Các loại báo cáo tài chính phải nộp

2024/08/15

TintứcKếtoán

Kiểm toán là việc kiểm tra, xác minh tính trung thực của báo cáo tài chính, qua đó cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổ chức. Trong đó, báo cáo tài chính bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, các chính sách kế toán quan trọng và các thuyết minh khác. Vậy các loại báo cáo tài chính phải nộp được quy định như thế nào?

I. Báo cáo tài chính là gì?

Khoản 1, Điều 3, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 quy định, báo cáo tài chính (tiếng Anh là: Financial Statement) “là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, được trình bày theo mẫu biểu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.”

Hiện nay, báo cáo tài chính được áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp thành lập và đang hoạt động tại Việt Nam. Theo định kỳ thời hạn quy định của pháp luật, doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và nộp báo cáo tài chính trung thực và chính xác cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với từng loại hình, quy mô doanh nghiệp mà thời hạn nộp báo cáo và số lượng báo cáo riêng phù hợp.

II. Mục đích của Báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. BCTC phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:
  • Tài sản;
  • Nợ phải trả;
  • Vốn chủ sở hữu;
  • Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;
  • Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;
  • Các luồng tiền.
Ngoài các thông tin trên, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các BCTC tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày BCTC.

III. Đối tượng áp dụng báo cáo tài chính

Đối tượng áp dụng lập báo cáo tài chính bao gồm:
  • Đối tượng lập BCTC năm:
    • Hệ thống BCTC năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. BCTC năm phải lập theo dạng đầy đủ.
  • Đối tượng lập BCTC giữa niên độ (BCTC quý và BCTC bán niên) bao gồm:
    • Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập BCTC giữa niên độ;
    • Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng nêu trên được khuyến khích lập BCTC giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
BCTC giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược.
Lưu ý:
Doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập BCTC của riêng đơn vị mình và BCTC tổng hợp.
Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập BCTC của mình phù hợp với kỳ báo cáo của đơn vị cấp trên để phục vụ cho việc tổng hợp BCTC của đơn vị cấp trên và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

IV. Vai trò của báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính có vai trò quan trọng, phản ánh tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những vai trò quan trọng của báo cáo tài chính có thể kể tới như:
  • Cung cấp chỉ tiêu kinh tế, tài chính để nhận biết, kiểm tra toàn diện tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Cung cấp số liệu, tài liệu phục vụ cho việc phân tích hoạt động kinh tế, tài chính, từ đó đánh giá tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
  • Là cơ sở để phân tích, phát hiện tiềm năng về kinh tế, dự đoán tình hình, xu hướng hoạt động của doanh nghiệp để đưa ra các quyết định đúng đắn, có hiệu quả.
  • Phục vụ cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư cho phù hợp.
Báo cáo tài chính không chỉ đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành của các nhà quản lý doanh nghiệp mà còn đáp ứng thông tin của nhiều đối tượng khác. Đó là:
  • Đối với chủ doanh nghiệp, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc: Cung cấp thông tin để doanh nghiệp phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng tài chính, khả năng thanh toán, tình hình và kết quả kinh doanh. Trên cơ sở đó, hoạch định chính sách quản lý, sử dụng tài sản và huy động vốn, dòng tiền cho hợp lý.
  • Đối với các nhà đầu tư, chủ nợ, ngân hàng: Giúp đánh giá thực trạng, tiềm năng tài chính, các hoạt động kinh doanh, khả năng sinh lời, khả năng thanh toán và đánh giá rủi ro để có quyết định phù hợp.
  • Đối với người lao động: Giúp người lao động hiểu được tình hình hoạt động, khả năng tiếp tục duy trì và phát triển trong tương lai, cũng như khả năng chi trả, thanh toán của doanh nghiệp để có quyết định việc làm phù hợp.
  • Đối với cơ quản lý nhà nước: Thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ luật pháp, từ đó đề ra các quyết định quản lý phù hợp.

VI. Các loại báo cáo tài chính phải nộp

Hệ thống báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế.
Tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.
Ngoài việc lập báo cáo tài chính năm, các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng, quý để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Báo cáo tài chính bắt buộc gồm:
    • Báo cáo tình hình tài chính: Mẫu số B01a - DNN
    • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Mẫu số B02 - DNN
    • Bản thuyết minh Báo cáo tài chính: Mẫu số B09 - DNN
  • Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập:
    • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Mẫu số B03 - DNN

VII. Ý nghĩa của báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp

Báo cáo tài chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác quản lý của doanh nghiệp và các cơ quan chủ quản. Cụ thể:
  • Phản ánh toàn diện về tình hình tài sản, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản, kết quả kinh doanh, tình hình tài chính trong kỳ của doanh nghiệp.
  • Cung cấp những thông tin tài chính để đánh giá tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp trong kỳ hoạt động. Làm cơ sở để kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn cũng như khả năng huy động nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh.
  • Là căn cứ quan trọng trong việc phân tích, nghiên cứu, phát hiện những khả năng tiềm tàng. Nhờ vậy có thể đưa ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, chủ nợ của doanh nghiệp.
  • Dựa trên báo cáo tài chính, doanh nghiệp có thể xây dựng các kế hoạch kinh tế – kỹ thuật, tài chính cũng như biện pháp xác thực nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sản xuất kinh doanh vì mục đích cuối cùng là tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

VIII. Câu hỏi thường gặp

8.1. Mức xử phạt khi không thực hiện báo cáo tài chính cuối năm là bao nhiêu?

Căn cứ Khoản 4 Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP về mức phạt tiền trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, như sau:

Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

8.2. Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp trong thời hạn bao lâu?

Căn cứ Điều 29 Luật kế toán 2015 quy định báo cáo tài chính của đơn vị kế toán, báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định.

8.3. Hồ sơ báo cáo tài chính gồm những gì?

Hồ sơ báo cáo tài chính gồm:
  • Báo cáo tài chính tình hình kinh doanh
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Bản thuyết minh Báo cáo tài chính
  • Bản cân đối tài khoản
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

8.4. Thời hạn muộn nhất để nộp báo cáo tài chính với doanh nghiệp là khi nào?

Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Các đơn vị kế toán khác chậm nhất là 90 ngày.
Đơn vị kế toán trực thuộc nộp BCTC năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn quy định.


Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ