Nguyên tắc hoạt động của kiểm toán độc lập

2024/09/27

NgànhKếToán-Kiểmtoán

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Nguyên tắc hoạt động của kiểm toán độc lập. Kiểm toán độc lập đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch và trung thực của thông tin tài chính, giúp các bên liên quan đưa ra quyết định chính xác hơn dựa vào tình hình tài chính của công ty trong năm.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

I. Kiểm toán độc lập là gì?

a) Kiểm toán độc lập là gì?

Tại Khoản 1 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011, "Kiểm toán độc lập là là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo kiểm toán và các công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán."

b) Vai trò của kiểm toán độc lập trong nền kinh tế.

Kiểm toán độc lập đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Một hệ thống kiểm toán mạnh mẽ và đáng tin cậy là nền tảng giúp thị trường vốn hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và bảo vệ các lợi ích công cộng. Các doanh nghiệp công khai, đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, thường phải thuê kiểm toán viên độc lập để đảm bảo rằng các báo cáo tài chính của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, đồng thời tránh gian lận và sai sót trong tài chính.

II. Hoạt động kiểm toán độc lập cần tuân thủ theo những nguyên tắc gì?

Điều 8 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định kiểm toán viên độc lập cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
1. Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và báo cáo kiểm toán.
2. Tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam; đối với công việc kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán yêu cầu áp dụng chuẩn mực kiểm toán khác thì phải tuân thủ theo chuẩn mực kiểm toán đó.
3. Độc lập, trung thực, khách quan.
4. Bảo mật thông tin.
- Về nguyên tắc độc lập:
Độc lập là một nguyên tắc cơ bản, cốt lõi của kiểm toán độc lập. Kiểm toán viên phải giữ được tính độc lập đối với tổ chức mà họ đang kiểm toán, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ phía tổ chức, tránh những xung đột lợi ích tiềm tàng. Có hai khía cạnh của nguyên tắc độc lập:
Độc lập về tư tưởng (independence of mind): Kiểm toán viên phải có khả năng duy trì sự công bằng và khách quan khi thực hiện nhiệm vụ, không để bị ảnh hưởng bởi các áp lực bên ngoài hoặc lợi ích cá nhân.
Độc lập về hình thức (independence in appearance): Kiểm toán viên phải thể hiện mình là một người độc lập không chỉ trong suy nghĩ mà còn trong cách thể hiện trước công chúng và các bên liên quan.
Việc duy trì tính độc lập giúp bảo đảm tính khách quan của kiểm toán viên, từ đó tăng cường sự tin tưởng của công chúng và các nhà đầu tư đối với báo cáo kiểm toán.
- Về nguyên tắc khách quan.
Khách quan là một yêu cầu quan trọng khác của kiểm toán viên. Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phải luôn duy trì tính khách quan, không để bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quan hệ cá nhân hoặc tài chính nào với tổ chức mà họ kiểm toán. Tính khách quan đảm bảo rằng kiểm toán viên có thể đánh giá một cách trung thực và không thiên vị, từ đó đưa ra những ý kiến xác thực nhất về tình hình tài chính của tổ chức.
- Về nguyên tắc bảo mật.
Bảo mật là một nguyên tắc quan trọng mà các kiểm toán viên phải tuân thủ. Trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên thường tiếp cận với nhiều thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp, từ tài chính đến các chiến lược kinh doanh. Việc tiết lộ hoặc sử dụng thông tin này cho mục đích cá nhân hoặc chia sẻ với các bên thứ ba mà không có sự đồng ý của doanh nghiệp là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Nguyên tắc bảo mật yêu cầu kiểm toán viên phải đảm bảo rằng mọi thông tin thu thập được trong quá trình kiểm toán chỉ được sử dụng cho mục đích kiểm toán và không bị tiết lộ ra bên ngoài trừ khi có sự đồng ý của khách hàng hoặc theo yêu cầu của pháp luật.
- Về nguyên tắc chính xác và cẩn trọng.
Chính xác và cẩn trọng là hai yếu tố cần thiết mà kiểm toán viên cần phải đảm bảo trong quá trình thực hiện công việc. Kiểm toán viên phải tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán quốc tế, sử dụng phương pháp và kỹ thuật kiểm toán hiện đại để đảm bảo rằng kết quả kiểm toán là chính xác, trung thực và không bỏ sót các yếu tố quan trọng.
Tính cẩn trọng trong nghề kiểm toán không chỉ là việc kiểm tra kỹ lưỡng các con số, mà còn bao gồm việc đánh giá các rủi ro tiềm tàng, hiểu rõ bối cảnh của doanh nghiệp và những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tổ chức.
- Về nguyên tắc đầy đủ và kịp thời.
Kiểm toán viên cần phải thu thập đầy đủ bằng chứng và thông tin để đưa ra ý kiến kiểm toán. Các thông tin phải đảm bảo tính chính xác, phù hợp và không được bỏ sót bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán. Bên cạnh đó, kiểm toán viên cần phải hoàn thành báo cáo kiểm toán đúng hạn, kịp thời để các bên liên quan có thể sử dụng thông tin trong các quyết định quan trọng.
- Về nguyên tắc trung thực.
Trung thực là một nguyên tắc đạo đức cơ bản mà bất kỳ kiểm toán viên nào cũng phải tuân thủ. Kiểm toán viên phải luôn hành xử với tinh thần trung thực, không được che giấu, lừa dối hoặc bóp méo thông tin. Sự trung thực không chỉ phản ánh trong cách kiểm toán viên thực hiện công việc mà còn trong cách họ giao tiếp và cung cấp thông tin cho các bên liên quan.

III. Các chuẩn mực kiểm toán được áp dụng.

- Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA)
Tại Việt Nam, Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam (VSA) được xây dựng dựa trên các chuẩn mực quốc tế nhưng có điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế và pháp lý của Việt Nam. Các kiểm toán viên tại Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực này khi thực hiện công việc kiểm toán cho các doanh nghiệp trong nước.
- Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA)
Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế (ISA) do Liên đoàn Quốc tế về Kế toán (IFAC) ban hành là các hướng dẫn cơ bản mà kiểm toán viên phải tuân thủ trong quá trình kiểm toán. ISA đảm bảo rằng các kiểm toán viên trên toàn thế giới tuân theo các quy trình và tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo tính thống nhất và chất lượng của các báo cáo kiểm toán.

IV. Những cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập.

Quản lí nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập được quy định tại Điều 11 Luật Kiểm toán độc lập 2011 như sau:
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập
2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về kiểm toán độc lập;
b) Xây dựng, trình Chính phủ quyết định chiến lược và chính sách phát triển hoạt động kiểm toán độc lập;
c) Quy định điều kiện dự thi, việc tổ chức thi để cấp chứng chỉ kiểm toán viên; cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên;
d) Quy định mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
đ) Đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập;
g) Thanh tra, kiểm tra hoạt động thuộc lĩnh vực kiểm toán độc lập của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán;
h) Quy định về cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề;
i) Quy định về đăng ký và quản lý hành nghề kiểm toán; công khai danh sách doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và kiểm toán viên hành nghề;
k) Quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán;
l) Tổng kết, đánh giá về hoạt động kiểm toán độc lập và thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động kiểm toán độc lập;
m) Hợp tác quốc tế về kiểm toán độc lập.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập tại địa phương.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác.

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn.

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/kiem-toan-doc-lap-la-gi-hoat-dong-kiem-toan-doc-lap-can-tuan-thu-cac-nguyen-tac-gi-theo-quy-dinh-2185-116949.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ