1. Trưởng Văn phòng đại diện có bắt buộc phải có mặt tại Việt Nam trong thời gian thành lập VPĐD không?
Không có quy định yêu cầu Trưởng VPĐD phải có mặt tại Việt Nam trong quá trình xin Giấy Phép. Trưởng VPĐD có thể ủy quyền cho người khác để thay mình thực hiện quy trình này.
2. Trưởng Văn phòng đại diện có bắt buộc phải luôn có mặt tại Việt Nam trong quá trình hoạt động của VPĐD không?
Không có quy định yêu cầu Trưởng VPĐD phải luôn có mặt tại Việt Nam trong quá trình hoạt động của VPĐD. Trưởng VPĐD phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi xuất cảnh khỏi Việt Nam (phải được sự đồng ý của thương nhân nước ngoài). Tuy nhiên, Trưởng VPĐD vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền (theo Khoản 3 Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP).
Nếu Trưởng VPĐD không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thì thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm Trưởng VPĐD (Căn cứ theo Khoản 5 Điều 33 Nghị định 07/2-16/NĐ-CP).
3. VPĐD và Trưởng VPĐD phải thực hiện những nghĩa vụ về thuế nào?
VPĐD phải thực hiện các nghĩa vụ thuế sau:
-
Thuế môn bài;
-
Thuế thu nhập cá nhân (PIT) của Trưởng VPĐD và người lao động của VPĐD;
-
Thuế giá trị gia tăng (VAT) khi VPĐD sử dụng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam khác (có hóa đơn GTGT kèm theo).
Lưu ý: VPĐD không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) tại Việt Nam.
Trưởng VPĐD phải thực hiện nghĩa vụ thuế PIT.
4. VPĐD có cần đăng ký nội quy lao động nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên không?
Đầu tiên, VPĐD có thể là người sử dụng lao động trong từng trường hợp cụ thể. Bởi lẽ căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 17 và Khoản 3 Điều 18 Luật thương mại 2005 thì Văn phòng đại diện có quyền tuyển dụng và ký kết hợp đồng lao động với người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mặc khác, căn cứ Khoản 2 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động được định nghĩa là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận…
Như vậy, nếu VPĐD có hoạt động giao kết, giao mướn và sử dụng người lao động thì VPĐD chính là người sử dụng lao động. Theo đó, VPĐD sẽ có nghĩa vụ như một người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Nghĩa là VPĐD phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản. Nội quy lao động sau khi ban hành phải được gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và thông báo đến toàn bộ người lao động, đồng thời niêm yết nội dung chính ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc (Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật lao động 2019 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
#Thảo Nguyễn
#INC
#HCM