Hát Soọng Cô của người Sán Dìu

2024/12/19

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn nét văn hóa hát soọng cô của người sán dìu, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.

Hát Soọng Cô là một loại hình xướng ca đặc sắc của người Sán Dìu, gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán nên nội dung của Soọng Cô phong phú, đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi cuộc sống tốt đẹp. Đây là loại hình di sản văn hóa có ý nghĩa mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng bản người Sán Dìu.


Người Sán Dìu ít hát Soọng cô trong lao động sản xuất mà chủ yếu hát vào lúc nông nhàn, giao lưu nam nữ giữa các làng. Họ thường hát khi quây quần bên bếp lửa vì họ quan niệm, hát bên bếp lửa sẽ được thần bếp (Chạo Am) phù trợ cho gia đình làm ăn may mắn, mùa màng bội thu. Chủ đề các bài Soọng cô gắn với các sinh hoạt hàng ngày: Hát khi có khách đến nhà: khi có bạn ở làng khác đến chơi, trai gái thường bộc bạch tình cảm của mình qua câu hát và để sẵn trầu cau đợi bạn hát đến cùng ăn; Hát chúc xóm làng: khi có khách đến, mọi người trong làng cùng tụ họp ngay từ khi thức dậy, quây quần bên bếp để thăm hỏi nhau và cùng hát; Hát làm quen: khách đến phải dừng lại trước cửa bếp, hát một số bài xin chỗ ngồi, rồi mới được chủ nhà trải chiếu, mời ngồi bên trái của bếp lửa, chủ nhà ngồi bên phải và hát đối đáp để làm quen; Hát giao duyên: nam nữ hát đối đáp những bài thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình, xen vào những câu hỏi tên, tuổi, anh em họ mạc, quê hương bản quán, thăm hỏi sức khoẻ. Khi đã quen hơn, họ hát về ngày sum họp, mong muốn được sống chung làng, cùng gắn bó trong lao động, xây dựng gia đình đầm ấm, quê hương giàu đẹp; Hát tiễn: cả chủ và khách hát bày tỏ sự lo lắng những lời đã nói, đã hát chưa đủ làm bạn hiểu lòng mình, nên lưu luyến, bịn rịn như muốn được hát thêm cùng nhau. Soọng cô còn có những bài hát đề cao cuộc sống lao động, sản xuất như Soọng cô tam xíu lu (hát bên giếng làng) hoặc Soọng cô cao shan cón xúi (hát trên thác nước, đắp mương)... Soọng cô đề cao người cần cù lao động cấy trồng bao nhiêu, thì cũng chê cười những kẻ lười biếng bấy nhiêu.


Trong mọi tình huống, người hát Soọng cô cần có sự nhanh trí, tài ứng khẩu dựa trên việc nắm giữ, thuộc lòng rất nhiều ca từ. Trong khi hát, nếu một bên không thuộc những bài hát hoặc không kịp thời ứng tác để đối đáp thì coi như thua cuộc. Do đó, ai ai cũng cố gắng học thuộc thật nhiều các bài bản để khỏi hổ thẹn khi hát đối đáp giao lưu.
Soọng cô là tiếng nói của người lao động nên ngôn ngữ ca từ mộc mạc, dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân. Soọng cô cũng mang đậm phong cách dân ca qua cách sử dụng ngôn ngữ mang tính ước lệ, ẩn dụ với lối so sánh ví von phổ biến. Tuy Soọng cô chỉ có một làn điệu nhưng nội dung lời ca có 3 phần rõ rệt, đó là gọi, kể và đáp. Phần kể được thể hiện nhiều hơn so với phần gọi và phần đáp, với nhiều nội dung khác nhau, như để giãi bày, thể hiện tâm trạng khát vọng để đạt được yêu cầu ước nguyện, nỗi lòng người hát. Nhịp trong hát Soọng cô ổn định về trường độ, thường sử dụng nhịp 2/4, 4/4, đôi khi nhịp tự do với âm vực không quá lớn, quãng âm luôn kế tiếp nhau đều đều, ít lên bổng xuống trầm đột ngột, ít đột biến luyến láy. Đây chính là đặc trưng vốn có để phân biệt Soọng cô với các loại dân ca của các dân tộc khác.
Do tính chất truyền khẩu, đối đáp ứng tác nên số lượng bài bản Soọng cô rất phong phú và được các nghệ nhân cùng học trò ở các câu lạc bộ thường xuyên trình diễn, truyền dạy. Hát Soọng cô là sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa, mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng bản và đồng bào người Sán Dìu.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ