Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?

2024/10/25

ThuếLuậtHảiquan

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan có phải là hành vi gian lận thương mại không?


Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Hải quan 2014 quy định:

Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan
1. Đối với công chức hải quan:
a) Gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan;
b) Bao che, thông đồng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, gian lận thuế;
c) Nhận hối lộ, chiếm dụng, biển thủ hàng hóa tạm giữ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mục đích vụ lợi;
d) Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.
2. Đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải:
a) Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan;
b) Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
c) Gian lận thương mại, gian lận thuế;
d) Đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính;
đ) Cản trở công chức hải quan thi hành công vụ;
e) Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan;
g) Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.

Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa khái niệm gian lận thương mại là gì. Tuy nhiên có thể hiểu gian lận thương mại là hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.
Mục đích của hành vi gian lận thương mại là nhằm thu lợi bất chính do thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, dối trá.
Theo đó, hoạt động gian lận thương mại là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan. Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan thuộc hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan (số thứ tự 19 Phụ lục I Thông tư 07/2017/TT-BTC).

2. Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?

Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định:

Vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
...
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
...
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
....
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan;
b) Không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện từ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức:
a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân;

Theo đó, hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan bị phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Lưu ý: Hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan có mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức. Theo đó, cá nhân có hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan bị phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan có thẩm quyền xử phạt tiền đối với cá nhân đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan không?

Căn cứ khoản 3 Điều 29 Nghị định 128/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của hải quan
...
3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

Như vậy, chi cục trưởng Chi cục Hải quan có thẩm quyền xử phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn:https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/danh-trao-hang-hoa-da-kiem-tra-hai-quan-voi-hang-hoa-chua-kiem-tra-hai-quan-bi-xu-phat-vi-pham-hanh-214937-156235.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ