Giới thiệu tỉnh Hòa Bình

2024/11/29

ViệtNam-Tỉnhthành

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. 
Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau đi khám phá về vùng đất tỉnh Hòa Bình của Việt Nam, nơi đây luôn mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng những công trình mang tầm quốc tế cũng được hiện hữu nơi đây. Chính vì những lý do đó, Hòa Bình lại thu hút nhiều khách thăm quan du lịch hằng năm tìm đến vùng đất này.

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên xã hội.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, phía Tây Bắc của Tổ quốc giáp với Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao lưu giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc; là cửa ngõ thông sang Thượng Lào (điểm gần nhất cách biên giới Việt – Lào 30km), nằm trong giới hạn 20°19’ – 21°08’ độ vĩ bắc và 104°48’ – 105°40’ độ kinh đông, phía bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông giáp thành phố Hà Nội, phía tây giáp tỉnh Sơn La, phía nam giáp các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Thanh Hóa. Tỉnh Hòa Bình có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn và theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, phân chia thành 2 vùng: vùng núi cao nằm về phía Tây Bắc có độ cao trung bình từ 600-700m, địa hình hiểm trở, chiếm 44,8% diện tích toàn vùng; vùng núi thấp nằm ở phía Đông Nam, chiếm 55,2% diện tích toàn tỉnh, địa hình gồm các dải núi thấp, ít bị chia cắt, độ dốc trung bình từ 20-25 độ, độ cao trung bình từ 100-200m so với mực nước biển.


Hòa Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa động lạnh, ít mưa; mùa hè nóng, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 23°C. Tháng 6 có nhiệt độ cao nhất trong năm, trung bình 27 – 29°C, ngược lại tháng 01 có nhiệt độ thấp nhất, trung bình 15,5 – 16,5°C
Hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh phân bố tương đối đồng đều với các sông lớn như: Sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi…

Lịch sử hình thành

Hòa Bình là vùng đất cổ với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ thống động, thực vật phong phú nên ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này với một nền văn hóa nổi tiếng “Văn hóa Hòa Bình” được hình thành và phát triển thuộc thời đại đồ đá cũ, tồn tại trong khoảng thời gian từ 18.000 năm đến 7.500 năm cách ngày nay.
Dưới thời thuộc Pháp, tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22 tháng 6 năm 1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường, bao gồm phần đất có người Mường cư trú từ các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình. Năm 1896, tỉnh lỵ di chuyển từ thị trấn Chợ bờ (thuộc Châu Đà Bắc) về đóng tại xã Hòa Bình, phía bờ trái Sông Đà, đối diện Phương Lâm. Từ đó, tỉnh Mường được gọi là tỉnh Hòa Bình, với 4 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn và Mai Đà. Huyện Lạc Thủy lúc này thuộc châu Lạc Sơn, đến năm 1908 chuyển về tỉnh Hà Nam. Từ đó địa giới hành chính cơ bản ổn định. Đến tháng 5/1953, Huyện Lạc Thủy cùng một số xã thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chuyển về tỉnh Hòa Bình.
Từ năm 1950, các châu được đổi thành huyện và các đơn vị hành chính huyện của tỉnh Hòa Bình có sự thay đổi: Ngày 21/9/1956, huyện Mai Đà tách thành 2 huyện: Đà Bắc ở phía bắc sông Đà và Mai Châu ở phía nam sông Đà. Ngày 15/10/1957 huyện Lạc Sơn tách thành 2 huyện: Lạc Sơn và Tân Lạc. Ngày 17/4/1959 huyện Lương Sơn tách thành 2 huyện: Lương Sơn và Kim Bôi. Ngày 17/8/1964 huyện Lạc Thủy tách thành 2 huyện: Lạc Thủy và Yên Thủy.
Từ năm 1976, căn cứ vào Hiến Pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, theo đề nghị của Chính phủ và sau khi nghiên cứu ý kiến Hội đồng Nhân dân hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, kỳ họp thứ 2 (ngày 27/12/1975) ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Hòa Bình và Hà Tây thành một tỉnh mới đặt tên là tỉnh Hà Sơn Bình.
Năm 1991, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 9 ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Khi đó tỉnh Hòa Bình có diện tích là 4.662 km², với dân số 686.920 người, gồm 9 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy và Thị xã Hòa Bình
Tháng 12/2001, Chính phủ ra Nghị định số 95/2001/NĐ-CP về việc chia huyện Kỳ Sơn thành 2 huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong. Tổng số đơn vị hành bao gồm, 10 huyện, 1 thị xã, với tổng cộng 214 xã, phường, thị trấn
Ngày 27/10/2006, thị xã Hòa Bình trở thành đô thị loại III, với tên gọi là Thành phố Hòa Bình
Tháng 8 năm 2008, 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung, đều nằm ở phía Bắc của huyện Lương Sơn, được tách ra và sáp nhập vào Thành phố Hà Nội. Sau khi điều chỉnh lại lại địa giới hành chính tới thời điểm này, tỉnh Hòa Bình có 11 huyện, thành phố, với 210 xã, phường, thị trấn.
Năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Sau sáp nhập, tỉnh Hòa Bình giảm còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị do huyện Kỳ Sơn sáp nhập về Thành phố Hòa Bình), 151 đơn vị chính chính cấp xã (131 xã, 10 phường, 10 thị trấn).

Khí hậu

Hoà Bình nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia thành hai mùa rõ rệt mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 23 °C. Tháng 7 có nhiệt độ cao nhất trong năm, trung bình 27 - 29 °C, ngược lại tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất, trung bình 15,5-16,5°C, độ ẩm trung bình: 60%, lượng mưa trung bình: 1.800mm.

Tài nguyên đất

Hòa Bình có diện tích đất tự nhiên 4.600km². Đất đai Hòa Bình có độ màu mỡ cao thích hợp với nhiều loại cây trồng. Với hàng trăm ngàn ha đất gồm các lô đất liền khoảnh có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau nhất là trồng rừng, trồng cây công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản và phát triển công nghiệp. Phần đất trống, đồi núi trọc khó phát triển nông nghiệp và trồng rừng thuận lợi cho việc phát triển và mở rộng các khu công nghiệp.

Tài nguyên nước

Tỉnh Hòa Bình có mạng lưới sông, suối phân bổ khắp trên tất cả các huyện, thành phố. Nguồn cung cấp nước lớn nhất của Hòa Bình là sông Đà với tổng chiều dài 151 km. Hồ Hòa Bình với diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 ngoài nhiệm vụ cung cấp nước Nhà máy thủy điện Hòa Bình, còn có nhiệm vụ chính là điều tiết và cung cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, sông Đà là nguồn nước quan trọng đáp ứng nhu cầu nước sạch cho Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, Hòa Bình còn có hai con sông lớn nữa là Sông Bôi và Sông Bưởi cùng với khoảng 1.800 ha ao hồ, đầm nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nơi trữ nước, điều tiết nước và nuôi trồng thủy sản tốt.

Tài nguyên rừng

Diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình là 251.315 ha, chiếm 54,7% diện tích tự nhiên; trong đó đất rừng tự nhiên 151.949 ha, đất rừng trồng 98.250 ha. Rừng Hòa Bình có nhiều loại dược liệu quý: xạ đen, giảo cổ lam, củ bình vôi … dùng làm thuốc chữa bệnh; các loại cây: tre, bương, luồng … trữ lượng lớn phục vụ ngành chế biến bột giấy, ván sàn, ván ép.
Trên địa bàn tỉnh còn có các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia: Khu Bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, Khu Bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (chung với Thanh Hóa), Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn, Vườn Quốc gia Cúc Phương (chung với Ninh Bình và Thanh Hóa), Vườn Quốc gia Ba Vì (chung với Hà Nội và Khu bảo tồn đất ngập nước lòng hồ Hòa Bình. Đây là các khu vực có đa dạng sinh học cao, có giá trị cho nghiên cứu và phát triển du lịch.

Tài nguyên khoáng sản

Hòa Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng phục vụ tốt cho phát triển các ngành công nghiệp nguyên liệu, nhiên liệu, xây dựng, như than đá, đá vôi, đá granit, amiăng, cát, đất sét …
Đặc biệt, còn có nhiều điểm nước khoáng, nước nóng với hàm lượng khoáng cao, trữ lượng lớn, phục vụ các lĩnh vực du lịch, chữa bệnh, giải khát, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tài nguyên du lịch

Tỉnh Hòa Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên rất phong phú, đa dạng, bao gồm các sông, hồ, suối nước khoáng, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia … trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến Hồ Hòa Bình có diện tích khoảng 8.000 ha, với dung tích nước lớn và hơn 40 đảo nổi trong hồ, đây là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch tham quan, du lịch sinh thái. Bên cạnh đó khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi cũng có sức hút rất lớn với du khách gần xa, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, chữa bệnh.
Khu du lịch Serena Resort Kim Bôi
Hòa Bình còn được biết đến là cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới với hệ thống di chỉ khảo cổ dày đặc; hệ thống lễ hội dân gian, phong tục tập quán độc đáo, đặc sắc. Chính nét đa dạng văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn lớn cho phát triển du lịch nhân văn của tỉnh Hòa Bình.
Hiện toàn tỉnh có 185 điểm di tích được đưa vào hồ sơ nghiên cứu, quản lý, 21 di tích cấp tỉnh và 37 di tích được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch xếp hạng. Một số điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình bao gồm: Lòng hồ Sông Đà (TPHB), núi Đầu Rồng (Cao Phong), Động Tiên (Lạc Thủy), Suối khoáng (Kim Bôi), Bản Lác, Bản H’mông (Mai Châu), Bản Mường Giang Mỗ (Bình Thanh – Cao Phong), Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (TP. Hòa Bình) …

Chính sách thu hút đầu tư

Trong những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chính sách thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến đầu tư và sản xuất kinh doanh hiệu quả tại tỉnh, cụ thể: miễn tiền thuê đất 11- 15 năm; miễn, giảm từ 10% đến 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án thuộc các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; đơn giản hóa các thủ tục hành chính …
Thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại nhằm củng cố, phát triển các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, và không ngừng mở rộng, hợp tác thêm nhiều đối tác và lĩnh vực mới với mong muốn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Địa điểm du lịch nổi tiếng của Hòa Bình

Động Cóc Đá Bạc

Địa chỉ: núi Cóc, xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
Có tên gọi khác là Động Tiên, Động Cóc Đá Bạc là điểm tham quan thu hút sự chú ý của tín đồ yêu thích khám phá trong hành trình du lịch Hòa Bình. Động gắn liền với điển tích về tiên nữ xuống trần gian dạo chơi vẫn đang được người dân địa phương truyền tai nhau đến tận ngày nay.
Động Cóc Đá Bạc là quần thể gồm ba hang động nhỏ, bao gồm động Cô Tiên, Long Tiên và động Mẫu. Cả ba hang đều sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng với những nhũ đá rũ từ trên trần tựa rèm châu lung linh.

Hang Mãn Nguyện

Địa chỉ: xóm Cao, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
Sở dĩ điểm du lịch Hòa Bình này có cái tên độc đáo là vì người dân mách nhau rằng, mỗi khi rời hang về nhà, tâm trạng ai cũng cảm thấy sảng khoái và mãn nguyện với mọi thứ diễn ra xung quanh. Và cái tên hang Mãn Nguyện đã ra đời như thế.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến hang, bạn sẽ bị choáng ngợp trước khung cảnh nên thơ nhưng cũng không kém phần ngoạn mục tại đây. Bên trong lòng hang là hệ thống nhũ đá muôn hình vạn trạng rũ xuống tựa rèm châu lung linh.

Hang Mỏ Luông

Địa chỉ: dãy núi Pù Khà, thị trấn Mai Châu, xã Chiềng Châu
Cách trung tâm Hòa Bình áng chừng 60km, hành trình du lịch khám phá xứ Mường của bạn sẽ trở nên thú vị hơn khi ghé đến hang Mỏ Luông du ngoạn. Đây là hang động gắn liền với điển tích rắn hóa rồng của đồng bào người Thái.
Hang Mỏ Luông là quần thể gồm bốn hang động với mỗi hang sở hữu một nét đẹp rất riêng. Đến với hang Mỏ Luông trong hành trình du lịch Hòa Bình, bạn sẽ không khỏi cảm thán trước vẻ đẹp lung linh, huyền bí mà Mẹ thiên nhiên dành tặng cho quần thể hang động này.

Bản Lác

Địa chỉ: huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Nếu có cơ hội du lịch Hòa Bình vào những ngày chùng chình thu sang, tại sao bạn không ghé đến Bản Lác Mai Châu để chiêm ngưỡng bức tranh Tây Bắc thơ mộng? Vào những ngày này, chung quanh bản Lác và những dãy núi cao là biển mây mù lãng đãng, khiến cho không gian thêm phần thơ mộng.
Ngôi làng có tuổi đời ngót nghét hơn trăm năm này vốn là nơi lưu trú bao đời nay của đồng bào dân tộc người Thái. Ngày nay, không gian tại Bản Lác vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ thuở đầu với những ngôi nhà sàn cao 2m, lũy tre làng, đồng nội xanh rì và tiếng suối reo đậm chất thơ. Đến với Bản Lác, bạn sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa của chốn non cao Tây Bắc.

Hồ thủy điện Hòa Bình

Là hồ nước nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại, Hồ thủy điện Hòa Bình dài hơn 70km, trải dài khắp địa phận 17 xã thuộc 5 huyện lân cận Hòa Bình. Điểm nhấn của hồ nước độc đáo này phải kể đến 47 hòn đảo lớn nhỏ rải rác khắp mặt hồ, nhìn từ xa chẳng khác gì danh thắng Vịnh Hạ Long nổi tiếng phía Bắc.
Cảnh quan tại hồ hoang sơ với làn nước xanh biếc và chung quanh là rừng cây xanh rì tươi tốt. Bất kỳ ai dừng chân đến đây trong hành trình du lịch Hòa Bình đều ngỡ ngàng trước cảnh sắc thơ mộng tựa bức tranh thủy mặc được Mẹ thiên nhiên vẽ nên.
Điểm nhấn nổi bật của điểm du lịch Hòa Bình này phải kể đến đảo Dừa tái hiện nét văn hóa người Mường đặc sắc một cách chân thật và sống động. Trên đảo có ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống đã luôn thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người khi đến đây thưởng ngoạn.

Suối khoáng Kim Bôi

Được ví von là "viên ngọc quý của núi rừng Tây Bắc", Suối khoáng Kim Bôi sở hữu dòng nước khoáng trong veo quanh năm nóng 36 độ C. Đây là điểm du lịch Hòa Bình hoàn hảo dành cho những ai muốn có giây phút thư giãn.
Không chỉ thu hút với dòng suối khoáng ngầm độc đáo, tại điểm du lịch Hòa Bình này còn sở hữu dịch vụ tắm bùn khoáng cực tốt cho sức khỏe, các hoạt động vui chơi, giải trí cùng nhiều món ăn hấp dẫn đang chờ bạn ghé đến thưởng thức.

Ẩm thực đặc sản Hòa Bình

Thịt lợn muối chua

Thịt lợn muối chua là một trong những món ăn ngon ở Hòa Bình xuất phát từ nền ẩm thực của người dân tộc Mường. Với địa lý đặc trưng của vùng cao xứ Hòa Bình, lợn được nuôi theo hình thức thả rong ở rừng đồi và người dân bản xứ đã chế biến được biết bao nhiêu món ăn ngon như nướng, thui, thịt heo gác bếp… Trong đó không thể thiếu món thịt lợn muối chua.


Thịt lợn muối chua có mặt ở nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam, nhưng tại Hòa Bình, nó có một hương vị rất riêng khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi. Món thịt lợn muối chua được làm rất kỳ công và kết hợp với nhiều loại lá rừng, mỗi thứ lá được xem là bài thuốc quý có lợi cho cơ thể như lá quế, lá mít, lá trầu không… Để muối thịt chua ngon, người dân địa phương phải ướp thịt lợn với men lá rừng và khi ăn phải dùng tay cuộn lá với thịt, nhai chậm rãi rất bùi, thơm ngọt, ăn rất lạ miệng.

Lợn mán thui luộc


Lợn mán thui luộc là một trong những món ăn ngon ở Hòa Bình được nhiều du khách yêu thích khi ghé thăm nơi này. Món ăn này được làm từ thịt lợn rừng được nuôi thả tự nhiên trên các lưng đồi nên bảo đảm thơm và chắc thịt, công đoạn chế biến cũng vô cùng công phu. Sở dĩ có cái tên lợn mán thui luộc là vì sau khi người ta sơ chế thịt sẽ đem đi thui cho đến khi vàng bóng, để lớp bì không bị khó ăn do cứng, người dân sẽ vừa cạo lông vừa thui. Tiếp đó, thịt lợn được luộc cho đến khi chín rồi thái mỏng ăn kèm với gia vị chấm.

Chả cuốn lá bưởi

Chả cuốn lá bưởi là món ăn đặc sản Hòa Bình, có nguồn gốc từ người dân tộc Mường. Đây cũng là món ăn mà người Mường dùng để đãi khách quý đến nhà, xuất hiện trong lễ Tết, ngày hội hay ngày vui của gia đình. Món ăn với sự kết hợp hoàn hảo các vị ngọt, đắng, cay, ngoài giá trị về dinh dưỡng, nó còn là vị thuốc quý cho cơ thể giúp tiêu hóa tốt, ổn định huyết áp. Nguyên liệu để chế biến món chả cuốn lá bưởi khá phổ biến, dễ kiếm, đó là sự kết hợp giữa thịt, gia vị và lá bưởi, rau rừng. Và loại thịt để chế biến món ăn là thịt lợn, ngon nhất là thịt của loại lợn thả rông.


Khi ăn chả cuốn lá bưởi, cảm nhận vị giòn rụm của lá bưởi trong miệng, thêm sự mềm ngọt của miếng thịt heo bên trong tạo nên sự hấp dẫn, lạ miệng của món ăn. Một phần mỡ của thịt khi nướng được tiết ra, hòa tan vào thịt tạo nên vị béo nhưng không ngán, ngậy. Một chút đắng của lá bưởi, một chút cay, thơm nồng của các loại hạt, rau thơm cùng vị ngon ngọt của thịt tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn.

Thịt trâu nấu lá lồm


Thịt trâu nấu lá lồm là món ăn độc đáo của người Mường ở Hòa Bình. Thịt trâu đem thui, cạo sạch sẽ sau đó hầm trong nước cho chín mềm. Khi thịt chín tương đối thì thái miếng nhỏ hơn, cho vào nồi đất hầm kỹ. Lá lồm (một loại lá chua) còn được biết đến với tên gọi khác là lá giang, được giã nhỏ và cho gạo tấm vào nồi hầm chung với thịt trâu. Cứ giữ lửa cho đến khi gạo tấm nở và sánh lại là được. Thịt trâu sau khi hầm nhừ kỹ sẽ ngấm vị chua lá lồm và hương gạo, khá dễ ăn.

Cơm lam


Hòa Bình nổi tiếng có loại gạo nương vô cùng dẻo thơm, là nguyên liệu chính để tạo nên món cơm lam ngon nức tiếng. Món cơm lam phổ biến ở các nhà hàng, trạm dừng chân khắp các vùng như Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, Kim Bôi… để phục vụ du khách. Cơm lam ở Hòa Bình gây ấn tượng với một hương vị rất riêng. Người dân địa phương dùng gạo nếp nương, ngâm qua đêm 8-10 tiếng, trộn cùng với cùi dừa thái sợi và nén vào trong ống nứa dài khoảng 30 cm. Khi nén gạo vào ống, người ta bỏ thêm một chút nước cốt dừa rồi nút ống lại bằng mía hoặc lá chuối, nướng trong khoảng 2 tiếng trên bếp củi là chín cơm. Thực khách thường dùng cơm lam với thịt gà, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng.

Cá nướng sông Đà

Sông Đà và lưu vực lòng hồ sông Đà ở Hòa Bình từ lâu nổi tiếng với rất nhiều loại cá ngon như cá thiểu, trắm đen, cá măng, cá lăng, cá nheo… Người địa phương dùng cá sông Đà để chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó có món cá nướng sông Đà ngon nức tiếng gần xa. Vì cá ở đây sống trong môi trường tự nhiên nên thịt chắc, thơm, có vị ngọt và ít mỡ.


Người ta thường chọn cá tươi, da bạc lấp lánh trong nước, mang lên làm sạch, kẹp trong những thanh tre nhỏ, để ráo nước sau đó đem phơi nắng cho se lại rồi mới nướng vàng ruộm trên than hoa. Các loại cá đều được ướp muối hoặc gia vị như gừng, sả, riềng, hành, hạt dổi, tỏa mùi thơm nức mũi. Khi nướng cá, người làm phải luôn tay quạt than và lật cá, để không bị cháy cạnh hoặc ám nhiều khói sẽ mất mùi thơm tự nhiên.

Canh loóng


Canh loóng là món canh được nấu từ nước luộc thịt với cây chuối rừng thái mỏng. Người ta lấy cây chuối rừng về, bóc vỏ ngoài lấy nõn thái mỏng, nhỏ bóp với muối, sau đó thả vào nước luộc thịt đun trên bếp củi khoảng 30 phút. Trước khi ăn, rắc vào một ít hạt dổi nướng giã nhỏ và lá lốt rừng thái mảnh.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp


Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ