Hướng dẫn hỗ trợ người nộp thuế bị tổn thất do bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão

2024/09/14

ThuếGTGT ThuếTNDN

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Hướng dẫn hỗ trợ người nộp thuế bị tổn thất do bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão. Bài viết dành cho doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) về các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế nhắm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thất do bão Yagi.

Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Văn bản số 4062/TCT-CS áp dụng đối với những tỉnh nào?

Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa – nơi có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, triển khai hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các quy định về miễn, giảm, gia hạn thuế, chính sách thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai; quy định về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí cho hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng do gặp thiên tai.

Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố nêu trên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ về gia hạn, miễn, giảm thuế và phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ lưu giữ tại cơ quan thuế liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại khi có yêu cầu và đề nghị của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại.

Đồng thời, phân công cán bộ phối hợp, đầu mối hướng dẫn người nộp thuế kịp thời; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại khôi phục hồ sơ thuế (hồ sơ khai thuế, hồ sơ miễn, giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ gia hạn nộp thuế…) và các tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.

2. Người nộp thuế bị thiệt hại được miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế

Theo quy định pháp luật về miễn, giảm, gia hạn thuế, người nộp thuế bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được gia hạn thời hạn nộp thuế (thời hạn gia hạn nộp thuế không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế); được miễn tiền chậm nộp, miễn xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.

Đồng thời, người nộp thuế sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất do thiên tai nếu có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 9 Luật Thuế TNDN, doanh nghiệp cũng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).

Công văn của Tổng cục Thuế cũng hướng dẫn việc miễn, giảm thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho người nộp thuế bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão.

3. Thủ tục, hồ sơ miễn, giảm, gia hạn thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh

Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, theo quy định tại Luật Thuế TNCN; Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế Tài nguyên, hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do thiên tai thì được giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên.

Trong đó, mức thuế TNCN được giảm tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp; mức thuế TTĐB được giảm xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).

Mức thuế tài nguyên được giảm tương ứng số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã phải nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp vào kỳ sau.

Hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ giảm thuế theo quy định tại Điều 53, Điều 54, Điều 55 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.

Trong thời hạn 30 ngày (hoặc 40 ngày trong trường hợp cần kiểm tra thực tế) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế quyết định miễn, giảm thuế hoặc thông báo bằng văn bản lý do không thuộc diện được giảm thuế.

Cũng theo quy định, hộ cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ được gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN chậm nhất là ngày 30/12/2024.

Hộ, cá nhân kinh doanh chỉ cần nộp giấy đề nghị gia hạn chậm nhất là ngày 30/9/2024 để được gia hạn nộp thuế.

Cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong khoảng thời gian được gia hạn thời hạn nộp (gồm cả trường hợp người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế và trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra xác định người nộp thuế được gia hạn có số phải nộp tăng thêm của các kỳ tính thuế được gia hạn).

Trường hợp cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ thuế thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế điều chỉnh, không tính tiền chậm nộp.

Đối với hộ kinh doanh bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do thiên tai (lũ lụt) được gia hạn nộp thuế không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế.

4. Tóm tại nội dung

Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục thuế các tỉnh phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp biết về các chính sách và thủ tục đề nghị miễn, giảm, gia hạn thuế do thiên tai như sau:
Thuế TNCN

Được giảm tương ứng với mức độ thiệt hại, không vượt quá số thuế phải nộp

Thuế tài nguyên

Được giảm tương ứng số tài nguyên tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả lại số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau

Thuế GTGT

Được khấu trừ thuế GTG đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh

Thuế TNDN

Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với phần tổn thất so thiên tai không được bồi thường

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Được giảm không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại, không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có)

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Được giảm 50% nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất từ 20% đến 50% giá tính thuế

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn:
  • https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/huong-dan-ho-tro-nguoi-nop-thue-bi-ton-that-do-bao-so-3-va-mua-lu-119240916173019528.htm
  • https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Tai-nguyen-Moi-truong/Cong-van-4062-TCT-CS-2024-huong-dan-giai-phap-ho-tro-ca-nhan-doanh-nghiep-bi-ton-that-do-Bao-so-3-624554.aspx

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ