Câu hỏi đầu tiên trong bộ 5 câu hỏi 5W luôn là “What – Cái gì?” thay vì “How –
Làm như thế nào?”. Phải hiểu đúng trước khi làm đúng. Do đó, trước khi đưa các
bạn tìm hiểu sâu hơn về nghề Kiểm toán, mình muốn giới thiệu một số thuật ngữ
chuyên ngành quan trọng và thường gặp, để bạn không bị bỡ ngỡ khi đọc các báo
cáo hay bài viết có chủ đề liên quan.
1. Các thuật ngữ khi đọc Báo cáo kiểm toán
1.1 Báo cáo kiểm toán:
Sản phẩm chính của việc kiểm toán là Báo cáo kiểm toán, dù công việc được kiểm
toán là báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành hay các nhu cầu
khác của khách hàng. Cụm từ “Báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty A”, bạn
thường bắt gặp những báo cáo dài hàng chục trang và nghĩ rằng toàn bộ việc lập
Báo cáo này là của Kiểm toán. Thực tế, sản phẩm gọi là “Báo cáo kiểm toán” chỉ
là 2 trang trong số đó và đại diện Công ty kiểm toán cũng chỉ ký 1 chữ cuối
trang này.
Nôm na có thể phân tách cụm từ “Báo cáo được kiểm toán” thành 2 phần: phần đầu
“Báo cáo” là trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và sẽ có
trước, phần sau “được kiểm toán” là trách nhiệm của kiểm toán viên và sẽ có
sau. Tuy nhiên, trong thực tế làm việc ở Việt Nam, dù không chịu trách nhiệm
về “Báo cáo” nhưng kiểm toán viên thông thường là người “lập hộ” khách hàng
phần này dựa trên số liệu được khách hàng cung cấp và đã được kiểm toán, thống
nhất giữa 2 bên, để đảm bảo Báo cáo theo đúng chuẩn mực quy định. Nên công
việc của kiểm toán vất vả là vậy đó.
1.2 Kiểm toán viên:
Là người được pháp luật Việt Nam công nhận và cấp chứng chỉ hành nghề Kiểm
toán viên (CPA Việt Nam), và là những người duy nhất được ký trên Báo cáo kiểm
toán đã đề cập ở phần trên. Như vậy, dù bạn làm việc trong ngành kiểm toán
nhưng chưa hoàn thành kỳ thi để được cấp chứng chỉ hành nghề, bạn cũng chưa
phải là “Kiểm toán viên xịn”.
1.3 Kỳ kiểm toán:
Là khoảng thời gian của các số liệu trên Báo cáo mà kiểm toán viên có trách
nhiệm thực hiện các thủ tục kiểm toán trước khi đưa ra Báo cáo kiểm toán. Kỳ
kiểm toán thông dụng nhất là năm tài chính (12 tháng) hoặc bán niên (6 tháng)
của khách hàng, ngoài ra, khách hàng có thể thuê công ty kiểm toán đưa ra ý
kiến kiểm toán về Báo cáo của bất kỳ giai đoạn nào theo mục đích sử dụng.
1.4 Ý kiến kiểm toán:
Là kết quả công việc của nhóm kiểm toán và đây cũng là phần “ly kỳ” nhất trước
khi phát hành Báo cáo kiểm toán. 4 loại ý kiến thông dụng và được xếp theo mức
độ mong muốn giảm dần của đơn vị được kiểm toán như sau:
- Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần: là ý kiến được đánh giá cao nhất với tính trung thực và hợp lý, độ đáng tin cậy ở báo cáo này là 100% xét trên mức trọng yếu của kiểm toán. Lưu ý, kiểm toán viên không bao giờ đảm bảo 100% về tính chính xác của các số liệu trên báo cáo.
- Ý kiến kiểm toán ngoại trừ: là ý kiến được đưa ra trong trường hợp kiểm toán viên cho rằng báo cáo chỉ phản ánh trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trong yếu nếu không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tùy thuộc. Các yếu tố tùy thuộc xuất hiện khi ảnh hưởng của chúng tới báo cáo trọng yếu nhưng không lan tỏa, dù kiểm toán viên có thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán hay không. 3 câu hỏi quan trọng khi gặp dạng ý kiến này là (1) khoản mục nào bị ngoại trừ, (2) có trọng yếu hay không, (3) vấn đề này đã xuất hiện trong các năm trước hay chưa? Trên báo cáo, khoản mục bị ngoại trừ này sẽ thể hiện ở “Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ”.
- Từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán: là khi kiểm toán bị giới hạn trong phạm vi kiểm toán, và trên báo cáo cũng cần nêu rõ “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến”.
- Ý kiến kiểm toán trái ngược: đây là ý kiến “đáng sợ nhất” đối với bất kỳ đơn vị được kiểm toán nào, bởi nó đồng nghĩa với báo cáo của đơn vị được kiểm toán phản ánh không trung thực và hợp lý, khi đó, giá trị thông tin ở trên báo cáo sẽ không có giá trị sử dụng nữa.
Vậy vì sao ý kiến kiểm toán là phần “ly kỳ nhất”? Bởi ngoại trừ Ý kiến chấp
nhận toàn phần mà ai cũng mong muốn, khi kiểm toán đưa ra dự thảo báo cáo kiểm
toán với 1 trong 3 ý kiến còn lại, đơn vị được kiểm toán luôn cố gắng cung cấp
thêm bằng chứng kiểm toán để được giảm mức độ “nặng nề” của ý kiến. Với ý kiến
ngoại trừ, khách hàng có thể đồng ý thuyết minh thêm trong báo cáo hoặc đưa
vào Vấn đề cần nhấn mạnh/Vấn đề khác trong ý kiến kiểm toán, nhưng vẫn đảm bảo
kết luận “Ý kiến chấp nhận toàn phần”. Với ý kiến “Từ chối”, đơn vị được kiểm
toán cố gắng giảm thành Ý kiến ngoai trừ. Còn nếu ý kiến trái ngược thì công
ty kiểm toán chấp nhận khả năng cao không thu được hết phí kiểm toán bởi sau
khi thương lượng vô vọng, đơn vị được kiểm toán “bùng luôn hợp đồng” và đi tìm
công ty kiểm toán khác.
2. Các chức danh chính trong công ty kiểm toán
2.1 Thực tập sinh (Intern):
Đây là lực lượng lao động thời vụ dồi dào mỗi khi vào mùa kiểm toán, vừa đảm
bảo đủ lượng. Ngược lại, với sinh viên, mùa tuyển dụng thực tập sinh của các
công ty kiểm toán cũng là cuộc đua khốc liệt với sự cạnh tranh cao, bởi được
thực tập trong 1 công ty tốt là điểm nhấn trong CV xin việc và cơ hội trở
thành nhân viên chính thức cũng rất cao.
2.2 Trợ lý kiểm toán (Audit Assistant):
Thông thường, các bạn sinh viên mới ra trường sẽ ứng tuyển vào vị trí này,
hoặc thực tập sinh thể hiện tốt cũng sẽ được giữ lại khi hết mùa thực tập. Lúc
này, bạn sẽ được ký HĐLĐ chính thức, được phát balo, laptop và các dụng cụ làm
việc và chính thức trở thành “công nhân kiểm toán”. Với kế toán, bạn có thể
nhảy ngang từ ngành khác sang kế toán trưởng, nhưng với kiểm toán thì hầu như
ai cũng phải đi lần lượt từ cấp độ đầu tiên. Cũng chính vì lý do này, nếu đã
ra trường đi làm vài năm, nhiều bạn muốn thử sức với nghề kiểm toán nhưng
không dám đánh đổi tất cả để “chập chững tập đi từ bước đầu tiên này”.
2.3 Trưởng nhóm kiểm toán (Audit Senior):
Sau 2 năm làm trợ lý kiểm toán và thể hiện tốt, bạn sẽ được “thăng chức” thành
Trưởng nhóm kiểm toán. Lúc này, bạn sẽ phụ trách một nhóm các trợ lý kiểm toán
cấp dưới để thực hiện các cuộc kiểm toán nhỏ, trung bình. Ngoài chuyên môn
được hoàn thiện, bạn được phát triển các kỹ năng mềm khác như khả năng làm
việc với khách hàng, trao đổi hay giải quyết những vụ việc phát sinh trong quá
trình kiểm toán.
2.4 Chủ nhiệm kiểm toán (Audit Manager):
Tùy mỗi công ty nhưng tối thiểu sau 5-6 năm trong nghề, bạn có thể trở thành
Chủ nhiệm kiểm toán và điều hành một cuộc kiểm toán lớn hoặc giám sát nhiều
cuộc kiểm toán nhỏ, trung bình. Thời gian bạn ngồi ở khách hàng có thể sẽ ít
hơn trước nhưng công việc thì không hề giảm, bởi các vấn đề mà Chủ nhiệm kiểm
toán phải xử lý sẽ đau đầu và phức tạp hơn. Ở cấp độ này, bạn cần hoàn thành
Chứng chỉ CPA Việt Nam để có thể ký vào báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm
pháp lý với nó.
2.5 Giám đốc kiểm toán (Audit Director):
Đây sẽ là người xử lý các vấn đề trên tầm Chủ nhiệm kiểm toán. Tuy nhiên,
chuyên môn chỉ chiếm phần nhỏ trong khối lượng công việc hàng ngày của Giám
đốc kiểm toán. Nhiệm vụ quan trọng của Giám đốc kiểm toán là tìm kiếm khách
hàng mới và duy trì mối quan hệ với các khách hàng cũ, tính toán chi phí để
chào giá cho một cuộc kiểm toán,…
2.6 Chủ phần kiểm toán (Audit Partner):
Đây có thể coi là cấp độ cao nhất trong công ty kiểm toán, là người điều hành
và chịu trách nhiệm một mảng khách hàng. Công việc của bạn lúc này thiên về
phát triển và duy trì khách hàng nhiều hơn là giải quyết các vấn đề kỹ thuật.
Bạn cũng có thể có vốn góp trong công ty, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.
Nhìn chung, 3 cấp độ đầu trong công ty kiểm toán (thực tập sinh, trợ lý kiểm
toán, trưởng nhóm kiểm toán) là thời gian phát triển chuyên môn. Lên các level
tiếp theo, thời gian dành cho chuyên môn giảm dần, từ khoảng 60% ở Chủ nhiệm
kiểm toán xuống 20% ở Giám đốc kiểm toán và chỉ khooảng 10% khi lên đến cấp độ
Chủ phần. Tất nhiên, một kỹ năng khác sẽ lấp vào chỗ trống là kỹ năng tìm kiếm
khách hàng mới và duy trì mối quan hệ với các khách hàng cũ, cũng như xây dựng
thương hiệu cá nhân và danh tiếng công ty.
3. Một số thuật ngữ chuyên môn
Job: Là một cuộc kiểm toán.
File: Là bộ tài liệu lưu trữ tất cả bằng chứng kiểm toán thu thập từ
khách hàng cũng như các công việc nhóm kiểm toán đã thực hiện, từ bước lập kế
hoạch tới làm phần hành chi tiết và ra báo cáo.
Working paper: Là giấy tờ làm việc của kiểm toán viên cho mỗi phần
hành, có tham chiếu các số giữa các giấy tờ làm việc liên quan với nhau để các
level cao hơn có thể kiểm tra.
PBC (Provided by client): Là các tài liệu cung cấp/thu thập từ khách
hàng.
ML (management letter): Là Thư quản lý, là sản phẩm được Công ty kiểm
toán cung cấp cho khách hàng ngoài Báo cáo kiểm toán, nhằm khuyến nghị khách
hàng các điểm nên cải thiện trong việc kiểm soát nội bộ (kiểm toán viên đã
phát hiện ra các lỗ hổng trong quá trình kiểm toán) để hoạt động của đơn vị
hiệu quả hơn.