Những câu hỏi thường gặp về IFRS

2024/07/05

TintứcIFRS

Những câu hỏi thường gặp về IFRS 



1. Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ban hành tháng 03/2020 của Bộ Tài chính, một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thuộc nhóm tự nguyện áp dụng và có thể áp dụng IFRS sớm hơn không?

Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc nhóm tự nguyện áp dụng và có thể thực hiện áp dụng sớm. Doanh nghiệp cần phải gửi công văn thông báo tới Bộ Tài chính và cơ quan quản lý có liên quan

2. Một doanh nghiệp đã lập báo cáo tài chính theo IFRS cho dù là bắt buộc hoặc tự nguyện thì có được miễn lập BCTC theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) không?

Một doanh nghiệp đã áp dụng IFRS cho dù là bắt buộc hay tự nguyện thì cũng có khả năng sẽ được miễn trừ lập BCTC theo VAS. Tuy nhiên, Quyết định số 345/QĐ-BTC hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này. Do đó, doanh nghiệp nên chờ đợi hướng dẫn chính thức từ Bộ Tài chính.

3. Hệ thống VFRS mới (dự kiến thay thế chuẩn mực VAS hiện hành từ năm 2025) sẽ được xây dựng như thế nào?

Chúng tôi hiểu rằng theo Quyết định số 345/QĐ-BTC thì hệ thống Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) sẽ được ban hành mới theo hướng tiệm cận gần nhất với IFRS và thông lệ quốc tế, với một số thay đổi để phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Các hướng dẫn chi tiết thêm về VFRS dự kiến sẽ được Bộ Tài chính ban hành trước giai đoạn triển khai áp dụng dự kiến vào năm 2025.

4. Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC, trong giai đoạn 2 áp dụng bắt buộc (sau năm 2025) thì có bao gồm đối tượng là Công ty mẹ quy mô lớn khác. Vậy quy mô lớn này được đánh giá như thế nào và ai sẽ đánh giá, cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp hay Bộ Tài chính)?

Hiện tại, Bộ Tài chính chưa chính thức ban hành các định nghĩa được đề cập trong Quyết định số 345, nhưng dự kiến sẽ các hướng dẫn chi tiết trong tương lai gần. Về định nghĩa cụ thể của Công ty mẹ quy mô lớn, Bộ Tài chính có thể sẽ có hướng dẫn trước khi giai đoạn 2 bắt đầu.

5. Cơ quan Thuế có chấp nhận báo cáo tài chính theo IFRS không?

Cơ quan Thuế có khả năng sẽ chấp nhận báo cáo tài chính theo IFRS nếu Bộ Tài chính đã đồng ý cho phép doanh nghiệp sử dụng IFRS. Có thể trong thời gian tới, cơ quan Thuế sẽ cân nhắc ban hành một số quy định liên quan đến IFRS và thuế Thu nhập Doanh nghiệp (“TNDN”) nhằm xử lý sự khác biệt giữa IFRS và luật thuế, giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Doanh nghiệp nên chờ thêm các hướng dẫn từ cơ quan Thuế về việc áp dụng IFRS.

6. Áp dụng IFRS có ảnh hưởng đến việc tính thuế TNDN ưu đãi (Thuế suất ưu đãi và ưu đãi miễn giảm thuế) không?

Các ưu đãi về thuế TNDN có thể sẽ không bị ảnh hưởng sau khi doanh nghiệp chuyển sang áp dụng IFRS vì các ưu đãi này được quy định bởi cơ quan Thuế trên cơ sở doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện nhất định.

7. Cơ quan Thuế có chấp nhận các điều chỉnh do sự khác biệt giữa IFRS và quy định về thuế?

Hiện tại, chúng tôi hiểu rằng đang có sự khác biệt nhất định giữa IFRS và các quy định về thuế và cơ quan Thuế có thể sẽ xem xét chấp nhận vấn đề này khi IFRS được áp dụng rộng rãi.

8. Doanh nghiệp thường ghi nhận tài sản (tài sản cố định hữu hình hay vô hình) có giá trị trên 30 triệu đồng, do đó chúng tôi gặp khó khăn trong việc theo dõi chi tiết để kiểm soát những sự khác biệt giữa IFRS và VAS. Doanh nghiệp nên xử lý vấn đề này như thế nào?

Theo quy định của IFRS (cụ thể là IAS 16 và IAS 38), doanh nghiệp có thể tự xác định ngưỡng giá trị tối thiểu ghi nhận tài sản cố định trong chính sách kế toán của mình. Do đó, có thể sẽ không phát sinh khác biệt trong quá trình ghi nhận theo IFRS và VAS nếu doanh nghiệp đặt cùng ngưỡng giá trị tối thiểu để vốn hóa tài sản cố định cho cả báo cáo VAS và IFRS.

9. Doanh nghiệp chúng tôi không có đủ thông tin tài chính trong quá khứ hoặc thông tin thị trường để xây dựng mô hình tính toán theoyêu cầu của IFRS. Chúng tôi cần phải làm gì để chuẩn bị chuyển đổi áp dụng IFRS trong tương lai?

IFRS là chuẩn mực tiếp cận dựa trên nguyên tắc và vì thế doanh nghiệp có thể lựa chọn xây dựng mô hình tính toán dựa trên nhiều giả định và dữ liệu lịch sử liên quan đến hoạt động của mình. Doanh nghiệp nên chủ động xây dựng các giả định và dữ liệu lịch sử cần thiết cho những mô hình tính toán trong tương lai càng sớm càng tốt, trên cơ sở tham khảo các yêu cầu cụ thể của từng chuẩn mực IFRS như IFRS 13 - Đo lường giá trị hợp lý, IFRS 9 - Công cụ tài chính, IAS 36 - Tổn thất tài sản.

10. Thường rất khó để doanh nghiệp xác định lãi suất chiết khấu cụ thể cho tài sản (theo yêu cầu của IFRS 16), như vậy chúng tôi có thể sử dụng lãi suất chiết khấu đang áp dụng ở Tập đoàn hoặc Công ty mẹ (trong và ngoài Việt Nam) được không?

Doanh nghiệp có thể sử dụng lãi suất chiết khấu từ Tập đoàn hay Công ty mẹ làm lãi suất cơ sở rồi thực hiện điều chỉnh bổ sung để phản ánh đặc điểm của thị trường Việt Nam và tài sản liên quan.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên lưu ý là các chuẩn mực khác nhau có thể yêu cầu sử dụng các lãi suất khác nhau. Ví dụ, chuẩn mực IFRS 16 và IFRS 9 cùng yêu cầu sử dụng ‘lãi suất chiết khấu’ nhưng đây là 2 lãi suất khác nhau, và thâm chị là trong bản thân IFRS 9 thì lãi suất chiết khấu của từng nhóm công cụ tài chính cũng có thể khác biệt.

11. Nếu doanh nghiệp đã lập báo cáo IFRS trong quá khứ thì bây giờ phải làm gì để lập BCTC tuân thủ IFRS? Chúng tôi có thể sử dụng số liệu của những năm trước, hay phải tiến hành hồi tố trong năm nay?

Hệ thống chuẩn mực IFRS có bao gồm chuẩn mực IFRS 1 quy định về BCTC tuân thủ IFRS đầu tiên mà theo đó:
  • TH1: Báo cáo áp dụng IFRS các năm trước có tuân thủ hoàn toàn và tuyệt đối các yêu cầu của IFRS 1: Doanh nghiệp tiếp tục sử dụng bộ báo cáo này và không cần hồi tố;
  • TH2: Báo cáo áp dụng IFRS các năm trước không tuân thủ hoàn toàn và tuyệt đối các yêu cầu của IFRS 1: Áp dụng các quy định của IFRS 1 (bao gồm cả việc áp dụng các ngoại lệ đối với việc điều chỉnh hồi tố).
Tuy nhiên, chúng tôi chưa có thông tin về việc BTC sẽ công nhận các báo cáo này như thế nào.

12. Doanh nghiệp chúng tôi là công ty Việt Nam có 100% vốn đầu tư từ công ty mẹ ở Nhật Bản. Tại Việt Nam, chúng tôi có đầu tư vốn vào các công ty con khác. Theo Quyết định 345/QĐ-BTC, chúng tôi thuộc nhóm đối tượng bắt buộc áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất từ giai đoạn 2 (sau 2025) còn công ty con của chúng tôi sẽ thuộc đối tượng nộp BCTC theo VFRS. Chúng tôi hiểu như vậy có đúng không?

Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC thì từ năm 2025, BTC sẽ tổ chức triển khai áp dụng VFRS cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam, trừ các đối tượng áp dụng IFRS hoặc chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát lại VFRS, cập nhật những thay đổi của IFRS để đảm bảo VFRS phù hợp ở mức độ cao nhất với thông lệ quốc tế.

13. Nếu doanh nghiệp chúng tôi muốn ghi nhận toàn bộ giao dịch theo cả VAS và IFRS trên cùng 1 phần mềm kế toán có khả năng cho ra báo cáo theo VAS và IFRS đồng thời, thì khi hạch toán 1 bút toán, kế toán có phải hạch toán 1 lần theo VAS và 1 lần theo IFRS không? Giải pháp Deloitte đưa ra có thể tích hợp vào phần mềm kế toán hiện có của doanh nghiệp hay phải sử dụng phần mềm mới?

Công nghệ đang được ứng dụng trên các hệ thống hoạch định nguồn lực (ERP) như SAP hay Oracle cho phép Báo cáo song song, một tính năng tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập nhiều hơn 1 hệ thống sổ cái chạy song song với nhau và tuân thủ các hệ thống kế toán khác nhau cho nhiều mục đích báo cáo, hay báo cáo ở nhiều vùng lãnh thổ. Như vậy, doanh nghiệp có thể không phải ghi nhận nhiều hơn 1 bút toán khi muốn báo cáo theo VAS và IFRS. Deloitte sẽ đưa ra kiến nghị giải pháp hợp lý nhất sau khi đã có đánh giá toàn diện về năng lực của hệ thống hiện tại và mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng tới

Nguồn:https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/vn/Documents/audit/vn-aud-ifrs-faq-vi.pdf?ref=profin.vn

*Thông tin khác 

Nếu bạn muốn tìm thêm thông tin liên quan đến bài đăng này hoặc thông tin công ty chúng tôi, vui lòng xem các bài đăng và trang bên dưới. Công ty Kế toán AGS Việt Nam hy vọng bạn có thể dành nhiều thời gian hơn trên trang web của chúng tôi và có thêm nhiều thông tin hữu ích.

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ