Khi nhắc đến thành phố Đà Nẵng nhiều người nhớ đến danh xưng “thành phố của
những chiếc cầu”, cũng không ít người nói về “thành phố đáng sống”, lại có
người bàn đến “đặc sản” của một thành phố “5 không, 3 có, 4 an”, và có lẽ,
không nhiều người nói đến, nhắc đến, bàn đến thành phố Đà Nẵng với tư cách là
“thành phố văn hóa”. Bởi, theo cách thường thức nhất, danh xưng này khiến
nhiều người nghĩ đến Thủ đô Hà Nội, thành phố Huế với những nét văn hóa đặc
trưng gắn với các lớp trầm tích văn hóa mà không ai có thể phủ nhận. (Lễ hội
cầu ngư quận Sơn Trà hình bên dưới)
Hình thành “lối sống Đà Nẵng”
Về ngữ nghĩa, thành phố hay thành thị gồm có “thành” và “thị”, nhưng dù cắt
bởi lát cắt nào đi nữa thì một thành phố không thể tách rời chủ thể - con
người, cái làm nên cái “linh” và cái “hồn” của đô thị ấy. Do đó, dù bất cứ đô
thị nào trên thế giới thì trong chiến lược phát triển thành phố, văn hóa đóng
một vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng. Đối với một thành phố cụ thể như Đà
Nẵng, văn hóa đô thị nâng cao vị thế, sức cạnh tranh về kinh tế-xã hội; tăng
cường sự cố kết cộng đồng; hình thành tính nhân văn, “dĩ nhân vi bản”. Chính
vì thế, phát triển đô thị bao giờ cũng coi trọng vấn đề củng cố, bảo tồn và
phát triển văn hóa đô thị, cái làm nên “hồn cốt” của thành phố.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong “3 có” của thành phố Đà Nẵng xuất hiện cái
có độc đáo “có lối sống văn hóa, văn minh đô thị” và càng không phải ngẫu
nhiên mà tầm nhìn cho thành phố Đà Nẵng được xác định trong Quy hoạch thành
phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: “Xây dựng “nếp sống
văn hóa - văn minh đô thị”, phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ
pháp luật và hội nhập quốc tế. Phấn đấu 100% thiết chế văn hóa, thể thao các
cấp được đầu tư hoàn thiện, đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả. Bảo tồn và phát
huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, các di tích, danh lam, thắng cảnh; xây
dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu”.
Vì sao phải xây dựng Đà Nẵng trên nền tảng văn hóa gắn với con người Đà Nẵng,
ước mơ Đà Nẵng, khát vọng Đà Nẵng, lối sống Đà Nẵng? Bởi lẽ thành phố Đà Nẵng
sẽ không còn nguyên vẹn hàm nghĩa của nó khi “tách rời” hạ tầng kỹ thuật, hạ
tầng xã hội với chủ thể của nó - con người Đà Nẵng, văn hóa Đà Nẵng, cái
“linh” và cái “tinh” của một đô thị. Hơn thế nữa, các danh xưng, “đặc sản” của
Đà Nẵng mà trên đã đề cập sẽ không còn vẹn nguyên ý nghĩa khi dựng xây trên
nền tảng văn hóa-lịch sử-con người Đà Nẵng trong lát cắt không gian và thời
gian.
Nền tảng văn hóa Đà Nẵng trước hết thể hiện qua chức năng giáo dục-giáo hóa để
từng bước “nhào nặn” nên lối sống Đà Nẵng. Cư dân Đà Nẵng, qua dòng chảy lịch
sử, hình thành và hun đúc các giá trị văn hóa Đà Nẵng. Ngược lại, văn hóa đô
thị giáo hóa con người bằng những khuôn mẫu, chuẩn mực, giá trị, từ đó thúc
đẩy đô thị phát triển. Thứ đến, văn hóa đô thị có chức năng cố kết cộng đồng.
Thông qua các hoạt động của con người, quan niệm giá trị được nội tâm hóa và
hình thành nên giá trị cộng đồng, tình cảm cộng đồng, tính quy thuộc (còn gọi
là cảm giác thuộc về - sense of belonging). Con người có xu hướng xích lại gần
nhau hơn khi cùng chung hệ giá trị, quan niệm sống, quan niệm giá trị, hình
thành nên cái gọi là “thành phố đáng đến, đáng sống” của tôi. Văn hóa còn là
chất xúc tác giúp con người phát huy tính tích cực, hành vi tập thể, hành vi
cộng đồng.
Ví dụ: khi Đà Nẵng đưa ra chương trình, đề án phát triển một “thành phố văn
hóa, văn minh”, lúc đó “nhãn văn hóa” sẽ chi phối hành động tích cực của cư
dân, các hành vi tập thể sẽ được phát huy tối đa. Thêm nữa, văn hóa đô thị gắn
với một hệ giá trị, quy chuẩn, chuẩn tắc; con người biết và hiểu cái nào có
thể hành động, là tốt, là nên và ngược lại. Từ đó, điều chỉnh hành vi con
người theo hướng tích cực, hướng đến “chân, thiện, mỹ”, hình thành các tiêu
chuẩn đạo đức, điều chỉnh các hành vi lệch lạc.
Cuối cùng, văn hóa là “chất liệu” tạo nên hình tượng, biểu tượng của một đô
thị. Thành phố gồm không gian vật chất và không gian xã hội. Không gian xã hội
gồm con người, các hoạt động, lối sống và văn hóa. Có thể nói, văn hóa là
“diện mạo tinh thần” của một thành phố. Hình tượng của một thành phố không chỉ
các kiến trúc mà song song với đó là biểu tượng văn hóa gắn với chủ thể của
nó.
Văn hóa ngang tầm với kinh tế
Quan điểm phát triển Đà Nẵng được xác định: “Kết hợp tốt giữa đẩy nhanh tốc độ
đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, gia tăng mật độ kinh tế
trên một diện tích đất và hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng dùng chung; giữa
phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, phát
triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội và gắn với phát triển
du lịch trở thành một trong các trụ cột quan trọng, coi việc nâng chất lượng
cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; giữa phát triển kinh
tế - xã hội với củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn
xã hội, giữ vững chủ quyền biển, đảo”.
Như vậy, văn hóa đã được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Nói
cách khác, văn hóa đô thị là tiêu chí quan trọng đánh giá trình độ phát triển
của một thành phố; là nhân tố tăng cường sức ảnh hưởng, sức hấp dẫn, lực hút
đối với du khách, nhà đầu tư; là nhân tố thúc đẩy sức sản xuất, phát triển
kinh tế-xã hội; là chất keo kết dính các cá nhân, cộng đồng, tạo nên sức mạnh
tổng hợp. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng
như hiện nay, thách thức lớn nhất đối với văn hóa đô thị là mai một giá trị
cốt lõi, truyền thống; thành phố có “cốt” mà không có “hồn” bởi những khối
bê-tông khổng lồ,...
Câu hỏi đặt ra là, làm gì để phát triển thành phố Đà Nẵng mà không “đánh mất”
hồn cốt văn hóa, ngược lại càng phải chú trọng đến việc bảo tồn, xây dựng,
phát triển và quản lý văn hóa đô thị một cách khoa học hơn, hệ thống hơn; khai
thác giá trị văn hóa một cách hiệu quả hơn trong thúc đẩy phát triển kinh
tế-xã hội, trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh?
Định hướng phát triển và bài toán quản lý văn hóa đô thị là trách nhiệm của
chính quyền đô thị và cư dân toàn thành phố. Do đó, các nhà quản lý đô thị cần
phải có chiến lược phát triển văn hóa đô thị một cách bài bản, khoa học. Văn
hóa là hiện trưng của một đô thị, khẳng định giá trị và đẳng cấp của thành
phố. Thế nhưng, trên thực tế, không ít nhà quản lý đô thị chỉ chú trọng đến
chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mà “bỏ quên” yếu tố văn hóa-xã hội. Một
thành phố có bản sắc cần phải biết kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện
đại, giữa không gian vật chất và không gian xã hội, giữa kiến trúc và con
người.
Muốn vậy, cần phải có chiến lược phát triển văn hóa đô thị cho thành phố Đà
Nẵng trong tương lai, biết “khai quật” các giá trị văn hóa-văn vật để phát
triển du lịch, biết hình thành, tạo dựng các giá trị văn hóa để khơi thông
“công nghiệp văn hóa đô thị”, biết thao tác hóa các “lớp trầm tích” thành các
hoạt động, hành động cụ thể để “chạm khảm” vào trong từng lĩnh vực, ngành
nghề; từng con người, từng nhóm xã hội và toàn cư dân thành phố Đà Nẵng.
Trong điều kiện hiện nay mà đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế
sâu rộng thì công tác quản lý văn hóa cần phải có tính “thích ứng”. Nếu như
trước kia, các khái niệm “thị trường văn hóa” , “công nghiệp văn hóa” còn khá
xa lạ thì hiện nay trở thành “khái niệm thời thượng”. Điều đó cũng có nghĩa,
nhà quản lý đô thị nói chung, quản lý văn hóa đô thị nói riêng cần phải có tư
duy mới, tư duy khoa học, thức thời khi tiếp cận văn hóa để quản lý văn hóa
tốt hơn.
Hài hòa giữa hiện đại và truyền thống
Đối với Đà Nẵng, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để củng cố, xây dựng, phát
triển văn hóa là rất đa dạng, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở các nội dung chủ
yếu sau đây.
Quản trị bản sắc văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng.
Trước hết cần phải nhận thức một cách đầy đủ, chính xác, khách quan về các
điều kiện tự nhiên và tiến trình lịch sử, các nét văn hóa độc đáo của Đà Nẵng.
Văn hóa Đà Nẵng là một bộ phận cấu thành quan trọng, là nhân tố thúc đẩy quá
trình phát triển chung của thành phố Đà Nẵng, trong đó có cả phần “tĩnh” và
phần “động”. Phần tĩnh của văn hóa bao gồm các sản phẩm văn hóa vật thể và các
thiết chế, cơ sở hạ tầng văn hóa; phần “động” của văn hóa bao gồm các hoạt
động sống, hình thức sản xuất, sinh hoạt văn hóa như các phong tục, tôn giáo,
tín ngưỡng và các hoạt động giáo dục, khoa học, thể thao, nghệ thuật… Thông
qua tất cả các hoạt động đó, chúng ta có thể định hình được nếp sống, lối sống
của cư dân đô thị Đà Nẵng.
Kế tiếp, chính quyền thành phố và cơ quan hữu quan cần “định vị lại” văn hóa
Đà Nẵng, tìm kiếm các nét văn hóa mang tính tiên tiến để hình thành phương
hướng bảo tồn và phát triển. Tìm kiếm các nhân tố, các nét văn hóa còn “tiềm
ẩn” để “khai quật”, làm sống dậy nét văn hóa độc đáo. Đồng thời, tiến hành
nghiên cứu các chi lưu văn hóa, các lớp trầm tích văn hóa để bảo tồn, phát
triển.
Cần chú ý, với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa ngày một mạnh mẽ như
hiện nay thì các trào lưu, tư tưởng văn hóa ngày càng phong phú, do đó, làm
thế nào để văn hóa của một đô thị được bảo tồn, phát triển những nét tiên tiến
mà không bị hòa tan hay biến mất bởi các trào lưu văn hóa của thế giới; làm
thế nào để phát triển văn hóa kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế và các
yếu tố chính trị đó là những yêu cầu đối với chính quyền đô thị, các nhà quản
lý đô thị.
Văn hóa thể hiện hồn cốt, bản chất của một đô thị và cuối cùng luôn “chảy vào
để lưu trú” trong cộng đồng, người dân với tư cách là chủ thể của văn hóa. Nói
cách khác, người dân Đà Nẵng là chủ thể sáng tạo ra văn hóa Đà Nẵng, cũng là
chủ thể “tiêu thụ” văn hóa và bảo tồn phát triển văn hóa. Chỉ có sự tham gia
của cư dân thì văn hóa mới thực sự được phát huy, các nét văn hóa mới có điều
kiện để thể hiện, dòng chảy văn hóa mới được khơi thông, hồn cốt đô thị mới
được hun đúc.
Quản trị bản sắc văn hóa phục vụ du lịch cho thành phố.
Xét đến cùng, quản trị bản sắc văn hóa hay bản sắc lịch sử không phải để “cất
giữ” mà để “trưng bày”; để phục vụ cho phát triển và nâng cao giá trị của
thành phố trong đó có hoạt động du lịch cho Đà Nẵng. Muốn du khách đến với
thành phố thì cần các sản phẩm đặc trưng từ ẩm thực đến lưu trú, mua sắm, vui
chơi,…Đối với người tiêu dùng du lịch mà nói, du lịch không chỉ thỏa mãn nhu
cầu ăn uống, đi lại hay vui chơi thông thường mà còn gắn với các giá trị mang
tính bản sắc, lưu giữ được các “mùi vị” của một địa danh, một thành phố gắn
với bản sắc văn hóa, lịch sử của nó.
Từ góc độ cạnh tranh, tầng diện thứ nhất để cạnh tranh một “mặt hàng”, một
“sản phẩm” chính là giá cả, đó là cạnh tranh mang tính phổ biến và “cổ điển”;
tầng diện thứ hai chính là cạnh tranh về mặt chất lượng nhưng tầng diện thứ ba
của cạnh tranh lại là yếu tố văn hóa, đây mới là nhân tố cạnh tranh “chất
lượng cao” trong thời đại hiện nay. Chẳng hạn, một địa điểm du lịch có nội hàm
văn hóa thâm sâu, hướng dẫn viên có cách ứng xử và phục vụ tốt, người dân bản
địa hiếu khách, nhiệt tình, nồng hậu; các món ăn mang đậm dấu ấn văn hóa cộng
đồng,… sẽ là điểm hút khách du lịch rất tốt bởi nó mang trong mình các nét văn
hóa nhất định.
Quản trị và phát triển đô thị theo hướng hiện đại.
Cùng với sự phát triển kinh tế đô thị, yếu tố hội nhập quốc tế sâu rộng cũng
ngày càng làm cho thành phố mang nét hiện đại. Điều đó cũng có nghĩa, hiện đại
hóa là xu thế tất yếu của đô thị. Do vậy, chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng
cần phải có tư duy quản lý và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, xem văn
hóa vừa là nền tảng tinh thần (sức mạnh mềm), vừa là nền tảng vật chất (sức
mạnh cứng) và cần phải được lồng ghép vào trong từng chương trình, dự án, đề
án phát triển thành phố.
Đô thị ngày càng hiện đại vừa là điểm tích cực nhưng cũng mang trong mình
những yếu tố tiêu cực (nhất là các đô thị cổ, đô thị môi trường,…). Đối với
thành phố Đà Nẵng, cần phải tăng cường tính hòa nhập và trở thành đặc trưng
của một đô thị “hiện đại, văn minh” nhưng cũng hết sức thận trọng trong bảo
tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lối sống Đà Nẵng.
Nói cách khác, cần giải quyết hài hòa giữa cái hiện đại và truyền thống, giữa
yếu tố kinh tế và văn hóa-xã hội, giữa phát triển du lịch với gìn giữ các yếu
tố văn hóa, di tích lịch sử, giữa “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một
trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á”
với tôn tạo, phát triển các giá trị văn hóa gắn với con người Đà Nẵng và hướng
đến xây dựng thành phố “văn hóa, văn minh”, bởi lẽ chúng ta đều phải ý thức
sâu sắc rằng, hình thành một đô thị với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tiên tiến
tuy khó mà dễ nhưng bảo lưu, gìn giữ các nét độc đáo, lớp trầm tích lịch
sử-văn hóa-con người-lối sống của thành phố tưởng dễ mà thật sự khó.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Hi vọng bạn sẽ
có những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những
thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm tại AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
https://baodanang.vn/bao-xuan-2024/202402/nen-tang-van-hoa-da-nang-3966163/index.htm