Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) là hai loại giấy tờ pháp lý thường xuyên được nhắc đến, đặc biệt là đối với nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thực hiện việc đầu tư tại Việt Nam. Vậy làm thế nào để phân biệt giữa 02 loại Giấy chứng nhận trên? Trong phạm vi bài viết dưới đây sẽ cung cấp một vài tiêu chí nổi bật giúp bạn dễ dàng nhận ra điểm khác nhau giữa ERC và IRC.
Tiêu chí | ERC | IRC |
Khái niệm | Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp (khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020) | Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư (khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020) |
Nội dung | 1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; 2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; 3. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; 4. Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân. (Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020) | 1. Tên dự án đầu tư. 2. Nhà đầu tư. 3. Mã số dự án đầu tư. 4. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng. 5. Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư. 6. Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động). 7. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. 8. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: a) Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; b) Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn. 9. Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có). 10. Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có). (Điều 40 Luật Đầu tư 2020) |
Đối tượng cấp | Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp | Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước và tổ chức kinh tế theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư 2020. |
Điều kiện cấp | - Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh: Điều này được hiểu là doanh nghiệp có thể được tự do kinh doanh các ngành nghề, bao gồm cả ngành nghề có điều kiện nếu đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh. - Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này: Tên của doanh nghiệp được đặt phải có tính phân biệt nhất định, không gây nhầm lẫn. Đồng thời không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. - Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ; - Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. (Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020) | - Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; - Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư; - Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này; - Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có); - Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. (Khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư 2020) |
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết | Cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. (Điều 14,15 Nghị định 01/2021/NĐ-CP) | Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau: - Trường hợp 1: Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp 3. - Trường hợp 2: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp 3. - Trường hợp 3: Cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây: + Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; + Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; + Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý (Điều 39 Luật Đầu tư 2020) |
Thời hạn giải quyết | Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. | Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. (Khoản 3 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP) |
#TrangVũ
#HAN
#INC