Quy định và các hình thức dịch vụ trung gian thanh toán là gì?

2024/07/23

TintứcTàichính

I. Dịch vụ trung gian thanh toán là gì?


Dịch vụ trung gian thanh toán (tiếng Anh là Payment Intermediary) được hiểu là hoạt động làm trung gian kết nối, truyền dẫn và thực hiện xử lý dữ liệu điện tử của các giao dịch thanh toán giữa người sử dụng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Có thể hiểu đơn giản, trung gian thanh toán là dịch vụ hỗ trợ thanh toán, hoạt động như một cổng thanh toán, cho phép doanh nghiệp thương mại điện tử chấp nhận các loại thanh toán trực tuyến khác nhau của người mua hàng.

Về bản chất, trung gian thanh toán là bên thứ 3 nằm giữa giao dịch của khách hàng và doanh nghiệp để thực hiện tác vụ là xử lý giao dịch thanh toán điện tử. Một số ứng dụng trung gian thanh toán thường được sử dụng hàng ngày có thể kể đến như: VETC, VNPAY, EPAY, MOMO, ZALOPAY...

II. Các hình thức trung gian thanh toán.

Hiện nay, dịch vụ trung gian thanh toán được phân thành 2 nhóm sau:

1. Nhóm dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử.

Nhóm này bao gồm:
  • Dịch vụ chuyển mạch tài chính: Đây là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán trong nước thông qua POS, Internet, ATM, điện thoại di động và các kênh giao dịch điện tử khác giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và hoặc giữa những tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
  • Dịch vụ bù trừ điện tử: Đây là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật nhằm mục đích tiếp nhận dữ liệu thanh toán, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải trả, phải thu sau khi bù trừ giữa các thành viên tham gia để tiến hành việc quyết toán cho các bên có liên quan.
  • Dịch vụ cổng thanh toán điện tử: Đây là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để phục vụ hoạt động kết nối giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và bên phía ngân hàng, nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện hoạt động thanh toán hóa đơn điện tử, thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử khác.

2. Nhóm dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán

Nhóm này bao gồm:
  • Dịch vụ ví điện tử: Đây là dịch vụ được hoạt động bởi các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thông qua dịch vụ này, khách hàng sẽ được cấp tài khoản điện tử định danh được tạo lập trên chip điện tử, sim điện thoại hoặc máy tính… để nạp tiền, rút tiền ra khỏi ví điện tử và thực hiện các giao dịch thanh toán.
  • Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ: Đây là dịch vụ hỗ trợ các ngân hàng thực hiện dịch vụ chi hộ, thu hộ cho khách hàng có thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán tại ngân hàng thông qua việc tiếp nhận, xử lý, gửi thông điệp dữ liệu điện tử và tính toán kết quả chi hộ, thu hộ, hủy việc chi hộ, thu hộ để quyết toán cho các bên có liên quan.
  • Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử: Đây là dịch vụ hỗ trợ việc tiếp nhận, truyền dẫn và xử lý dữ liệu trong các giao dịch chuyển tiền điện tử của ngân hàng hoặc được ngân hàng ủy thác.

* Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm tổ chức không phải là ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Tính đến ngày 29/03/2024, Việt Nam đang có 51 tổ chức, doanh nghiệp không phải là ngân hàng, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Một số công ty trung gian thanh toán có thể kể tới như:
  • Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Việt Úc (VUIPAY);
  • Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Việt Nam trực tuyến (Vietnam Online);
  • Công ty cổ phần di động trực tuyến (MOMO);
  • Công ty cổ phần Zion (ZALOPAY);
  • Công ty dịch vụ số Viettel (Viettel Money);
  • Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (VIET UNION);
  • Công ty cổ phần ShopeePay (ShopeePay);
  • Công ty cổ phần giải pháp thanh toán điện lực và viễn thông (ECPay)...
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các yêu cầu như sau:
  • Về việc quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật: 
    • Phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ, tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan;
    • Thực hiện các yêu cầu bảo đảm an toàn và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật trong cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử;
    • Chấp hành các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản và lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.
  • Về việc đảm bảo khả năng thanh toán
    • Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ:
      • Phải thỏa thuận với ngân hàng đang hợp tác về biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán khi cung ứng dịch vụ này, bao gồm việc mở tài khoản đảm bảo thanh toán hoặc duy trì khoản tiền ký quỹ hoặc các biện pháp đảm bảo khác cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ.
    • Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử:Phải thực hiện mở tài khoản đảm bảo thanh toán để bảo đảm cho việc cung ứng dịch vụ ví điện tử và không được sử dụng chung tài khoản này với tài khoản đảm bảo thanh toán của dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ (nếu có) và phải riêng biệt hoàn toàn với các tài khoản thanh toán khác mở tại ngân hàng hợp tác;
Duy trì tổng số dư của tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán mở tại các ngân hàng đang hợp tác bằng hoặc cao hơn tổng số dư của tất cả các ví điện tử của khách hàng tại cùng một thời điểm.

*Lưu ý:

  • Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử chỉ được sử dụng vào những việc sau:Thanh toán vào tài khoản thanh toán/thẻ ghi nợ của đơn vị chấp nhận thanh toán tại ngân hàng;
  • Hoàn trả tiền vào tài khoản thanh toán/thẻ ghi nợ của khách hàng trong trường hợp: Khách hàng rút tiền ra khỏi ví điện tử, không còn nhu cầu sử dụng ví điện tử, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện từ chấm dứt cung cấp dịch vụ ví điện tử đối với khách hàng, tổ chức cung ứng ví điện tử giải thể, phá sản;
  • Thanh toán vào tài khoản thanh toán của đơn vị cung ứng dịch vụ công (trường hợp khách hàng dùng ví điện tử để thanh toán, nộp tiền phí, lệ phí cho các dịch vụ công theo quy định của pháp luật);
  • Chuyển qua các tài khoản đảm bảo thanh toán của dịch vụ ví điện từ khác của cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở.

III. Chức năng, vai trò của dịch vụ trung gian thanh toán.

Dịch vụ trung gian thanh toán giống như một cổng thanh toán thực hiện chức năng kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu thanh toán từ nền tảng của doanh nghiệp với ngân hàng, giúp khách hàng có thể thanh toán online một cách dễ dàng ngay tại thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ.
Đối với nền kinh tế, dịch vụ trung gian thanh toán có vai trò to lớn giúp cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trở nên ngày càng phổ biến và được ưa chuộng, thúc đẩy các giao dịch kinh doanh diễn ra một cách nhanh chóng, tăng tốc độ luân chuyển vốn cho cá nhân, doanh nghiệp.
Mặt khác, dịch vụ trung gian thanh toán còn cho phép ngân hàng có thể tập hợp được các khoản tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế như một tín dụng ngắn hạn và giảm thiểu chi phí lưu thông, in ấn, bảo quản tiền mặt.

IV. Lợi ích của dịch vụ trung gian thanh toán.



Thực tế, việc sử dụng các dịch vụ của trung gian thanh toán mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và doanh nghiệp, cụ thể:
  • Đối với khách hàng:
    • Tiết kiệm thời gian mua hàng với hình thức thanh toán online;
    • Dễ dàng lựa chọn tài khoản thanh toán trung gian có lợi nhất;
    • Thanh toán hóa đơn dịch vụ thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi;
    • Không cần lo lắng về việc rò rỉ thông tin cá nhân và thông tin giao dịch.
  • Đối với doanh nghiệp:
    • Nhận được thông tin về các giao dịch thanh toán ngay tại từng thời điểm trong ngày;
    • Tăng số lượng giao dịch thanh toán đơn hàng thành công ngay trên website do khách hàng có thể dễ dàng thao tác thanh toán online;
    • Kiểm soát doanh thu từ các giao dịch mua hàng online một cách dễ dàng;
    • Tiết kiệm chi phí, nhân lực trong việc xử lý các giao dịch thanh toán trực tuyến thông qua việc áp dụng các giải pháp trung gian thanh toán.

V.  Một số câu hỏi thường gặp về dịch vụ trung gian thanh toán.

1. Trung gian thanh toán là gì?

Trung gian thanh toán được hiểu là bên thứ 3, làm trung gian kết nối, truyền dẫn và thực hiện xử lý dữ liệu điện tử của các giao dịch thanh toán giữa người sử dụng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

2. Có mấy hình thức hoạt động dịch vụ trung gian thanh toán?

Hiện nay, dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm 2 nhóm dịch vụ sau:
  • Nhóm dịch vụ về hạ tầng thanh toán điện tử, gồm: Dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ thanh toán bù trừ điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử;
  • Nhóm dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, gồm: Dịch vụ chuyển tiền điện tử, dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ.

3. Tổ chức nào được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán?

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện này bao gồm tổ chức không phải là ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

4. Ví điện tử có phải là dịch vụ trung gian thanh toán không?

Có. Dịch vụ ví điện tử là một trong các dịch vụ do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng. Với ví điện từ này, khách hàng có thể nạp tiền, rút tiền ra khỏi ví điện tử và thực hiện các giao dịch thanh toán một cách nhanh chóng và an toàn.
Nguồn: https://ketoananpha.vn/dich-vu-trung-gian-thanh-toan-la-gi.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ