Điều chuyển hàng giữa các chi nhánh có phải xuất hóa đơn?

2024/12/13

ThuếLuậtHóađơn



Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Điều chuyển hàng giữa các chi nhánh có phải xuất hóa đơn?. Bài viết dành cho các bộ phận làm công tác kế toán, kiểm toán sẽ cần nắm rõ quy định về xuất hóa đơn khi điều chuyển hàng hóa giữa các chi nhánh. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì quy định về xuất hóa đơn khi điều chuyển hàng hóa giữa các chi nhánh liên tục được cập nhật và điều chỉnh, do đó việc nắm bắt thông tin chính xác là rất quan trọng để tránh vi phạm pháp luật và rủi ro về thuế

Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Hóa đơn điện tử là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về giải thích từ ngữ như sau:

 Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:
a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.”
Theo đó, hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

2. Định dạng hóa đơn điện tử như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về định dạng hóa đơn điện tử như sau:
“Điều 12. Định dạng hóa đơn điện tử
1. Định dạng hóa đơn điện tử là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểu dữ liệu, chiều dài dữ liệu của các trường thông tin phục vụ truyền nhận, lưu trữ và hiển thị hóa đơn điện tử. Định dạng hóa đơn điện tử sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML (XML là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "eXtensible Markup Language" được tạo ra với mục đích chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các hệ thống công nghệ thông tin).
2. Định dạng hóa đơn điện tử gồm hai thành phần: thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử và thành phần chứa dữ liệu chữ ký số. Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì có thêm thành phần chứa dữ liệu liên quan đến mã cơ quan thuế.
3. Tổng cục Thuế xây dựng và công bố thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử, thành phần chứa dữ liệu chữ ký số và cung cấp công cụ hiển thị các nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này.
4. Tổ chức, doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ khi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế bằng hình thức gửi trực tiếp phải đáp ứng yêu cầu sau:
a) Kết nối với Tổng cục Thuế thông qua kênh thuê riêng hoặc kênh MPLS VPN Layer 3, gồm 1 kênh truyền chính và 1 kênh truyền dự phòng. Mỗi kênh truyền có băng thông tối thiểu 5 Mbps.
b) Sử dụng dịch vụ Web (Web Service) hoặc Message Queue (MQ) có mã hóa làm phương thức để kết nối.
c) Sử dụng giao thức SOAP để đóng gói và truyền nhận dữ liệu.
5. Hóa đơn điện tử phải được hiển thị đầy đủ, chính xác các nội dung của hóa đơn đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch để người mua có thể đọc được bằng phương tiện điện tử.”
Theo đó, định dạng hóa đơn điện tử là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểu dữ liệu, chiều dài dữ liệu của các trường thông tin phục vụ truyền nhận, lưu trữ và hiển thị hóa đơn điện tử.
Định dạng hóa đơn điện tử sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML (XML là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "eXtensible Markup Language" được tạo ra với mục đích chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các hệ thống công nghệ thông tin).

3. Điều chuyển hàng giữa các chi nhánh có cần phải xuất hóa đơn không?

Theo Điểm d Khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
d) Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất hàng hóa cho cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
- Sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế giá trị gia tăng ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;
- Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định đối với hàng hóa xuất cho cơ sở làm đại lý.
  • Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển hoặc cơ sở có hàng hóa gửi bán (gọi chung là cơ sở giao hàng) để cơ sở giao hàng lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng.
  • Trường hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hóa bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho 05 ngày hay 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hóa bán ra có thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau phải lập bảng kê riêng cho hàng hóa bán ra theo từng nhóm thuế suất.
  • Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng thực hiện kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo hóa đơn giá trị gia tăng của cơ sở giao hàng xuất cho.
  • Trường hợp các đơn vị phụ thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của cơ sở kinh doanh thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị phụ thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng.
  • Như vậy, theo quy định trên khi điều chuyển hàng hóa giữa các chi nhánh với nhau thì cần phải xuất hóa đơn trong đó có sử dụng hóa đơn điện tử hoặc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.

3.1. Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ là gì?

Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ là một loại chứng từ quan trọng đi kèm theo hàng hóa, được dùng để làm căn cứ lưu thông các loại hàng hóa trên thị trường. Phiếu xuất kho này không chỉ giúp chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa trong lưu thông mà còn giúp các doanh nghiệp quản lý nội bộ.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì 100% cá nhân, đơn vị kinh doanh khi chuyển sang hóa đơn điện tử sẽ phải sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử thay thế cho phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ giấy truyền thống.

3.2. Sử dụng mẫu phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ trong trường hợp nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 5, Điều 6, Thông tư 68/2019/TT-BTC về các trường hợp sử dụng phiếu xuất kho nội bộ như sau:

3.2.1. Công ty nhập khẩu ủy thác hàng hóa

- Trường hợp đã nộp thuế GTGT khi nhập khẩu thì đơn vị kinh doanh sẽ trả hàng cho cơ sở ủy thác nhập khẩu sử dụng hóa đơn điện tử.
- Trường hợp chưa nộp thuế GTGT khi nhập khẩu thì cơ sở ủy thác khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác sẽ phải lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử theo quy định để làm chứng từ lưu thông hàng hóa.

3.2.2 Công ty ủy thác xuất khẩu hàng hóa

- Khi xuất hàng thì cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu cần sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ
- Trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa ủy thác xuất khẩu và đồng thời được cơ quan hải quan xác nhận thì sẽ cần lập hóa đơn điện tử gia tăng. Bên ủy thác xuất khẩu sử dụng hóa đơn điện tử GTGT hoặc hóa đơn bán hàng để xuất bán cho khách nước ngoài.

3.2.3 Xuất hàng cho đại lý

- Khi xuất hàng cho đại lý, đơn vị phụ thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký và thực hiện kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, thu mua hàng hóa để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính sẽ phải dùng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử chứ không được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng.

2.4 Một số trường hợp khác

Một số trường hợp khác sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử bao gồm:

- Xuất hàng hóa để gia công

- Xuất hàng hóa bán lưu động

- Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp

- Xuất và điều chuyển hàng hóa giữa những chi nhánh hạch toán phụ thuộc

- Tài sản khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất hay chuyển đổi loại hình của doanh nghiệp.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/dieu-chuyen-hang-hoa-giua-cac-chi-nhanh-co-bat-buoc-phai-xuat-hoa-don-hay-khong-dinh-dang-hoa-don-d-31509.html

https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/5CCCA-hd-dieu-chuyen-hang-giua-cac-chi-nhanh-co-can-phai-xuat-hoa-don-khong.html





Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ