Trong lĩnh vực kế toán, việc áp dụng AI không
chỉ giúp giảm bớt gánh nặng công việc có tính chất lặp lại, mà còn đem lại
hiệu suất cao hơn thông qua khả năng phân tích và dự đoán dữ liệu. Cụ thể, AI
có thể tự động thực hiện các nhiệm vụ như nhận dạng và phân loại hóa đơn, theo
dõi chi phí và thu chi, giảm thiểu sai sót và tăng tính chính xác trong quá
trình kế toán. Một ưu điểm lớn của AI là khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu một
cách nhanh chóng và chính xác. Xuất phát từ thực tế trên cũng như nhận thức
được tầm quan trọng to lớn của AI, tác giả quyết định nghiên cứu việc áp dụng
AI trong công tác kế toán tại Việt Nam.
1. Định nghĩa AI
Theo Ông Phạm Huy Hùng (2023), AI là một lĩnh vực khoa học máy
tính nhằm phát triển các thuật toán và hệ thống máy tính có khả năng thực
hiện các nhiệm vụ thường yêu cầu trí thông minh của con người, chẳng hạn
như: nhận thức thị giác, nhận dạng giọng nói, ra quyết định và xử lý ngôn
ngữ tự nhiên. Các hệ thống AI này được thiết kế để nhận đầu vào từ môi
trường, xử lý thông tin và thực hiện các hành động dựa trên hiểu biết của
chúng về dữ liệu mà chúng nhận được, tương tự như cách con người xử lý thông
tin (Vuong, 2023). Brown và O'Leary (1995) cho rằng, AI có thể được nhìn
nhận từ nhiều quan điểm về trí tuệ, nghiên cứu, kinh doanh và lập trình.
AI trong kế toán là sự kết hợp và áp dụng các công nghệ và
thuật toán AI để tự động hóa và cải thiện các quy trình kế toán. Các ứng
dụng của AI trong kế toán bao gồm sử dụng máy học để tự động hóa các nhiệm
vụ như: xử lý dữ liệu tài chính, dự đoán xu hướng kế toán và thậm chí hỗ trợ
trong việc ra quyết định kế toán chiến lược.
2. Thực trạng áp dụng AI trong công tác kế toán tại Việt Nam
Bảng 1 minh họa về tỷ lệ sử dụng các công cụ kế toán trong
doanh nghiệp hiện nay. Có thể thấy, phần lớn doanh nghiệp đã chuyển sang sử
dụng phần mềm kế toán như là công cụ chính cho quá trình kế toán của họ,
chiếm tỷ lệ khoảng 70,3%. Điều này thể hiện sự chuyển đổi từ các phương pháp
kế toán truyền thống sang áp dụng của công nghệ thông tin và phần mềm chuyên
ngành để tăng cường hiệu suất và độ chính xác.
Bảng 1. Công cụ kế toán đang được các doanh nghiệp áp dụng |
Công cụ kế toán truyền thống vẫn còn tồn tại,
với tỷ lệ sử dụng là 19,8%, nhưng thấp hơn rõ rệt so với phần mềm kế toán. Như
vậy, vẫn còn sự chậm trễ trong việc chuyển đổi hoặc một sự kỳ vọng về tính ổn
định và đáng tin cậy của các phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất là sự xuất hiện của công cụ kế
toán sử dụng AI, với 9,9% đối tượng khảo sát sử dụng. Mặc dù tỷ lệ sử dụng
công cụ kế toán AI vẫn còn thấp so với các phần mềm kế toán truyền thống,
nhưng sự xuất hiện của nó có thể dự báo một xu hướng chung trong tương lai.
Điều này có thể mở ra cánh cửa cho một quy trình kế toán hiệu quả hơn và các
phương pháp kế toán tiên tiến hơn.
Kết quả khảo sát cũng khẳng định sự nhận thức
và sự chấp nhận rộng rãi từ phía doanh nghiệp về giá trị và tiềm năng của AI
trong lĩnh vực kế toán trong tương lai. Sự đồng thuận này xuất phát từ những
lợi ích mà AI đem lại cho quá trình kế toán. AI có khả năng phân tích lượng
lớn dữ liệu một cách tự động và nhanh chóng, từ đó cung cấp thông tin chính
xác và kịp thời để hỗ trợ quyết định kinh doanh. Nó cũng có thể tự động hóa
các nhiệm vụ lặp lại và tốn thời gian, giúp giảm bớt công sức và thời gian của
nhân viên kế toán.
Nhìn chung, doanh nghiệp đều đồng tình với
việc AI là một công cụ hỗ trợ giúp công việc kế toán trở nên nhanh chóng và
chính xác hơn. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của con
người trong việc hiểu biết và tương tác với dữ liệu, cũng như trong việc đưa
ra quyết định và phản ứng linh hoạt đối với các tình huống phức tạp trong lĩnh
vực kế toán.
3. Đề xuất giải pháp
Để đẩy mạnh ứng dụng AI trong công tác kế toán tại Việt Nam,
qua nghiên cứu thực trạng, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:
3.1 Phía tổ chức nghề nghiệp kế toán tại Việt Nam
Tăng cường vai trò của các tổ chức nghề nghiệp
để đảm bảo tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó,
đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo và phát triển nhân lực để họ có thể sử dụng
công nghệ AI một cách hiệu quả và đáp ứng được các yêu cầu mới trong ngành.
Điều này đòi hỏi một chiến lược đào tạo toàn diện, bao gồm cả khía cạnh kỹ
thuật và kỹ năng mềm.
3.2 Phía doanh nghiệp Việt Nam
Trước tiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về khối lượng dữ
liệu và sự phức tạp của các giao dịch kế toán, các doanh nghiệp cần tiến
hành xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và tích hợp chặt chẽ với các hệ thống quản
trị khác như ERP để tạo ra một hệ thống thông tin kế toán toàn diện và liên
kết. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tự động hóa các công việc như nhập
liệu, xử lý thanh toán và chuẩn bị báo cáo tài chính hàng ngày, từ đó giảm
thiểu thời gian và công sức cần thiết cho các công việc lặp lại. Doanh
nghiệp cũng phải thường xuyên cập nhật, lưu trữ dữ liệu tài chính và phi tài
chính; tích hợp phần mềm kế toán với hệ thống quản trị; sử dụng các phần mềm
kế toán đóng gói hoặc tự xây dựng để phù hợp với quy mô doanh nghiệp.
Trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin vào công tác kế toán, doanh nghiệp tiến tới sử dụng AI để phân tích dữ
liệu và dự báo tài chính. Các thuật toán học máy cũng như quy trình mã hóa đầy
đủ có thể giúp phân tích dữ liệu kế toán và tài chính, từ đó đưa ra dự báo
chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong tương lai, giúp nhà
quản trị ra quyết định chiến lược và kế hoạch tài chính một cách hiệu quả.
Doanh nghiệp có thể tham khảo một số phần mềm là: Fast Accounting, Fresa AI,
MISA Financial Management, công cụ BI (Business Intelligence) như: Power BI
của Microsoft, Tableau... cung cấp các tính năng phân tích cũng như dự báo
nhằm dự đoán xu hướng tài chính trong tương lai và phân tích rủi ro, cơ hội để
nhà quản trị đưa ra các quyết định chiến lược và tối ưu hoá quy trình quản lý
tài chính.
Nguồn: https://kinhtevadubao.vn/ap-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-trong-cong-tac-ke-toan-tai-viet-nam-28867.html