Trong thời đại kinh tế hội nhập và phát triển như hiện nay, việc doanh nghiệp nước ngoài (gọi chung là “Thương nhân nước ngoài”) muốn thành lập Văn phòng đại diện (gọi chung là “RO”) để mở rộng thị trường, tiếp cận nhiều khách hàng mới là cách làm được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Trong quá trình thành lập và hoạt động của RO, Thương nhân nước ngoài thường hay cử nhân sự của mình sang Việt Nam hoặc thuê mướn nhân sự là người Việt Nam để quản lý và điều hành Văn phòng đại diện. Theo đó, trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra một số vấn đề pháp lý liên quan đến người đứng đầu Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.
1. Liệu RO có thể trở thành một bên trong hợp đồng lao động hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 18 Bộ luật lao động 2019 thì chủ thể ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động có thể là đại diện của tổ chức không có tư cách pháp nhân hoặc hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Thêm vào đó, căn cứ tại Điểm c, Khoản 2, Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP cũng khẳng định Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập là người sử dụng lao động.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3, Điều 17 và Khoản 3, Điều 18 Luật thương mại 2005 thì Văn phòng đại diện có quyền tuyển dụng và ký kết hợp đồng lao động với người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp các hợp đồng đã được ký kết bởi Thương nhân nước ngoài trước đó)
Như vậy có thể khẳng định, RO có thể là một bên trong hợp đồng lao động.
2. Liệu người đứng đầu RO có bắt buộc cư trú tại Việt Nam hay không?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì người đứng đầu Văn phòng đại diện phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trong trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thì thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu văn phòng đại diện theo Khoản 5 Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.
Như vậy, về mặt pháp luật thì người đứng đầu RO phải có mặt tại Việt Nam. Trong trường hợp người này xuất cảnh khỏi Việt Nam thì phải ủy quyền cho người khác.
3. Liệu Người đứng đầu Văn phòng đại diện có được kiêm nhiệm các chức vụ nào khác không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6, Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì người đứng đầu RO không được kiêm nhiệm các chức vụ sau
Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;
Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;
Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;
Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
4. Các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài?
(Xem thêm Luật bảo hiểm xã hội 2014; Luật việc làm 2013; Luật bảo hiểm y tế 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.)