Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Bài viết dưới đây chúng tôi
sẽ giới thiệu đến các bạn về vùng đất Quảng Bình, nơi đây được nhiều khách du
lịch trên thế giới biết đến nhờ những nét văn hóa lịch sử đậm chất Việt Nam và
cả những kỳ quan thiên nhiên lọt vào top đầu của thế giới.
Vị trí địa lý
Quảng Bình là tỉnh thuộc duyên hải Bắc Trung Bộ với giới hạn tọa độ địa lý từ
16°55’ đến 18°05’ vĩ độ Bắc và từ 105°37’ đến 107°00’ kinh độ Đông. Về tiếp
giáp, tỉnh Quảng Bình có phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng
Trị, phía Đông giáp biển với chiều dài trên 116,04 km, thềm lục địa có diện
tích 20.000 km2 và đường biên giới phía Tây giáp Lào có tổng chiều dài 222,118
km. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 7.998,76 km2, chiếm 2,41% diện tích toàn
quốc và dân số trung bình năm 2022 là 913.862 người.
Quảng Bình có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 05 huyện/thị xã ven biển
(các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn), 02
huyện vùng núi (Tuyên Hóa, Minh Hóa) và thành phố Đồng Hới là trung tâm của
tỉnh; 151 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 15 phường, 08 thị trấn và 128 xã.
Quảng Bình là phần hẹp nhất của Việt Nam, vì vậy đây là hành lang quan trọng
đối với cả hàng hóa lẫn hành khách với các tuyến đường bộ như Quốc lộ 1A,
đường Hồ Chí Minh chạy dọc tuyến Bắc - Nam, tuyến đường sắt Bắc - Nam. Các
tuyến đường này kết nối các khu vực trọng điểm trong tỉnh, đặc biệt là kết nối
các cảng Gianh, cảng Nhật Lệ và cảng Hòn La với Khu Kinh tế Hòn La và thành
phố Đồng Hới.
Tỉnh đóng vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa và hàng khách tuyến
Đông - Tây nhờ có Quốc lộ 12A kết nối Quảng Bình với Lào và từ Lào sang miền
Bắc Thái Lan và Myanmar.
Đặc điểm khí hậu: Quảng Bình nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa chuyển tiếp giữa
miền Bắc và Nam Việt Nam, do đó khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt là mùa khô
và mùa mưa. Với việc có mùa Hè nắng nóng, trời quang mây và chế độ gió khá ổn
định tạo thuận lợi cho Quảng Bình phát triển các loại hình năng lượng sạch như
điện gió, điện mặt trời và du lịch biển. Tuy vậy, đặc điểm khí hậu của Quảng
Bình nhìn chung gây nhiều trở ngại cho đời sống và sản xuất, đặc biệt là sản
xuất nông nghiệp.
Đặc điểm địa hình: Tỉnh Quảng Bình nằm ở sườn Đông dãy Trường Sơn, với địa
hình đồi núi cao hiểm trở, hẹp bề ngang và dốc, nghiêng từ Tây sang Đông và
chia cắt ở các khu vực phía Tây của tỉnh. Các khu vực phía Đông nhìn chung có
độ dốc lớn về phía biển, vùng đồng bằng bị thu hẹp lại ở phía Nam do sự xâm
lấn của dãy Trường Sơn.
Phần lớn diện tích tỉnh là đồi núi (chiếm trên 85% diện tích tự nhiên), các
dạng địa hình khác là trung du, đồng bằng duyên hải và bãi cát ven biển chỉ
chiếm gần 15%. Do vậy, diện tích đất canh tác lúa và nông lâm nghiệp tương đối
hạn chế và thường xuyên gánh chịu lũ lụt bất thường vào mùa mưa do hệ thống
sông suối ngắn, dốc, chảy từ Tây sang Đông.
Địa hình tỉnh có sự khác nhau giữa các tiểu vùng: (1) Vùng núi cao nằm dọc
theo sườn Đông dãy Trường Sơn; (2) Vùng gò đồi và trung du tập trung chủ yếu
tại các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng
Hới; (3) Vùng đồng bằng và vùng cát ven biển ở các huyện Quảng Trạch, Bố
Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới.
Điều kiện văn hóa, xã hội: Quảng Bình vừa là địa bàn phân bố văn hóa Hòa Bình,
văn hóa Đông Sơn, văn hóa Bàu Tró ở phía Bắc, vừa chứa đựng, bảo lưu, giao
thoa với văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa ở phía Nam. Quá trình giao thoa, tiếp biến,
hòa nhập trong suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc ngày càng bồi đắp, làm phong
phú hơn truyền thống văn hóa của Nhân dân vùng đất này; đồng thời cũng làm cho
sắc thái văn hóa Quảng Bình có những đặc trưng riêng, mở ra tiềm năng to lớn
cho việc phát triển các loại hình văn hóa - du lịch.
Tài nguyên rừng: Hiện nay, toàn tỉnh có 615.287,91 ha đất lâm nghiệp, chiếm
76,91% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất có rừng 543.048,85 ha,
gồm 469.767,95 ha rừng tự nhiên và 73.280,9 ha rừng trồng đã thành rừng. Sản
lượng gỗ ước tính có khoảng 52.522 nghìn m3 (chủ yếu là trữ lượng gỗ rừng tự
nhiên với 49.868.270 m3, chiếm 94,95%). Thảm thực vật rừng Quảng Bình rất đa
dạng và phong phú, trong đó có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, sến, táu... và
nhiều loại thú quý hiếm như voọc, trĩ sao, gà lôi, các loại bò sát, móng guốc
khác. Đặc sản dưới tán rừng khá phong phú, đa dạng và có giá trị lớn như song
mây, dược liệu quý, phong lan... Đặc biệt ở khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng có
nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm.
Tiềm năng phát triển du lịch biển: Với chiều dài bờ biển trên 116,04 km, Quảng
Bình sở hữu những bãi tắm đẹp còn giữ được nhiều nét hoang sơ, như: Đá Nhảy,
Nhật Lệ, Hải Ninh, Vũng Chùa - Đảo Yến... cùng với đó là hệ thống di tích lịch
sử, điểm đến văn hóa ở vùng ven biển.
Tiềm năng phát triển cảng biển và dịch vụ cảng: Quảng Bình là tỉnh có bờ biển
dài, vùng biển rộng với 05 cửa sông và 02 khu vực hàng hải quan trọng, gồm:
Khu vực hàng hải cửa Gianh và khu vực hàng hải Hòn La. Hiện nay, Quảng Bình có
04 bến cảng gồm: Cảng Gianh, cảng Hòn La, cảng Xăng dầu sông Gianh, cảng Thắng
Lợi, với gần 600m cầu cảng tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000-20.000 tấn; 04 khu
chuyển tải tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn… Ngoài ra, vịnh Hòn La có
diện tích mặt nước 04 km2, độ sâu trên 15m và xung quanh có các đảo che chắn,
như: Hòn La, Hòn Nồm, Hòn Gió, Hòn Cỏ, Hòn Chùa là điều kiện thuận lợi cho các
loại tàu thuyền neo đậu, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và vận tải biển.
Thủy hải sản: Vùng biển của tỉnh Quảng Bình được đánh giá có trữ lượng hải sản
lớn với tính đa dạng cao. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu biển, trữ lượng hải
sản ước khoảng 10 vạn tấn với 1.650 loài hải sản các loại, trong đó nhiều loài
có giá trị kinh tế cao, như tôm hùm, tôm sú, mực nang, mực ống… Tính theo độ
sâu, trữ lượng hải sản khoảng 23.000 tấn ở độ sâu từ 0 - 50 m; từ 51 - 90 m:
76.000 tấn. Phân theo loài, tôm biển: 1.600 - 2.000 tấn, ruốc: 5.000 - 7.000
tấn và cá các loại: 60.000 - 70.000 tấn. Về nuôi trồng hải sản, với 05 cửa
sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khá lớn.
Tổng diện tích 15.000 ha. Độ mặn ở vùng mặt nước từ cửa sông vào sâu khoảng 10
- 15km dao động từ 08 - 30‰ và độ pH từ 6,5 - 8 rất thuận lợi cho nuôi tôm,
cua xuất khẩu. Chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp
thoát nước cho các ao nuôi tôm, cua.
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo: Nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán
cầu, với nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm, bức xạ mặt trời
khá cao, Quảng Bình giàu tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt
là điện gió và điện mặt trời. Số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 -
1.820 giờ/năm, lượng bức xạ trong năm ở tỉnh Quảng Bình dao động trong khoảng
1.256 - 1.418 kWh/m2/năm, tập trung vào các tháng mùa hè từ tháng 3 đến tháng
9 thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Vận tốc gió bình quân từ 06 -
6,75m/s (ở độ cao 120m) ở trên biển và đất liền, thích hợp để phát triển điện
gió.
Văn hóa tỉnh Quảng Bình
Lễ hội cầu ngư Quảng Bình
Thời gian: rằm tháng Giêng hàng năm
Địa điểm tổ chức: làng Cảnh Dương, Quảng Trạch
Lễ hội cầu ngư là lễ hội Quảng Bình lớn nhất của cư dân ven biển nơi đây. Lễ
hội bắt nguồn từ tục thờ Cá Voi (cá Ông, cá Bà) của cư dân miền biển vì cá voi
là loài cá đã nhiều lần trợ giúp để tàu thuyền của ngư dân không bị chìm trong
gió bão. Khi cá voi chết dạt vào bờ, ngư dân sẽ chôn cất và lập miếu thờ, mong
cho sóng yên biển lặng, làng xã ấm no hạnh phúc. Lễ cúng được diễn ra hàng năm
với nhiều trò diễn xướng dân gian mà nổi bật là múa bông chèo cạn, múa hát dân
ca hoặc còn có thêm các hoạt động mới như: đua thuyền, và lắc thúng.
Lễ hội cầu mùa - Lễ hội Quảng Bình đặc sắc
Thời gian: 14 - 16/04 âm lịch hàng năm
Địa điểm tổ chức: Xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới
Lễ hội cầu mùa Bảo Ninh là một trong lễ hội Quảng Bình đặc sắc mà mọi người
mong chờ nhất khi đặt tour Quảng Bình 3 ngày 2 đêm. Đây là lễ hội tiêu biểu
được đình làng Bảo Ninh thờ Nhân thần (Hai cha con người đánh cá) và Cá Ông.
Lễ thường được tiến hành trong ba ngày, từ 14 đến 16/04 âm lịch hàng năm. Lễ
nhằm cầu mùa, cầu an, cầu mong các đấng linh thiêng phù hộ cho mùa màng bội
thu, sản vật phong phú, con người ăn nên làm ra,… Do điều kiện làng xã phát
triển rộng nên việc tổ chức lễ đã chia ra từng địa phương, không tổ chức tập
trung như trước. Tuy nhiên, lễ hội vẫn đảm bảo được chất lượng và các phần
truyền thống liên quan tín ngưỡng nghề nghiệp.
Lễ hội đua thuyền Quảng Bình
Thời gian: ngày 2/9 hàng năm
Địa điểm tổ chức: sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy
Đậm chất lễ hội với hàng loạt những lá cờ đủ màu sắc sặc sỡ chính là lễ hội
đua thuyền của người dân Lệ Thủy. Lễ hội được tổ chức trọng đại vào ngày Quốc
khánh hàng năm trong không khí vui mừng và còn là ngày để tưởng nhớ về những
anh hùng, những người đã hy sinh quên mình cho đất nước toàn vẹn.
Lễ hội đập trống
Thời gian: ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm
Địa điểm tổ chức: bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch
Hiện nay, lễ hội đập trống ở xã Thượng Trạch là lễ hội Quảng Bình được Bộ Văn
hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nhiều năm gần đây, lễ hội đã thu hút khoảng hàng ngàn người dân của nhiều làng
trong vùng đổ về tham dự, cũng như du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội đập
trống là lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Bình của người
Ma Coong (dân tộc Chứt). Tiếng trống đêm lễ hội là nét văn hoá truyền thống
của của đồng bào Bru Vân Kiều. Nhịp trống rộn ràng náo động vang lên thể hiện
khát vọng mong muốn về một năm bội thu, may mắn, an lành, đôi lứa yêu bên nhau
sẽ sớm về chung một nhà xây dựng tổ ấm của riêng mình.
Lễ hội trỉa lúa
Thời gian: ngày 11 đến 14/07 âm lịch
Địa điểm tổ chức: xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh
Lễ hội trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều được tổ chức vào ngày 11 đến
140/7 âm lịch với mục đích cầu xin thần linh ban cho may mắn, không cho chim
chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng tốt tươi. Lễ hội trỉa lúa còn được
biết đến với tên gọi là lễ hội lấp lỗ - là một công đoạn cuối của quy trình
làm nương làm rẫy đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa trỉa xuống
đất cầu mong các thần giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở của hạt lúa cho
tới ngày thu hoạch. Du khách hãy nhanh tay đặt phòng khách sạn ở Quảng Bình
của BestPrice để được trải nghiệm trực tiếp lễ hội vô cùng đặc biệt này.
Lễ hội hang động Quảng Bình
Thời gian: cuối tháng 7 và đầu tháng 8 hàng năm
Địa điểm tổ chức: Quảng trường biển Bảo Ninh
Lễ hội hang động Quảng Bình diễn ra vào khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 và
được tổ chức định kỳ hàng năm. Đây là lễ hội Quảng Bình đặc sắc và ấn tượng
nhất được đông đảo mọi người mong chờ. Tổ chức tại quảng trường biển Bảo Ninh,
lễ hội hang động Quảng Bình là dịp để tuyên truyền, quảng bá về danh lam thắng
cảnh các sản phẩm dịch vụ du lịch Quảng Bình đến với du khách trong nước và
quốc tế, các nhà đầu tư và các công ty lữ hành.
Địa điểm du lịch nổi tiếng
Động Phong Nha Quảng Bình
Động Phong Nha Quảng Bình là một hang động thuộc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ
Bàng và là một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Với kiến
trúc rộng lớn và tầm quan sát kỳ diệu, động có chiều dài hơn 7.729m bao gồm 14
hang cùng dòng sông ngầm dài lên đến 13.969m. Cửa động cao khoảng 10m, rộng
25m và nhiều phòng lớn với trần cao, tạo nên một không gian rộng lớn và thơ
mộng.
Khi bước vào bên trong du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hình thù đá tự
nhiên tạo nên những tượng đá ấn tượng, những vách đá rực rỡ với ánh sáng chiếu
vào từ các khe nứt trên trần hang tạo nên một không gian ma mị và huyền bí.
Bên cạnh đó, Động Phong Nha Quảng Bình từng được sử dụng như một căn cứ và bãi
quân sự trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Việc khám phá động cũng cho phép
du khách hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của khu vực này.
Động Phong Nha là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, thu
hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới để khám phá vẻ đẹp hoang sơ và kỳ
diệu của thế giới ngầm.
Hang Sơn Đoòng
Hang Sơn Đoòng không chỉ là điểm đến độc đáo tại Việt Nam mà còn là hang động
lớn nhất và hùng vĩ nhất trên toàn hành tinh. Năm 2009, tạp chí National
Geographic đã vinh danh Hang Sơn Đoòng là hang động đá vôi tự nhiên lớn nhất
thế giới. Vào năm 2013, Hang Sơn Đoòng đã được ghi nhận bởi tổ chức Kỷ lục
Guinness thế giới là hang động tự nhiên lớn nhất trên Trái Đất.
Với tổng chiều dài gần 9km và một vòm hang rộng lớn, Hang Sơn Đoòng có thể
tích khổng lồ lên đến 38.5 triệu mét khối. Điều này khiến cho nó vượt xa các
hang động tự nhiên khác trên thế giới và trở thành hang động rộng lớn bậc nhất
hành tinh. Thể tích của Hang Sơn Đoòng lớn hơn tới 5 lần so với Hang Deer ở
Malaysia, một trong những hang động tự nhiên lớn nhất thế giới (trước khi Hang
Sơn Đoòng được phát hiện).
Tuy nhiên, điều đặc biệt và thú vị nhất về Hang Sơn Đoòng không chỉ đến từ sự
rộng lớn của nó mà còn từ sự đa dạng và độc đáo bên trong. Hang chứa những
thạch nhũ khổng lồvới chiều cao lên tới hơn 80m. Ngoài ra, trong lòng hang còn
tồn tại một rừng cây nguyên sinh đang phát triển, tạo nên một hệ sinh thái độc
đáo. Thời tiết bên trong hang cũng có những đặc điểm riêng biệt và có cả dòng
sông ngầm bất tận mà cho đến nay, chưa có một nhà thám hiểm nào có thể khám
phá hết. Hang Sơn Đoòng thật sự là một kho báu thiên nhiên và một điểm đến
không thể bỏ lỡ đối với những người yêu thích khám phá và đam mê vẻ đẹp tự
nhiên của thế giới.
Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường và động vật trong hang, số lượng du khách được
phép tham quan Hang Sơn Đoòng mỗi năm rất hạn chế. Điều này làm cho trải
nghiệm trở nên đặc biệt và hiếm có.
Bãi biển Nhật Lệ
Bãi biển Nhật Lệ là một trong những bãi biển tuyệt đẹp mà bạn nên ghé thăm nếu
muốn du lịch Đồng Hới, Quảng Bình, Việt Nam. Đây được xem là một điểm đến du
lịch thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ cũng như không gian
yên bình mà bãi biển mang lại.
Với khí hậu ôn hòa và mùa du lịch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, bãi biển
Nhật Lệ thích hợp cho việc du lịch suốt năm và là một điểm đến tuyệt vời để
tránh cái nắng oi bức của mùa hè.
Cồn Cát Quảng Bình
Cồn Cát Quảng Bình hay còn có cái tên khác là Cồn Cát Đồn là một hòn đảo nhỏ
nằm ở cửa sông Nhật Lệ thuộc huyện Quảng Ninh. Đây được xem là một địa điểm du
lịch đẹp và yên bình mỗi khi du khách đặt chân đến đây.
Bên cạnh đó, Cồn Cát là nơi cư trú của nhiều loài chim và động vật biển. Du
khách có thể quan sát chim biển bay trên bầu trời và là nơi lý tưởng cho các
hoạt động ngoài trời như tắm biển, lặn biển, câu cá, thả diều.
Cồn Cát Quảng Bình là một điểm đến tuyệt vời cho những ai muốn tận hưởng sự
tĩnh lặng của biển, trải nghiệm các ẩm thực địa phương và tham gia vào những
hoạt động ngoài trời. Hòn đảo nhỏ này mang đến trải nghiệm du lịch thú vị và
thư giãn giữa thiên nhiên hoang sơ.
Ẩm thực tại Quảng Bình
Lẩu cá khoai Quảng Bình
Đây là món ăn được nhiều du khách yêu thích nhờ hương vị thơm ngon và độc đáo
riêng mà chỉ có tại Quảng Bình mới có được. Loại cá Khoai có kích thước to dài
chỉ bằng một gang tay, thân màu trắng xám pha chút hồng nhạt nhạt. Sau khi
được đánh bắt tươi sống, người ta sẽ chọn con có thịt dày để sơ chế. Sau khi
loại bỏ phần đầu, đuôi, ruột và vệ sinh sạch sẽ cá sẽ được chặt khúc vừa ăn
rồi ướp với tiêu, muối, của nén, thêm các loại gia vị tùy công thức gia truyền
của mỗi quán.
Cá khoai tươi kết hợp với nước lẩu cá chua chua, ngọt ngọt từ các loại rau củ
tự nhiên mang lại hương vị khó quên cho du khách trong lần đầu thưởng thức. Ăn
kèm cùng rau trụng, bún tươi thì chắc chắn không còn gì bằng.
Gỏi cá Nghéo
Loại cá Nghéo sở hữu vẻ ngoài trắng xám và là loại cá có xương sụn, còn hay
được gọi với cái tên là cá nhám hoặc cá mập sữa. Vì là loại cá khá khó đánh
bắt, có họ hàng với cá mập nhưng kích thước của chúng nhỏ hơn rất nhiều. Do
đó, món gói cá Nghéo chỉ được bán trong các nhà hàng lớn hoặc nếu muốn thưởng
thức bạn phải đặt trước.
Canh xương rồng
Những cây xương rồng là hình ảnh quen thuộc của người dân Quảng Bình, cũng vì
vậy mà canh xương rồng ra đồi và gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Đây
cũng chính là một trong những món đặc sản Quảng Bình hấp dẫn mà bạn không nên
bỏ qua khi đến đây.
Khoai dẻo Quảng Bình
Bắt nguồn từ thói quen dự trữ lương thực vào mùa mưa lũ, người dân Quảng Bình
đã sáng tạo nên món khoai lang phơi khô. Từ đó, mang đến món ăn đặc trưng mặc
dù quen nhưng lại lạ. Khoai lang sau khi được thu hoạch sẽ được làm sạch, sơ
chế và luộc chín, cuối cùng là phơi khô để có được những miếng khoai dẻo thơm
ngon.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng
bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống
và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề
trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam -
Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích
khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Tổng hợp