Bộ Cửu đỉnh

2025/01/14

ViệtNam-Lịchsử

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ cùng các bạn quay về quá khứ lịch sử Việt Nam để tìm hiểu một trong các hiện vật lịch sử nổi tiếng và có sự ảnh hưởng lớn đến văn hóa của dân tộc Việt Nam, đó chính là bộ Cửu đỉnh thông qua bảo vật quốc gia này chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, những dấu mốc thăng trầm của tổ quốc từ đó khẳng định lãnh thổ chủ quyền đất nước đến bạn bè thế giới. Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam, vậy hãy cùng AGS đi tìm hiểu giai thoại nêu trên để chúng ta có những cái nhìn sâu sắc hơn bạn nhé.

Cửu đỉnh là bộ 9 chiếc đỉnh đồng lớn được đúc tại Kinh thành Huế dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Việc đúc Cửu đỉnh được bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi (1835) và hoàn thành đầu năm 1837. Đỉnh được coi là biểu tượng uy quyền của triều đình quân chủ, tượng trưng cho đế nghiệp muôn đời bền vững. Cửu đỉnh được coi là "Bộ bách khoa thư của Việt Nam", là bộ "Dư địa chí của Việt Nam" được các học sĩ thời phong kiến “soạn” một cách tổng quát, điển hình, phong phú và là cụm tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị văn hóa và lịch sử cao của dân tộc Việt Nam. Mới đây “Những bản đúc nổi trên chính đỉnh đồng Hoàng cung Huế” (Cửu đỉnh) đã được ghi danh là Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Cửu đỉnh được đúc dưới thời vua Minh Mạng (đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ miếu (Hoàng thành Huế) với ý tưởng thể hiện sự chính thống, trường tồn của triều đại. Cửu đỉnh gắn liền với số 9 - được coi là con số linh thiêng, may mắn trong văn hóa phương Đông.
'Bộ bách khoa toàn thư' sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ Theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, vua Minh Mạng từng ban dụ cho nội các rằng: "Ðỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Từ xưa, các minh vương đời tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm. Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh đặt ở nhà Thế miếu, để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc".


Cửu đỉnh bao gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Đỉnh hình bầu tròn, hai quai hình vuông và hình tròn, 3 chân. Trên miệng mỗi đỉnh khắc 2 dòng chữ Hán, ghi niên đại đúc và trọng lượng của đỉnh. Các hình ảnh được lựa chọn để thể hiện trên 9 chiếc đỉnh cũng có thể coi là một bộ bách khoa toàn thư sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ. Các địa danh có những ngọn núi mang ý nghĩa đặc biệt đối với triều Nguyễn: Núi Thiên Tôn, sông Hương, núi Ngự, đại diện của miền Trung, đại diện cho vùng đất do tổ tiên nhà Nguyễn mở mang bờ cõi ở phương Nam và cũng là nơi Nguyễn Ánh dấy nghiệp; các con kênh đào, công trình thủy lợi có ý nghĩa thiết thực được thực hiện dưới thời Nguyễn; hình ảnh của các loài cây, con và sản vật các miền đất nước, các loài chim thú; các loài cây lấy gỗ hoặc cây ăn quả. Tất cả được lựa chọn để làm đại diện cho sự phồn thịnh của tài nguyên đất nước. Trên Cửu đỉnh còn có các đại diện của nền kỹ thuật quân sự, các cửa ải quan yếu, các cửa biển của đất nước.


Cụ thể, Cao đỉnh khắc các hình: Mặt trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chử, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, hổ, ba ba, rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn.
Nhân đỉnh khắc các hình: Mặt trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phả Lợi, chim công, báo, đồi mồi, cá voi, hoa sen, quả nam trân, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa.
Chương đỉnh khắc các hình: 5 sao, biển Tây, núi Thương Sơn, sông Linh Giang, sông Lợi Nông, gà, tê, rùa, cá sấu, hoa nhài, quả xoài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông, súng điểu thương.
Anh đỉnh khắc các hình: Sao Bắc đẩu, sông Ngân Hán, núi Hồng Sơn, sông Mã, sông Lô, hạc, ngựa, ve, rắn, hoa văn côi, cây cau, cây dâu, cây tô hợp, cây thị, cây nghệ, lá cờ, đàn bươm bướm.
Nghị đỉnh khắc các hình: Sao Nam đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, voi, bươm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền Hải đạo, súng trường.
Thuần đỉnh khắc các hình: Gió, cửa biển Cần Giờ, núi Tản Viên, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, chim hoàng oanh, bò lang, trai, cá rô, hoa quỳ, cây đào, cây đậu vàng, cây túc sa, cây gỗ táu, cây hương nhu, cái thuyền, bài đao.
Tuyên đỉnh khắc các hình: Mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam Giang, sông Nhị Hà, chim yểng, lợn, giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ. Dụ đỉnh khắc các hình: Sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, sông Vĩnh Điện, vẹt, dê, con hến, cá lành canh, hoa dâm bụt, quả lê, đậu trắng, lá dầu, cây thông, cây tử tô, thuyền ô, dao phác. Huyền đỉnh khắc các hình: Mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, ngựa, cà cuống, trăn, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái.


Báu vật của đất nước

Cửu đỉnh được đúc theo phương thức thủ công truyền thống. Khuôn đúc bằng đất sét cũng được tạo tác thủ công vô cùng tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành, tất cả khuôn đúc được phá bỏ để tránh sự sao chép. Tạo hình các đỉnh, cũng như các hình khắc, hoa văn, họa tiết trên Cửu đỉnh vô cùng tinh xảo và độc đáo, chưa từng có trong các công trình, tác phẩm mỹ thuật đã tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Các hình khắc trên đỉnh được bố cục, sắp xếp vô cùng chặt chẽ trong mối quan hệ với nội dung, vùng miền. Nghệ nhân khi thể hiện hình chạm trên Cửu đỉnh đã không phụ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể, cũng như tỷ lệ kích thước của chúng, mà sáng tạo bằng cách sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương trên đỉnh để tạo sự hài hòa. Vì thế, có những vật thể thu nhỏ nhiều, nhưng lại có những vật thể thu lại không đáng kể; có hình khái quát, nhưng lại có hình khá chi tiết, rất sinh động với những chi tiết đặc thù. Các đỉnh có chung hình dáng nhưng các chi tiết khác nhau, khối lượng và kích thước cũng khác nhau. Đỉnh cao nhất là 2,5m và nặng nhất là 2.601kg (Cao đỉnh), đỉnh thấp nhất là 2,31m, nhẹ nhất là 1.935kg (Huyền đỉnh). Chính vì vậy, Cửu đỉnh là độc bản, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu. Cửu đỉnh thể hiện giá trị điêu khắc tuyệt mỹ của nghệ thuật, kỹ thuật đúc đồng đương thời của người Việt ở thế kỷ XIX và là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất đất nước.
Từ khi an vị ở sân Thế Tổ miếu - Hoàng thành Huế (năm 1837) tới nay, Cửu đỉnh chưa từng được di dời đi nơi khác và cũng chưa từng phải duy tu, sửa chữa. Trải qua gần 200 năm, qua khói lửa chiến tranh, Cửu đỉnh vẫn tồn tại và xứng đáng là một kiệt tác điêu khắc của người xưa, niềm tự hào của triều Nguyễn và nay là báu vật của đất nước.
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu (Huế), người đã có nhiều năm nghiên cứu Cửu đỉnh, tác giả cuốn sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” đã đánh giá: “Bức tranh hoành tráng trên chất liệu đồng ấy rất hiện thực, vừa gần gũi dân gian, vừa sang trọng ở chốn cung đình, nhưng lại cắm sâu vào linh mạch thiêng liêng của sơn hà xã tắc để tạo nên vẻ đẹp huyền diệu của nghệ thuật tạo hình Việt Nam”.
Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán-Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy các vị vua triều Nguyễn một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ