Hò Khoan Lệ Thủy

2024/12/19

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là hò Khoan Lệ Thủy, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.

(Quang Binh Portal) - Hò khoan Lệ Thủy là tiếng lòng tha thiết, mang hơi thở cuộc sống của người dân, là nỗi nhớ neo đậu trong tâm hồn những người con xa quê hương. Theo năm tháng, hò khoan Lệ Thủy ngày càng minh chứng được sức lan tỏa, trường tồn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân quê hương Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Bình, ôm trọn dòng Kiến Giang thân thương, trìu mến với những tinh hoa của ruộng đồng, làng quê, Lệ Thủy đã sản sinh ra đứa con tinh thần trên dòng sông thơ mộng, trong xanh bao đời. Hò khoan Lệ Thủy là làn điệu tâm tình có sức sống mạnh mẽ, cuốn hút lòng người đến kỳ lạ.


Không biết ra đời tự bao giờ nhưng trong tâm hồn người dân Lệ Thủy luôn thấm đẫm điệu hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người. Không chỉ là hình thức diễn xướng dân gian, hò khoan Lệ Thủy còn là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung. Từng nhiều năm gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: Tiến sĩ Dương Văn An (1514 - 1591), đời Mạc, người quê làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy ngày nay đã để lại cho hậu thế tác phẩm địa lý - văn hóa nổi tiếng Ô Châu cận lục viết năm 1553. Ðây là tài liệu quý, mở đầu cho việc mô tả, khảo cứu vùng duyên hải miền Trung từ Ðèo Ngang đến Quảng Nam, trong đó chủ yếu là Tân Bình (Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay). Chúng ta gặp trong tác phẩm của ông những hội hè bơi thuyền lúc xuân sang, tục hát đưa linh, chèo cạn… Như vậy là trước cả quá trình Nam Bắc phân tranh diễn ra, nơi đây đã rất dày dặn về văn hóa và mang bản sắc vùng rõ rệt.
Vùng đất “địa linh nhân kiệt” tạo cho hò khoan Lệ Thủy cả bề sâu và chiều rộng, đa dạng về nhạc điệu, phong phú về ngôn từ. Hò khoan Lệ Thủy trải rộng từ ngàn xanh đến sông sâu, từ đồng bằng ra biển lớn. Trên núi có sự vang vọng, vút cao đầy uy lực mà tình cảm của điệu hò “lỉa trâu”. Dưới biển có sự dẻo dai, kiên trì nhưng vững chãi của mái “hò khơi”; sự rộn ràng, phấn chấn của mái “hò nậu xăm”. Vùng đồng bằng chiêm trũng thì có sự sinh động, ân tình nghĩa nặng của sáu mái hò với thể biến hóa linh hoạt, phóng khoáng của người hát. Hò khoan Lệ Thủy ra đời trong môi trường lao động sản xuất nhưng trong từng giai đoạn lịch sử, môi trường diễn xướng có thay đổi phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội.
Hò khoan Lệ Thủy đã được dân gian chắt lọc, trải qua bao nhiêu thăng trầm và biến cố nhưng chín mái hò khoan vẫn giữ đúng quy tắc, luật nghiêm ngặt không hề thay đổi. Chín mái hò khoan Lệ Thủy, bao gồm Lỉa trâu; Mái nhài (dài); Mái ruỗi; Mái chè; Mái nện; Mái ba; Mái xắp; Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm.


Nhạc cụ chính trong hò khoan Lệ Thủy là đàn Nhị và Mỏ. Hai loại nhạc cụ này khi hòa vào nhau thì âm thanh dịu dàng, sâu lắng và rất đỗi thắm thiết, mến thương. Âm hưởng chủ đạo của nhạc cụ là âm hưởng làng quê mộc mạc, gần gũi nên cứ mỗi lần làn điệu được ca lên thì âm hưởng đó xuyến xao như tiếng lòng của làng quê Việt.
Trao đổi với phóng viên, Nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Hồng Hới chia sẻ: Hò khoan là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, trong những lúc nông nhàn. Độc đáo ở hò khoan Lệ Thủy là chỉ trong trường hợp biểu diễn hay thi thố thì mới dùng đến nhạc cụ như nhị, sao, trống... Còn thông thường, nhạc cụ trong hò khoan chỉ là những công cụ lao động như chày giã gạo, mỏ tre, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà... Những công cụ lao động thô sơ này bắt nhịp tạo ra âm thanh rất mộc mạc, gần gũi, đời thường”.
Được biết, ở huyện Lệ Thủy có nhiều câu lạc bộ hò khoan nhưng “Câu lạc bộ yêu Câu hò xứ Lệ” do Nghệ nhân ưu tú Hồng Hới làm chủ nhiệm thì sinh hoạt thường xuyên và đều đặn hơn, quy tụ nhiều nghệ nhân tên tuổi như: Hồng Hới, Như May, Thanh Tú, Xuân Phới, Bá Dương, Công Lợi, Đình Ninh, Ngọc Linh… để truyền dạy cho lớp trẻ và biểu diễn những lễ hội, tiệc tùng.


Hò khoan là một là nhu cầu không thể thiếu được trong tư duy lẫn đời sống sinh hoạt sống của người dân xứ Lệ, nhất là ở vùng nông thôn và đã đóng góp một phần không nhỏ vào nền văn hóa chung của dân tộc, trở thành nơi lưu trữ, giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân Xứ Lệ nói riêng, cũng như Quảng Bình nói chung. Đây là Di sản văn hóa quý báu mà bao nhiêu thế hệ người Lệ Thủy đã tích lũy, sáng tạo và chắt chiu gìn giữ, vì vậy, bảo tồn là một nhiệm vụ cần thiết để các thế hệ sau còn biết đến và còn được tận hưởng những giá trị tinh thần vô giá đó cho mai sau.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ