Các khoản thu nhập nào phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp
luật? Đối tượng nào được áp dụng việc miễn giảm thuế 30% theo quy định của pháp
luật? Việc giảm thuế 30% cho doanh nghiệp là dựa trên thuế thu nhập doanh nghiệp
hay thuế giá trị gia tăng?
Để giải đáp các vấn đề trên chúng ta cùng nhau tìm hiểu nội dung sau đây
nhé.
I. Các khoản thu nhập nào phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật?
Căn cứ
Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi được
sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 về thuế sửa đổi 2014) quy định về thu nhập chịu thuế như sau:
"Điều 3. Thu nhập chịu thuế
1. Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập
từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy
định tại khoản 2 Điều này.
2. Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ
chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng
bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự
án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;
thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ
quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển
nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá;
thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó
đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản
thu nhập khác.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần
thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh
nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh
đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các
nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp
thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức
thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so
với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật thuế thu nhập doanh
nghiệp của Việt Nam.”
Theo đó, các khoản thu nhập chịu thuế gồm thu nhập từ chuyển
nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động
sản,...và các khoản khác theo quy định nêu trên.
II. Đối tượng nào được áp dụng việc miễn giảm thuế 30% theo quy định của pháp luật?
Căn cứ Điều 1 Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng
như sau:
"Điều 1. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với người nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng
hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp)
theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 116/2020/QH14, bao gồm:
1.
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2.
Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
3. Đơn vị sự nghiệp được
thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Tổ chức khác được
thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh
doanh có thu nhập."
Theo đó, các đối tượng được áp dụng giảm 30% thuế bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
III. Việc giảm thuế 30% cho doanh nghiệp là dựa trên thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế giá trị gia tăng?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định về việc giảm thuế thu
nhập doanh nghiệp như sau:
"Điều 2. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Giảm 30% số thuế thu
nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020
đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200
tỷ đồng.
2. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp
dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này là tổng doanh thu
trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm
toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá,
phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế
thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trường hợp
doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh
nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải
thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 hoạt động
không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng tổng
doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 chia
(:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong
kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 nhân (x) với 12 tháng. Trường
hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh
nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải
thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.
..."
Căn cứ quy định nêu trên, thì
việc giảm thuế 30% cho doanh nghiệp là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
nên việc xác định doanh nghiệp có được giảm thuế hay không sẽ căn cứ vào
thuế thu nhập doanh nghiệp chứ không phải thuế giá trị gia tăng.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn
đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật
thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.