Trong bài viết này, công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Chính sách ưu đãi thuế cho Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bài viết dành cho các (doanh nhân, nhà quản lý, kế toán viên đang làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cũng như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp) muốn tìm hiểu về các chính sách thuế ưu đãi dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì (chính sách ưu đãi thuế là một trong những yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giảm bớt gánh nặng tài chính và có cơ hội phát triển bền vững).
Bài viết có các từ viết tắt như sau: doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); khởi nghiệp sáng tạo (KNST).
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
1. Chính sách ưu đãi thuế có thực sự hấp dẫn Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo?
Theo Báo cáo của Statista1, trong 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Thế giới năm 2021 thì có đến 8 công ty công nghệ sáng tạo, gồm: Apple, Microsoft, Amazon của Mỹ; Tencent, Alibaba của Trung Quốc,... Kết quả trên được lý giải một phần từ hiệu quả của chính sách ưu đãi, khuyến khích, ươm mầm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của các nước. Trong Kỷ nguyên công nghiệp 4.0, Việt Nam sớm xác định phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; bước đầu đã xây dựng hành lang pháp lý tương đối hoàn thiện để hỗ trợ, thúc đẩy, tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, trong đó có ưu đãi thuế.2. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (KNST) là gì?
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) 2017, “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”.Theo Điều 3.2 Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thì: “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”.
Hiện pháp luật vẫn chưa hướng dẫn chi tiết các tiêu chí để xác định một doanh nghiệp KNST. Tuy nhiên, theo các quy định nói trên, một số điểm khác biệt cơ bản giữa doanh nghiệp KNST so với công ty truyền thống, trước hết nằm ở việc doanh nghiệp KNST phát triển trên nền tảng tài sản trí tuệ, nghiên cứu công nghệ2, mô hình kinh doanh mới. Đó có thể là việc phát triển mới một nền tảng công nghệ mới (như trường hợp Công ty Axie Infinity tạo tựa game NFT trên nền tảng block chain) hay sáng tạo ra một mô hình kinh doanh mới (như trường hợp công ty Vbee phát triển hệ sinh thái các giải pháp về giọng nói trí tuệ nhân tạo như Vbee AI Call Center, Vbee AI Callbot). Ngoài ra, khả năng tăng trưởng nhanh cũng là điểm khác biệt giữa doanh nghiệp KNST và công ty truyền thống (ví dụ trường hợp của công ty OpenCommerce Group đã tăng trưởng gấp 13,8 lần trong 02 năm đầu ra mắt3).
Với những đặc trưng trên, một mặt thúc đẩy doanh nghiệp KNST tạo ra những giá trị mới, có nhiều giá trị gia tăng cho xã hội, có khả năng tăng trưởng nhanh và mở ra một mô hình kinh doanh mới cho nền kinh tế; nhưng mặt khác, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất vốn. Đấy cũng là lý do lý giải việc doanh nghiệp KNST luôn được các nước khuyến khích phát triển thông qua việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011- 2015; trong năm 2020 mặc dù chịu nhiều tác động của Đại dịch Covid -19 thì số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức 134.9414. Hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp KNST tại Việt Nam, nhưng theo Thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore), Việt Nam hiện có trên 3.000 doanh nghiệp KNST; khoảng gần 50 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước.
3. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp KNST
Để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp KNST, Đảng và Nhà nước đã sớm ban hành hành lang pháp lý về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp KNST. Hiện khung pháp lý áp dụng cho doanh nghiệp KSNT chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ “DNNVV”. Cụ thể: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Luật Hỗ trợ DNNVV 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017,..Đối với DNNVV KNST, tùy từng thời kỳ và điều kiện thực tế tại từng địa phương, doanh nghiệp KNST cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ chung như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế, kế toán; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ công nghệ; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực,.. theo Mục 1 Chương II Luật Hỗ trợ DNNVV 2017. Ngoài những chính sách chung, theo khoản 2 Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 và Điều 21 Nghị định 39/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp KNST còn được hỗ trợ thêm các chế độ sau:
- Thứ nhất, hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;
- Thứ hai, hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới;
- Thứ ba, hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ;
- Thứ tư, hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa;
- Thứ năm, hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
4. Chính sách ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp KNST
Nằm trong các hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV nói chung và doanh nghiệp KNST nói riêng, ưu đãi thuế tác động một phần, khuyến khích vào sự phát triển cũng như tích lũy tài chính cho doanh nghiệp KNST.
5. Ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Hiện Thuế thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế trực tiếp đánh vào tài chính của doanh nghiệp nên sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối doanh nghiệp KNST chủ yếu là sắc thuế này. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 10 Luật Hỗ trợ DNNVV 2017: “1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”. Theo đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp KNST này sẽ được tham chiếu pháp luật chung về thuế thu nhập doanh nghiệp mà chưa có quy định cụ thể về mức thuế suất áp dụng cho DNNVV. Nói cách khác, ưu đãi này vẫn chưa được cụ thế hóa riêng cho doanh nghiệp KNST trên thực tế, các doanh nghiệp KNST phải áp dụng theo những ưu đãi của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp căn cứ theo ngành nghề kinh doanh, doanh thu cũng như địa bàn hoạt động để hưởng ưu đãi, được quy định chi tiết như sau:Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014), doanh nghiệp KNST có thể được áp dụng Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu nhập xuất phát từ công nghệ như:
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
- Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao;
- Uơm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;
- Đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao;
- Đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;
- Sản xuất sản phẩm phần mềm.
6. Ưu đãi về miễn, giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp
Bên cạnh đó, khi thu nhập được xếp vào các lĩnh vực nêu trên, doanh nghiệp KNST còn có thể được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với khoản thu nhập này theo khoản 1 Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014). Theo khoản 3 Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014), thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 18 Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, đối với Nhà đầu tư cho doanh nghiệp KNST được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp KNST theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa cụ thể hóa quy định tại điều này nên lợi ích từ việc thực tế vẫn chưa có thể mang lại trong việc thúc đấy cho các nhà đầu tư cho doanh nghiệp KNST. Bên cạnh đó, ở quy định này đang áp dụng miễn, giảm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp tức đề cập đến các nhà đầu tư là tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư cá nhân thường chiếm phần lớn trong việc đầu tư các doanh nghiệp KNST, thế nhưng quy định không đề cập đến việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư cá nhân này để khuyến khích cho việc đầu tư, phát triển doanh nghiệp KNST vốn cần nguồn vốn lớn để phát triển.
7. Tác động của chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp KNST
Các chính sách, chương trình ưu đãi thuế cho doanh nghiệp KNST thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp KNST gia nhập thị trường, xây dựng được hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp KNST. Cụ thể:- Đã có 8 địa phương ban hành riêng Đề án/Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp KNST (Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, v.v).
- Đa số các địa phương xây dựng và ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ DNNVV gồm các nội dung hỗ trợ chung và hỗ trợ trọng tâm theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có một số địa phương ban hành Đề án chỉ gồm nội dung hỗ trợ trọng tâm (hỗ trợ DNNVV KNST tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị).
So với kỳ vọng, các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nói chung, Doanh
nghiệp KNST nói riêng thời gian qua còn nhỏ lẻ, mang tính chất giải quyết khó
khăn theo từng thời điểm và chưa mang tính liên tục, quá trình triển khai vẫn
còn hạn chế và chưa đạt được hiệu quả cao trong ứng dụng vào thực tiễn6. Điều
này một phần có thể lý giải bởi chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp KNST đang
trong giai đoạn hình thành và mới từng bước áp dụng trong thực tiễn. Đồng
thời, mặc dù Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã quy định
hỗ trợ về thuế nhưng chưa có chính sách đặc thù và quy định cụ thể về chính
sách thuế, tài chính đối với doanh nghiệp KNST.
8. Kinh nghiệm quốc tế ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp KNST
Hiện các nước trên thế giới đều có những chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp KNST, tương ứng với điều kiện về vốn cũng như ngành nghề kinh doanh liên quan đến công nghệ. Tại Ấn Độ, những doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo, đáp ứng các điều kiện là doanh nghiệp khởi nghiệp trong Chương trình hành động của Ấn Độ sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm. Tại Singapore, trong 3 năm đầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp có doanh thu dưới 100.000 đô la Singapore được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh thu từ 100.000 - 300.000 đôla Singapore áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 8,5%7. Ngoài ra, ở Hàn Quốc, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm từ 5% đến 30% dành cho DNNVV tùy thuộc theo địa điểm, quy mô doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh với số vốn điều lệ không quá 100 triệu won8.9. Làm thế nào để Doanh nghiệp KNST thực sự được hưởng chính sách ưu đãi thuế hiệu quả?
Những kết quả thi hành chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp KNST thời gian qua phần nào đã hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp KNST khi đây là doanh nghiệp còn non trẻ cần được hỗ trợ tài chính để duy trì và phát triển trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, về mặt hiệu quả áp dụng trên thực tế còn nhiều hạn chế do các chính sách thuế này chưa được cụ thể hóa áp dụng riêng cho doanh nghiệp KNST. Từ những phân tích trên về chính sách thuế ưu đãi áp dụng cho doanh nghiệp KNST, có thể tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế trên những phương diện sau:- Cụ thể hóa các chính sách thuế áp dụng riêng cho đối tượng là các doanh nghiệp KNST;
- Cần đưa ra các tiêu chí xác định doanh nghiệp KNST khi hiện nay các tiêu chí này vẫn mang tính chất định tính và chưa có văn bản xác nhận các đối tượng này để thuận lợi trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế;
- Hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế trong việc quy định cụ thể các ưu đãi thuế được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV 2017: (i) quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cụ thể dành cho DNNVV nói chung và doanh nghiệp KNST nói riêng; (ii) áp dụng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào doanh nghiệp KNST.