Kế toán công cụ tài chính theo chuẩn mực quốc tế tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

2024/06/04

TintứcIFRS

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, trong bối cảnh đó, thị trường tài chính cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Trên thị trường tài chính Việt Nam, các giao dịch về công cụ tài chính ngày càng sôi động, cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm lợi nhuận và phòng ngừa rủi ro.

1. Công cụ tài chính và Chuẩn mực kế toán quốc tế về công cụ tài chính

Theo Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) 32, công cụ tài chính (CCTC) là bất kỳ hợp đồng nào làm phát sinh một tài sản tài chính (TSTC) của một đơn vị và một khoản nợ tài chính hoặc công cụ vốn của một đơn vị khác.

Các chuẩn mực IAS/Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS) về CCTC gồm:
  1. IAS 32 - Các CCTC: Trình bày: Chuẩn mực này quy định về việc phân loại các CCTC bao gồm: công cụ nợ và công vụ vốn. Bên cạnh đó còn quy định về việc trình bày các công cụ lai ghép.
  2. IFRS 7 - Các CCTC: Công bố: Chuẩn mực này xem xét, đơn giản hóa và tích hợp các yêu cầu công bố trước đây có trong IAS 32.
  3. IFRS 9 - Các CCTC: Ghi nhận và đo lường: Chuẩn mực này được ban hành dưới hình thức hoàn chỉnh vào tháng 7/2014, thay thế cho IAS 39 - Các CCTC: Ghi nhận và việc đo lường. Chuẩn mực quy định về việc ghi nhận và dừng ghi nhận; việc đo lường của các CCTC; đo lường sự sụt giảm giá trị và việc hạch toán phòng ngừa rủi ro tổng quát. IFRS 9 mang lại sự thay đổi cơ bản đối với nghiệp vụ kế toán về các CCTC, vì nó thay thế cho IAS 39 và giới thiệu phương pháp mới về phân loại CCTC và mô hình tổn thất tín dụng dự kiến cho các CCTC.

2. Các công cụ tài chính tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Qua khảo sát số liệu của Top 10 ngân hàng thương mại (NHTM) được đánh giá là uy tín nhất Việt Nam năm 2019 cho thấy, do đặc thù hoạt động kinh doanh nên hầu hết các tài sản của các NHTM là TSTC, chiếm trên 96% tổng tài sản của NHTM.

Sự đa dạng hóa các hoạt động, nghiệp vụ kinh doanh của các NHTM Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế cũng làm cho các CCTC của các NHTM Việt Nam ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Cho đến nay, với cơ chế nghiệp vụ kinh doanh được phép thực hiện, các CCTC của các NHTM Việt Nam không chỉ có các CCTC cơ sở mà còn bao gồm cả các CCTC phái sinh. 

3. Sự tương đồng

Giữa chế độ kế toán của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện hành với các IAS/IFRS về CCTC có những điểm tương đồng sau:

  • Về nhận diện và phân loại CCTC: Mặc dù, chưa có quy định nhận diện, phân loại tổng thể CCTC TCTD, song việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các tiêu chí phân loại đối với chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư khá phù hợp với quy định của IAS 39 (trước khi IFRS 9 ra đời).
  • Về đo lường CCTC: Hướng dẫn của NHNN cho phép đo lường chứng khoán kinh doanh, đầu tư, phái sinh tiền tệ theo giá thị trường nhiều hơn, điều này thể hiện sự cần thiết sử dụng giá trị hợp lý, giá thị trường, giá trị phân bổ theo lãi suất thực trong đo lường CCTC phù hợp với xu hướng chung là hài hoà với IAS/IFRS về đo lường CCTC.
  • Về trình bày và công bố thông tin về CCTC: Các nguyên tắc trình bày và công bố thông tin theo chế độ BCTC của TCTD và Thông tư số 210/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính phù hợp với IAS 32 và IFRS 7 ở những điểm sau:
    • Về trình bày CCTC: Hệ thống kế toán các TCTD yêu cầu các NHTM trình bày trên Bảng Cân đối tài sản theo thứ tự tính thanh khoản giảm dần của tài sản và theo thời hạn thanh toán tăng dần đối với nợ tài chính.
    • Về công bố thông tin CCTC: Về cơ bản các NHTM phải công bố thông tin về: Các chính sách kế toán đối với các CCTC cơ bản; công bố bổ sung thông tin để làm rõ các khoản mục CCTC đã trình bày trên Bảng Cân đối tài sản; công bố thông tin về thu nhập lãi, chi phí lãi của CCTC hiện có và lãi/lỗ phát sinh từ CCTC đã thanh lý trong kỳ; công bố thông tin về các rủi ro có thể phát sinh từ CCTC gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường.

4. Sự khác biệt

Các NHTM Việt Nam đang phải thực hiện chuyển đổi BCTC lập theo VAS sang IFRS để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, chủ nợ nước ngoài. Tuy nhiên, các NHTM gặp nhiều khó khăn khi lập BCTC theo IFRS vì chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng chi tiết của cơ quan có thẩm quyền, phần lớn các NHTM phải thuê các công ty kiểm toán trợ giúp trong quá trình chuyển đổi BCTC sang IFRS. Những khó khăn đó phát sinh do có sự khác biệt giữa chế độ kế toán của các NHTM Việt Nam với các IAS/IFRS về CCTC.

Rõ ràng sự khác biệt trên đã làm cho số liệu công bố về CCTC trên BCTC của các NHTM Việt Nam khó có tiếng nói chung và gây khó khăn cho các NHTM Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Vì vậy, cần có định hướng trong việc áp dụng các IAS/IFRS về CCTC cho các NHTM Việt Nam, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng BCTC của các NHTM và có thể so sánh được với các ngân hàng khác trên thế giới; giúp người sử dụng BCTC có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các ngân hàng giữa các quốc gia khác nhau một cách dễ dàng hơn; giúp các ngân hàng Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế. 

5. Giải pháp áp dụng kế toán công cụ tài chính theo chuẩn mực quốc tế tại các NHTM Việt Nam

Để sớm áp dụng kế toán CCTC theo chuẩn mực quốc tế tại các NHTM Việt Nam, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tạo sức ép bắt buộc các NHTM phải áp dụng kế toán CCTC theo chuẩn mực quốc tế, cụ thể:

  • Đối với Chính phủ: Cần công bố chính thức trên phương diện quốc tế, đưa ra cam kết cụ thể để đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng các IAS/IFRS nói chung và các IAS/IFRS về CCTC nói riêng; Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho việc áp dụng các IAS/IFRS và các IAS/IFRS về CCTC trên các phương tiện thông tin báo chí. Đồng thời, phải xác định việc hoà hợp hay hội tụ với kế toán quốc tế không phải là việc riêng của Bộ Tài chính mà cần có sự vào cuộc của các bộ, ban ngành liên quan.
  • Đối với Bộ Tài chính: Sớm quyết định và tuyên bố lộ trình cũng như lựa chọn mô hình áp dụng IAS/IFRS nói chung và các IAS/IFRS về CCTC nói riêng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng chuẩn mực kế toán về CCTC trên cơ sở các IAS/IFRS về CCTC và chuẩn mực về giá trị hợp lý; Chỉnh sửa các VAS cho phù hợp với các chuẩn mực mới ban hành; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tăng cường các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về việc phát triển và sử dụng các IFRS về CCTC.
  • Đối với NHNN: Phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình nghiên cứu, ban hành và chuẩn bị triển khai áp dụng các IAS/IFRS nói chung và các IAS/IFRS về CCTC nói riêng; Chủ động tổ chức các hoạt động triển khai áp dụng các IAS/IFRS về CCTC theo lĩnh vực quản lý; Đề xuất các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức thực hiện để đảm bảo tính khả thi các hoạt động có liên quan đến việc áp dụng IFRS.

Thứ hai, các NHTM nâng cao nhận thức về việc áp dụng kế toán CCTC theo chuẩn mực quốc tế, cụ thể:

  • Xác định việc áp dụng các IAS/IFRS về CCTC như là xu thế mà các NHTM Việt Nam cần hướng tới và mạnh dạn nghiên cứu vận dụng các IAS/IFRS về CCTC, nhất là khối NHTM niêm yết để minh bạch thông tin tài chính.
  • Xác định các nguồn lực sẵn có (dữ liệu, các hệ thống, các quy trình… ví dụ các mô hình đã xây dựng theo Basell II – rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, thử nghiệm sức chịu đựng…) và khả năng tận dụng các nguồn lực đó khi triển khai áp dụng các IAS/IFRS về CCTC trong hoạt động của mình.
  • Đánh giá thực trạng nhân sự như có sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi, có khả năng thích nghi với sự thay đổi…; Chủ động nâng cao trình độ chuyên môn về kế toán, về thị trường cho cả người quản lý ngân hàng, quản lý tài chính cũng như nhân viên kế toán.
  • Nâng cấp hệ thống, cập nhật quy trình vận hành hệ thống để thích nghi với yêu cầu khi áp dụng các IAS/IFRS về CCTC, vì khi áp dụng các IAS/IFRS về CCTC đòi hỏi những xử lý về mặt kỹ thuật để có thể đo lường, ghi nhận và trình bày các CCTC trên BCTC.

Thứ ba, nâng cao nhận thức các IAS/IFRS và IAS/IFRS về CCTC: Các cơ sở đào tạo và hiệp hội nghề nghiệp cần có chương trình đào tạo về kế toán theo các IAS/IFRS nói chung và IAS/IFRS về CCTC nói riêng; Xây dựng giáo trình và phương pháp giảng dạy phù hợp để IFRS dễ sử dụng và mang tính ứng dụng cao.  

6. Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội, Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
  2. Bộ Tài chính (2008), 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam 2001 – 2006, NXB Thống kê;
  3. Thông tư số 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính;
  4. Quyết định số 7459/2006/NHNN-KTTC hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư chứng khoán;
  5. Văn bản hợp nhất số 02/2015 của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng;
  6. Công văn số 7404/2006/NHNN–KTTC hướng dẫn hạch toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ;
  7. Hệ thông chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: IAS 32, IAS 39, IFRS 07, IFRS 09, IFRS 13.

*Thông tin khác 

Nếu bạn muốn tìm thêm thông tin liên quan đến bài đăng này hoặc thông tin công ty chúng tôi, vui lòng xem các bài đăng và trang bên dưới. Công ty Kế toán AGS Việt Nam hy vọng bạn có thể dành nhiều thời gian hơn trên trang web của chúng tôi và có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/ap-dung-ke-toan-cong-cu-tai-chinh-theo-chuan-muc-quoc-te-tai-cac-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ