Tổng quan về tỉnh Bình Định

2024/12/05

ViệtNam-Tỉnhthành

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đưa các bạn đến thăm quan vùng đất Bình Định, nơi ghi dấu nhiều lịch sử dân tộc Việt và là nơi được nhiều du khách ghé thăm bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của chính mình.

Vị trí địa lý

Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Lãnh thổ của tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam, diện tích tự nhiên: 6.025 km², diện tích vùng lãnh hải: 36.000 km². Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, điểm cực Bắc có tọa độ: 14°42'10 Bắc, 108°55'4 Đông. Phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, điểm cực Nam có tọa độ: 13°39'10 Bắc, 108°54'00 Đông. Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, điểm cực Tây có tọa độ: 14°27' Bắc, 108°27' Đông. Phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134 km, điểm cực Đông là xã Nhơn Châu (Cù Lao Xanh) thuộc thành phố Qui Nhơn, có tọa độ: 13°36'33 Bắc, 109°21' Đông.
Bình Định được đánh giá là có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào, đông bắc Campuchia.

Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, với độ chênh lệch khá lớn (khoảng 1.000m). Các dạng địa hình phổ biến là: Vùng núi, đồi và cao nguyên: chiếm 70% diện tích toàn tỉnh với độ cao trung bình 500 - 1.000m, đỉnh cao nhất là 1.202m ở xã An Toàn (huyện An Lão). Các dãy núi chạy theo hướng Bắc - Nam, có sườn dốc đứng. Nhiều khu vực núi ăn ra sát biển tạo thành các mỏm núi đá dọc theo bờ, vách núi dốc đứng và dưới chân là các dải cát hẹp. Đặc tính này đã làm cho địa hình ven biển trở thành một hệ thống các dãy núi thấp xen lẫn với các cồn cát và đầm phá.
Vùng đồi: tiếp giáp giữa miền núi phía tây và đồng bằng phía đông, có diện tích khoảng 159.276 ha, có độ cao dưới 100m, độ dốc tương đối lớn từ 10° – 15°.
Vùng đồng bằng: Diện tích khoảng 1.000 km², được tạo thành do các yếu tố địa hình và khí hậu, thường nằm trên lưu vực của các con sông hoặc ven biển và được ngăn cách với biển bởi các đầm phá, các đồi cát hay các dãy núi.
Vùng ven biển: Bao gồm các cồn cát, đụn cát tạo thành một dãy hẹp chạy dọc ven biển với hình dạng và quy mô biến đổi theo thời gian. Bình Định còn có 33 đảo lớn nhỏ được chia thành 10 cụm đảo hoặc đảo đơn lẻ, trong đó đảo Nhơn Châu là đảo lớn nhất (364 ha) cách TP. Quy Nhơn 24 km, có trên 2.000 dân.
Ngoài các vùng địa hình đặc trưng nói trên, Bình Định có khá nhiều sông. Các sông ngòi không lớn, độ dốc cao, ngắn, hàm lượng phù sa thấp, tổng trữ lượng nước 5,2 tỷ m³, tiềm năng thuỷ điện 182,4 triệu kw. Có 4 sông lớn là: Lại Giang, Kôn, La Tinh và Hà Thanh. Nhiều hồ nhân tạo được xây dựng để phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, đầm Thị Nại là đầm lớn, rất thuận lợi cho việc phát triển cảng biển tầm cỡ quốc gia và góp phần phát triển khu kinh tế Nhơn Hội. Đầm còn được biết đến là một di tích lịch sử - văn hóa và với cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hiện nay.

Khí hậu

Bình Định có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa. Nhiệt độ không khí trung bình năm: ở khu vực miền núi biến đổi 20,1 - 26,1°C; tại vùng duyên hải là 27°C. Độ ẩm tuyệt đối trung bình tháng trong năm: tại khu vực miền núi là 22,5 - 27,9% và độ ẩm tương đối 79 – 92%; tại vùng duyên hải độ ẩm tuyệt đối trung bình là 27,9% và độ ẩm tương đối 79%. Tổng lượng mưa trung bình năm là 1.751mm, cực đại là 2.658mm, cực tiểu là 1.131mm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 – 12; mùa khô kéo dài từ tháng 01 – 8. Cấu tạo địa chất, địa hình, khí hậu làm cho Bình Định tuy không có đồng bằng rộng lớn nhưng có đồng ruộng phì nhiêu, đa dạng về sản phẩm nông, lâm, ngư…, nhiều tài nguyên khoáng sản và tiềm năng thuỷ điện.

Dân cư

Năm 2015, dân số tỉnh Bình Định khoảng 1,5 triệu người (chiếm 1,7% dân số cả nước – 90,73 triệu người). Mật độ dân số trung bình 251,1 người/km2, bằng 93% mật độ trung bình của cả nước (274 người/km²); tỷ lệ dân số thành thị chiếm 30,8% (thấp hơn so với trung bình cả nước – 33,1%), nông thôn chiếm 69,2% (cao hơn so với trung bình cả nước – 66,9%).
Bình Định có yếu tố đặc trưng về dân tộc, ngoài dân tộc Kinh (Việt) chiếm 98%, tỉnh còn có các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Ba Na và Hrê sinh sống ở các huyện miền núi và trung du.
Dân cư trên địa bàn tỉnh phân bố không đều, dân cư tập trung đông nhất tại khu vực thành phố Quy Nhơn (mật độ dân số trung bình 987người/km2), tiếp đến là tại thị xã An Nhơn (mật độ trung bình 800 người/km2), huyện Hoài Nhơn (mật độ trung bình 750 người/km2); thấp nhất là huyện Vân Canh với 30,9 người/km2.

Lịch sử hình thành và phát triển

Cho đến nay, thông qua các đợt khai quật khảo cổ học người ta đã xác định được cách đây trên 2000 năm trên vùng đất Bình Định ngày nay đã có cư dân văn hóa Sa Huỳnh sinh sống. Từ đầu Công nguyên (năm 192) trên dải đất miền Trung Việt Nam đã hình thành một nhà nước cổ đại, đó là Nhà nước Chăm-pa. Nhà nước Chăm-pa được xây dựng trên một nền tảng văn hóa hết sức rực rỡ, nó kế thừa những thành tựu của nền văn hóa Sa Huỳnh trước đó, đồng thời tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa cùng nhiều yếu tố của các nền văn hóa khác trong khu vực. Nhà nước Chăm-pa với sự khởi nguồn từ năm 192 đã kết thúc vai trò lịch sử riêng của mình vào nửa cuối thế kỷ XVII, chấm dứt sự tồn tại đầy oanh liệt của mình trong suốt 16 thế kỷ.
Bình Định là vùng đất trung tâm của miền Trung Việt Nam với gần 5 thế kỷ giữ vai trò trung tâm của nhà nước Chăm-pa, mặc dù có nhiều bước thăng trầm, chiến tranh xảy ra liên miên, nhưng văn hóa Chăm-pa ở đây vẫn phát triển cho đến khi nhà nước Chăm-pa mất vai trò lịch sử. Dấu tích văn hóa của thời kỳ nhà nước Chăm-pa tồn tại trên đất Bình Định còn để lại vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình, nhiều về số lượng và trở thành đối tượng quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về Bình Định.
Tháng 7 năm 1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Năm 1490 (chưa đầy 20 năm sau), theo Thiên nam dư hạ tập cho biết: dưới thời Hồng Đức, Phủ Hoài Nhơn có 19 tổng và 100 xã.
Năm 1570, Nguyễn Hoàng, người được vua Lê cử trấn nhậm hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam lúc bấy giờ có cả phủ Hoài Nhơn.
Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn.
Năm 1651, dưới thời Nguyễn Phúc Tần, chúa cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Ninh. Năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn và vẫn được gọi suốt thời kỳ Tây Sơn. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt các đạo làm dinh, nhưng cấp phủ vẫn giữ nguyên. Phủ Quy Nhơn vẫn thuộc về dinh Quảng Nam, đặt các chức tuần phủ và khám lý để cai trị. Phủ lỵ được dời ra phía Bắc thành Đồ Bàn, đóng tại thôn Châu Thành (nay thuộc xã Nhơn Thành, An Nhơn).
Từ thời các chúa Nguyễn, ở đàng Trong nói chung, Bình Định nói riêng đã có sự phân hóa giàu nghèo, địa vị khác nhau và các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt vào đầu thế kỷ XVII, vấn đề trên càng trở nên mâu thuẫn sâu sắc. Cho đến trước cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn 1771, ở Bình Định đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía: cướp của nhà giàu, chia cho dân nghèo, trừng phạt quan lại hống hách bức hiếp dân. Nhưng tồn tại chẳng được bao lâu, cuộc khởi nghĩa của Lía bị thất bại.
Năm 1773, cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em nhà Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu đã phát triển xuống Tây Sơn hạ đạo, chiếm lĩnh đất Kiên Thành (nay là Kiên Mỹ) nơi đã từng sinh ra các thủ lĩnh Tây Sơn. Nguyễn Nhạc tự xưng là đệ nhất trại chủ cai quản hai huyện là Phù Ly và Bồng Sơn. Cùng trong năm đó (1773), nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn.
Tháng 3 năm 1776, Nguyễn Nhạc cho sửa chữa và xây thêm thành Đồ Bàn, rồi đổi tên là thành Hoàng Đế, tự xưng Tây Sơn vương, cho đúc ấn vàng, phong cho Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phụ chính, các tướng lĩnh khác đều được phong chức cho tương xứng với một chính quyền Trung ương mới được thành lập. Năm 1793, sau khi vua Quang Trung chết, Nguyễn Ánh đem quân đánh thành Hoàng Đế. Nguyễn Nhạc bị bệnh sai con là Nguyễn Bảo chỉ huy kháng cự. Quân của Nguyễn Bảo bị thua, bỏ chạy. Vua Quang Toản sai thái úy Phạm Công Hưng, hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Đại tư lệ Lê Trung, Đại tư mã Ngô Văn Sở cùng tướng thủy quân là Đặng Văn Chân từ Phú Xuân vào cứu viện, đánh quân Nguyễn Ánh. Quân Nguyễn Ánh thua chạy. Quân Quang Toản vào thành, Nguyễn Nhạc mang vàng bạc ra khao quân. Phạm Công Hưng và các tướng lĩnh ra lệnh tịch thu châu báu và binh giáp các kho rồi chiếm thành. Nguyễn Nhạc phẫn uất hộc máu chết.
Từ năm 1793 – 1799, thành Hoàng Đế đổi thành phủ Quy Nhơn dưới vương triều Cảnh Thịnh, cũng là bước đường suy yếu của Tây Sơn.
Từ năm 1799 – 1802, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi làm thành Bình Định và suốt chiều dài lịch sử, đây là trung tâm cai trị của triều Nguyễn tại Bình Định trong những năm đầu thế kỷ XIX.
Đến năm 1885, Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai, Kon Tum còn thuộc về Bình Định.
Năm 1890, thực dân Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách khỏi Bình Phú, Bình Định lại trở thành tỉnh độc lập.
Năm 1907, toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định bãi bỏ tỉnh Plâycu Đe. Một nửa đất đai của tỉnh này cho sát nhập trở lại vào tỉnh Bình Định.
Năm 1913, thực dân Pháp lại sát nhập Phú Yên vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Bình Phú.
Năm 1921, thực dân Pháp tách tỉnh Phú Yên ra, lập lại tỉnh Bình Định và kéo dài cho đến năm 1945.
Cùng với cuộc cách mạng tháng Tám long trời, lở đất, ngày 3/9/1945, sau khi khởi nghĩa dành chính quyền thắng lợi UBND cách mạng lâm thời mới của tỉnh lấy tên tỉnh Bình Định là tỉnh Tăng Bạt Hổ. Tuy nhiên tỉnh Tăng Bạt Hổ thay cho tỉnh Bình Định chưa được Trung ương công nhận, trên các văn bản chính thống của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn không thay đổi tỉnh Bình Định, do đó tỉnh Tăng Bạt Hổ tồn tại không được bao lâu.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) Bình Định là tỉnh tự do hoàn toàn, là hậu phương chiến lược trực tiếp của chiến trường khu V, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia. Chín năm kháng chiến gian khổ và anh dũng đó, nhân dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp công, góp sức cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp Định Giơnevơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên theo tinh thần Hiệp định này, đất nước ta còn tạm thời chia cắt làm 2 miềm: miền Bắc được giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó có tỉnh Bình Định còn phải chịu dưới ách thống trị của bọn tay sai đế quốc, chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Trong khi Hiệp Định Giơnevơ (1954) về Đông Dương ký chưa ráo mực, Đế Quốc Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Chính quyền Ngô Đình Diệm chia miền Nam Việt Nam thành hai miền: từ Bình Thuận trở vào gọi là Nam phần; từ Bình Thuận trở ra vĩ tuyến 17 gọi là Trung phần. Trung phần lại chia thành hai khu vực, gọi là Trung nguyên Trung phần và Cao nguyên Trung phần. Tỉnh Bình Định thuộc Trung nguyên Trung phần và vẫn giữ là một đơn vị hành chính cấp tỉnh như trước đây cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975).
Trong suốt 20 năm (1954 – 1975), thực hiện lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, quân và dân tỉnh Bình Định đã vượt qua vô vàn hi sinh, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, bám đất, bám dân góp phần cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương yêu dấu của mình vào ngày 31/3/1975.
Từ cuối năm 1975 đến năm 1989, tỉnh Bình Định hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình. Trong 15 năm hợp nhất nhân dân Bình Định cùng với nhân dân Quảng Ngãi ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo và phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Từ năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập trở lại từ tỉnh Nghĩa Bình. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân dân Bình Định đã ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, có nhiều đổi mới về nếp nghĩ trong phát triển kinh tế, tạo nên sự biến đổi sâu sắc trong đời sống của mỗi người dân. Một cuộc sống mới tốt đẹp ở tương lai: ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh đã và đang được nhân dân Bình Định cùng với cả nước phấn đấu xây dựng.

Văn hóa tỉnh Bình Định

Nhạc võ Tây Sơn


Là một nét văn hóa độc đáo ở Bình Định, xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18, đây là loại võ nhằm kích thích sĩ khí của ba quân trong luyện tập, chiến đấu. Theo truyền thuyết võ nhạc Tây Sơn là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Nhạc võ Tây Sơn gồm 1 bộ 12 cái trống để tượng trưng cho 12 con giáp. Bộ trống được dựng thành giàn theo thứ tự 3 hàng từ lớn đến nhỏ. Nghệ nhân đánh trống có thể khiến người nghe cảm thấy mưa rào thác đổ, khi nhặt, khi khoan, khi dồn dập, khi hào hùng phấn chấn. Người đánh trống vừa đánh vừa di chuyển chứ không ngồi như nhạc công tấu nhạc.

Chơi nghệ thuật bài chòi

Nghệ thuật hát bài chòi bắt nguồn từ hội bài chòi ngày xưa. Hội thường được tổ chức vào mùa xuân. Người ta dựng 9 chòi hình chữ V, ở giữa là chòi trung ương. Trong một cuộc chơi bài chòi, anh hiệu là người hô những câu thai của từng con bài như: nhứt trò, nhì bí, tam quảng... Kết thúc một hiệp chơi các nghệ nhân hô bài chòi diễn từng đoạn tuồng cổ. Bài chòi Bình Định thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của mình trong hàng loạt làn điệu như hò quảng, xàng về, và các làn điệu dân ca... Sân khấu bài chòi được thể hiện những nét đặc sắc của một bộ môn nghệ thuật dân tộc ngọt ngào và đằm thắm.

Hát Bội


Là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát Bội, Bình Định đang bảo tồn, thừa kế và phát huy nghệ thuật hát Bội mang phong cách Đào Tấn, một loại hình nghệ thuật vừa bác học nhưng lại vừa mang tính dân gian gần gũi với quần chúng. Bao thế hệ khác nhau trên mảnh đất này vẫn ra sức giữ gìn, trau truốt loại hình nghệ thuật hát này để trở thành nét văn hóa đặc thù riêng của Bình Định.

Lễ hội Đống Đa

Đây là lễ hội lớn để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung, Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ngoài nghi lễ truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, các trò chơi dân gian, hát bội... thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước về tham dự.

Lễ hội đổ giàn

Trong lễ hội, hấp dẫn và cuốn hút nhiều người là hội xô cỗ (người Việt gọi là xô giàn). Người ta thiết lập một đàn cúng cao, trên đó đặt nhiều đồ cúng gồm hương, hoa, trà, quả, cỗ gạo, bánh và cỗ heo nặng khoảng vài chục cân. Sau những nghi thức, vị chủ tế tuyên bố xô giàn, cho phép cuộc tranh tài bắt đầu. Các võ đường cùng nhau tìm thế tranh lấy con heo.. .Sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang theo con hep chạy về địa điểm an toàn đã định. Tất nhiên mỗi nhóm tranh tài đã có phân công người nào bảo vệ, can ngăn những đối thủ lợi hại khách có thể gật lại ngay trên tay. Hội đổ giàn ở Bình Định luôn thu hút người xem.

Địa điểm du lịch tại Bình Định

Bãi tắm Quy Nhơn

Nằm giữa lòng thành phố biển xinh đẹp cùng tên, bãi tắm Quy Nhơn được thiên nhiên cực ưu ái với bãi cát vàng dài lấp lánh dọc bờ biển cùng những rặng núi thấp bao xung quanh. Trước đây, bãi tắm này là nơi nuôi trồng thủy - hải sản của người dân địa phương và mới chỉ đi vào khai thác du lịch từ 2014.


Là một trong những địa điểm du lịch Bình Định mới mẻ, bãi tắm này thu hút du khách nhờ hình dáng trăng khuyết cực độc đáo ôm dọc theo bờ biển kéo dài tầm 5km (từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng). Đặc biệt, bãi tắm này còn gần kề phố ẩm thực Xuân Diệu nên bạn sẽ không lo bụng đói khi đang tham gia các hoạt động giải trí tại đây.

Ghềnh Ráng Tiên Sa

Tương tự bãi tắm Quy Nhơn, Ghềnh Ráng Tiên Sa là địa điểm du lịch Bình Định nằm gần trung tâm thành phố (chỉ cách khoảng 3km về phía Đông Nam). Bạn có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô, xe khách hoặc máy bay để đến Quy Nhơn, sau đó, bắt xe tiếp ra Ghềnh Ráng nằm ở số 3 Hàn Mặc Tử, phường Ghềnh Ráng.
Nơi đây nổi tiếng với chuỗi bãi đá nằm liền kề nhau chạy dọc theo núi Xuân Vân. Không chỉ có thiên nhiên, Ghềnh Ráng Tiên Sa còn “chiêu đãi” bạn bằng một loạt tọa độ hấp dẫn khác nằm trong khu du lịch cùng tên như bãi tắm Hoàng Hậu (hay bãi Đá Trứng), mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, nhà thờ Ghềnh Ráng…

Eo Gió

Cách nội đô Quy Nhơn khoảng 20km, Eo Gió là một tọa độ sơn thủy hữu tình với những mỏm núi đá phủ đầy cây bụi “vòng tay” ôm trọn eo biển xanh màu ngọc bích. Nếu bạn yêu thích du lịch bụi thì đây là một trong những địa điểm check-in ở Bình Định lý tưởng nhất.
Chưa cần đặt chân đến Eo Gió, bạn sẽ ngỡ càng trước khung cảnh cực đã mắt của cung đường dẫn đến điểm đến nổi tiếng này. Di chuyển từ trung tâm Quy Nhơn, bạn sẽ đi qua đầm Thị Nại rồi đến cầu vượt biển và mở ra một màu xanh tít tắp của mây trời, núi, biển và hàng phi lao chạy dọc theo đồi cát.

Biển Kỳ Co

Bộ đôi Kỳ Co - Eo Gió là những địa điểm du lịch Bình Định mới nổi thời gian gần đây. Với khoảng cách 25km từ trung tâm Quy Nhơn, bạn có thể đến Kỳ Co bằng taxi và tiếp tục đi cano. Thuộc địa phận bán đảo Phương Mai, Kỳ Co có diện tích vỏn vẹn 1km2 với vẻ đẹp nguyên sơ, biển nông và lặng gió.
Như bao địa danh khác ở Bình Định, bạn sẽ choáng ngợp bởi nước non hùng vỹ và thiên nhiên hoang sơ nơi đây. Biển Kỳ Co cực trong xanh (nhất là vào bình minh) và được bao bọc bởi nhiều phiến đá có hình thù độc đáo.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé. 

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ