TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6254/TXNK-CST | Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty CP Vận tải Xăng dầu Đường Thủy Petrolimex.
(Tầng 7 Tòa nhà 322 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh)
1. Về phân loại hàng hóa:
Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính quy định: Nhóm 89.01 bao gồm các hàng hóa “Tàu thủy chở khách, du thuyền, phà, tàu thủy chở hàng, xà lan và các tàu thuyền tương tự để vận chuyển người hoặc hàng hóa”.
Theo thông tin công ty cung cấp tại công văn số 287/PJT-CV-TGĐ kèm theo Biên bản kiểm tra giám định kỹ thuật tàu của Cục Đăng kiểm Việt Nam số 0009/19TB ngày 30/04/2019: Tàu có tên ESTOLAR là loại tàu hóa chất chuyên dụng - oil/chemical tanker, trọng tải toàn phần 8.804 tấn, tổng dung tích 5.379 GT.
Đối chiếu với nội dung nhóm 89.01 nêu trên, trường hợp mặt hàng thực tế được xác định là tàu chuyên chở chất lỏng hoặc khí hóa lỏng (tankers), tổng dung tích trên 5.000 GT nhưng không quá 50.000 GT thì phù hợp thuộc nhóm 89.01, mã số 8901.20.70.
2. Về thuế suất thuế nhập khẩu:
Căn cứ Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ: mặt hàng có mã số 8901.20.70 áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 2%.
3. Về chính sách thuế giá trị gia tăng:
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 17 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như sau:
“17. Hàng hóa thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu trong các trường hợp sau:
…
c) Tàu bay (bao gồm cả động cơ tàu bay), dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại.
…
Danh mục tàu bay, dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước đã sản xuất được làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành”.
Đối chiếu Phụ lục I Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/03/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì:
- Số thứ tự 70: Tàu chở dầu: Mã số theo Biểu thuế nhập khẩu là 8901.20.80: Chiều dài toàn bộ (Lmax=245m); Chiều dài giữa 2 trụ (Lbp=236m); Chiều rộng thiết kế (Btk=43m); Chiều cao mạn (Dtk=20m), mớn nước thiết kế 11,7m, mớn nước đầy tải 14m, định biên thuyền viên 27 người, tốc độ khai thác v=15 hải lý/h; loại trọng tải đến 104.000DWT và 105.000DWT.
- Số thứ tự 71: Tàu chở khí hóa lỏng: Mã số theo Biểu thuế nhập khẩu là 8901.20: Trọng tải đến 5000 tấn
Đề nghị công ty đối chiếu các thông số kỹ thuật của tàu dự kiến nhập khẩu với Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được nêu trên để xác định hàng hóa trong nước đã sản xuất được hay chưa làm cơ sở xác định chính sách thuế giá trị gia tăng. Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị công ty cung cấp đầy đủ thông tin mô tả các thông số kỹ thuật tàu (như kích thước, trang thiết bị chuyên dùng, tính năng kỹ thuật như công suất động cơ, tốc độ tối đa...) và các hồ sơ liên quan (giấy chứng nhận tàu, đăng kiểm, hồ sơ nhập khẩu tàu ...), gửi trực tiếp đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế xuất nhập khẩu trả lời để Công ty CP Vận tải Xăng dầu Đường Thủy Petrolimex được biết.
https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Xuat-nhap-khau/Cong-van-6254-TXNK-CST-2019-ve-thue-nhap-khau-va-thue-gia-tri-gia-tang-420002.aspx | KT. CỤC TRƯỞNG |