Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Hệ thống thuế Tiêu thụ đặc biệt. Bài viết dành cho các kế toán viên đang phụ trách về phần thuế, người lao động đang muốn tìm hiểu về cách tính thuế. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế mà bất kỳ người lao động nào trong quá làm việc đều sẽ gặp phải.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
I. Tổng quan chung
Trong bối cảnh chung của Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cần được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải; kế hoạch tăng thuế TTĐB cần phải có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn nhằm đạt được một cách hài hòa mục tiêu Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng, nhưng cũng giúp đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó hỗ trợ ngành thuốc lá chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm có chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn. Việc tăng thuế cao và nhanh có thể dẫn đến các phản ứng không mong muốn của những người sử dụng thuốc lá là chuyển sang các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp, độc hại hơn và đặc biệt là gia tăng việc tiêu thụ thuốc lá lậuvốn là vấn nạn của Việt Nam. Ngoài ra, trong dài hạn, Việt Nam có thể xem xét việc đơn giản hóa cơ cấu thuế để giảm bớt gánh nặng hành chính cho chính phủ, giúp cho việc thu thuế hiệu quả hơn mà vẫn có thể đạt được tất cả các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.
Trên cơ sở phân tích chính sách thuế TTĐB hiện hành của Việt Nam, các mục tiêu của Chính phủ và trên cơ sở tham khảo chính sách thuế của một số quốc gia điển hình, Báo cáo trình bày một số phương án cải cách cơ cấu thuế TTĐB cùng với lộ trình thực hiện trong thời gian ngắn hạn và định hướng dài hạn phù hợp tình hình kinh tế xã hội hiện tại ở Việt Nam. Với sự ưu việt của hệ thống thuế tuyệt đối, các phương án trình bày trong Báo cáo được dựa trên định hướng Việt Nam sẽ tiến dần đến một hệ thống thuế tuyệt đối trong dài hạn (sau 10 hoặc 15 năm). Về mặt tổng thể, lộ trình cải cách có thể thực hiện theo 2 phương án sau:
● Phương án 1: Chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc;
● Phương án 2: Chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đa bậc (ví du: 4 bậc). Sau đó thu hẹp dần số bậc để trở thành hệ thống tuyệt đối đơn bậc.
Các phương án trên đây đều tạo ra tăng trưởng thu ngân sách cho Chính phủ không tính đến các yếu tố khác như tác động đến sản lượng, giá, độ co giãn của cầu theo giá hoặc hành vi giảm giá. Tuy nhiên với mức tăng thuế vừa phải và có lộ trình rõ ràng và phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường sẽ được giảm thiểu.
Mỗi phương án nêu trên đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung, chúng tôi cho rằng phương án 1 là phương án hợp lý hơn cho tình hình hiện nay của Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi dần từ hệ thống thuế theo tỷ lệ phần trăm sang cơ cấu thuế hỗn hợp trong ngắn hạn mà không thay đổi hoàn toàn ngay lập tức sang hệ thống tuyệt đối bốn bậc như phương án 2. Phương án này cũng phù hợp với định hướng cải cách của Bộ tài chính. Điểm khác biệt chính là thay vì tăng thuế một cách đột ngột, mức tăng thuế được thực hiện dần theo lộ trình để doanh nghiệp và thị trường thích ứng dần dần. Đối với phương án 1, việc thực hiện kết hợp mức thuế tuyệt đối ở mức thấp hơn so với đề xuất hiện nay của Bộ tài chính sẽ tránh được sự tăng giá đột biến đối với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp, tác động đến người tiêu dùng dẫn đến việc họ chuyển đổi sang thuốc lá với giá rẻ hơn bao gồm cả thuốc lá kém chất lượng, độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc lá lậu.
II. Chiến lược và mục tiêu tổng thể của Chính phủ đối với ngành thuốc lá Việt Nam
Trong bối cảnh hiện tại và tương lai, hệ thống thuế thuốc lá Việt Nam phải được xem xét để phù hợp và đạt được một số mục tiêu cơ bản và hành động của Chính phủ Việt Nam đặt ra đối với ngành thuốc lá được quy định tại Quyết định 508/2022/QĐ-TTg, cũng như cam kết của Việt Nam thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cụ thể:
● Thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá với nguyên tắc cơ bản bao gồm xây dựng giá và các biện pháp đánh thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu về thuốc lá (đặc biệt đối với trẻ vị thành niên), đóng góp vào mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời, các nước tham gia trong đó có Việt Nam cũng được khuyến nghị thực hiện Điều 6 của Công ước khung, cụ thể: “Các Bên nên thực hiện và triển khai hệ thống thuế đơn giản và hiệu quả nhất phù hợp nhu cầu về tài chính và sức khỏe cộng đồng. Các Bên nên xem xét thực hiện hệ thống thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp với một mức tuyệt đối sàn tối thiểu, vì các hệ thống thuế này có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống thuế tương đối đơn thuần” .
● Quyết định số 508/2022/QĐ-TTg ngày 23/04/2022 phê duyệt chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 nêu rõ chiến lược cải cách thuế TTĐB cho giai đoạn 2021-2030 là: “xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ôtô… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế;… nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế”.
Giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam theo mục tiêu quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Mục tiêu của chính phủ đến năm 20202 và đến năm 20253 cho một số nhóm đối tượng như sau:
- Thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi): từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020;
- Nam giới: từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020 và xuống 37% năm 2025;
- Nữ giới: xuống dưới 1,4% năm 2020.
Song song với mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Chính phủ cũng yêu cầu kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả, được nêu trong “Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020”. Cụ thể: “tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách và đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá để ngăn chặn, đẩy lùi thuốc lá nhập lậu và hỗ trợ trang bị phương tiện, nhân lực cho lực lượng chống buôn lậu”.
Như vậy, tính hiệu quả và phù hợp của hệ thống thuế thuốc lá hiện tại tại Việt Nam nên được xem xét cùng với các mục tiêu đặt ra của Chính phủ trong việc giảm lượng tiêu thụ thuốc lá trong nước, khả năng tạo ra nguồn thu ổn định, bền vững cho Chính phủ, hạn chế nạn buôn lậu thuốc lá và các mục tiêu xã hội khác. Như vậy có thể thấy bên cạnh mục tiêu cải cách thuế để có thể tăng nguồn thu NSNN từ thuế một cách bền vững, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua việc giảm sản lượng tiêu thụ và tỷ lệ người hút thuốc lá được coi là quan trọng hơn. Hệ thống thuế mới ngoài việc phải hỗ trợ đạt các mục tiêu về ngân sách và sức khỏe còn cần phải tránh gây ra đột biến về thị trường nhằm cân bằng mục tiêu giảm sản lượng tiêu thụ với các vấn đề kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả, cân đối với việc giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã hội mà chính sách mới có thể mang lại như là nguy cơ thất nghiệp đột ngột đối với người lao động trong ngành thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá, đồng thời từ từ dịch chuyển dần các dòng sản phẩm từ phân khúc giá thấp lên trung và cao cấp.
III. Cơ cấu thuế và phí hiện hành ở Việt Nam và gánh nặng về tài chính liên quan đến các thủ tục hành chính
1. Cơ cấu thuế và phí hiện hành đối với thuốc lá ở Việt Nam
Phần này chúng tôi sẽ trình bày ngắn gọn những đánh giá tổng quan về pháp luật hiện hành và cơ cấu thuế và phí đối với thuốc lá ở Việt Nam.
1.1. Tổng quan về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam
Thuế TTĐB được áp dụng trên một số sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam. Việt Nam hiện đang áp dụng hệ thống thuế TTĐB tính trên tỷ lệ phần trăm đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá5 . Cơ cấu thuế TTĐB này được áp dụng thống nhất cho tất cả các loại sản phẩm thuốc lá từ năm 2006 trở đi.
1.2. Các khoản chi phí, phí, đóng góp bắt buộc liên quan đến thuốc lá
Kể từ khi thành lập quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, các nhà sản xuất và nhập khẩu thuốc lá tại Việt Nam cũng phải đóng góp vào quỹ này từ ngày 1 tháng 5 năm 2013. Tỷ lệ (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, đóng góp bắt buộc được điều chỉnh định kỳ với chi tiết tóm tắt phía dưới.
Từ ngày 10/1/2022, các Công ty sản xuất và nhập khẩu thuốc lá phải nộp khoản đóng góp tài chính bắt buộc để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải đối với sản phẩm thuốc lá. Số tiền đóng góp tài chính bắt buộc là 60 đồng/20 điếu, và được tính theo sản lượng sản phẩm sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu của năm liền trước7 . Khoản tiền này được xem là một khoản đóng góp nhằm hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo Vệ Môi Trường.
Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu và sản phẩm thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước phải mua và được dán tem điện tử từ ngày 1/7/20228 . Điều này dẫn tới phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp trong ngành như chi phí mua tem, chi phí đầu tư máy móc, hạ tầng kỹ thuật…
Như vậy, bên cạnh thuế TTĐB, các đơn vị sản xuất thuốc lá hợp pháp tại Việt Nam còn phải chịu các khoản phí, đóng góp tài chính liên quan đến thuốc lá như đã liệt kê ở trên. Do đó, có thể nhận thấy rằng, so với thuốc lá hợp pháp, thuốc lá lậu không phải chịu gánh nặng thuế và các khoản phí/ đóng góp bắt buộc liên quan đến thuốc lá.
2. Phân tích và đánh giá tác động của cơ cấu thuế TTĐB hiện hành
Việt Nam hiện đang áp dụng cơ cấu thuế TTĐB tính theo tỷ lệ phần trăm ở mức 75% thống nhất cho tất cả các sản phẩm thuốc lá.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang áp dụng giá tối thiểu đối với bao thuốc lá, trong đó quy định mức giá tối thiểu (đã bao gồm thuế TTĐB và các khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá nhưng chưa bao gồm thuế GTGT) là 4.390 đồng đối với bao thuốc lá 20 điếu và 3.860 đồng đối với bao thuốc lá điếu mềm 20 điếu nhằm khống chế giá bán thuốc lá trong nước. Vì giá tối thiểu ở ngưỡng rất thấp (thấp hơn giá bán lẻ trung bình của phân khúc thấp nhất trên thị trường) nên khi được thực hiện cùng với cấu trúc thuế tính theo tỷ lệ hiện hành thì chính sách này không có tác động ngăn cản các doanh nghiệp trong ngành cố gắng giảm chi phí thuế bằng cách giảm chi phí sản xuất. Do đó, các biện pháp thuế và giá tối thiểu hiện hành chưa thực sự hiệu quả trong việc hạn chế thuốc lá rẻ kém chất lượng và chính phủ khó có thể đạt được các mục tiêu của mình nếu tiếp tục áp dụng các chính sách như hiện nay.
Như vậy, về tổng quan, chúng tôi nhận thấy rằng cơ cấu thuế TTĐB áp dụng cho thuốc lá tại Việt Nam hiện nay cần phải được tiếp tục cải thiện để đáp ứng được các mục tiêu đối với ngành thuốc lá của Chính phủ như đề cập tại Mục 2 nêu trên, đồng thời đảm bảo được sự cân bằng về lợi ích cho tất cả các đối tượng tham gia vào ngành công nghiệp. Một hệ thống thuế cân bằng hơn nên cân nhắc cả yếu tố về giá thành, độ co dãn của cầu đối với thuốc lá, đồng thời nên tránh những tác động tiêu cực tới những tác nhân liên quan chủ chốt trong ngành như lượng tiêu thụ thuốc lá, giao dịch thuốc lá bất hợp pháp, nguồn thu của chính phủ, hoạt động sản xuất và người công nhân cũng như nông dân trong ngành thuốc lá.
Từ kinh nghiệm cải cách thuế nói chung và thuế TTĐB nói riêng của các nước trên thế giới, để Việt Nam có một hệ thống thuế phù hợp hơn cho ngành công nghiệp thuốc lá, đồng thời Chính phủ có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra (giảm lượng và tỷ lệ hút thuốc lá, tăng được nguồn thu ngân sách một cách bền vững, kiểm soát thuốc lá nhập lậu), mặt khác không gây đột biến tiêu cực cho thị trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã hội mà chính sách thuế có thể mang lại, Chính phủ có thể xem xét ba phương án cải cách thuế theo lộ trình từng bước như sau:
Phương án 1: Chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc;
Phương án 2: Chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đa bậc (ví du: 4 bậc). Sau đó thu hẹp dần số bậc để trở thành hệ thống tuyệt đối đơn bậc.