao-tao-o-cac-truong-dai-hoc-voi-lo-trinh-ap-dung-ifrs-bat-buoc-o-viet-nam-88868.htm

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ