Xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới tác động của công nghệ

2024/07/02

TintứcKiểmtoán

Nền kinh tế thế giới đang tiến vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thành tựu khoa học công nghệ mới đang làm thay đổi diện mạo các hoạt động kinh tế, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Đặc biệt, những tiến bộ của công nghệ được dự báo sẽ có những tác động sâu rộng đến hoạt động kế toán, kiểm toán, đặt ra nhiều vấn đề cần nghiêm túc nghiên cứu và sớm triển khai thực hiện. Bài viết phân tích các xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới sự tác động của công nghệ số, từ đó đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong thời gian tới.

1. Tác động của công nghệ và xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được nhận định là sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành Kế toán – kiểm toán. Các thành tựu công nghệ sẽ ngày càng áp dụng phổ biến, tác động mạnh mẽ đối với phương thức hoạt động của doanh nghiệp (DN) nói chung và cách thức thực hành nghiệp vụ tài chính, kế toán, kiểm toán nói riêng, cụ thể:
  • Một là, xu hướng tự động hóa các quy trình kế toán, kiểm toán. Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, kiểm toán viên có thể dễ dàng thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, tự động hóa giúp cho việc loại trừ sự nhầm lẫn và tối thiểu hóa các lỗi kế toán, kiểm toán.
  • Hai là, công nghệ blockchain với vai trò sổ cái đang làm thay đổi hoạt động của lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Công nghệ chuỗi khối đang làm thay đổi lĩnh vực kế toán, kiểm toán bằng việc giảm chi phí trong đối chiếu và quản lý sổ sách kế toán. Công nghệ này cũng yêu cầu sự chính xác đối với quyền sở hữu và lịch sử của các tài sản. Công nghệ blockchain sẽ cho phép sử dụng mật mã và các giao thức tin nhắn phân tán để tạo lập các thông tin kế toán chi tiết theo yêu cầu kế toán.
  • Ba là, thay đổi phương thức lưu trữ kế toán. Theo Điều 17, Luật Kế toán, chứng từ điện tử phải bảo đảm tính bảo mật và bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ; phải được quản lý, kiểm tra chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định. Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng. Tuy nhiên, những quy định này chủ yếu đáp ứng với nền tảng công nghệ hiện nay. 
  • Bốn là, sự gia tăng ngày càng nhanh của các giải pháp phần mềm kế toán, kiểm toán. Phần mềm kế toán online là một trong những phần mềm tốt nhất của cuộc CMCN 4.0. Nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh của công nghệ thông tin, lập trình website và hệ thống nghiệp vụ tài chính – kế toán – quản trị.
  • Năm là, thay đổi vai trò của kế toán và kiểm toán viên. Công nghệ sẽ làm thay đổi vai trò của kế toán, kiểm toán viên trong hoạt động nghề nghiệp. Thay vì tập trung quá nhiều vào việc chuyên môn truyền thống, họ sẽ chuyển sang tập trung vào phân tích dữ liệu phục vụ cho quá trình ra quyết định của DN thay vì tập trung vào đảm bảo tính xác thực và sự phù hợp với các chuẩn mực kế toán của các giao dịch trong DN. 
  • Sáu là, sự thay đổi mô hình tổ chức các DN kế toán, kiểm toán của Việt Nam. Nhiều DN ở Việt Nam đã bắt đầu thay đổi mô hình tổ chức để ứng dụng các công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo nhằm làm giảm chi phí và sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực là một thực tế mà các DN kế toán, kiểm toán phải cân nhắc và thay đổi mô hình tổ chức của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi mô hình tổ chức như vậy chưa có tiền lệ và các DN kế toán, kiểm toán cũng cần phải học tập, thu thập tri thức mới về các mô hình tổ chức DN trong lĩnh vực của mình có ứng dụng các công nghệ mới này.
  • Bảy là, chất lượng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam tuy sẵn sàng hội nhập kinh tế nhưng số lượng và chất lượng mang tầm quốc tế vẫn là vấn đề cần cải thiện. Tính đến năm 2028 Việt Nam mới chiếm 2% trong tổng kế toán viên toàn khu vực ASEAN. Như vậy thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ thâm hụt về số lượng mà cả về chất lượng đội ngũ người làm kế toán - kiểm toán.

2. Khuyến nghị cho Việt Nam

CMCN 4.0 có thể tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng là cơ hội để các DN kế toán, kiểm toán không ngừng phát triển dịch vụ tài chính, kế toán chuyên nghiệp hơn, góp phần công khai minh bạch các thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Trước những thay đổi của công nghệ và tác động của nó đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:
  • Thứ nhất, thay đổi nhận thức về tác động của công nghệ số nói chung và CMCN 4.0 nói riêng đến hoạt động lĩnh vực kế toán, kiểm toán. 
  • Thứ hai, cần có những biện pháp quyết liệt để thực hiện trong bối cảnh lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam chưa theo kịp được với xu hướng mới, trong cần chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ tương ứng.  Bên cạnh đó, rất khó để tiếp cận công nghệ chỉ trong một thời gian ngắn, đòi hỏi các DN phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đầu tư vào công nghệ mới và đào tạo nhân viên kế toán. Tuy nhiên, việc đầu tư vào công nghệ mới cũng phụ thuộc vào định hướng phát triển và tư duy của các nhà quản trị DN.
  • Thứ ba, chú trọng an toàn, bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng. 
  • Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
  • Thứ năm, tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế.
Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/xu-huong-thay-doi-trong-linh-vuc-ke-toan-kiem-toan-duoi-tac-dong-cua-cong-nghe.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ