Hội vật Liễu Đôi

2024/12/24

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là hội vật Liễu Đôi, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.


Lễ hội vật võ Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam

Vùng văn hóa Liễu Đôi là một vùng văn hóa dân gian nổi tiếng không chỉ của tỉnh Hà Nam mà còn nổi tiếng khắp cả nước. Vùng đất Liễu Đôi xưa là một xã gồm 5 thôn, thuộc tổng Mỹ Xá, huyện Thanh Liêm, nay thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nơi đây gắn liền với những địa danh: Đống Sấu, Đống Tháp, Đống Thượng… gợi lại hình ảnh về một vùng quê chiêm trũng được con người khai hoang, bồi đắp làm nơi sinh sống, cư ngụ tạo nên một bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu của vùng đất Hà Nam. Khi nhắc đến Liễu Đôi là nhắc đến lễ hội vật võ truyền thống của người dân nơi đây - một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Về nguồn gốc lễ hội vật võ Liễu Đôi, có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến sự hình thành lễ hội, tuy nhiên dựa trên những tài liệu sưu tầm, trong đó điển hình là công trình “Khảo sát Văn hóa truyền thống Liễu Đôi" của hai tác giả Bùi Cường và Nguyễn Tế Nhị thì nguồn gốc của lễ hội được hình thành từ những truyền thuyết, câu chuyện dân gian, tiêu biểu là câu chuyện về chàng trai họ Đoàn, có thể tóm tắt như sau: Nơi đây có chàng trai họ Đoàn, có sức mạnh phi thường, rất giỏi võ nghệ. Một hôm ở nương cửi xuất hiện một thanh gươm báu đặt trên tấm khăn đào. Trong khi mọi người hoảng sợ thì chàng trai họ Đoàn dũng cảm tiến tới, bái tạ thần linh, nhận lấy thanh gươm và múa cho nhân dân xem. Khi giặc phương Bắc tới chàng trai mang gươm ra trận. Sát cách cùng chàng có nữ tướng họ Bùi chiến đấu dũng cảm họ cùng nhau hẹn ước. Trong một trận chiến đấu chàng bị trúng giáo giặc và hy sinh. Giặc tan, nữ tướng họ Bùi về thăm mộ chàng, vì quá đau xót nên nàng đã gục chết trên mình ngựa khi chỉ còn cách mộ chàng vài trăm bước. Để tưởng niệm, tôn vinh những người anh hùng có công với dân với nước, nhân dân Liễu Đôi lập đền thờ hai vị tướng, hàng năm mở Hội vật võ. Bên cạnh những câu chuyện về nguồn gốc của lễ hội, ở vùng đất Liễu Đôi còn có nhiều câu chuyện, nhân vật khác liên quan đến lễ hội vật võ như Nàng Vú Thúng, Nàng Trăng Sắc, Bà Áo The, Bà Chúa Binh, Ông Thủa Gió... Đặc điểm chung của các câu chuyện đều cho rằng, lễ hội vật võ Liễu Đôi bắt nguồn từ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tôn vinh sự hy sinh anh dũng của các vị anh hùng dân tộc, đồng thời cổ vũ tinh thần thượng võ của vùng đất, con người nơi đây. Đồng thời, đây cũng là dịp để trai tài, gái giỏi bốn phương quần tụ rèn luyện võ nghệ, kiếm cung, rèn luyện tinh thần và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.


Trước đây, lễ hội vật võ Liễu Đôi mở một năm một lần. Đến thời Pháp thuộc, hội mở 3 năm một lần, bắt đầu từ sáng ngày mùng 5 và kết thúc vào chiều ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Hiện nay, lễ hội được tổ chức một năm 1 lần, trong 3 ngày từ ngày mùng 5 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng. Tuy nhiên, không khí chuẩn bị cho lễ hội được thực hiện từ trước Tết (tháng Chạp), dân làng dọn đường từ đền Thánh vào Nương Cửi (nơi sân vật, dóng vật), sau đó chuẩn bị tranh tre, gỗ nứa đóng dạp, chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc đón khách thập phương, tìm nguyên liệu chế biến món ăn đặc sắc, chuẩn bị khố, các đô vật ôn luyện lại các động tác, các bài và kỹ năng vật sao cho thật điêu luyện để xứng đáng là người đất thánh (Liễu Đôi). Lễ hội Vật Võ cho đến thời điểm hiện tại vẫn bảo tồn được các nghi thức cổ truyền như: Lễ rước Thánh vào dóng, tế yên vị, lễ phát hỏa, lễ trao gươm và thắt khăn đào, lễ múa cờ tụ nghĩa, lễ thanh động, vật võ với tục năm keo trai rốt, vật võ với tục đô xã làm nền, kiêng kỵ... Trong cuốn “Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi" còn ghi lại những câu hò vè của hội vật võ, mô tả cảnh đoàn rước, trang phục và khí thế của đám rước thánh trong lễ hội xưa như sau:

… Giáo dàn mặt đất chói lòa,

Kiếm vung gậy múa sao xa cõi trần.

Reo hò bão cuốn mây vần,

Trống chiêng vang đến chín lần trời cao.

Đô vật tựa sóng ào ào,

Mình trần khố gọn, khăn đào thắt ngang.

Pháo mừng dậy đất từng tràng…

Sáng ngày mùng 5 tháng Giêng, nhân dân tiến hành các nghi thức: đầu tiên là nghi thức rước Thánh vào dóng - nơi tổ chức vật. Nghi lễ này có ý nghĩa rước Thánh Ông từ đền đến nơi tổ chức hội vật võ để thánh chứng kiến con cháu Liễu Đôi tiếp nối truyền thống vật võ của cha ông. Lễ rước được những bậc cao niên, những người có uy tín của các thôn Đống Xấu, Đồng Vọng, Tháp, Đống Cầu… tiến hành với tinh thần thượng võ. Kiệu rước do thanh niên trai tráng đảm nhiệm. Tiếp đến là lễ phát hỏa người ta đốt lên một ngọn lửa lớn nhằm tưởng nhớ lại ngọn lửa bốc lên từ thanh gươm ông trời đã ban cho con cháu vùng đất Liễu Đôi ở cánh Nương Cửi. Tiếp theo là Lễ trao gươm và thắt khăn đào. Nghi lễ được diễn ra ở ngay dóng vật. Người dẫn đầu đoàn rước thánh cũng chính là người đại diện cho dân làng đứng ra trao gươm và thắt khăn đào cho một đô vật danh dự của vùng đất Liễu Đôi. Sau khi nghi lễ trao gươm và thắt khăn đào kết thúc là đến nghi lễ múa cờ tụ nghĩa. Để thực hiện nghi lễ này, dân làng cử ra hai hoặc bốn người múa (số chẵn), mỗi người cầm theo cờ vuông, múa từ hai bên kiệu thánh ra giữa dóng vật. Điệu múa xoay tròn từ thấp lên cao, từ đông sang tây, múa theo nhịp trống lúc khoan thai, lúc dồn dập như đội quân chuẩn bị xuất trận. Sau cùng là nghi lễ thanh động. Tất cả trống, chiêng, thanh la, tiếng hò reo cổ vũ của nhân dân khi được vang lên chuẩn bị vào vật võ.
Sau khi những nghi thức tế lễ kết thúc, lễ hội tiến hành hội vật võ, trong hội vật võ có tục Năm keo trai rốt. Đây là một nghi lễ độc đáo chỉ có ở lễ hội vật võ Liễu Đôi. Trai rốt là những bé trai sinh cuối cùng của năm. Tuy nhiên, chỉ có hai làng được chọn vật gồm có thôn Đống Tháp và thôn Đống Cầu, bởi đây là hai thôn anh cả, đại diện cho các thôn còn lại. Hai trai rốt của làng còn nhỏ sẽ không vật mà bố phải vật thay con, nếu vì lý do nào đó mà bố không vật được thì ông nội phải vật thay. Mở đầu, hai “trai rốt" của hai làng ra vật năm keo trình làng lễ thánh. Trước khi vật hai trai rốt phải thực hiện nghi thức lễ thánh rồi mới bắt đầu vật. Theo quy định, trai rốt chỉ được vật vườn, chứ không được vật thật, vật ngã, nếu lỡ vật thật làm ngã nhau làng bắt phạt cả hai bên. Người dân nơi đây quan niệm rằng, khi hai ông bố thay mặt cho con ra vật trình làng, trình thánh sau hai trẻ sẽ thành đô vật có sức khỏe tốt. Điều này cho thấy, mỗi người được sinh ra trên đất này, muốn làm người tốt và khỏe mạnh, trước hết phải là trai vật võ. Sau khi vật trình thánh Năm keo trai rốt kết thúc, hội thi vật mới thực sự bắt đầu, để mở màn hội thi vật, các đô vật trong các thôn sẽ ra sân vật làm nền, nghĩa là những đô vật ở Liễu Đôi sẽ vào vật trước, giao đấu trước nhằm kích thích tinh thần của đô vật ở nơi khác đến, đến khi các đô vật tham gia hăng say thì những đô vật Liễu Đôi bắt đầu rút ra dần.
Theo những quy ước và luật tục lễ hội vật võ Liệu Đôi là đô vật thì kiêng mặc áo, mặc quần khi vào dóng. Vào dóng vật phải cởi trần đóng khố. Các đô vật kiêng cởi áo và xỏ áo tay phải trước. Theo quan niệm trước đây, tay phải dùng cầm giáo, cầm gươm, tay luôn trong tư thế chiến đấu nên các đô vật phải xỏ tay trái trước, vì vật võ để rèn luyện sức khỏe chứ không phải để đánh nhau. Ngoài ra, trong quá trình đấu vật, các đô vật không được đánh những miếng hiểm độc, mang tính ác ý nhằm triệt hạ đối phương, nếu ai vi phạm con cháu 5 đời sẽ không được tham gia vật khi làng mở hội. Qua những kiêng kỵ và quy định của hội vật, chúng ta thấy rằng, ở đây tuy mang đậm tinh thần thượng võ nhưng lại có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một nét độc đáo khác tại lễ hội này, đó không chỉ có các đô vật nam giới nổi tiếng gần xa tham dự, mà còn có cả phụ nữ tham gia với các môn đao, kiếm, côn quyền… sự bình đẳng nam nữ ở đây biểu hiện một nét văn hóa đặc sắc của lễ hội vật võ Liễu Đôi. Kết thúc phần thi vật võ là đến phần trao giải, tiền và lễ vật cho giải được lấy từ khách thập phương hảo tâm cúng tiến. Giải được chia làm ba loại; giải cọc, giải thứ và giải cuộc. Trong quá trình thi đấu, người thắng có giải, nhưng người thua cũng có phần thưởng nhỏ nhằm khuyến khích tinh thần thượng võ của nhân dân nói chung và các đô vật nói riêng. Lễ hội vật võ Liễu Đôi có sức sống bền bỉ trong cộng đồng cư dân nơi đây. Trước những biến cố lịch sử, lễ hội đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khi thịnh, khi suy, nhưng xưa nay chưa bao giờ đứt mạch. Vì thế, có những thời điểm, những năm không mở hội lớn, nhưng nhân dân Liễu Đôi vẫn kiên trì, giữ lệ vật keo đầu tiên lễ Thánh, trình làng theo đúng nghi thức truyền thống. Điều đó, góp phần gìn giữ, nuôi dưỡng lễ hội sống mãi đến ngày nay. Có thể khẳng định, lễ hội vật võ Liễu Đôi là nơi quy tụ những con người thượng võ bốn phương và là môi trường rèn luyện phẩm chất, lòng yêu nước, ý chí chiến đấu của nhân dân nơi đây.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ