Nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện trách nhiệm xã hội

2024/09/06

TintứcKếtoán

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong bài viết này Công ty Kế toán AGS Việt Nam sẽ chia sẻ về chủ đề Nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Bài viết dành cho các kế toán viên đang muốn tìm hiểu sâu hơn về trách nhiệm xã hội. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là việc doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về các tác động sản sinh ra từ hoạt động của doanh nghiệp đối với xã hội và môi trường tự nhiên. Những trách nhiệm này không chỉ là sự tuân thủ pháp luật hiện hành mà rộng hơn là những trách nhiệm vượt ra ngoài phạm vi, những yêu cầu của quy định, luật pháp.

Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

I. Nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Có nhiều tác giả phân tích trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp (DN) ở các nội dung khía cạnh khác nhau. Trong số những lý thuyết liên quan tới vấn đề này, mô hình “kim tự tháp” của Carroll (1991) có tính toàn diện và được sử dụng rộng rãi nhất. Dựa theo mô hình này, CSR bao gồm trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện. Cụ thể như sau:
Trách nhiệm kinh tế: Tối đa hóa lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng là những điều kiện tiên quyết. Điều này là đương nhiên bởi DN được thành lập trước hết vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Bên cạnh đó, DN là một thành tố cấu tạo nên xã hội, do vậy chức năng kinh doanh cần được ưu tiên và đặt lên hàng đầu. Có thể nói, trách nhiệm kinh tế là yếu tố nền tảng và các trách nhiệm còn lại đều phải dựa trên trách nhiệm kinh tế của DN.

Trách nhiệm pháp lý: Trách nhiệm pháp lý hay còn được gọi là trách nhiệm tuân thủ pháp luật chính là một phần của bản cam kết giữa DN và xã hội. Nhà nước có trách nhiệm mã hóa những quy tắc, chuẩn mực đạo đức, xã hội vào các văn bản pháp luật. DN dựa trên cơ sở đó sẽ theo đuổi các mục tiêu về kinh tế của mình dựa trên những chuẩn mực, quy tắc trong các bộ luật được ban hành. Cùng với trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý là hai bộ phận cơ bản nhất và không thể thiếu đối với CSR.

Trách nhiệm đạo đức: Là những chuẩn mực, quy tắc được xã hội thừa nhận nhưng chưa có mặt trong các văn bản luật. Trên thực tế, những chuẩn mực xã hội luôn biến đổi,̀ vì thế những chính sách pháp luật chỉ có thể theo sau trong quá trình biến đổi này. Do đó, pháp luật không thể phản ánh hết những đòi hỏi về những quy tắc ứng xử của xã hội. Vì vậy, trách nhiệm thực hiện đúng luật pháp là đòi hỏi tối thiểu với DN. Ngoài ra, DN cũng phải thực hiện những nghĩa vụ, quy tắc ngoài luật hay chính là trách nhiệm đạo đức. Việc thực hiện trách nhiệm đạo đức là tự nguyện đối với mọi DN nhưng lại có vai trò trung tâm đối với CSR (ví dụ như: việc thực hiện nghỉ phép có lương, chế độ cho nhân công làm thêm ca, uy tín đối với đối tác, quan hệ tốt đối với khách hàng...).

Trách nhiệm từ thiện: Là những hoạt động của DN đã vượt qua sự kỳ vọng của xã hội. Ví dụ như: trao quà cho trẻ mồ côi, tài trợ học bổng cho học sinh sinh viên... Trách nhiệm từ thiện khác trách nhiệm đạo đức ở chỗ, DN thực hiện trách nhiệm này “hoàn toàn tự nguyện”, không chịu sức ép từ bất kỳ đâu. Nếu DN không thực hiện CSR tới mức độ này thì họ vẫn được coi là đã đáp ứng đầy đủ trách nhiệm mà xã hội trông đợi.

II. Nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội

DN chỉ có thể vươn ra thị trường thế giới nếu thực hiện tốt ngay từ đầu các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, tận dụng được nhiều nhất các lợi thế trong tiến trình hội nhập. Một trong những chuẩn mực ấy là thực thi CSR. Để thực hiện tốt, trước hết các DN cần có nhận thức sâu sắc về vấn đề này, làm sao để việc thực hiện CSR trở thành động cơ bên trong của các DN, được xem là hành vi đạo đức và được điều khiển bằng động cơ đạo đức từ những người đứng đầu DN.

Trong thực tế, do chưa thấy được vai trò quan trọng cũng như lợi ích từ việc thực hiện CSR đem lại, nên nhiều DN đã không làm tròn trách nhiệm của mình với xã hội như: xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường… Hay như trong vấn đề lạm phát, khi lạm phát tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào tăng mạnh, các DN thường có xu hướng tăng giá hàng hóa để bảo toàn lợi nhuận. Việc này lại khiến cho lạm phát trở nên trầm trọng hơn và càng khiến DN gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Nếu nhận thức về CSR tốt, đây là lúc DN cần lựa chọn giải pháp chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng. Việc làm này sẽ giúp DN hạn chế được các hành vi tiêu cực, khám phá ra bức tranh toàn cảnh về công việc kinh doanh cốt lõi của mình.

Các DN cần có chiến lược dài hạn trong việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn CSR. Việc thực hiện CSR theo ý nghĩa đầy đủ và đích thực không phải là một vấn đề đơn giản và nằm trong khả năng giải quyết tức thì của phần lớn DN Việt Nam, bởi sự hạn chế của nhận thức, của các nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhân lực trình độ cao. Vì vậy, các DN cần xây dựng một lộ trình phù hợp trong việc từng bước thực hiện những nội dung CSR không chỉ phù hợp với các chuẩn mực chung, mà còn được các chủ thể có liên quan chấp nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu và rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu.

DN cần mang mục tiêu phúc lợi xã hội vào các thương hiệu của mình, từ quá trình sáng tạo sản phẩm đến chiến lược gắn kết với nhân viên, cùng với hoạt động truyền thông tiếp thị để thu hút và tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Thực tế cho thấy, những năm qua, khi hàng loạt DN vi phạm các chuẩn mực môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... thì cả xã hội và DN mới hiểu CSR không còn là chuyện xa vời nữa. CSR chính là yếu tố mấu chốt quyết định sự thành công, sự tồn tại hay diệt vong của một DN. Ngược lại, các DN làm tốt CSR và có chiến lược phát triển bền vững thì doanh số cũng như uy tín thương hiệu của họ với cộng đồng cũng tăng cao. Song có thực tế, có không ít DN xem hoạt động CSR như một cách quảng bá thương hiệu. Nên câu hỏi đặt ra là các DN này có thực sự chiếm được tình cảm của xã hội đối với DN hoặc thương hiệu của mình? Câu trả lời của các chuyên gia tư vấn thương hiệu là "không".

DN phải coi CSR là trách nhiệm của mình. Thay đổi nhận thức các DN phải đi từ nhỏ đến lớn, đầu tiên là các DN được thành lập và hoạt động phải có trách nhiệm xã hội ở mức tối thiểu để tuân thủ tương quan của DN trong ba môi trường đó. Sau đó là dành từng phần nguồn lực tài chính hoặc trí tuệ để hỗ trợ, nâng cao và phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Các DN thực hiện CSR thành công sẽ đạt được những lợi ích đáng kể. Vì vậy, khi lãnh đạo DN nhận thức được tầm quan trọng của CSR thì họ sẽ ủng hộ. CSR phải bắt nguồn từ người lãnh đạo. Nếu các nhà quản lý không tin tưởng vào tầm quan trọng của CSR, nếu họ không chủ động tiên phong hay hỗ trợ các hoạt động CSR tại cơ sở, không thể hiện tính chính trực và trung thực trong công việc cũng như trong cuộc sống cá nhân thì CSR không thể thành công. DN chỉ áp dụng thành công CSR khi có sự cam kết của ban lãnh đạo, thật sự hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích CSR trong dài hạn và biến CSR thành một phần văn hóa DN. Nhiệm vụ của giám đốc nhân sự là phải cụ thể hóa tầm nhìn và cam kết của ban lãnh đạo bằng cách đưa ra những xem xét, đánh giá về sự hiện diện của các hoạt động quản trị nhân sự trong quá trình xây dựng và thực thi chiến lược CSR. Có thể nói CSR đã có chỗ đứng khá vững chắc trong nhận thức của giới DN và có xu thế phát triển ngày càng lớn mạnh trên toàn thế giới.

CSR không phải chủ đề mới ở Việt Nam. Nhiều DN, nhất là các DN xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Bắc Mỹ thường xuyên phải đối mặt với những yêu cầu báo cáo liên quan đến CSR. Nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn, khóa học về CSR đã được tổ chức. Không ít nghiên cứu do các cá nhân, cơ quan và tổ chức trong nước, quốc tế đã được thực hiện và công bố chính thức. Từ năm 2005, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương cùng với các Hiệp hội Da giày, Dệt may đã tổ chức trao giải thưởng “Trách nhiệm xã hội của DN hướng tới sự phát triển bền vững” nhằm tôn vinh các doanh nghệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN trong bối cảnh hội nhập. Hiện nay, nhiều DN ở Việt Nam đã nhận thấy rằng, trách nhiệm xã hội của DN là một trong những yêu cầu không thể thiếu bởi lẽ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu DN không tuân thủ trách nhiệm xã hội của DN sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.

III. Nhận thức của người tiêu dùng

Vì mong muốn có một giá mua thấp nhất nên người tiêu dùng thường bị xem là đối thủ chính của CSR. Việc các DN gây áp lực để hạ giá mua đã khiến cho những nhà phân phối lớn có hành vi gây áp lực hạ giá, ngược đãi người lao động và áp đặt những điều kiện hà khắc lên những nhà cung ứng. Đến lượt những người này lại quay sang bóc lột nhân công của họ bằng cách không tuân thủ các ngưỡng tối thiểu về nhân quyền. Các tổ chức người tiêu dùng do chủ yếu tập trung vào việc tối ưu hóa mối quan hệ giữa chất lượng và giá cả nên không phải ai cũng quan tâm đến trào lưu CSR.

Tuy nhiên, gần đây, CSR đã trở thành chủ đề được quan tâm nghiêm túc và phát triển rộng khắp thế giới. Rất nhiều bài báo, nghiên cứu, sách, tạp chí, diễn dàn, trang web của các trường đại học, giới khoa học, tổ chức phi chính phủ, DN bàn thảo về chủ đề này. Ở một số quốc gia phát triển đã xuất hiện ý tưởng phân biệt sản phẩm dựa trên việc ghi nhận “chất lượng xã hội” thể hiện mức độ tôn trọng các quyền của con người. Ý tưởng này nhằm thay thế sự quản lý của nhà nước bằng hành động tự nguyện của chính nhà sản xuất để có những lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn coi trọng cách thức các công ty sản xuất sản phẩm đó như thế nào, hàng hóa đó có thân thiện với môi trường, cộng đồng, có tính nhân đạo và lành mạnh hay không...

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, phong trào bảo vệ người tiêu dùng cũng đã có bước tiến mới. Người tiêu dùng dần ý thức được quyền lực kinh tế của mình qua hành động mua sắm và thiết lập quyền kiểm soát rộng khắp của họ đối với việc sản xuất. Thực tế hiện nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn coi trọng cách thức các công ty sản xuất sản phẩm đó như thế nào, hàng hóa đó có thân thiện với môi trường, cộng đồng, có tính nhân đạo và lành mạnh hay không... Nhiều phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường phát triển rất mạnh, chẳng hạn phong trào tẩy chay chất phụ gia gây ung thư nhằm vào các công ty sản xuất bột ngọt, công ty sản xuất sữa; phong trào tẩy chay sản phẩm bóc lột lao động trẻ em nhằm vào hãng Nike hay Gap; phong trào đòi công bằng cho người lao động nhằm bảo đảm điều kiện an toàn lao động và giá mua nguyên liệu của nông dân ở các nước Thế giới thứ ba…

Trước áp lực từ xã hội, hầu hết các công ty lớn đã chủ động coi CSR như một chiến lược quan trọng của mình. Rất nhiều chương trình đã được thực hiện như tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải carbon, sử dụng vật liệu tái sinh, năng lượng mặt trời, cải thiện nguồn nước sinh hoạt, xóa mù chữ, xây dựng trường học, cứu trợ, ủng hộ nạn nhân thiên tai, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên... Có thể kể đến một số tên tuổi đi đầu trong các hoạt động này như: Google, Intel, Unilever, Coca-Cola, GE, Nokia, HSBC, Levi Strauss, GlaxoSmithKline, Bayer, Toyota, Sony, UTC, Samsung, Gap, BP, ExxonMobil… Hiện nay, hầu hết các công ty đa quốc gia này đều đã xây dựng được chiến lược về CSR và tuyên truyền đến tất cả các nhân viên trên toàn thế giới. Lợi ích đạt được qua những hoạt động CSR cụ thể đã được ghi nhận. Chiến lược CSR không chỉ cải thiện hình ảnh công ty trong mắt công chúng và người dân địa phương mà còn giúp công ty thực hiện các thủ tục đầu tư thuận lợi hơn, tăng năng suất lao động và doanh thu bán hàng, nâng cao uy tín và thương hiệu, thu hút nhiều lao động giỏi, giảm chi phí, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc và thêm cơ hội tiếp cận thị trường mới.

Tại Việt Nam, CSR là chủ đề được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Nghiên cứu của tác giả Dương Công Danh (2015) chỉ ra rằng, mặc dù người tiêu dùng có nhận thức khá tốt về các vấn đề có liên quan đến CSR nhưng họ chưa quan tâm nhiều đến danh tiếng và việc thực hiện CSR của DN. Hơn nữa, họ vẫn chú ý tới giá khi quyết định mua sản phẩm dịch vụ hơn là hơn là việc DN đó có thực hiện tốt CSR hay không thông qua một số nội dung nổi bật của CSR như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Thực hiện thành công CSR là tiền đề quan trọng cho thành công của một DN bởi điều đó mang lại những lợi ích rất lớn như tăng lợi nhận, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, thu hút được đội ngũ lao động tay nghề cao hay có cơ hội mở rộng thị trường... Thực tế cho thấy, CSR còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam nên người tiêu dùng chưa nhận thức hết được vai trò quan trọng của mình trong việc hướng cho các DN thực hiện tốt CSR, từ đó DN có được sự phát triển bền vững, cung cấp được những hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường.

IV. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội

Để nâng cao nhận thức của DN và người tiêu dùng về CSR cần chú trọng các nội dung sau:
  • Thứ nhất, truyền thông tốt cho người tiêu dùng về CSR thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông cá nhân hay truyền thông xã hội. Người tiêu dùng cần hiểu rõ một DN thực hiện tốt CSR có nghĩa là mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng trong đó có lợi ích của người tiêu dùng.
  • Thứ hai, DN cần có kế hoạch đào tạo và phổ biến hiểu biết về CSR cho người lao động và đội ngũ quản lý thông qua các khóa học. Việc đào tạo có thể thực hiện thông qua các trải nghiệm thực tế như DN tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường, làm cho các chương trình này trở thành hoạt động thường niên của DN. Có thể học tập kinh nghiệm của Công ty Canon Việt Nam triển khai chương trình “Tuyên truyền về bảo vệ môi trường” tại các trường tiểu học các tỉnh miền Bắc: chương trình cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về thực trạng môi trường Việt Nam và thế giới, hướng dẫn cách bảo vệ môi trường thông qua hành động theo 3R (Giảm thiểu - Tái sử dụng Tái chế) với các hành động đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.
  • Thứ ba, để định hướng cho các DN trong việc thực hiện CSR của mình, cần phải có một khung pháp lý mang tính chuẩn mực quy định về CSR của DN để buộc các DN phải tuân thủ. Bên cạnh các điều luật được quy định bởi chính phủ và các cơ quan chức năng thì các DN cũng cần có các tiêu chuẩn đánh giá CSR dưới dạng là những bộ quy tắc ứng xử thường là do các tổ chức phi chính phủ ban hành. Các bộ quy tắc này quy định về xã hội, môi trường, lao động và đạo đức giúp các DN thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn luật pháp quốc gia và phải được giám sát việc thực hiện cũng như kiểm tra độc lập thường xuyên.
Ngoài ra, bản thân mỗi DN cũng cần nêu ra các tôn chỉ, cam kết cho hoạt động của mình và phải thực hiện đúng các cam kết đó. Các điều kiện pháp lý này làm cho các DN phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo rằng những sản phẩm do DN tạo ra là an toàn, đúng cam kết, đồng thời đảm bảo sự phát triển của DN là bền vững và không có những tác động tiêu cực về các vấn đề pháp lý. Đồng thời, Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN thực hiện trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ các DN kinh doanh hàng nông sản thực, phẩm trong việc thực hiện các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất theo công nghệ sạch.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích.

Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/thay-doi-nhan-thuc-cua-doanh-nghiep-va-nguoi-tieu-dung-trong-thuc-hien-trach-nhiem-xa-hoi.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ