Vận dụng chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế để lập báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp Việt Nam

2024/07/23

TintứcIFRS

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược cho sự phát triển kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu: Tạo lập hệ thống kế toán - kiểm toán hoàn chỉnh; Xây dựng hệ thống khuôn khổ pháp lý kế toán - kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế; Tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán. 
Việc hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho việc lập báo cáo tài chính cũng không nằm ngoài những mục tiêu trên. Đây chính là tiền đề và động lực quan trọng để nâng tầm hoạt động kế toán, kiểm toán và góp phần nâng cao hiệu quả, minh bạch hóa nền kinh tế Việt Nam. 

1. Tầm quan trọng của việc áp dụng Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế cho việc lập báo cáo tài chính 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế như hiện nay, việc tìm ra một ngôn ngữ chung cho các doanh nghiệp (DN) trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) là hết sức cấp thiết. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa các quốc gia trong việc lập và trình bày BCTC. Sự khác biệt này đã tạo ra nhiều khó khăn cho người sử dụng trong đánh giá chất lượng BCTC ở một quốc gia khác, cũng như khi so sánh các báo cáo trên toàn cầu. Trong giai đoạn những năm 1970, hầu hết các công ty trên thế giới có xu hướng theo Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung của Hoa Kỳ (US GAAP), bởi quốc gia này có thị trường chứng khoán phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, US GAAP không còn là xu hướng chính, vì các quốc gia phát triển đã dần tìm được tiếng nói chung thông qua IFRS. Nguyên nhân dẫn đến điều này là US GAAP quá phức tạp và dựa quá nhiều vào các quy định cụ thể, thay vì các nguyên tắc chung và không được chấp thuận ở một số quốc gia bởi lý do chính trị. Bên cạnh đó, cho đến trước năm 2007, việc sử dụng các BCTC mang tính địa phương rồi sau đó chuyển đổi sang Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung của Hoa Kỳ vẫn còn rất phổ biến. Việc nâng cao chất lượng thông tin kế toán, kiểm toán ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Chiến lược kế toán-kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng được đặt ra trong bối cảnh trên, hướng đến tạo lập hệ thống kế toán-kiểm toán Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quản lý của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, dần hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến 2030, Việt Nam có một hệ thống kế toán, kiểm toán thực sự của kinh tế thị trường, tương đồng với thông lệ quốc tế. Đồng thời, khi áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế đóng góp giá trị lớn đối với tính bền vững của nền kinh tế toàn cầu, vì IFRS gia tăng sự minh bạch, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của DN, từ đó giảm bớt độ chênh lệch thông tin giữa nội bộ và bên ngoài DN.

2. Kinh nghiệm quốc tế áp dụng Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế 

Thống kê của Ủy ban chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB) cho thấy, tính đến tháng 4/2016 có khoảng trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang trên lộ trình áp dụng IFRS. Theo dữ liệu IASB cung cấp (Bảng 1), hầu hết các quốc gia có thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới đều đã thực hiện theo IFRS. Gần như toàn bộ các quốc gia châu Âu đều đã áp dụng IFRS, kể cả Nga. Tại Đông Nam Á, chỉ có Lào, Đông Timor và Việt Nam là chưa áp dụng. Thậm chí, những nền kinh tế kém phát triển hơn Việt Nam như: Myanmar và Camphuchia đều áp dụng IFRS và được IASB công nhận. Tương tự, những nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi, như: Kennya, Sierra Leone, đặc biệt là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới Zimbabwe cũng đã bước đầu áp dụng IFRS. Ở châu Mỹ, ngay cả quốc gia có hệ thống chuẩn mực riêng rất đặc thù như Hoa Kỳ cũng đã có thỏa thuận với IASB về việc bước đầu áp dụng IFRS từ năm 2014. Canada và Mexico cũng đã dần từ bỏ chuẩn mực kế toán riêng của mình để áp dụng IFRS. Cụ thể, tại Canada và Mexico, các công ty niêm yết và các công ty đa quốc gia đã chuyển sang IFRS lần lượt từ đầu năm 2011 và 2012. Theo IASB, 10 năm gần đây, việc áp dụng IFRS đã phát triển nhanh chóng và được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Trong số 140 quốc gia được IASB khảo sát, có 116 nước yêu cầu toàn bộ hoặc hầu hết những DN nội địa áp dụng IFRS. Đa số những quốc gia còn lại cho phép áp dụng IFRS. Tất cả các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như G20, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Hội đồng Ổn định tài chính quốc tế, Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán… đều ủng hộ và hỗ trợ áp dụng IFRS trên toàn cầu. 

3. Thực trạng cơ sở pháp lý và việc lập báo cáo tài chính ở Việt Nam hiện nay 

Luật Kế toán và Luật Kiểm toán Độc lập của Việt Nam hiện nay đều quy định về các vấn đề như: Chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán... Luật Kế toán yêu cầu các DN tuân thủ áp dụng hệ thống kế toán thống nhất, song song đó là các cơ chế về kiểm tra, giám sát của công chúng hỗ trợ các yêu cầu về BCTC DN đối với thị trường tài chính và thị trường vốn; Các khuôn khổ chính sách cho quá trình hiện đại hóa việc đào tạo kế toán ở các trường đại học; Các tổ chức nghề nghiệp kế toán cung cấp các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn liên tục. Có thể nói, quy định áp dụng thống nhất một hệ thống kế toán chỉ có thể phù hợp với các DN trong hệ thống ngân sách nhà nước. Về chuẩn mực kế toán, hiện tại, Việt Nam vẫn ưu tiên áp dụng các quyết định, hướng dẫn theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS), điều này đồng nghĩa với việc đang tồn tại tình trạng thiếu nhất quán trong cơ sở pháp lý để xây dựng BCTC. Đồng thời, phần nào làm ảnh hưởng đến tính tin cậy và khả năng so sánh của các thông tin tài chính được trình bày trong BCTC theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Hiện nay, phần lớn DN đang áp dụng VAS trong việc lập BCTC theo luật định. Gần đây, Việt Nam cũng đã cho phép (không bắt buộc) các công ty niêm yết trên thị truờng chứng khoán sử dụng IFRS khi lập và trình bày BCTC theo giá thị trường. Như vậy, thực tế chỉ có một số DN lập BCTC theo IFRS nếu có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế. Theo đánh giá từ tổ chức nghề nghiệp thì thực trạng về yêu cầu và nhận thức về chất lượng của BCTC DN tại Việt Nam hiện nay còn ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do những yếu kém trong quản trị DN và thực tế là đa phần các đối tượng tham gia thị trường là nhà đầu tư cá nhân cũng như sự thiếu minh bạch, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đã khiến việc tiếp cận của công chúng đối với các BCTC được kiểm toán rất hạn chế. Người sử dụng thường cho rằng, các BCTC được các hãng kiểm toán lớn là thành viên của mạng lưới quốc tế kiểm toán thì có tiêu chuẩn BCTC cao hơn. Trong khi đó, phần lớn BCTC của các công ty niêm yết và DNNN đang được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán trong nước. 

4. Những lợi ích và thách thức khi áp dụng Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế 

Với Chiến lược phát triển kế toán-kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Việt Nam, thì việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng các chính sách của ASEAN, cũng như theo kịp đà phát triển của những nền kinh tế thành công khác trong khu vực và trên thế giới. Thông qua áp dụng IFRS, nền kinh tế Việt Nam nói chung và DN Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, ví dụ như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững, phát triển đội ngũ nhân sự kiểm toán... Kinh nghiệm triển khai IFRS ở nhiều quốc gia cho thấy, sau khi áp dụng IFRS, mức độ tin cậy về thông tin của các công ty niêm yết, cũng như thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng ở các nước đó được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Điều này không chỉ giúp các thị trường này cải thiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, mà còn giúp cho nền kinh tế và DN của các nước này giảm đáng kể chi phí phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn, do định mức tín nhiệm tăng cao. IFRS được ví như “ngôn ngữ tài chính toàn cầu” giúp đảm bảo tính so sánh, thống nhất và minh bạch, sẽ “chắp thêm cánh” cho DN tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế; đồng thời, giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam. Khi hiểu biết về IFRS sẽ giúp DN có những thông tin hữu ích về các DN khác trong cùng ngành, có mức độ hoạt động tương đương ở các nước khác. Riêng đối với DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà công ty mẹ sử dụng IFRS thì việc biết và áp dụng IFRS là một yêu cầu bắt buộc nhằm phục vụ cho việc hợp nhất báo cáo ở công ty mẹ. Việc áp dụng IFRS giúp tăng cường khả năng so sánh và tính minh bạch của hoạt động BCTC. Các BCTC có liên quan, có thể so sánh và phản ánh trung thực tình hình tài chính của tổ chức là điều mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm trong việc đưa ra quyết định đầu tư của mình. IFRS giúp đảm bảo tính thống nhất toàn cầu của chuẩn mực BCTC áp dụng cho các tổ chức trên các khu vực pháp lý khác nhau. Các BCTC lập theo IFRS được chấp nhận rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Các yếu tố này là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Thông qua áp dụng IFRS, các công ty ở Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế. Ví dụ như, tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững. Điều này củng cố sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đầu tiên là xây dựng một đội ngũ nhân viên tài chính-kế toán có năng lực. Đây không phải là công việc dễ dàng, vì IFRS được xem là rất phức tạp, ngay cả ở những nền kinh tế phát triển. Phương pháp hạch toán các giao dịch theo IFRS dựa trên bản chất của giao dịch, do đó yêu cầu phải có xét đoán và đánh giá mang tính phân tích của cán bộ quản lý, những người sẽ tham vấn nhân viên kế toán. Các DN cần thiết lập hệ thống và quy trình để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng. Việc quản lý công tác BCTC, trong đó có yêu cầu tuân thủ và kiểm toán nội bộ cần được tăng cường nhằm đảm bảo tính trung thực của BCTC. Gần đây, Bộ Tài chính đã triển khai việc đào tạo các chuyên gia kế toán với định hướng vận dụng IFRS cho các DN Việt Nam trong thời gian tới. Rõ ràng, việc áp dụng chung chuẩn mực kế toán sẽ giúp cho các DN nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng giúp nâng cao tính minh bạch không chỉ trong các DN, mà còn trong các cơ quan ban ngành Chính phủ. Điều này giúp cho việc nâng cao hạng mức tín nhiệm của Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế, bên cạnh đó còn giúp cho các DN Việt Nam tiếp xúc với các nguồn tín dụng quốc tế như: ADB, World Bank… dễ dàng hơn. Đặc biệt, đối với các loại báo cáo hợp nhất áp dụng cho các công ty đa quốc gia với công ty con là DN Việt Nam, việc hoà hợp chuẩn mực kế toán quốc tế giúp cho việc hội nhập càng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn bao giờ hết. Khi tiến hành giao thương, các DN Việt Nam dùng chung một ngôn ngữ chuẩn về kế toán với các DN trên thế giới sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn trong công tác hạch toán ghi nhận các nghiệp vụ Trong quá trình hội nhập toàn diện với quốc tế, các DN Việt Nam phải tuân thủ các luật chơi mới đầy thách thức và khó khăn và một trong những thách thức DN phải đối diện hiện nay là xu hướng vận dụng IFRS trong việc lập BCTC. Tuy nhiên, để vận dụng được IFRS là cả một quá trình gian khó đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía khi mà hiện nay còn có khá nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể: - Thiếu hụt về nguồn nhân lực: Rào cản ngôn ngữ là tiếng Anh và các thuật ngữ khó hiểu mang tính học thuật, ước lệ của từ vựng chuyên ngành kế toán gây ra không ít khó khăn cho người dạy lẫn người học. Ngoài ra, với đặc thù ngành Kế toán đòi hỏi người dạy, chuyển tải nội dung các chuẩn mực kế toán cần phải có trải nghiệm kiến thức thực tế. Hiện nay chỉ có một vài trường đại học lớn trong cả nước đã mạnh dạn triển khai dạy các khoá về kế toán quốc tế theo nội dung của IFRS… Đối với việc vận dụng IFRS nhằm thực hiện các cam kết và yêu cầu hội nhập quốc tế, các cơ quan quản lý đang dự kiến phải có lộ trình bởi thực tế hiện nay đang thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, am hiểu lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại các cơ quan nhà nước. - Thiếu hụt các tổ chức định chế uy tín trong việc đánh giá giá trị các loại tài sản: Điều này khiến cho việc vận dụng các khái niệm về giá trị hợp lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu định giá theo giá trị thị trường. - Sự khác biệt về luật cũng như góc nhìn về một số tài sản đặc thù: Tình trạng phổ biến nhất là những cách nhìn, quan điểm khác nhau về nguồn lực đất đai. Đến nay, Việt Nam mới chỉ công nhận quyền sử dụng đất, chưa công nhận đất đai như là một loại tài sản, nên việc vận dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế ít nhiều còn khoảng cách. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức trên Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi khi vận dụng các chuẩn mực IFRS. Trước hết phải kể đến việc thừa kế những thay đổi cập nhật mới nhất của hệ thống các chuẩn mực qua quá trình vận dụng thực tế lâu dài trên thế giới. Từ đó, những bài học kinh nghiệm đã được rút ra cho các DN Việt Nam trong quá trình vận dụng IFRS vào thực tiễn. Thuận lợi phải kể đến tiếp theo chính là làn sóng mua bán và sát nhập (M&A) diễn ra rầm rộ trong những năm gần đây. Bên cạnh tiếp thu được nguồn vốn ngoại từ bên ngoài, các DN Việt Nam cũng đồng thời tiếp thu được các kiến thức, kỹ thuật kế toán mới từ các chuyên gia đến từ công ty mẹ, nơi mà việc trang bị các kiến thức về chuẩn mực kế toán IFRS đã trở thành bắt buộc. Ngoài ra, chính sự dễ dàng và thuận lợi trong việc di chuyển lao động trong khối cộng đồng chung ASEAN gần đây cũng tạo điều kiện cho lực lượng lao động quốc tế được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên nghiệp du nhập vào Việt Nam, tham gia ngày càng đông đảo vào lực lượng lao động nói chung. Về nội lực, Việt Nam cũng là một quốc gia với lực lượng lao động đang ở độ tuổi vàng thuận lợi cho việc học tập và nâng cao kiến thức không ngừng. Thêm vào đó, Việt Nam ngày càng có nhiều sự hiện diện của các tổ chức hiệp hội kế toán chuyên nghiệp… Điều này tạo sự thuận lợi trong cập nhật kiến thức, cũng như hệ thống bằng cấp, chứng chỉ chuyên nghiệp quốc tế và từ đó tạo nên động lực để nguồn nhân lực kế toán Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu trong nghề nghiệp. 

5. Kết luận 

IFRS chính thức áp dụng trên toàn thế giới từ ngày 1/1/2015, đến nay đã có trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng. Cũng còn nhiều vấn đề tranh luận gay gắt, thậm chí còn nhiều bất đồng liên quan đến một số nội dung cụ thể (Ví dụ như: quy định về công cụ tài chính, tổn thất tài sản, trình bày kế toán…), nhưng không thể phủ nhận được lợi ích to lớn mà IFRS mang lại. Dưới các góc nhìn khác nhau, từ phía cơ quan quản lý và người hành nghề, thì áp dụng IFRS đem lại nhiều lợi ích trong đó có lợi ích to lớn về tăng tính minh bạch và tính có thể so sánh, và tăng hiệu quả thị trường, giảm chi phí vốn và tăng tính cạnh tranh của DN. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc áp dụng IFRS là rất cần thiết. Việc ban hành khung pháp lý đầy đủ về kế toán phù hợp với thông lệ phổ biến của quốc tế là rất quan trọng. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm 10 năm áp dụng IFRS từ 2005 đến 2015 của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ có những bước đi vững chắc hơn trong việc áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế theo IFRS.
 Nguồn:https://vacpa.org.vn/vi/van-dung-chuan-muc-lap-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-de-lap-bao-cao-tai-chinh-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam-6184.htm

*Thông tin khác 

Nếu bạn muốn tìm thêm thông tin liên quan đến bài đăng này hoặc thông tin công ty chúng tôi, vui lòng xem các bài đăng và trang bên dưới. Công ty Kế toán AGS Việt Nam hy vọng bạn có thể dành nhiều thời gian hơn trên trang web của chúng tôi và có thêm nhiều thông tin hữu ích.

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ