1. Khái niệm tài khoản DICA
DICA là tên gọi tắt của Direct Investment Capital Account, có nghĩa là “Tài
khoản vốn đầu tư trực tiếp”. Theo
khoản 5 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN định nghĩa “Tài khoản vốn đầu
tư trực tiếp là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do
doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài mở tại
ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư
trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.”
Theo đó, Khoản 3 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN định nghĩa “Ngân hàng được phép bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật.”. Ngoài ra, Khoản 12 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối năm 2013 quy định “Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam”.
Như vậy, tài khoản DICA có thể hiểu đơn giản là một hình thức liên kết cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển vốn đầu tư (tiền đầu tư) từ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Đối tượng mở và sử dụng tài khoản DICA
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 06/2019/TT-NHNN quy định các đối tượng mở và sử dụng tài khoản DICA là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau:- Thứ nhất, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN gồm có:
- Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 06/2019/TT-NHNN có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
- Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án (sau đây gọi là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP). Theo đó, Khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN quy định Nhà đầu tư nước ngoài” bao gồm: cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
- Phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại 01 (một) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
- Tương ứng với loại ngoại tệ thực hiện góp vốn đầu tư, chỉ được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại ngoại tệ đó tại 01 (một) ngân hàng được phép.
- Trường hợp thực hiện đầu tư bằng đồng Việt Nam, được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng đồng Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hợp đồng BCC hoặc trực tiếp thực hiện nhiều dự án PPP, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp riêng biệt tương ứng với mỗi hợp đồng BCC, dự án PPP.
3. Tài khoản DICA có lợi ích gì?
Việc mở tài khoản DICA của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư, kinh doanh trực tiếp vào thị trường Việt Nam có những lợi ích sau đây:- Mọi hoạt động và giao dịch như thu, chi bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài là hoàn toàn hợp pháp.
- Được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến việc chuyển vốn qua tài khoản DICA hoặc các giao dịch của nhà đầu tư để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
- Giao dịch dễ dàng và thuận tiện hơn.
- An toàn, bảo mật các giao dịch và nguồn vốn từ nước ngoài gửi về.
4. Những lưu ý khi mở và sử dụng tài khoản DICA
- Thứ nhất, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm kê khai trung thực, đầy đủ nội dung giao dịch; cung cấp các tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam theo yêu cầu và hướng dẫn của tổ chức tín dụng được phép khi mở tài khoản.
- Thứ hai, khi thực hiện các khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng để mở tài khoản DICA, thì doanh nghiệp được phép mở thêm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng loại đồng tiền đi vay tại ngân hàng được phép - nơi đã mở tài khoản DICA để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp liên quan đến khoản vay nước ngoài (Khoản 3 Điều 5 Thông tư 06/2019/TT-NHNN).
- Thứ ba, Theo khoản 4 Điều 5 Thông tư 06/2019/TT-NHNN doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư nước ngoài muốn thay đổi ngân hàng được phép - nơi đã mở tài khoản DICA thì phải thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Mở tài khoản DICA tại ngân hàng được phép khác.
- Bước 2: Chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản DICA đã mở trước đây sang tài khoản DICA mới, sau đó đóng tài khoản DICA đã mở trước đây lại.
- Bước 3: Tài khoản DICA tại ngân hàng được phép khác (tài khoản mới) chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi được quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 06/2019/TT-NHNN sau khi hoàn tất các bước nêu trên.
- Thứ năm, tài khoản vốn đầu tư trực tiếp có thể mở bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam. Các giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam cần tuân thủ quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư 06/2019/TT-NHNN.
Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/v5-cam-nang/9924/tai-khoan-dica-la-gi-doi-tuong-mo-va-su-dung-tai-khoan-dica
Quy định pháp luật có liên quan
- Pháp lệnh ngoại hối năm 2005
- Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối năm 2013
- Thông tư số 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào việt nam do Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- Nghị định số 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh ngoại hối sửa đổi