Lễ Cầu an (Pang A) của người La Ha

2024/12/26

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là lễ Cầu an (Pang A) của người La Ha, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.

Lễ Cầu an (Pang A) của người La Ha

Lễ Pang A của người La Ha ở các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, tỉnh Sơn La, là nghi lễ cầu an, tạ ơn thần linh của những người/con nuôi đã được thầy cúng chữa khỏi bệnh. Lễ được tổ chức vào tháng 3 Dương lịch hàng năm, thời gian tổ chức lễ hội phụ thuộc vào các yếu tố: phải có hoa ban, hoa mạ nở rộ, mưa đã xuống và măng đắng đã mọc lên, vì những thứ này không thể thiếu được trong đồ lễ cúng của người La Ha; hay vào tháng 10 - 11 khi hoa trạng nguyên nở rộ (gọi là Lễ Xek Pang Á) với người La Ha ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai.
Người La Ha quan niệm con người có hồn vía, khi hồn vía bị lưu lạc con người sẽ ốm đau, bệnh tật, vì vậy phải nhờ thầy cúng gọi hồn về. Để cảm tạ, người bệnh nhận thầy cúng làm cha nuôi. Hàng năm hoặc vài năm một lần, tùy vào điều kiện gia đình thầy cúng sẽ tổ chức lễ, mời các thần linh về dự phù hộ cho các con nuôi, dân bản khỏe mạnh, cho mọi loại bệnh đều được chữa khỏi. Vào dịp này, các con nuôi ở khắp nơi đều về để dâng lễ lên các thần linh, báo đáp công lao của cha nuôi, cùng nhau vui chơi, giao lưu tình cảm. Các con nuôi tùy thuộc vào điều kiện gia đình, bệnh được chữa nặng hay nhẹ, là con nuôi lâu năm hay mới mà chuẩn bị các lễ vật dâng cúng phù hợp.
Lễ Pang A được tổ chức quy mô lớn hay nhỏ tùy vào số lượng con nuôi được các nơi thầy mo cứu chữa. Nghi lễ có sự tham gia của 2 thầy cúng, các con nuôi và người dân trong bản. Đồ của thầy cúng gồm: 01 chiếc quạt giấy, khăn đội đầu, dây thắt lưng, 02 vòng bạc, 02 kg gạo nếp, 01 cây nến sáp ong, 03 quả trứng gà sống, hương, 01 cây sáo, 01 mảnh vải trắng, 01 khăn mặt thêu hình thần linh.


Cây Xặng Bók là yếu tố trang trí không thể thiếu trong nghi lễ, được làm từ cây móc và chuối rừng, dựng ở gian giữa nhà. Cây móc (lăm la) tượng trưng cho con trâu đen, cây móc chết hóa thành trâu đen, cây chuối rừng (lăm tốc) tượng trưng cho con trâu trắng, là những người bạn của nhà nông. Ngoài ra, cây còn được trang trí các dải hoa vải, trống làm bằng sợi chỉ màu, ve sầu, dế mèn được đan bằng lạt tre, quả còn bằng vải, chim cu gáy, cày và bừa nhỏ bằng gỗ, hoa mạ, hoa ban (Người La Ha ở Mường Sại dùng hoa trạng nguyên). Số lượng mỗi đồ trang trí là số chẵn vì người La Ha quan niệm tất cả đồ vật hay con người đều phải có đôi. Các đạo cụ để múa có bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, dương vật, âm vật, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre. Lễ cúng được thực hiện gồm các nghi lễ sau: lễ cúng báo tổ tiên, lễ cúng hồn cho chủ nhà, lễ cúng mời thần linh xuống dự, cúng đưa hồn tổ tiên lên trời.
Trong lễ cúng mời thần linh, thầy cúng làm lễ trước mâm lễ vật để mời Then (Trời) và các tướng, sư phụ xuống dự với sự hỗ trợ của thầy thổi pí 1 lao (sáo) đệm theo. Thầy cử người làm hai cái Ta leo bằng tre (đan hình mắt cáo), cài lá cây xanh, có các vòng tròn bằng lạt tre kết nối thành một chuỗi dài tượng trưng cho các đồng bạc và treo lên; 3 con gà luộc gói vào lá dong dùng cúng thần rừng, thổ địa, rừng ma. Thầy cúng cầm ta leo khấn, xong đưa ta leo cho người nhà mang đi cắm tại ngõ vào bản và cổng nhà như một biển cấm ma, người xấu về phá hoại nghi lễ. Tiếp theo, mọi người bắt đầu múa, gõ tăng bu, đánh trống, rồi lần lượt cho các con nuôi vào dâng lễ vật cho thầy cúng. Gia đình thầy cúng chuẩn bị mâm lễ chính đặt cạnh cây Xặng Bók, các con nuôi tùy vào điều kiện của từng người chuẩn bị mâm lễ mang đến đặt chồng lên mâm lễ chính. Con nuôi bị bệnh nặng thì đặt lên trên, có thêm bát gạo và quả trứng, con gà, bát canh úp nón cuộn từ lá chuối với mong muốn tiếp nhận linh khí của thần linh nhanh và nhiều nhất. Trong lúc thầy cúng làm lễ thì các con nuôi cùng mọi người đến dự lễ quàng khăn múa quanh cây Xăng bók theo nhịp gõ của tăng bu, biểu trưng của hình thức chọc lỗ tra hạt. Thầy cúng mời các vị thần linh có công giúp mình chữa bệnh xuống thưởng thức lễ vật và xem lễ của con nuôi dâng lên cảm ơn. Có gần 20 vị thần linh thầy cúng thường mời về cứu giúp các con bệnh như: ông Then, ông Cốc Mương, Náng Ỏ, Mốn (con bò dữ), con thuồng luồng, ông Sừng Lừng, ông hay bị đau bụng hoặc ngực, ông chuyên bị ghẻ, hắc lào, ông điếc, ông què, ông tốt bụng, ông dùng kiếm, ông môn ý liêng (con chim cu gáy), v.v… Thầy cúng cầu cho các con nuôi được khỏe mạnh, cuộc sống sung túc. Sau đó, thầy cúng một số vị thần linh quan trọng với người La Ha để cầu bảo vệ bản mường, con người được khỏe mạnh, may mắn như: ma căng cói, con sóc, con khỉ, chim cu gáy.
Cùng với nghi lễ cúng thần linh, thầy cúng còn diễn một số trò miêu tả bệnh đã được chữa khỏi quanh cây Xăng Bók như: trò giả làm người bệnh bướu cổ, trò giả làm người bị què chân, trò giả làm người ngớ ngẩn, trò giả làm người trông nương, trò giả làm con khỉ. Tiếp theo, mọi người cùng gõ tăng bu và múa theo nhịp quanh cây Xăng Bók thâu đêm cảnh cày bừa, múa cầu mưa để cầu thần linh phù hộ cho một mùa bội thu, múa khăn, múa kiếm tái hiện cảnh bảo vệ bản làng khi có giặc xâm chiếm, múa trống cầu mưa, múa dương vật (sừng lừng), thi ném còn.


Sau lễ cúng mời thần linh, thầy cúng khấn cho hồn về trời tại mâm lễ chính, trong khi đó các con sẽ dỡ cây Xặng bók ra, lấy khăn múa một đầu buộc vào cây móc và cây chuối một đầu buộc vào cái cày và cái bừa, hai người cầm cây chuối và cây móc, hai người cầm cày và bừa diễn trò cày bừa. Sau đó, họ bóc lấy nõn chuối làm thành món nộm cùng với măng chua phơi khô và nõn móc nấu thành một bát canh. Hai món này được đặt lên mâm cùng với 8 chén rượu để thầy cúng mời các thần linh ăn và trở về trời, kết thúc phần lễ. Làm lễ xong, mọi người cùng ăn cơm, thi uống rượu cần và nhảy múa đến khuya.
Lễ Pang A phản ánh đời sống tín ngưỡng phong phú, những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới, nguồn gốc của người La Ha; phản ánh tín ngưỡng phồn thực, cầu mùa của người La Ha, mong mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ Pang A góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người như: ẩm thực, diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa, đặc biệt là múa sừng lừng… của người La Ha; thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và giải trí của cộng đồng, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống ngày mai. Nghi lễ cho thấy vai trò của thầy cúng trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng, là người giữ gìn, gắn kết và trao truyền giá trị văn hóa tộc người đến cộng đồng; thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần uống nước nhớ nguồn, sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong công việc của cá nhân cũng như cộng đồng.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ