Tác phẩm “Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù)

2025/01/10

ViệtNam-Lịchsử

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ cùng các bạn quay về quá khứ lịch sử Việt Nam để tìm hiểu một trong các sự kiện lịch sử nổi tiếng và có sự ảnh hưởng lớn đến tương lai của dân tộc Việt Nam, đó chính là tác phẩm “Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) thông qua tác phẩm này chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, những dấu mốc thăng trầm của tổ quốc từ đó khẳng định lãnh thổ chủ quyền đất nước đến bạn bè thế giới. Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam, vậy hãy cùng AGS đi tìm hiểu giai thoại nêu trên để chúng ta có những cái nhìn sâu sắc hơn bạn nhé.


Sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, cuối tháng 1- 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động, tiến hành Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và thành lập Mặt trận Việt minh, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa phong trào cách mạng nước ta tiến vào một thời kỳ mới. Tháng 8 năm 1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường trở lại Trung Quốc với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự viện trợ của nước ngoài. Trên đường đi đến Túc Vinh, Quảng Tây ( ngày 29 - 8 - 1942), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và bị chúng đầy ải qua gần 30 nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, trong khoảng thời gian 13 tháng, đến ngày 10 tháng 9 năm 1943 mới được thả tự do, nhưng vẫn ở lại Liễu Châu hoạt động khoảng gần một năm trời nữa mới có điều kiện trở về nước. Trong thời gian bị cầm tù, Người đã sáng tác 133 bài thơ bằng chữ Hán được ghi trong một cuốn sổ tay mà Bác đặt tên là Ngục trung nhật ký ( tức Nhật ký trong tù).


Tiếng thơ được ngân rung từ trái tim một con người vĩ đại trong một hoàn cảnh rất đen tối. Hoàn cảnh đó là hoàn cảnh tù đày, giam hãm, xiềmg xích, tra xét. Con người mất tự do, còn là sự lo âu về sống chết, mất còn. Thế mà Bác vẫn ung dung làm thơ, làm được nhiều và làm được thơ hay. Không phải viết bằng tiếng Việt ( tiếng mẹ đẻ) mà viết bằng chữ Hán ( tiếng Trung Quốc), bắng các thể thơ mang màu sắc cổ điển Trung Quốc, sau này được nhiều nhà văn hoá Việt Nam và nước ngoài đánh giá rất cao. Coi nhiều bài thơ của Bác có thể sánh ngang với thơ Đường, thơ Tống, thật là vinh dự lớn lao.


Bác đã có sẵn năng lực làm thơ. Từ nhỏ Người đã tập làm thơ bằng chữ Hán. Câu đối mà cũng là thơ do Người làm ra trong một buổi học chữ nho từ lúc hơn mười tuổi:" Chung Sơn vượng khí thành kiên cố/ Trắc lĩnh đa vân thị lão niên", dịch là:" Núi Chung khí vượng nên kiên cố/ Non Lĩnh nhiều mây hoá lâu năm", được thầy đồ Vương khen như là của một "thi nhân chân cảm" ( Nhà thơ có cảm xúc thực sự)(1). Khi hoạt động ở nước ngoài và về nước hoạt động Người đã làm nhiều bài thơ tiếng Việt dùng để tuyên truyền, trong đó có nhiều bài đã tạo nên bản sắc riêng rất giầu hình tượng cảm xúc, rất dễ ghi nhớ. Về chữ Hán chỉ có một bài:" Thượng sơn" ( Lên núi), có những câu:" Cử đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai. ", dịch là:" Ngẩng đầu: mặt trời đỏ/ Bên suối, một nhành mai". Một hình tượng thơ độc đáo, đã làm mọi thi nhân bái phục cái căn cốt thơ chữ Hán của Người.


Nhưng Bác không có điều kiện làm thơ, vì phải tập trung toàn bộ trí lực để tìm cách cứu nước, cứu dân. Bị giam cầm, bức bí, Người mới làm thơ ngâm vịnh. Điều này Người đã nói rõ trong bài Khai quyển:"Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vào trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.". Đó chính là cái lý do khách quan để có tiếng thơ này, nhưng cái lý do chủ quan là con người thi nhân trong Bác. Người đã là một nhà thơ thực thụ có khả năng viết bằng hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Trung. Dù là hai thứ tiếng nhưng hồn thơ của Người chỉ là một mà thôi. Lúc thăng hoa làm thơ, Người đinh ninh nhận mình là một nhà thơ:" Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ."( Vọng nguyệt).
Nhà thơ cất lên tiếng thơ trong suốt thời gian bị giam cầm. Nhưng lại tập trung vào thời gian đầu, thời gian bức xúc nhất, vất vả nhất, phải chịu đựng những thử thách cam go nhất, chính lúc ấy nhà thơ lại xuất thần nhiều nhất, làm được nhiều thơ nhất. Thời gian ấy là 4 tháng, Người đã bị giải, bị giam mà không có tội gì:" Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã ở qua/ Phạm tội gì đây? Ta tự hỏi/ Tội trung với nước, với dân à?" ( Đến Cục chính trị chiến khu IV). Chính tại nơi đây, trong một đêm không ngủ Người đã viết:" Năm canh thao thức không nằm/ Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi"( Đêm không ngủ).
Thơ nhật ký của Người ghi lại chân thực, chi tiết chế độ nhà tù cũng như chế độ xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Đó là một chế độ thối nát, mục ruỗng, nhiều tệ nạn, nhiều bất công; con người thì cùng cực, chịu nhiều khổ đau. Tập thơ còn tập trung phản ánh rõ nét con người Hồ Chí Minh về đời sống vật chất, đời sống tinh thần trong suốt thời gian ở tù. Trong đó có nói đến cả mối quan hệ của Người với những người cầm quyền, từ những viên cai ngục, đến những nhà chức trách của nhiều cấp của chính quyền Tưởng. Nhưng nội dung chủ đạo của tập cả tập thơ lại thể hiện con người Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại. Như nhà thơ Viên Ưng ( Trung Quốc) đã viết khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù:" Chúng ta được gặp tâm hồn vĩ đại của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng... Tôi cảm thấy trái tim vĩ đại đó đã toả ra ánh sáng chói ngời trong hoàn cảnh tối tăm".
Thơ là tiếng nói của một tâm hồn con người. Tiếng thơ Nhật ký trong tù là tiếng nói của Hồ Chí Minh một bậc đại trí. Cái đại trí của Người là những nhận thức đúng đắn về cuộc sống nhân sinh, về thời cuộc, về đường lối chiến lược, chiến thuật của cách mạng. Trong hoàn cảnh lao tù, con người mất tự do, Người luôn hướng về tự do, nghĩ về tự do. Người đáng giá cao tự do:" Tự do tiên khách trên trời"( Quá trưa); con người mất tự do thì xót xa cay đắng:" Cay đắng chi bắng mất tự do"(Cảnh binh khiêng lợn cùng đi), hay:" Đau khổ chi bằng mất tự do"(Bị hạn chế); luôn mong mỏi tự do:" Nhòm qua cửa sổ ngắm trời tự do"( Đêm không ngủ ); khẳng định mình sẽ được tự do:" Ngày tự do âu cũng chẳng chầy"( Đến dinh trưởng quan)...Về cuộc đời có gian nan vất vả, những sẽ có ngày vui:"Hết khổ là vui vốn lẽ đời "; về quy luật biến đổi của thiên nhiên:" Hết mưa là nắng ửng lên thôi"( Trời hửng)...Là cái nhìn về thời thế, khi cuộc kháng Nhật bấy giờ là nhiệm vụ chung của các dân tộc châu Á:" Kháng Nhật cờ bay khắp Á châu/ Cờ to cờ nhỏ chẳng đều nhau/ Cờ to ắt hẳn là nên có Cờ nhỏ dù sao, thiếu được đâu."( Ngày 11 tháng 11). Về cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã đến thời điểm phải nhất loạt vùng lên:" Thà chết chẳng cam nô lệ mãi/ Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền"( Việt Nam có bạo động). Đó là cái nhìn về chiến lược, chiến thuật cách mạng, nhà văn hoá lớn Quách Mạt Nhược( Trung Quốc ) đã có nhận xét về Bác:" Có một vị lãnh tụ rất tài giỏi khéo kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng tuỳ từng lúc, từng nơi, khéo tập trung ý chí của nhân dân làm thành sức mạnh vật chất không gì chống lại được, điều đó có quan hệ tới sự thành bại và sự thành công sớm hay muộn của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chủ tịch tựa hồ đã nhận rõ điều đó, tôi xin dẫn đoạn thứ ba của bài Học đánh cờ trong tập thơ để chứng minh: Vốn trước hai bên ngang thế lực/ Mà sau thắng lợi một bên dành/ Tấn công phòng thủ không sơ hở/ Đại tướng anh hùng mới xứng danh. Đấy chẳng phải là lấy việc học đánh cờ để ví với mối quan hệ giữa sự nghiệp cách mạng và nhân vật lãnh tụ đó sạo." Cái đại trí còn thể hiện cái nhìn sâu sắc về đời sống nhân sinh, những hoài cảm và những suy tưởng của Bác về sự vật, sự việc trong nhiều bài thơ, câu thơ khác. Cái đại trí làm nên đặc điểm nhân cách cao cả con người Hồ Chí Minh.
Tiếng thơ của Hồ Chí Minh là tiếng nói của bậc đại nhân được thể hiện rất rõ qua tấm lòng thiết tha yêu Tổ quốc, yêu thương, trân trọng con người, lòng yêu thiên nhiên, tình cảm quốc tế trong sáng của Người. Trước hết là tình yêu Tổ quốc, là tình cảm thường trực ở Người, nhiều đêm nhớ nước Người không ngủ được:" Một canh, hai canh, lại ba canh/ Trằn trọc băn khăn giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.( Ngủ không được ) Hoặc là cả nỗi nhớ xa xôi:" Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ/ Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay"( Đêm thu). Nỗi nhớ đồng bào đồng chí canh cánh bên lòng:" Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng/ Tin tức bên nhà bữa bữa trông."( Tức cảnh)". Thế mà mình vẫn phải chịu cảnh lao tù, nơi đất khách. Lúc ốm đau, bệnh trọng nỗi nhớ thương ấy càng da diết:" Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh/ Nội thương đất Việt cảnh lầm than"( Ốm nặng). Thứ tình cảm ấy, còn là thứ tình cảm quốc tế trong sáng ở Người, càng được thể hiện rõ hơn khi trực tiếp nói lên niềm vui của người nông dân đất Quảng Tây sau mùa thu hoạch: " Khắp chốn nông dân cười hớn hở/ Đồng quê vang dậy tiếng ca vui." ( Cảnh đồng nội); thông cảm với người Phu làm đường:" Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/ Phu đường vất vả lắm ai ơi"; lo lắng trước hoàn cảnh mất mùa của đồng bào:" Nghe nói xuân này trời đại hạn/ Mười phần thu hoạch chỉ vài phân". Lòng nhân của Người còn được thể hiện rất sâu sắc trong tình thương người nhất là người phụ nữ. Đây là người phụ nữ có chồng đi xa:" Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi/ Lên lầu ai đó ngóng trông nhau" (Người bạn tù thổi sáo); đây là cảnh một người Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng:" Gần nhau trong tấc gang/ Mà biến trời cách biệt"; còn đây là người vợ phải chịu đi tù thay cho chồng trốn lính:" Quan trên xét thấy em cô quạnh/ Nên lại mời em đến ở tù" ( Gia quyến người bị bắt lính); và đây nữa cả vợ cả con người trốn lính bị giam cầm:" Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi/ Phải theo mẹ đến ở nhà pha." ( Cháu bé trong ngục Tân Dương). Thương cả người tù cờ bạc, nạn nhân của chế độ xã hội, gầy yếu bệnh tật không ai cứu giúp bị chết cứng trong tù:" Hôm qua còn ngủ bên tôi/ Sáng nay anh đã về nơi suối vàng," ( Một người tù cờ bạc "chết cứng"). Chữ nhân của Người còn thể hiện ở sự cam thông, chia sẻ, sự đánh giá cao về những vật vô tri vô giác, như cái răng của mình:" Ngọt bùi cay đắng từng chia sẻ/ Nay phải xa nhau kẻ một đường"( Rụng mất một chiếc răng); đối với cái gậy mà tưởng như là người tri kỷ:" Giận kẻ bất lương gây cách biệt/ Đôi ta dằng dặc nội buồn thương." ( Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy của ta); với cái Cột cây số chỉ đường, chỉ hướng:" Mọi người nhớ anh mãi/ Công anh chẳng phải thường."; hay đối với chú gà trống gáy sáng:" Một tiếng toàn dân bừng tỉnh dậy/ Công mi đâu có phải là xoàng." ( Nghe gà gáy). Cái nhân còn ở tình cảm đối với thiên nhiên sâu sắc, hình như cái tình ấy không tách rời ra bao giờ, nó bền chặt keo sơn, tri kỷ, chí tình, khi đi đường, lúc trong nhà giam và cả khi được tự do đi du ngoạn. Có tình yêu thiên nhiên sâu sắc mới có những câu thơ đẹp:" Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây lơ lửng giữa từng không"( Chiều tối); Hay :" Núi cao rồi lại núi cao trùng/ Núi cao lên tới tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non."( Đi đường); và :" Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng bụi không mờ"( Mới ra tù, tập leo núi). Đặc biệt trong tập thơ chúng ta còn thấy cả tình cảm của Người dành cho những con người tốt, mặc dù họ là cai ngục hay quan chức các cấp của chính quyền Tưởng như trưởng ban họ Mạc, tướng quân Lương Hoa Thịnh, Hầu chủ nhiệm.... Rõ ràng những tình yêu Tổ quốc, thương đồng bào, nhân dân lao động, quần chúng cần lao, những con người tốt, tình yêu thiên nhiên và cả tình thương với những vật vô tri, con vật bình thường làm nên mẫu mực đạo đức, làm nên tấm lòng nhân ái cao cả sáng như ngọc trong con người Hồ Chí Minh.
Tiếng thơ trong Nhật ký trong tù còn thể hiện con người đại dũng Hồ Chí Minh. Con người đại dũng tập trung ở khí phách kiên cường, tinh thần vượt qua gian lao thử thách, niềm tin, lòng lạc quan cách mạng ở Người. Khí phách ấy, được nói lên ngay lời mở đầu của tập thơ:" Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ tinh thần càng phải cao." Trong hoàn cảnh lao tù, trước sự hành hạ, cưỡng chế, tra xét Người không hề sợ hãi, nao núng mà lại tự động viên:" Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng." ( Tự khuyên mình). Trong nhà tù thử thách nhiều, bị giải đi giải lại, cơm ăn không no, áo không đủ ấm, không khí ngột ngạt, không được tắm giặt, ghẻ lở, ốm đau, thiếu thốn đủ bề, bị cùm bị xích, bị coi thường, bị bôi xấu mà Người vẫn ung dung tự tại, vượt lên, coi đó là thử thách mà để quên đi nỗi vất vả, gian nan :"Năm mươi ba dặm, một ngày trời/ áo mũ ướt dầm, dép tả tơi/ Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ/ Ngồi trên hố xí đợi ngày mai." (Mới đến nhà lao Thiên Bảo), để tình cảm, tư tưởng hướng về thiên nhiên:" Mặc dù bị trói chân tay/ Chim bay rộn núi hương bay ngát rừng/ Vui say, ai cấm ta đừng/ Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hưu."( Trên đường); nhớ về cuộc sống con người nhân gian khi chính bản thân mình bị trói treo chân trên thuyền:" Làng xóm ven sông đông đúc thế/ Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh."( Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh). Cao nhất là lòng lạc quan yêu đời. cười ngạo nghễ trước cực hình:" Rồng cuốn vòng quanh chân với tay/ Trông như quan võ cuốn tua vai/ Tua vai quan võ bằng kim tuyến/ Tua của ta là một cuộn gai."( Dây trói). Niềm tin sắt đá vào bản thân, vào ngày mai:" Người thoát khỏi tù ra dựng nước/ Qua cơn hoạn nạn tỏ lòng ngay/ Người biết lo âu ưu điểm lớn / Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay."( Chiết tự). Như vậy là cái đại dũng làm nên bản lĩnh phi thường, phẩm chất anh hùng của con người Hồ Chí Minh.
Đọc Nhật ký trong tù chúng ta được gặp tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy trái tim của Người toả ánh sáng ra chói ngời trong hoàn cảnh tối tăm. Hoàn cảnh trong tù là hoàn cảnh đặc biệt không bình thường. Người bị giam hãm, đoạ đầy, trói buộc, xiềng xích, bị nghi ngờ, bêu diễu, cấm đoán, mất hết cả tự do. Tiếng thơ từ tâm hồn Người theo thời gian vẫn cất lên, bất chấp sự cùng khổ về vật chất cũng như tinh thần, coi thường cả sự hiểm nguy, dũng mãnh vượt lên gian lao thử thách, ngạo nghễ để chiến thắng, thể hiện phong thái ung dung, niềm tin tưởng lạc quan son sắt, tình cảm giao hoà với thiên nhiên; đặc biệt là tình cảm thắm thiết đối với con người. Một thứ tình cảm yêu thương vô hạn với tất cả con người mà ta thường thấy ở Người trong lúc bị giam cầm và cả lúc thường, khi Người trở thành lãnh tụ, người đứng đầu quốc gia. Đọc tập thơ, chúng ta không hề gợn một chút bi quan, sầu não, u buồn nào ; chỉ thấy sự sống tràn trề, niềm tin mãnh liệt, lòng tha thiết với tự do, hy vọng vào ngày mai chiến thắng, tốt tươi. Chính hồn thơ ấy, đã toả ra ánh sáng chói ngời xua đi bóng tối làm trong sáng con người, thiên nhiên, làm sống dậy cuộc đời chung và tương lai tươi đẹp. Bây giờ đọc thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, chúng ta càng yêu tiếng thơ của Người. Tiếng thơ của con người vĩ đại trong hoàn cảnh tù đầy đã thể hiện viên mãn nhân cách cao cả, lòng nhân ái bao la, bản lĩnh phi thường. Chúng ta càng tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, chính Người đã làm rạng rỡ mỗi con người chúng ta, dân tộc ta, non sông đất nước ta.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng kết

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ