Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

2024/12/13

ThuếTNCN

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, khắc phục được các bất cập của chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cùng AGS tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Hỗ trợ cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng bền vững

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007. Luật Thuế TNCN đã được rà soát sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014. Theo Bộ Tài chính, trong hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật thuế TNCN đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư; đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư; khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.
    Dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 Điều
Dự án Luật Thuế TNCN thay thế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 Điều trên tổng số 35 Điều của Luật thuế TNCN hiện hành (chiếm 88,5%), trong đó có quy định về phạm vi điều chỉnh; người nộp thuế; về thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; kỳ tính thuế; về thuế đối với cá nhân kinh doanh cư trú; về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú....

Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có tính đến các bước đi phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế, nhờ đó đã động viên kịp thời các nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN) giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội. Về cơ bản, việc thực hiện Luật thuế TNCN trong giai đoạn vừa qua đã đạt được các mục tiêu khi ban hành.

Nguồn: Bộ Tài chính
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, tỷ trọng số thu từ thuế TNCN trong tổng thu NSNN của nước ta đã tăng từ mức 5,33% năm 2011 lên hơn 9% năm 2023, phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc củng cố quy mô thu NSNN theo hướng bền vững. Thuế TNCN trở thành sắc thuế tạo ra nguồn thu cho NSNN đứng thứ ba trong hệ thống thuế, sau thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Kinh tế càng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì nhu cầu chi tiêu của Nhà nước để giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế… cũng ngày càng gia tăng. Trong giai đoạn vừa qua, nguồn thu từ thuế TNCN cùng với các nguồn thu khác đã tạo thành quỹ NSNN quan trọng, đảm bảo cân đối nguồn lực cho việc thực các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Phù hợp xu hướng cải cách thuế thu nhập cá nhân của các nước

Theo Ban soạn thảo, trong tiến trình phát triển, hội nhập những năm gần đây và do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, Luật thuế TNCN hiện hành cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế TNCN đang đặt ra, đảm bảo tính minh bạch. Trong đó, bao gồm các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập; biểu thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc... Một số quy định của Luật thuế TNCN hiện hành cũng cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024, qua đó, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, một số quy định về phạm vi, đối tượng chịu thuế trong Luật thuế TNCN chưa bao quát được các khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh; mức điều tiết thu nhập của một số loại thu nhập qua quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ vướng mắc nên cần phải có những sự điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng cải cách thuế quốc tế hiện nay và trong mối tương quan với các nguồn thu nhập khác nhau của cá nhân để thực hiện mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo động viên hợp lý nguồn lực cho NSNN.

Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, đã liên tục đưa ra các biện pháp cải cách về chính sách thuế TNCN để thích ứng với các xu thế này. Theo đó, Luật thuế TNCN hiện hành cũng cần phải được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước những năm tới đây cũng như xu thế cải cách chính sách thuế TNCN trên thế giới hiện nay. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả vai trò của sắc thuế này trong tổng thể hệ thống chính sách thuế của Việt Nam; thực hiện động viên hợp lý, hiệu quả nguồn lực cho NSNN để cùng với các nguồn lực khác đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ chi NSNN, nhất là chi cho công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.

TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU KINH TẾ VÀ CHÍNH SÁCH (VEPR): Mức giảm trừ gia cảnh linh hoạt theo mức lương tối thiểu vùng

Tôi cho rằng, việc giảm trừ gia cảnh nên có sự linh hoạt theo mức thu nhập hay là mức lương tối thiểu vùng. Tức là mỗi một vùng có một mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp hơn giữa các vùng. Điều này sẽ công bằng hơn việc có mức giảm trừ chung giống nhau không phân biệt.

Bên cạnh đó, sửa đổi luật thuế TNCN cần phải giảm bậc thuế từ 7 xuống còn 5 bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc thuế. Điều này sẽ giúp những người lao động đang nộp thuế ở bậc đầu tiên, nhất là người trẻ tuổi, có điều kiện tích lũy thu nhập để đầu tư nâng cao năng lực bản thân và ổn định cuộc sống trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và dịch vụ các ngày càng đắt đỏ, nhất là ở các thành phố.

Mặt khác để đảm bảo tốt hơn tính công bằng trong sửa luật thuế TNCN lần này, cần tính toán cho khấu trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến người nộp thuế cá nhân và người phụ thuộc. Đơn cử như chi phí học tập, khám chữa bệnh... phải được khấu trừ trước khi tính thuế giảm trừ gia cảnh.

CHUYÊN GIA KINH TẾ - PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: Nâng mức giảm trừ cần căn cứ theo mức sống thực tế

Theo Luật Thuế TNCN hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh này đang khá thấp và cần phải tăng thêm.

Trong khi, thu nhập bình quân của Việt Nam còn thấp so với nhu cầu, mức sống thực tế. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở mức 11 triệu đồng/tháng, nếu sống ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với đủ khoản chi tiêu như thuê nhà, ăn ở, học hành, khám chữa bệnh... thì rất khó đủ sống.

Do vậy, khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên mức sống thực tế của người dân với những thành phố lớn có mức khác với những tỉnh thành miền núi. Có thể căn cứ vào cách chia vùng hưởng lương khu vực để xác định mức giảm trừ phù hợp.

Bên cạnh đó, biểu thuế 7 bậc là nhiều, chỉ nên 5 bậc để dễ tính thuế, nộp thuế. Mức khởi điểm cần phải nâng lên, khoảng cách giữa các bậc cũng phải giãn ra cho phù hợp.

Đặc biệt, về mức thuế suất, các nước đều có xu hướng giảm, vì thế, Việt Nam cũng nghiên cứu giảm mức thuế suất tối đa này để khuyến khích người dân làm giàu.

ÔNG NGUYỄN VĂN ĐƯỢC - TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH KẾ TOÁN VÀ TƯ VẤN THUẾ TRỌNG TÍN: Thu nhập càng cao thì nộp thuế càng lớn

Cần sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNCN một cách toàn diện. Cụ thể, cần điều chỉnh các phương pháp tính thuế phù hợp với bản chất của thu nhập, có thu nhập thì mới phải nộp thuế, thu nhập càng cao thì nộp thuế càng lớn.

Bên cạnh đó, gia tăng các công cụ để kiểm soát đúng, đầy đủ thu nhập của người nộp thuế trên tất cả các loại thu nhập từ tiền lương, tiền công đến thu nhập từ kinh doanh và các khoản thu nhập khác như chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, chuyển nhượng vốn… Cần sớm điều chỉnh phương pháp và cơ sở xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp theo hướng tiếp cận với mức sống của thành phố và đô thị tạo sự hưởng lợi cho miền núi, nông thôn theo kịp thành phố. Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa quy định về tương quan giữa CPI và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp hơn để đảm bảo độ nhạy của chính sách nhanh hơn, sát thực với thực tiễn hơn, từ đó được sự đồng thuận của người dân hơn.

Đồng thời, xây dựng chính sách và quản lý thuế thu nhập cá nhân hiện đại trên cơ sở áp dụng khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp cho cơ quan thuế mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính tự giác tuân thủ pháp luật từ đó tiết kiệm chi phí xã hội./.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-de-dam-bao-tinh-dong-bo-cua-he-thong-phap-luat-166268-166268.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ